Hai cây bút báo Mặt trận tuổi 90

Nhà báo Thái Duy (Trần Đình Vân) sinh năm 1926 tại Bắc Giang. Còn nhà báo Hùng Lý (Huỳnh Hùng Lý) sinh năm 1927 tại Bến Tre. Mùa xuân này, hai ông đều tuổi 90 và còn khỏe. Một câu tục ngữ nước ngoài: “Con ong già không làm ra mật nữa”. Câu này không đúng với những người cầm bút. Báo Đại Đoàn Kết rất vui, Tết năm nay được mừng tuổi hai cây bút thượng thọ đại thụ của mình, một ngoài Bắc, một trong Nam.

Một lần gặp tôi, nhà văn Nguyễn Quang Sáng nhắc: “Báo Đại Đoàn Kết của Mặt trận có hai cây bút kỳ cựu là Thái Duy và Hùng Lý. Mầy nên viết về hai ông ấy”. Đầu năm 2014, anh lại hỏi:

-Viết chưa?
Tôi cười:
-Trước sau gì tôi cũng viết.

Không ngờ đó là lời nhắc cuối cùng của nhà văn Nguyễn Quang Sáng với tôi. Sau đó vài tuần, anh lặng lẽ ra đi.

Nhà báo Thái Duy (Trần Đình Vân) sinh năm 1926 tại Bắc Giang. Còn nhà báo Hùng Lý (Huỳnh Hùng Lý) sinh năm 1927 tại Bến Tre. Mùa xuân này, hai ông đều tuổi 90 và còn khỏe. Một câu tục ngữ nước ngoài: “Con ong già không làm ra mật nữa”. Câu này không đúng với những người cầm bút. Báo Đại Đoàn Kết rất vui, Tết năm nay được mừng tuổi hai cây bút thượng thọ đại thụ của mình, một ngoài Bắc, một trong Nam.

1. Nhà báo Thái Duy tự hào: Tôi thật may mắn. Đời làm báo của tôi chỉ làm phóng viên thôi. Đầu năm 1949, ông chính thức là phóng viên báo Cứu Quốc (tiền thân báo Đại Đoàn Kết). Bài đầu tiên ông viết là lễ thành lập Sư đoàn Quân Tiên phong 308, sư đoàn chủ lực đầu tiên. Tiếp đến là bài tường thuật Mặt trận Liên Việt nhận Sư đoàn 308 là con nuôi. Sau đó, ông tham gia chiến dịch Biên giới (1950), tiếp tục theo bộ đội mở chiến dịch đường số 18 (Mạo Khê, Uông Bí), rồi chiến dịch Hòa Bình.

Cuối năm 1953, Thái Duy lại theo bộ đội đi chiến dịch Đông-Xuân. Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ 1954 được ký kết, ông vào Thanh Hóa viết về những chuyến tàu biển chở bộ đội, cán bộ, học sinh miền Nam tập kết ở bến Sầm Sơn. Tới chuyến tàu thứ tư, Ban Biên tập nhắn ông sang Bùi Chu, Phát Diệm, Kim Sơn viết về đồng bào Công giáo di cư. Ông chứng kiến hai cảnh khác hẳn nhau: nhân dân Thanh Hóa sôi nổi, hân hoan chào đón những người con miền Nam tập kết, còn đồng bào Công giáo lại bỏ quê hương vừa được giải phóng vào Nam.

Nhà báo Thái Duy.

Đầu năm 1960, một chính phủ thân Pathet Lào đề nghị Chính phủ ta đưa quân sang giúp. Ông Trần Phong, Tổng Biên tập bảo ông Thái Duy: “Phóng viên báo hàng ngày và đài phát thanh đã được theo bộ đội chủ lực sang Lào, báo hàng tuần còn chờ, nếu cậu đi trước được thì cứ đi”. Thế là Thái Duy mang ba lô sang bám chiến trường Lào đến đầu năm 1962 mới về nước.

Sau đó ít lâu báo Cứu Quốc có lệnh đặc biệt: Tổng Biên tập, Thư ký Tòa soạn và một phóng viên vào Nam Bộ để cùng các nhà báo trong ấy tổ chức tờ báo của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. Cuối năm 1963, sau Tết Nguyên đán, Thái Duy (bút danh Trần Đình Vân) cùng Tổng Biên tập Trần Phong (bút danh Kỳ Phương) và Trần Tâm Trí (Tống ĐứcThắng) lên đường vào chiến trường miền Nam tại Tây Ninh. Ngày 20/12/1964, báo Giải Phóng số đầu tiên ra mắt. Trần Đình Vân là phóng viên báo Giải Phóng.

