Hà Tĩnh tập trung giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư lớn

ND - Dự án Khu liên hợp thép, công suất 15 triệu tấn/năm và cảng Sơn Dương do Tập đoàn Formosa (Đài Loan) đầu tư tại Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng (Hà Tĩnh) với số vốn khoảng 15 tỷ USD (giai đoạn 1 gần 8 tỷ USD) là dự án trọng điểm quốc gia.

Đây còn là dự án có tính chiến lược cho phát triển ngành thép và công nghiệp nặng Việt Nam. Việc giải phóng mặt bằng (GPMB), di dời, tái định cư (TĐC) hàng nghìn hộ dân của dự án này đến nơi ở mới phải bảo đảm an sinh xã hội là thách thức lớn đối với tỉnh Hà Tĩnh. Nỗ lực cao độ Để phục vụ dự án này, Hà Tĩnh phải bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư với diện tích 3.035 ha, trong đó 1.069 ha mặt nước cùng việc di dời gần 2.000 hộ dân với gần 10.000 nhân khẩu thuộc năm xã (Kỳ Lợi, Kỳ Phương, Kỳ Liên, Kỳ Thịnh và Kỳ Long) của huyện Kỳ Anh. Từ trước đến nay, Hà Tĩnh mới GPMB cho những dự án liên quan việc di dời vài trăm hộ dân đã gặp bao khó khăn, vất vả, nay phải đối mặt quy mô TĐC hàng nghìn hộ dân. Trong khi đó, áp lực thời gian bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư khá hạn hẹp. Nguồn ngân sách dành cho GPMB, xây dựng khu TĐC, trợ giúp đào tạo nghề, việc làm lên đến hàng nghìn tỷ đồng, trong lúc tỉnh Hà Tĩnh dựa vào nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ là chủ yếu. Đây quả là thách thức lớn nhất mà Hà Tĩnh cần phải tập trung giải quyết. Triển khai tốt dự án của Tập đoàn Formosa là cơ hội tạo sự lan tỏa, góp phần quan trọng phát triển các dự án đầu tư khác, như lọc hóa dầu, nhiệt điện, mỏ sắt Thạch Khê, cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương...; bước đầu hình thành trung tâm công nghiệp nặng lớn nhất khu vực. Dự án đi vào hoạt động sẽ tạo động lực để Hà Tĩnh chuyển đổi cơ bản về kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ và giải quyết việc làm. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết: "Vì thế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh xác định rõ những khó khăn, thách thức để tập trung nguồn lực, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công cán bộ có năng lực phụ trách, nhằm bàn giao mặt bằng theo đúng cam kết và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân đến khu TĐC có cuộc sống tốt hơn...". Quyết tâm đó được thể hiện bằng những hành động cụ thể. Sau lễ khởi công dự án hơn một năm, Hà Tĩnh đã nhanh chóng bồi thường, hỗ trợ xong 1.600 ha đất nông nghiệp liên quan 3.449 hộ dân với số tiền hơn 540 tỷ đồng; bàn giao (giai đoạn 1) 1.500 ha đất cho nhà đầu tư. Đồng thời đã kiểm đếm, áp giá đền bù được gần 70% số hộ. Trong đó xã Kỳ Liên đã cơ bản kiểm đếm, áp giá đền bù xong; hơn 60% số hộ đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và đang nhận đất, xây dựng nhà tại khu TĐC; xã Kỳ Long 80% số hộ đã kiểm đếm và áp giá... Triển khai dự án lớn, nhà đầu tư lo ngại là về công tác GPMB, nhưng thời gian qua, Hà Tĩnh triển khai công việc này khá tốt và nhận được sự đồng thuận của hầu hết người dân trong vùng dự án. Xóm trưởng Liên Phú (xã Kỳ Liên) Nguyễn Xuân Miễn cho biết: "Tùy vào tình hình đặc điểm của từng cụm dân cư, từng dòng họ, chúng tôi có cách vận động cho phù hợp, theo phương châm "một kèm một" (đoàn thể nào vận động hội viên ấy) và thuyết phục