Hàn Quốc: Nhân phẩm kêu cứu

Xã hội gia trưởng ở Hàn Quốc thường gây sức ép đến những nạn nhân của tội phạm tấn công tình dục để buộc họ phải im lặng, từ đó dẫn đến việc nhiều vụ án thuộc loại này bị bưng bít và nếu có đem ra xét xử thì mức án cũng nhẹ nhàng. Nhưng điều này đang thay đổi sau khi bộ phim "Gogani" (Buộc phải im lặng) được công chiếu tại Hàn Quốc vào năm 2011.

Bộ phim dẫn đến cuộc tranh cãi về tội phạm tấn công tình dục trên khắp Hàn Quốc, đồng thời nêu bật thân phận dễ bị xâm hại của trẻ em gái vị thành niên và phụ nữ khuyết tật ở nước này.

Tại phiên tòa phúc thẩm ở thành phố Gwangju, miền Nam Hàn Quốc vào năm 2006, một thầy giáo Trường Inhwa bị buộc tội cưỡng bức bé gái 13 tuổi bị khiếm thính và mức án dành cho bị cáo là 1 năm tù. Bản án quá nhẹ đã gây bức xúc trong dư luận Hàn Quốc và nhà văn Gong Ji-young đã dựa vào câu chuyện trên sáng tác một cuốn tiểu thuyết về nạn tấn công tình dục bị bưng bít ở nước này và cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân.

Bộ phim dựa theo cuốn sách của Gong Ji-young có tên "Buộc phải im lặng" được công chiếu ngày 22/9/2011 với 4,4 triệu người xem (tức gần 1/10 dân số, theo Ủy ban Điện ảnh Hàn Quốc), trong đó có Tổng thống Lee Myung-bak, một số thẩm phán và công tố viên cao cấp. Sau đó, Tổng thống Lee Myung-bak là một trong những người đầu tiên lên tiếng kêu gọi sự thay đổi về luật pháp và thể chế, thông qua luật mới cứng rắn hơn nữa đối với loại tội phạm tấn công tình dục.

Lãnh đạo Tòa án Tối cao Hàn Quốc cũng thừa nhận xã hội từ lâu đã giận dữ phê phán hệ thống luật pháp "yujeonmujoe mujeonnyujoe", tức là "người giàu không có tội mà chỉ người nghèo có tội" của nước này. Còn nghị sĩ Park Jun-sun thuộc đảng Đại Dân tộc cầm quyền (GNP) cho biết một luật mới cứng rắn sẽ gửi thông điệp đến bọn tội phạm tấn công tình dục rằng chúng sẽ bị xử lý đến cùng.

Bộ phim "Buộc phải im lặng" kinh phí thấp, cấm trẻ em dưới 18 tuổi, thật sự đã có tác động mạnh đến xã hội gia trưởng Hàn Quốc. Nhà xã hội học Chun Sang-chin ở Đại học Sogang nhận định, bộ phim đã phản ánh đúng thực trạng của xã hội Hàn Quốc.

Trong vụ án ở Trường Inhwa, 4 giáo viên và nhân viên bị buộc tội cưỡng bức hay quấy rối tình dục nhằm vào ít nhất 8 học sinh từ 7 đến 22 tuổi, trong đó một số là trẻ mồ côi, khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, từ năm 2000 đến 2004. Nhưng cuối cùng chỉ có 2 người bị tuyên án! Trong khi đó, các thẩm phán, luật sư biện hộ và sĩ quan cảnh sát liên quan trong vụ án trường học Inhwa không thừa nhận họ xử lý yếu kém. Đạo diễn phim Hwang Dong-hyeok cho biết, mặc dù phát triển song đất nước Hàn Quốc vẫn tồn tại nhiều vấn đề đạo đức đáng tranh cãi.