Tháng 3/1965, nhân Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua lần đầu tiên của lực lượng vũ trang miền Nam, Trần Đình Vân được phân công viết về Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, nhưng nhân vật viết không còn nữa. Rất may, chị Phan Thị Quyên, vợ anh Trỗi được mời về dự Đại hội. Trần Đình Vân hỏi chuyện và viết về những lần cuối chị Quyên gặp chồng ở khám tử hình và cuốn sách mang tên “Những lần gặp gỡ cuối cùng”. Bản thảo gửi ra miền Bắc được sửa là “Sống như Anh”.

Sau ngày thống nhất đất nước, nhà báo Thái Duy là phóng viên báo Đại Đoàn Kết, tờ báo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông đi đây đi đó, viết rất nhiều bài về chống tiêu cực được bạn đọc cả nước hoan nghênh; coi ông là một trong những cây bút sắc sảo trong làng báo Việt Nam thời kỳ đổi mới.

Một trong những đề tài mà Thái Duy để nhiều công sức là lòng Dân. Nhưng có lẽ ông tâm đắc nhất trong cuộc đời làm báo của mình là đề tài 20 năm số phận của khoán hộ buộc phải “chui”. Ông đi từ miền Bắc, miền Trung, miền Nam, lội xuống từng thửa ruộng, theo bước từng nông dân,…để cuối cùng có được hàng chục, hàng trăm bài báo và một cuốn sách mang tên “Khoán chui” mới vừa xuất bản gần đây. Một người cầm bút tưởng chỉ như vậy thôi cũng là mơ ước của nhiều người.

Năm 1995, nhà báo Thái Duy tuổi đã 70. Ông về hưu. Mấy ông bạn già khuyên Thái Duy, tuổi thất thập, bát thập rồi, truyền nghề cho lớp trẻ là đủ, đừng viết nữa, không tốt cho sức khỏe. Ông chỉ cười trừ. Mỗi lần vào miền Nam gặp tôi, ông nói vui : Chừng nào xây xong cầu Mỹ Thuận, tao nghỉ viết. Đến năm 2000, cầu Mỹ Thuận khánh thành, ông vẫn viết. Lần sau, gặp tôi, ông lại nói: Chừng nào cầu Rạch Miễu xây xong, tao mới thôi viết.

Cách đây hơn 10 năm, năm 2004, đang khởi công xây cầu Cần Thơ, ông quả quyết, xây xong cầu Cần Thơ, tao buông bút thật. Tháng 4/2010, cầu Cần Thơ khánh thành, và từ bấy đến nay, ta vẫn luôn thấy bài ông trên tờ Đại Đoàn Kết. Không có tấm lòng nhiệt thành với đất nước, với nhân dân, với tờ báo Mặt trận, không thể có một khối lượng tác phẩm báo chí đồ sộ như vậy ở một cụ già 90 xuân xanh.

2. Người cùng xứ gọi ông là ông Hai, bác Hai, cậu Hai, anh Hai,… Người ở làng báo, làng văn gọi là Hùng Lý, Huỳnh Vạn Lý… Ông tên thật là Huỳnh Văn Nhâm, sinh năm 1927 trong gia đình tá điền nghèo ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Dường như sinh ra và lớn lên ông đã có duyên với nghề cầm bút. Hơn 20 tuổi, ông là phóng viên rồi Thư ký Tòa soạn báo Nhân Dân miền Nam, một tờ báo lớn thời bấy giờ, do Trần Bạch Đằng làm chủ bút.

Năm 1953, nhà xuất bản Nhân Dân miền Nam đã in và phát hành quyển sách “Chiến đấu viên họ Trần” của ông dưới bút danh Việt Hùng, viết về nhà cách mạng Trần Xuân Độ, ông Hà Huy Giáp viết lời bạt. Đây là quyển sách “gối đầu giường” của cán bộ, đảng viên lúc bấy giờ để học tập tấm gương phục vụ nhân dân của Trần Xuân Độ.

Nhà báo Huỳnh Hùng Lý và con trai - nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.

Sau Hiệp định Giơnevơ, ông tập kết ra miền Bắc trong chuyến tàu cuối cùng tháng 1/1955. Ông được bố trí ngay vào Ban Đấu tranh thống nhất, còn gọi là Ban miền Nam của báo Nhân Dân. Về sau, ông là Trưởng ban của bộ phận này, với bút danh Hùng Lý.

