Hải quan ở điểm đầu chữ S

(HQ Online)- Trong chuyến công tác đầu năm tại Quảng Ninh, tôi lại có dịp ra thăm Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vạn Gia (Cục Hải quan Quảng Ninh), đơn vị Hải quan nơi hải đảo trên vùng biển Đông Bắc Tổ quốc.

Tập thể CBCC Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vạn Gia.

Một lần nữa tôi lại được trải nghiệm cảm giác “sóng gió”, và thêm một lần nữa thấu hiểu hơn sự vất vả của những cán bộ công chức Hải quan nơi đầu sóng, ngọn gió.

Nếu như Đất Mũi- Cà Mau là địa danh cuối cùng của dải chữ S trên bản đồ Việt Nam thì Mũi Ngọc- Quảng Ninh là điểm đầu của mũi chữ S. Đứng từ Mũi Ngọc nhìn ra xa là đảo Vĩnh Thực, nơi Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vạn Gia đứng chào, chính vì vậy Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vạn Gia có vị trí đặc biệt quan trọng trong bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia, nhất là chủ quyền về kinh tế trên biển. Trong đó có vai trò quan trọng trong công tác kiểm soát, chống buôn lậu trên tuyến biển tiếp giáp Trung Quốc.

Chúng tôi tới Mũi Ngọc, thuộc xã Bình Ngọc, TP.Móng Cái, Quảng Ninh khi trời vừa sáng. Đây là nơi chúng tôi sẽ đi xuồng cao tốc ra xã đảo Vĩnh Thực. Trời mờ sương, rét ngọt, một vài chiếc thuyền chở hải sản vào bờ, tiếng máy nổ xen lẫn tiếng cân cá, tôm, cua, ghẹ để kịp ra chợ. Dường như âm thanh quen thuộc ấy là khởi đầu cho nhịp sống ngày mới ở nơi đầu sóng này.

Chúng tôi phải choàng kín khăn, ngồi sát lại với nhau nếu không muốn bị “bay” ra khỏi chiếc xuồng đang lướt đi trên sóng. Nhìn mặt biển bình lặng là thế, nhưng có ngồi lên xuồng mới biết, cảm giác sóng gió không hề dễ chịu chút nào, nhiều lúc cảm tưởng như bạn có thể bay ra khỏi xuồng và rơi tõm xuống biển bất cứ lúc nào. Quanh xuồng chúng tôi, vẫn có những con tàu đánh cá của ngư dân ngược xuôi, mặc dù Tết đang đến gần nhưng nhiều ngư dân vẫn bám biển đánh cá trên vịnh Bắc Bộ.

Về khoảng cách địa lý, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vạn Gia chỉ cách đất liền 7 km, thời tiết thuận lợi thì chỉ mất 15 phút di chuyển bằng xuồng cao tốc là tới nơi. Tuy nhiên, hôm nào mưa hay biển động, thì việc di chuyển vô cùng khó khăn, vất vả. Tôi may mắn vì đã được ra thăm Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vạn Gia hai lần trước đó, mỗi lần đều được “nếm thử” những cảm giác sóng gió khác nhau.

Nhớ lần đầu tiên, cách đây 5 năm, tôi ra đảo Vĩnh Thực vào mùa Hè, trời xanh biển lặng, những tưởng chỉ việc ngồi xuồng cao tốc sau vài phút là được đặt chân tới đảo, nhưng tôi nào biết, hôm đó đúng vào hôm nước cạn. Vì vậy mà lần đầu tiên trong đời tôi đã biết thế nào là kiểu đi đánh võng trên biển- nhiều lúc tưởng như xuồng sắp lật ngược bởi xuồng cao tốc lại phải đi với tốc độ tối đa, luồn lách ra những roi cát, người lái phải ngắm thật chuẩn, đi thật khéo bởi chỉ chệch tay lái một chút là tàu mắc cạn. Kiểu đi này được các cán bộ Hải quan nơi đây trêu đùa và đặt cho cái tên là “tráng trứng” - đúng như kiểu tráng 1 lớp trứng mỏng trên bề mặt chảo, nghiêng bên nọ, lắc bên kia sao cho đều và kín cả mặt chảo. Người lái khéo là một chuyện, người ngồi trên xuồng nếu không khéo cũng có thể bay ra khỏi xuồng bất cứ lúc nào. Khoảng cách ngắn là thế, nhưng để đặt chân lên tới đảo cũng phải sau 45 phút luồn lách di chuyển giữa các dòng nước trên biển, tôi đặt chân lên đảo cũng “mặt xanh nanh vàng”.

Lần thứ hai ra đảo lại là một ngày mùa Đông trời lác đác mưa, nhìn nước dâng cao tôi yên tâm vì không phải thử lại cảm giác “tráng trứng” như lần trước, cũng chủ quan chỉ mặc chiếc áo mưa mỏng. Nhưng tất cả sự việc diễn ra đều không như những gì tôi phán đoán, bởi cuộc sống trên biển vốn khắc nghiệt hơn rất nhiều. Lần đi thứ hai tôi cũng suýt bị bay ra khỏi tàu. Đặt chân được lên đảo cũng là lúc đầu tóc và quần áo ướt sũng, chiếc áo mưa của tôi bị gió đánh rách te tua.

