Hai vế, một vấn đề

(VEN) - Xoay quanh vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp để đạt được “hai vế” là giá trị cạnh tranh và phát triển bền vững, bên thềm Xuân Quý Tỵ 2013, phóng viên báo Kinh tế Việt Nam ghi nhận một số ý kiến gợi mở cũng như mô hình thực tiễn… ngõ hầu kỳ vọng vào một mùa bội thu nối tiếp trong năm 2013 bởi năm 2012, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục là “sao sáng dẫn đường” với kim ngạch xuất khẩu 27,5 tỷ USD,không chỉ giúp đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm và thu nhập cho trên 70% dân cư, mà còn là “trụ đỡ” đặc biệt quan trọng, góp phần phát triển kinh tế đất nước, xóa đói giảm nghèo và ổn định chính trị - xã hội.

Hướng dẫn cách ươm cây giống.

Ông Hồ Xuân Hùng - Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT:

Ông Hồ Xuân Hùng

Đề cập đến lộ trình tái cơ cấu nền nông nghiệp Việt Nam, trước hết tôi muốn nhắc đến vai trò “trụ đỡ” của nền nông nghiệp trong việc đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên để vai trò này thực sự bền vững, theo tôi, trong năm 2013 cần phải tiếp tục “xáo xới” vấn đề bảo hiểm cho nền sản xuất nông nghiệp bởi bất cứ một quốc gia nào thì sản xuất nông nghiệp rủi ro cũng rất lớn, đặc biệt là khi Việt Nam là một trong 5 quốc gia phải gánh chịu nhiều hậu quả của biến đổi khí hậu. Nếu không có bảo hiểm thì dù có đầu tư bao nhiêu đi nữa và tạo ra nhiều “giá đỡ” thì vẫn hẫng hẳn một giá đỡ vững vàng cho nền sản xuất nông nghiệp. Theo đánh giá, ngành nông nghiệp Việt Nam hiện đang tiến hành tái cơ cấu dựa trên những thế mạnh nhất định. Không giống các ngành khác như công nghiệp, xây dựng, dịch vụ hay ngân hàng phải tái cơ cấu trong điều kiện khủng hoảng thừa và cơ cấu đầu tư lộn xộn, bố trí quy hoạch sai thì điều kiện tái cơ cấu nông nghiệp của Việt Nam trong bối cảnh nền sản xuất đang phát triển tương đối tốt với những ngành hàng có ảnh hưởng và vị thế trong nước cũng như quốc tế rất cao như cà phê, tiêu, điều, cao su... Nhưng nói như vậy không có nghĩa là tái cơ cấu nông nghiệp đơn độc riêng lẻ mà phải đặt trong bối cảnh tái cơ cấu lại công nghiệp và du lịch bởi vì quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước đang chi phối rất lớn quá trình tái cơ cấu nông nghiệp. Ngoài ra nhu cầu tiêu dùng trong nước hiện nay đã thay đổi rất lớn từ lượng sang chất thì tái cơ cấu nông nghiệp phải bắt đầu ngay trong cơ cấu của từng sản phẩm nông sản để gia tăng giá trị. Một mặt khác, tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải gắn với tái cơ cấu vùng. Nếu không gắn được với tái cơ cấu vùng thì chúng ta lại phải làm những bước điều chuyển nữa. Vùng đây không nên hiểu là vùng miền, vùng địa lý mà là “vùng hàng hóa” và yếu tố này cần phải được liên tục bổ sung trong quá trình thực hiện. Chúng ta phải tính từng bước đi cho rõ, ví dụ như vấn đề rau sạch, rau an toàn hoặc nông nghiệp công nghệ cao. Dù có “công nghệ cao” nhưng với phương thức quản lý lỏng lẻo như hiện nay cũng khó mà phát huy hiệu quả. Hơn nữa cũng phải tính đến nhu cầu. Chẳng hạn như hiện nay người tiêu dùng thích ăn con gà thả hơn là gà công nghiệp trong khi tái cơ cấu chăn nuôi lại chú trọng chăn nuôi công nghệ cao thì chưa hẳn đáp ứng được nhu cầu. Tôi lật lại như vậy để muốn nhấn mạnh rằng tái cơ cấu nông nghiệp về lộ trình và xu hướng là đúng nhưng cách làm phải bám sát được nhu cầu và xu thế tiêu dùng. Tất cả những vấn đề đó cần phải được đặt ra và tính toán kỹ lưỡng.