Ở báo Nhân Dân lúc bấy giờ có hai Ban bận rộn nhất, luôn căng thẳng là Ban Quốc tế và Ban Thống nhất. Hùng Lý phải thường xuyên có mặt ở cơ quan, không được nghỉ chủ nhật, Viết tin, bình luận, xã luận kịp thời. Một thời gian dài, ông là cây bút chủ lực của Ban miền Nam chuyên về đấu tranh thống nhất nước nhà.

Những nhà báo cùng thời với ông còn nhớ, năm 1963, phong trào đồng bào Phật giáo miền Nam chống Mỹ và Ngô Đình Diệm độc tài hết sức sôi nổi. Bài “Cửa từ bi nổi cơn phẫn nộ” của Hùng Lý đăng trên báo Nhân Dân số ra ngày 11/9/1963 có tiếng vang rất lớn.

Nhà báo Hoàng Tùng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, một người rất kỹ tính trong nội dung bài vở và kiệm lời khen với đồng nghiệp cấp dưới của mình, đã viết về ông: “Hùng Lý nhạy bén về chính trị, thành thạo nghề nghiệp, anh chọn tin có giá, bình luận sắc về sự kiện. Những bài viết của anh có hồn, hấp dẫn và có định hướng dư luận (…). Nhiều bài do anh viết châm ngòi cho những phong trào đấu tranh ở cả hai miền như cuộc đấu tranh chống Diệm khủng bố trí thức, tín đồ Phật giáo và việc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức (…). Hùng Lý viết nhiều thể loại báo chí, dù bài báo lớn hay nhỏ, anh đều viết với tinh thần trách nhiệm cao, cả nội dung và ngôn ngữ, rất ít bài của anh “phá sản” ”.

Giữa thập niên 60, ông đổi bút danh là Huỳnh Vạn Lý, trở lại nhà báo cách mạng miền Nam viết cho các cơ quan thông tin, ngôn luận của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. Năm 1969, đang làm Tổng Biên tập tờ báo “Miền Nam Việt Nam chiến đấu” (Sud Vietnam en lutle), tờ báo đối ngoại của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, xuất bản bằng hai thứ tiếng Anh và Pháp, ông được điều sang làm bí thư báo chí cho Chủ tịch, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ.

Ông tháp tùng Chủ tịch trong nhiều chuyến công du nước ngoài. Trong những chuyến viễn du như thế, nhà báo Huỳnh Vạn Lý đã tập hợp những bài viết của mình in thành tập sách dày mang tên “Đường dài hữu nghị”(1976).

Sau ngày giải phóng miền Nam, báo Đại Đoàn Kết ra đời kế tục sự nghiệp của hai tờ báo tiền thân: Cứu Quốc và Giải Phóng. Nhà báo Huỳnh Lý là Ủy viên Ban Biên tập cùng với một số vị lãnh đạo tìm cái tên cho tờ báo. Nhiều người đưa ra cái tên Đại Đoàn Kết, lấy từ câu khẩu hiệu của Bác Hồ. Nhưng cũng có ý kiến khác.

Ông được giao nhiệm vụ ra báo cáo và xin ý kiến Đảng Đoàn Mặt trận về tên tờ báo và cách trình bày manchette. Ra Hà Nội, ông cùng với nhà báo Nguyễn Tiêu (bố ruột của nhà báo Nguyễn Quốc Khánh, Phó Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết hiện nay), đang là quyền Tổng Biên tập báo Cứu Quốc đến gặp đồng chí Xuân Thủy. Đồng chí Xuân Thủy quyết định lấy tên Đại Đoàn Kết và manchette trình bày của Ban Biên tập.

Một nét riêng của nhà báo Huỳnh Lý là những bài ông viết đều phải rượt đuổi thời gian, vì trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, theo ông, thời gian tính của báo chí rất quan trọng. Cho nên sau ngày nghỉ hưu, ông tuyển các bài viết của mình in trong cuốn sách gần 1.000 trang khổ lớn tựa đề: “Ngòi bút rượt đuổi thời gian” (2001).

Cách đây gần 50 năm, gia đình tôi và gia đình nhà báo Huỳnh Lý ở cùng một nhà khoảng vài chục mét vuông tại khu tập thể báo Nhân Dân, ngõ Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Hồi ấy ông là nhà báo đầy sức sống, trẻ trung. Vậy mà nay ông đã là một ông lão. Một ông lão nhưng vẫn rị mọ viết cả chuyện hôm nay lẫn việc đã qua từ thuở xa lơ, xa lắc. Hiện nay ông đang sống với người con trai thứ, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cũng tài hoa như ông, tại xã Phước Kiểng, Nhà Bè, TP.Hồ Chí Minh.

Trần Thanh Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/hai-cay-but-bao-mat-tran-tuoi-90/86664