Kể lại những lần ra đảo để bạn đọc hình dung được một phần rất nhỏ những khó khăn của CBCC Hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vạn Gia, bởi đây là cung đường các anh phải di chuyển thường xuyên và là môi trường các anh phải làm việc hàng ngày.

Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vạn Gia- Trịnh Văn Nhuận cho chúng tôi biết, Chi cục Hải quan Vạn Gia được thành lập từ ngày 25-11-1993. Khi thành lập Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vạn Gia chỉ là một đơn vị nhỏ, với biên chế khoảng 10 CBCC. Từ đó đến nay mặc dù trải qua rất nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng các thế hệ CBCC Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vạn Gia đã luôn cố gắng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà ngành Hải quan cũng như Cục Hải quan Quảng Ninh giao.

Hiện nay, đơn vị có 33 CBCC, với cơ cấu tổ chức gồm 3 đội công tác: Đội Tổng hợp; Đội Thủ tục hàng hóa XNK; Đội Kiểm tra giám sát và kiểm soát hải quan. Trong các năm 2008-2015, trung bình mỗi năm kim ngạch XNK qua địa bàn quản lý của Chi cục đạt khoảng 410 triệu USD. Trong đó, kim ngạch XK đạt 283 triệu USD, thu vào NSNN khoảng 171 tỷ đồng. Riêng năm 2015, số thu NSNN của Chi cục đạt hơn 1.925 tỷ đồng, đạt hơn 128% chỉ tiêu đề ra.

Một tin vui đối với đơn vị là ngày 5-3-2015, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 414/QĐ-BTC đổi tên Chi cục Hải quan Vạn Gia thành Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vạn Gia. Với việc thay đổi tên này đơn vị sẽ được thực hiện toàn bộ các thủ tục hải quan đối với tất cả các loại hình hàng hóa XNK, tương tự như với các cảng biển quốc tế khác trong cả nước.

Có thể nhận thấy, do nằm ở vị trí đặc biệt nên cửa khẩu cảng Vạn Gia luôn là “điểm nóng” được các đối tượng buôn lậu tìm cách vượt qua. So với các cửa khẩu khác hiện có tại Quảng Ninh, cửa khẩu cảng Vạn Gia là cửa khẩu biển duy nhất, được mệnh danh là “yết hầu” để ngăn chặn buôn lậu và kiểm soát hàng hóa. Hàng hóa XK bằng đường biển đi qua tỉnh Quảng Ninh hầu hết đều phải qua “yết hầu” này. Từ đây ra đến vùng biển quốc tế có hải trình rất ngắn và hết sức quan trọng. Vì vậy, hàng lậu nếu lọt qua được cửa khẩu này coi như đã thoát hiểm.

Vì vậy mà nhiệm vụ nặng nề và vất vả đều dồn lên vai những CBCC hải quan của Đội Kiểm tra giám sát và kiểm soát hải quan, phải làm việc và sinh hoạt 24/24 trên tàu tuần tra, kiểm soát của Hải quan. Di chuyển trên biển khó khăn là một nhẽ, việc sinh hoạt nấu nướng, tắm giặt, ngủ nghỉ trên tàu lại càng vất vả hơn gấp bội, vì ở cửa biển sóng to nên tàu lúc nào cũng bị sóng biển đánh, vỗ và luôn trong trạng thái đung đưa, lắc, nghiêng.

Nhiều tình huống “oái oăm” xoay quanh những sinh hoạt trên tàu của CBCC hải quan của Đội Kiểm tra giám sát và kiểm soát hải quan đã được các anh kể lại với giọng điệu đầy hài hước. Đó là những tình huống: Gạo mang ra đến gần mạn nhưng gặp con sóng to đẩy rơi hết xuống biển, hay như đang tắm thì cục xà phòng rơi xuống biển, mâm cơm vừa được bày, chưa kịp ăn chợt có con sóng to ào tới làm đổ gần hết… Nghe thì buồn cười đấy, nhưng tôi thấy nhói trong lòng, rồi cả những hình ảnh, các anh đi lại với đất liền bằng thuyền, mảng chèo tay (vì không đủ xăng dầu chạy xuồng liên tục...) cứ lặp đi lặp lại trong tâm trí tôi.

Vất vả là thế, nhưng trong năm 2015, thành tích chống buôn lậu của đơn vị đạt được rất đáng kể, bắt giữ được 4 vụ lớn, trong đó bắt 1 vụ 3.000 tấn than, bắt và khởi tố 1 vụ vận chuyển lậu 3.000 tấn quặng. Cùng với đó, đơn vị cũng bắt giữ được rất nhiều hàng cấm, hàng vận chuyển trái phép như: Pháo nổ, quần áo, đồ chơi trẻ em nhãn mác Trung Quốc...

Ngày Tết, chỉ còn lại 50% quân số của đơn vị ở lại trực Tết nhưng không khí tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vạn Gia khá nhộn nhịp, vẫn có tờ khai được mở vào đúng ngày mùng 1 Tết, mỗi người một công việc, người làm nghiệp vụ, người đi thăm hỏi và chúc Tết những hộ nghèo trên đảo. Ăn Tết xa nhà nhưng Tết ở trên đảo vẫn được các anh tổ chức theo cách riêng của mình, quây quần, ấm áp giữa tình đồng chí, đồng bào.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/hai-quan-o-diem-dau-chu-s.aspx