Hà Nam: Bất cập thu hồi đất tại một dự án giao thông

Năm 1982, gia đình lão nông Lê Hồng Ngọc bắt tay cải tạo vùng đất vũng cằn cỗi bỏ hoang. Gần 12 năm ông Ngọc đổ bao tiền của, công sức rồi đất đã không phụ công người khi mang lại những mùa vàng bội thu. Nhưng niềm vui đến với gia đình ông Ngọc chưa được bao lâu thì một con đường đi qua đồng lúa đã khiến đất “khóc” cùng người.

1.300 lá đơn

Đây là tổng số đơn thư mà gia đình ông Lê Hồng Ngọc (sinh năm 1934, trú tại thôn Lão Cầu, xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, Hà Nam) đã gửi đến rất nhiều các cơ quan, ban ngành từ Trung ương tới địa phương ròng rã hơn 2 năm qua. Theo đó, UBND xã Tiên Tân thi công con đường trục xã đã lấy đi hơn 5.000m2 đất đang canh tác của nhà ông Ngọc nhưng chỉ bồi thường hơn... 2,2 triệu đồng. Chính quyền địa phương không giải quyết dứt điểm và thỏa đáng khẩn cầu của gia đình ông Ngọc dẫn đến khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận thời gian qua.

Trang trại của gia đình ông Ngọc đang mang lại hiệu quả kinh tế cao

Có mặt tại Duy Tiên, PV GTVT vào cuộc tìm hiểu vụ việc, được biết vùng đất này trước đây cằn cỗi không thể canh tác được. Ông Ngọc cho biết: “Chính quyền xã lúc ấy kêu gọi mọi người ra đây cải tạo đất để sản xuất nhưng ai cũng “chê”. Năm 1982, Hợp tác xã và UBND xã vận động vợ chồng tôi ra đây làm. Sau đó cả nhà tôi quyết tâm ra cải tạo vùng đất này”. Một vùng đất rộng lớn chỗ gò cao, chỗ “thùng đào, thùng đấu” đã tốn không biết bao công san lấp, cải tạo của gia đình ông Ngọc mới được như bây giờ.

Lấy đất trên cao đổ xuống chỗ trũng, cắt cây xanh như cúc tần, chuối... về làm phân xanh bón xuống đất để cải tạo dần. Mặc cho những buổi trưa mùa hè nắng như thiêu đốt cho tới đêm đông lạnh cắt da thịt, vợ chồng ông Ngọc vẫn quyết tâm “chinh phục” đất cằn. Hết vay mượn khắp nơi để cải tạo đất, ông Ngọc bắt đầu tính đến việc thả cá, trồng lúa xác định “lấy ngắn nuôi dài”. Sau gần 12 năm bám đất, gia đình ông đã thành công khi những vụ lúa dần cho thu hoạch. Mô hình trang trại V.A.C của ông được xem là điển hình trong phòng trào xây dựng kinh tế ở nông thôn. Ông Ngọc cũng đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh Hà Nam, huyện Duy Tiên, Bộ NN và PTNT...

Đặc biệt, tháng 8/1998, ông Ngọc đã được Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải tặng Bằng khen vì đã có nhiều thành tích trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho quê hương, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.

Thế nhưng, khi đất cùng “cười” với lão nông Ngọc thì xã Tiên Tân thực hiện thu hồi hơn 5.000m2 đất (trong tổng số 10 ha đất mà gia đình ông đã khai hoang) mà chỉ đền bù hơn 2,2 triệu đồng làm cho ông cùng vợ con “vuốt nước mắt không kịp” khi nghĩ đến những tâm huyết đổ vào mảnh đất này. “Tôi không thể nào quên những đợt mưa bão, vùng đất này chiêm trũng nên tôi phải thuê hơn 100 người trong làng tát nước đổ đi không là mất trắng, nấu hơn 100 công cơm cho mọi người ăn để đi cấy cho kịp lịch sản xuất. Mấy năm trước, trời lạnh nhưng tôi phải thức đêm để canh cá đẻ trứng nên bây giờ tôi bị bệnh thấp khớp, đi lại khó khăn”, ông Ngọc vừa nói vừa gạt nước mắt.

Nhiều bất cập trong thu hồi, cưỡng chế đất

Không đồng tình với quyết định thu hồi, bồi thường đất của UBND xã Tiên Tân, gia đình ông Lê Hồng Ngọc đã nhiều lần kiến nghị lên UBND huyện Duy Tiên, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Quốc hội nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Ông Ngọc cho biết: “Ngày 27 Tết Canh Dần (2010), nhà tôi bị cưỡng chế, không có biên bản quyết định cưỡng chế cũng như kiểm kê tài sản. Năm đấy, nhà tôi không có Tết, nghĩ đến đạo lý, tình người lại chảy nước mắt”.

Được biết, UBND xã Tiên Tân cho rằng, đất ông Ngọc đang canh tác là đất công ích của xã vì vậy chỉ bồi thường cho gia đình ông Lê Hồng Ngọc công lập bờ 100,8m2 là 2.296.611 đồng.

Theo Luật sư Trần Đình Triển - Văn phòng Luật sư Vì dân, Đoàn Luật sư Hà Nội, “Vào thời điểm 1982 chưa có khái niệm “đất công ích” mà chỉ tới khi Luật Đất đai 1993 chính thức có hiệu lực thì mới có khái niệm này. Đất công ích phải được ký hợp đồng giữa xã với người dân, xã phải có trách nhiệm nộp thuế với Nhà nước”. Trên thực tế, trong 30 năm cải tạo, khai hoang, UBND xã Tiên Tân không hề ký một hợp đồng nào với ông Lê Hồng Ngọc, mặt khác ông Ngọc lại là người thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp. Trong suốt thời gian ông Ngọc lao động trên mảnh đất này không hề có dấu hiệu của việc hủy hoại đất, tranh chấp đất. Chính vì vậy, Luật sư Triển cho rằng đất nông nghiệp thuộc diện tích đất khai hoang phục hóa như trường hợp của ông Ngọc cần phải được hợp thức hóa cho người sử dụng.

Làm việc với chính quyền địa phương, ông Nguyễn Ngọc Xuân - Phó Chủ tịch xã Tiên Tân cho rằng, đất của ông Ngọc là đất công ích. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập tới vấn đề hợp đồng giữa xã với ông Ngọc, ông Xuân nói: “Đây là lỗi tác nghiệp của những cán bộ ủy ban đời trước”. Về việc đền bù hơn 2 triệu đồng cho diện tích hơn 5.000m2 đất cưỡng chế, ông Xuân không dám khẳng định có thỏa đáng hay không (?!).

Người nông dân Việt Nam từ ngàn đời vẫn thuần hậu, chất phác. Ở vùng đất Hà Nam chiêm trũng, cái đức tính cần cù, lam lũ lại cần được phát huy để thoát khỏi đói nghèo bủa vây. Tiếng trống Đọi Sơn đi cày ruộng tịch điền vẫn vang vọng như khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng của người nông dân Việt Nam. Nhưng với những gì đang diễn ra trong vụ việc này, liệu người dân Tiên Tân có còn khát vọng ấy, xin gửi trăn trở này tới chính quyền địa phương!

Ngọc Khánh

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/ban-doc/201203/Ha-Nam-Bat-cap-thu-hoi-dat-tai-mot-du-an-giao-thong-35283/