người có uy tín trong gia đình, dòng họ... Tổ chức nhiều cuộc họp chính thức và không chính thức, để từng người dân hiểu rõ dự án và có trách nhiệm chia sẻ". Kinh nghiệm cho thấy, ở địa phương nào, cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện; huy động được sức mạnh của cấp ủy, chính quyền, sự nhiệt tình của đoàn thể các cấp vào công việc, sâu sát thực tế và thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân thì ở đó kết quả đạt cao. Cụ Trần Việt, 80 tuổi, ở xóm Liên Phú (xã Kỳ Liên) là thương binh trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tâm sự: "Khi Nhà nước cần thu hồi đất để thực hiện chủ trương lớn làm giàu cho dân, cho nước thì mình có trách nhiệm hy sinh quyền lợi, chia sẻ khó khăn để di dời về khu TĐC mới. Tôi đã vận động gia đình, con cháu tiên phong đi trước để nhường mảnh đất mà đã gắn bó nhiều đời nay cho dự án". Cùng với việc ban hành cơ chế chính sách GPMB linh hoạt, phù hợp quy định và thực tế, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo bồi thường, TĐC, GPMB do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban và tăng cường cán bộ các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan để hỗ trợ huyện Kỳ Anh giải quyết kịp thời các vướng mắc. Sự hoạt động tích cực, sâu sát của Ban chỉ đạo GPMB các cấp đã kịp thời giúp tỉnh giải quyết những vướng mắc xảy ra, nhất là cơ chế chính sách, nhằm đẩy nhanh tiến độ GPMB. Đồng thời Hà Tĩnh đã huy động các nhà thầu lớn tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội cho các khu TĐC, như hệ thống giao thông, điện, nước, trường, trạm y tế, nhà thờ, khu hành chính, nghĩa trang... với khối lượng xây lắp hoàn thành lên đến cả nghìn tỷ đồng. Đã tổ chức di dời dân lên khu TĐC một cách tuần tự, nhiều đợt, tránh dồn cục, không gây khó khăn cho công tác di chuyển hay "sốt" vật liệu xây dựng. Những hộ dân lên khu TĐC đợt đầu nhận được sự hỗ trợ, góp sức của 600 đoàn viên, thanh niên tình nguyện, lực lượng vũ trang, công an với hàng trăm lượt phương tiện vận chuyển... Những vấn đề đặt ra Qua tìm hiểu, tâm tư của người dân vùng dự án là: Đến nơi ở mới phải thay đổi hẳn tập quán sản xuất (trồng lúa nước và đi biển) để chuyển sang làm dịch vụ, thương mại, thì vấn đề việc làm ở đây sẽ như thế nào? Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, kiêm Trưởng ban bồi thường, TĐC, GPMB của Hà Tĩnh Võ Kim Cự cho biết: Ngoài việc tăng cường các chính sách hỗ trợ để giảm bớt khó khăn thì vấn đề đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân trong vùng dự án vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài. Số lao động trong vùng dự án được phân loại để có chính sách hợp lý. Đối với thanh niên có sức khỏe, trình độ sẽ được tỉnh cam kết, ưu tiên tuyển vào các nhà máy (Thép Vạn Lợi, Nhiệt điện Vũng Áng, dự án Formosa...) trong KKT Vũng Áng. Đối với lao động nằm trong độ tuổi 40-55 có thể tham gia lao động phổ thông tại các nhà máy và dự án chăn nuôi, trồng rau sạch ở hồ Tào Voi (Kỳ Thịnh, Kỳ Anh), chuyên cung cấp thực phẩm cho các nhà máy trong KKT. Riêng dự án này cần đến 1.500 lao động. Ngoài ra, Hà Tĩnh và huyện Kỳ Anh đang chuẩn bị dự án đào tạo lao động đi xuất khẩu, học nghề tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề dịch vụ khác. Đặc biệt, Hà Tĩnh đã mời các chuyên gia về tập huấn, đào tạo kiến