Bà Meirav Eilon Shahar – Đại sứ Israel tại Việt Nam:

Bà Meirav Eilon Shahar

Ngành nông nghiệp Israel chúng tôi được hưởng lợi rất nhiều từ nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như các dịch vụ khuyến nông mà Chính phủ cung cấp cho nông dân để chia sẻ thông tin và những bài học kinh nghiệm từ nghiên cứu cho người nông dân. Nông nghiệp của Israel không phụ thuộc nhiều vào lợi thế tự nhiên mà chủ yếu là lợi thế về mặt công nghệ. Đất đai, nguồn nước đều khan hiếm nhưng do có công nghệ nên tăng được lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng. Từ thực tế và kinh nghiệm của Israel, chúng tôi có đề xuất về các vấn đề liên quan đến tái cơ cấu nông nghiệp của Việt Nam. Trước hết, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp đòi hỏi các bạn phải có những chuyển đổi nhất định, đặc biệt là vai trò của chính phủ phải chuyển đổi từ vai trò của người cung cấp sang vai trò của người hỗ trợ để kích thích và khơi thông các nguồn đầu tư của khối tư nhân cho nông nghiệp. Vậy trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam có thể làm gì? Theo quan điểm của chúng tôi, để khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư vào nông nghiệp, chính phủ cần đơn giản hóa và tự do hóa các tiến trình cho các nhà đầu tư nông nghiệp tiềm năng từ thủ tục đăng ký cho đến các thủ tục hải quan, bảo hiểm, thuế…cũng như có các ưu đãi khuyến khích cho các công ty có các công nghệ sạch và tiên tiến. Riêng với Việt Nam, để tăng cường thu hút đầu tư FDI vào nông nghiệp, cần phải có chính sách bảo vệ sở hữu trí tuệ bởi việc chuyển giao công nghệ có vai trò rất quan trọng trong nông nghiệp để chúng ta có thể tăng chất và lượng của sản phẩm. Các công ty Israel rất muốn chia sẻ công nghệ với nông dân Việt Nam nhưng cần có sự đảm bảo rằng các lợi ích của các bên phải được bảo vệ trong đó có việc bảo vệ sở hữu trí tuệ…

Ông Ted van der Put – Giám đốc Chương trình IDH Hà Lan:

Ông Ted van der Put

IDH Hà Lan hiện là một tổ chức hợp tác công – tư PPP của Hà Lan tập hợp các liên minh hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh “đón đầu”; thiết kế các chương trình về những tác động chính lên sản xuất nông nghiệp bền vững và tìm nguồn cung ứng. Hiện chúng tôi có 16 chuỗi hàng hóa cùng 70 đối tác là các công ty đa quốc gia và các chương trình của IDH đang tiến hành tại Việt Nam tập trung vào các ngành hàng như chè, cà phê, cacao...

Tôi cho rằng: Trong vài năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng nhanh trong sản xuất của những hàng hóa nông sản như: Trà, cà phê, tôm, cá tra. Tuy nhiên, nhìn chung, chất lượng và tính bền vững (cả trong nhận thức và thực tế) của việc sản xuất đều không đầy đủ để đảm bảo những lợi ích bền vững lâu dài cho nhà sản xuất Việt Nam. Trong rất nhiều ngành, khi đề cập đến tái cơ cấu, điều cần thiết là phải củng cố môi trường thuận lợi để giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống đó. Tôi lấy ví dụ về sự cạnh tranh không lành mạnh có thể làm chất lượng giảm mà điển hình là trong ngành hải sản và trà. Hai ngành này hiện đang rơi vào một vòng lặp lại làm cho chất lượng đi xuống.

Chúng tôi không gây tác động lên sự cạnh tranh nhưng chúng tôi có thể quản lý chất lượng sản phẩm đang được buôn bán/xuất khẩu tốt hơn thông qua việc chứng nhận và áp dụng rộng rãi cách thức thực hành (bền vững) tốt hơn để có thể dần dần thay đổi hình ảnh của các nhà sản xuất Việt Nam. Vào tháng 9/2012, trang trại nuôi cá tra đầu tiên đã nhận được chứng nhận ASC, một phần trong chương trình Thúc đẩy chứng nhận ASC của chúng tôi.

Ngoài ra với mô hình hợp tác công tư PPP, IDH cũng đang quản lý Chương trình phát triển cà phê bền vững và đã khởi động vào đầu tháng 12/2012 tại Diễn đàn sản xuất cà phê bền vững tổ chức ở Việt Nam. Thông qua chương trình này, chúng tôi sẽ áp dụng các cách thức thực hành tốt; thúc đẩy các tổ chức nông dân hiệu quả; giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu (cà phê và biến đổi khí hậu) cũng như tìm kiếm cách tiếp cận thị trường cho người dân. Đối với chương trình trà, chúng tôi đang thiết lập mối quan hệ với Unilever và Hiệp hội trà Việt Nam (Vitas), và hy vọng sẽ được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác công tư PPP dưới sự quản lý của Bộ NN&PTNN

Chúng tôi cho rằng sự tăng trưởng bền vững và gia tăng giá trị cạnh tranh là trách nhiệm chung của ngành nông nghiệp và cơ chế hợp tác công tư PPP mang tính chất cấp tiến có thể giải quyết hiệu quả các thách thức bền vững. Tận dụng sự sẵn sàng của các tổ chức tư nhân (trong nước và quốc tế) để đóng góp vào khẩu hiệu chung: “Chúng ta cùng chung một con thuyền” và công thức: Sản xuất bền vững + Cải tiến chất lượng = tạo ra giá trị bền vững...