Vụ quấy rối tình dục ở Trường Inhwa chỉ được đưa ra ánh sáng vào năm 2005 sau khi một giáo viên trình báo vụ việc đến các nhóm nhân quyền, và người này sau đó đã bị nhà trường sa thải. Cảnh sát chỉ bắt đầu vào cuộc điều tra vụ án Trường Inhwa vào 4 tháng sau, khi một nhóm cựu học sinh lên tiếng trên Đài Truyền hình quốc gia. Và khi chính quyền thành phố Gwangju và Ban giám hiệu Trường Inhwa muốn lấp liếm vụ việc, một đám đông học sinh và phụ huynh buộc phải biểu tình ngồi suốt 8 tháng trước Tòa thị chính để đòi công lý.

Sinh viên khuyết tật hàn Quốc tuần hành phản đối tội phạm tấn công tình dục trước Tòa Thị chính Gwangju.

Ser In-whan, Tổng thư ký Liên đoàn các tổ chức người khuyết tật Hàn Quốc (KFOD), khẳng định vấn đề không chỉ xảy ra ở Trường Inhwa mà tình trạng vi phạm nhân quyền đối với phụ nữ đang lan tràn ở nước này.

Bộ phim "Buộc phải im lặng" ra đời sau một loạt vụ việc cho thấy hệ thống tư pháp Hàn Quốc đã không bảo vệ các nạn nhân, trong khi những người giàu có và thành viên của những gia đình gọi là "chaebol" - tức những người kiểm soát các tập đoàn khổng lồ của Hàn Quốc như Samsung, LG và Lotte - luôn cư xử như đứng trên luật pháp.

Ví dụ vào năm 2010, Chaey Cheol-won, 41 tuổi - ông chủ công ty vận tải và cháu của một trong những người giàu nhất Hàn Quốc - bị buộc tội hành hung một cựu nhân viên công đoàn 52 tuổi đến 13 lần song cuối cùng chỉ nhận mức án treo! Thậm chí, Cheol-won còn ném tấm ngân phiếu 20 triệu won vào mặt nạn nhân của mình.

Theo số liệu của Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc, năm 2010 xảy ra 320 vụ tấn công tình dục. Nhưng theo đánh giá của chính quyền, chưa đến 10% số nạn nhân trình báo với cảnh sát vì sợ phải xuất hiện công khai trước tòa án sẽ bị dư luận đàm tiếu.

Pyo Chang-won, Phó giáo sư Đại học Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc, cho biết giới hạn thời gian cho những vụ điều tra tội phạm đã giúp cho nhiều vụ án tấn công tình dục không được đưa ra xét xử và công tố viên đành bất lực khi vụ án đã xảy ra quá lâu. Nhưng, theo Pyo Chang-won, công nghệ ADN tiên tiến hiện nay giúp cho các nhà điều tra chứng minh được vụ án cho dù nó xảy ra đã nhiều năm.

Còn theo bà Lee Eun-sang, lãnh đạo Trung tâm Hỗ trợ nạn nhân bạo lực tình dục của Hàn Quốc, giữa các năm 2004 và 2006, trung tâm của bà đã tiếp nhận hơn 650 đơn kiện từ các nạn nhân bị xâm hại tình dục.

May mắn cho phụ nữ Hàn Quốc là nhiều chiếc ghế trong Quốc hội đã thuộc về phụ nữ. Năm 2012, phụ nữ đã nắm giữ được nhiều vị trí quyền lực nhất ở Hàn Quốc. Ví dụ, đảng Saenuri nằm dưới sự lãnh đạo của một phụ nữ và được cho là người có quyền lực nhất Hàn Quốc hiện nay.

Trong thời gian gần đây, Hàn Quốc lại tiếp tục dậy sóng khi một quan chức của Công ty giải trí Open World của nước này bị tố cáo quấy rối và tấn công tình dục một số nữ nghệ sĩ. Vào tháng 3/2009, nữ diễn viên Jang Ja-yun (ngôi sao trong phim "Boys Over Flowers") tự sát vị bị cưỡng bức đã gây xôn xao dư luận Hàn Quốc

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/sukien/2012/6/78346.cand