thức quản trị kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp để phát triển các loại hình doanh nghiệp. Chỉ tính riêng bảy tháng đầu năm 2009, đã phát triển thêm 300 doanh nghiệp. Đồng thời để bảo đảm an sinh xã hội, số người hết tuổi lao động được hưởng trợ cấp hằng tháng 15 kg gạo trong nhiều năm liên tục. Một điều đáng mừng, nhiều gia đình sau khi nhận được tiền bồi thường, hỗ trợ đã nhanh nhạy dành một phần kinh phí cho con em mình đi học nghề. Xóm trưởng Quyết Tiến (xã Kỳ Phương) Lê Văn Tân cho biết: Cả thôn có 105 hộ phải di dời, thì ngay trong năm học này đã có hơn 10 cháu được gia đình cho đi học nghề để đón đầu các dự án. Đây là trường hợp chưa từng có ở xã Kỳ Phương này. Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, kiêm Trưởng ban bồi thường, TĐC, GPMB dự án Formosa Nguyễn Văn Bổng cho biết, số hộ làm nghề biển liên quan dự án khá lớn, nhất là xã Kỳ Lợi. Đây là xã đông dân với 1.960 hộ, 8.159 khẩu (hai phần ba số dân sống bằng nghề đi biển), phải di dời đến khu TĐC ở xã Kỳ Trinh. Số hộ di dời giai đoạn 1 là 219 hộ; trong số này phần lớn sinh sống bằng nghề đi biển, đời sống gặp nhiều khó khăn, lại không có đất nông nghiệp để nhận tiền bồi thường, hỗ trợ như các hộ làm nông nghiệp khác. Qua thực tế kiểm đếm, áp giá, thì phần lớn do diện tích đất ở ít và nhà gỗ cũ nhỏ, giá trị thấp, nên giá trị bồi thường, hỗ trợ không cao, bình quân khoảng 100-150 triệu đồng/hộ; 34% số hộ áp giá bồi thường, hỗ trợ dưới 100 triệu đồng. Nếu đem so sánh với các hộ làm nông nghiệp trong địa bàn thì số tiền bồi thường, hỗ trợ nhận được thấp nhiều lần. Với mức tiền bồi thường, hỗ trợ này chưa đủ để làm được nhà theo mặt bằng chung quy định. Hơn nữa, nay họ di dời ra khỏi địa bàn xã, phải chuyển đổi hoàn toàn sang nghề khác, không làm nghề biển nữa. Về vấn đề này, UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng các ngành chức năng đang nghiên cứu để đề ra chính sách hỗ trợ đặc thù cho ngư dân. Ngoài ra, tỉnh cần phát động phong trào, vận động các tổ chức, doanh nghiệp... cùng góp sức làm nhà cho các hộ ngư dân gặp khó khăn. Đây là một dự án lớn mà thời gian bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư không còn nhiều, trong lúc khối lượng công việc GPMB, TĐC còn quá lớn, nhất là việc tổ chức di dời dân và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật các khu TĐC. Do đó, đòi hỏi sự quyết liệt hơn của tỉnh, huyện, các xã trong vùng dự án. Nhất là huyện Kỳ Anh phải tập trung tuyên truyền vận động quyết liệt hơn để đẩy nhanh tốc độ kiểm đếm, áp giá và tổ chức di dời nhà cửa, mồ mả... đến nơi ở mới. Một số đối tượng quá khích, đã có những lời lẽ, hành động gây cản trở công việc cùng với tình trạng xây dựng trái phép nhiều công trình trong vùng dự án phải được chấn chỉnh, xử lý nghiêm theo pháp luật. Hiện nay, tuy thời tiết ở Kỳ Anh không thuận lợi nhưng các nhà thầu đang tập trung nguồn lực, thi công liên tục ba ca, đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật khu TĐC để chuẩn bị đón sự di chuyển hàng loạt hộ dân đến cùng lúc và phấn đấu bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư theo đúng cam kết vào tháng 12-2009. Đây là việc làm đòi hỏi sự nỗ lực với nhiều giải pháp đồng bộ. Bài và ảnh: Thành Châu

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=160172&sub=131&top=38