Ông Vũ Quốc Tuấn - Đại diện Tập đoàn Nestle Việt Nam:

Ông Vũ Quốc Tuấn

Trong lộ trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà cụ thể là các ngành hàng thế mạnh của Việt Nam, từ năm 2011, Nestle Việt Nam đã cùng tham gia Ban Điều phối Hợp tác Công tư PPP trong ngành hàng cà phê nhằm mục đích “Biến Việt Nam trở thành quốc gia được biết đến với sản phẩm cà phê Robusta”. Theo đó tham gia mô hình này gồm đại diện một số công ty tư nhân như: Nestle, Yara, Syngenta, Bayer; các tổ chức tài chính như: Công ty Tài chính quốc tế (IFC), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (AgriBank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Khu vực nhà nước gồm Bộ NN&PTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (NAEC) và các Sở NN&PTNT, Phòng Nông nghiệp huyện, UBND xã, Hội Nông dân cấp xã...

Thông qua hợp tác, Nestle Việt Nam đã cùng NAEC triển khai mô hình thí điểm 50 điểm mẫu với gần 2.000 nông dân tại các tỉnh có thế mạnh về cà phê của Việt Nam thông qua tăng cường kiểm soát dịch bệnh; chia sẻ kiến thức và cung cấp đào tạo cho nông dân qua đó đã giúp tăng năng suất 5%, cải thiện kích cỡ hạt đậu (+6%) và giảm tỷ lệ hao hụt do phẩm chất kém (2%) và đặc biệt là tăng khả năng lợi nhuận của người nông dân. Có thể nói, Nestle đã thành lập nên các cơ chế hợp tác để có những ảnh hưởng tích cực đến tiến trình sản xuất của người nông dân từ kết quả đầu vào cho đến kết quả đầu ra. Sau khi chúng tôi tổ chức được cơ cấu ngành hàng cà phê thì chúng tôi mới nghĩ đến việc tập hợp tổ chức những người nông dân thành những nhóm để tổ chức sản xuất dựa trên sự hỗ trợ của NAEC. Và cách mà chúng tôi phối hợp với chính phủ đã có những hiệu quả vì công ty chúng tôi có nguồn lực nhưng lại không thể có mạng lưới như chính phủ và chúng tôi kết hợp nguồn lực cũng như sử dụng sức mạnh của từng đối tác để xây dựng nên mô hình PPP để hỗ trợ người nông dân. Hiện nay chúng ta đang có một mô hình tốt khi ngân hàng - doanh nghiệp - nhà nước cùng hợp tác trong việc cấp chứng nhận cho cà phê của Việt Nam nhờ đó mới phát huy hết các nguồn lực và mới thúc đẩy PPP phát triển. Về cơ chế của Nhà nước, trong năm 2013 tới, tôi mong Nhà nước ngoài việc hỗ trợ khuyến nông còn hỗ trợ bằng chính sách, kinh phí để cho PPP ngày càng mở rộng và tiến nhanh hơn nữa trong ngành hàng cà phê.../.

Tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam hiện vẫn chủ yếu theo chiều rộng thông qua tăng diện tích, tăng vụ và dựa trên mức độ thâm dụng các yếu tố vật chất đầu vào cho sản xuất và nguồn lực tự nhiên cao. Mặt khác, gần đây, sản xuất nông nghiệp đã và đang có dấu hiệu gây tác động tiêu cực đến môi trường như làm giảm đa dạng sinh học, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, gây khan hiếm và ô nhiễm nguồn nước, tăng chi phí sản xuất và đe dọa tính bền vững của tăng trưởng. Vì vậy, chất lượng và sự bền vững của tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam là vấn đề cần được quan tâm trong giai đoạn tới...

Nguyễn Tiến Dũng

Tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam hiện vẫn chủ yếu theo chiều rộng thông qua tăng diện tích, tăng vụ và dựa trên mức độ thâm dụng các yếu tố vật chất đầu vào cho sản xuất và nguồn lực tự nhiên cao. Mặt khác, gần đây, sản xuất nông nghiệp đã và đang có dấu hiệu gây tác động tiêu cực đến môi trường như làm giảm đa dạng sinh học, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, gây khan hiếm và ô nhiễm nguồn nước, tăng chi phí sản xuất và đe dọa tính bền vững của tăng trưởng. Vì vậy, chất lượng và sự bền vững của tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam là vấn đề cần được quan tâm trong giai đoạn tới...

Nguồn VENO: http://www.ven.vn/hai-ve-mot-van-de_t77c440n34353tn.aspx