Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992: Hiến pháp mới với nền công lý dễ tiếp cận

Tình hình bảo đảm công lý ở nước ta hiện đang bộc lộ nhiều bất cập. Sự oan, sai, chậm trễ trong điều tra, truy tố, xét xử đã trở thành căn bệnh mạn tính mà chưa tìm ra được cách chạy chữa. Nạn tham nhũng trong ngành tư pháp đã làm cho cán cân công lý bị nghiêng lệch về phía người có quyền, có tiền. Không ít trường hợp, người dân phải cơm đùm, cơm nắm, đội đơn đi kêu oan trong nhiều năm trời, gõ cửa, đánh chuông khắp nơi mà vẫn không có hồi âm.

Có những đoàn người trong Nam, ngoài Bắc rồng rắn kéo nhau đến các cơ quan cao nhất của Đảng, của Nhà nước hoặc trước thềm các Đại hội Đảng, trước các cuộc bầu cử, hoặc có những người dân liều mình chặn xe các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, của Nhà nước để đòi trả lại công bằng, công lý cho họ… Đó là những điều không bình thường đối với một nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Do đâu? Đó là câu hỏi được nêu ra trong các cấp lãnh đạo, trong các kỳ họp Quốc hội, trong nhiều hội thảo khoa học, trong các báo cáo, tổng kết. Có ý kiến cho là do sự thoái hóa biến chất về mặt đạo đức; do sự non kém về trình độ, do sự thiếu hụt về nhân sự nên "phải vơ bèo, vạt tép” cho đủ thẩm phán (!), do sự nghèo nàn về tài chính, về cơ sở vật chất cho các cơ quan bảo vệ pháp luật. Có những ý kiến phê phán gay gắt về tính vô cảm của viên chức nhà nước. Có những ý kiến nhấn mạnh đến nguyên nhân kích động, xúi giục của các phần tử bất mãn và các thế lực phản động từ bên ngoài và kêu gọi đề cao cảnh giác v.v…

Trong các nguyên nhân nêu ra, ngày càng có nhiều người nghiêng về ý kiến cho rằng: 1) Tính độc lập trong xét xử không được tôn trọng, 2) Trách nhiệm thẩm phán chưa được đề cao là những nguyên nhân bao trùm. Quả đúng vậy. Quá trình thực thi các Hiến pháp và các pháp lệnh, các đạo luật về Tòa án cho thấy nguyên tắc độc lập trong xét xử ở nước ta chưa thâm nhập được vào cuộc sống và trách niệm để xảy ra oan sai chưa được xử lý nghiêm.

Nguyên tắc độc lập trong xét xử và chỉ tuân theo pháp luật bị vi phạm:

"Không ai được làm quan tòa cho chính mình” là nguyên tắc nhằm đảm bảo công lý đã được áp dụng từ thời kỳ La Mã cổ đại. Nguyên tắc này đã được các chế độ xã hội thời cận đại và đương đại cụ thể hóa thành chế định "Tòa án độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong xét xử”. Chế định độc lập trong xét xử đã được ghi trong Hiến pháp đầu tiên của nước ta. Nhưng về mặt thực hành thì đã có những quy định mâu thuẫn lại với nguyên tắc đó như: Hệ thống cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án được tổ chức theo địa bàn hành chính địa phương và trực thuộc ngang; Các cơ quan tư pháp chịu sự lãnh đạo các mặt của cơ quan lãnh đạo Đảng và chịu sự quản lý về hành chính, về tài chính của chính quyền địa phương; Đơn khiếu nại bị chuyển về nơi phát sinh khiếu nại giải quyết; Người bị khiếu nại trực tiếp giải quyết khiếu nại; Đặt ra cấp giải quyết khiếu nại cuối cùng và khi đã có quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng thì người khiếu nại không được khiếu nại lên cấp trên và không được kiện ra Tòa; Cơ chế tranh tụng bị thay thế bằng cơ chế xét hỏi và đi kèm theo nó là bức cung, mớm cung, dụ cung trong điều tra, truy tố, xét xử để tìm chứng cứ, để xác minh sự thật; Quyền khiếu kiện của người dân đối với các hành vi vi phạm pháp luật hành chính của viên chức (khiếu kiện hành chính) chậm được cụ thể hóa. Sau nhiều năm trời, tòa án hành chính mới được thành lập nhưng lĩnh vực và đối tượng bị kiện về hành chính bị giới hạn trong phạm vi rất hẹp nên tác dụng của tòa án hành chính rất hạn chế; Hoạt động điều tra tội phạm, do nguyên nhân về cơ cấu bộ máy lãnh đạo Đảng, đã lấn át và vượt ra khỏi sự giám sát của cơ quan công tố, xét xử… là những nhân tố làm vô hiệu hóa nguyên tắc độc lập trong xét xử.

Trách nhiệm để xảy ra oan sai khó xác định. Có trường hợp đã xác định được người cố ý gây oan sai, nhưng người vi phạm cũng chưa được xử lý nghiêm:

Oan sai xảy ra trong cả 3 khâu: Điều tra, truy tố và xét xử. Nhưng việc làm rõ trách nhiệm của cá nhân rất khó vì điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán hầu như không có tính độc lập mà phải hành động theo quyết định tập thể. Tập thể này lại phải tuân theo sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy mà trong đa số trường hợp là theo chỉ thị của một vài cá nhân trong lãnh đạo. Trường hợp oan sai trong vụ xảy ra ở huyện Tiên Lãng, thành phố Hải phòng là một ví dụ.

Hiện đã có quy định của Nhà nước là các cơ quan tư pháp phải công khai xin lỗi và đền bù thiệt hại cho những người bị xét xử oan sai. Nhưng việc thực thi chưa nghiêm nên những người bị xét xử oan sai chưa được đền bù đủ tất cả những thiệt hại mà họ phải gánh chịu. Chưa thấy có phiên tòa nào đưa ra xét xử những điều tra viên, công tố viên, hoặc thẩm phán cố tình làm sai lệch hồ sơ và làm lệch cán cân công lý nghiêng về phía người có quyền, có tiền.

Khi công lý bị chà đạp, con người cảm thấy uất ức, đau khổ nhiều hơn đói ăn, khát uống. Thiết lập một nền công lý dễ tiếp cận đối với mọi người dân trở thành một trong những tiêu chí quan trọng của xã hội văn minh. Sớm khắc phục được những bất cập trong đảm bảo công lý ở nước ta là một trong những nguyện vọng bức xúc của người dân, là một nội dung quan trọng của Hiến pháp mới.

Kiến nghị:

Về phương hướng đấu tranh, để đảm bảo công lý, hoạt động phòng, chống vi phạm pháp luật phải được triển khai ở cả 3 bình diện: 1) trong nhân dân; 2) trong các cơ quan công quyền và viên chức; 3) trong các cơ quan và viên chức thực thi bảo vệ pháp luật. Không thể chỉ nhấn mạnh đến tình trạng phạm tội trong dân mà xem nhẹ tình trạng vi phạm pháp luật trong giới chức, đặc biệt trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Người được giao nhiệm vụ cầm cân nảy mực mà chính họ lại vi phạm pháp luật là đòn khai tử đánh vào cán cân công lý. Do vậy, trong thời gian tới phải đề cao hơn nữa vai trò, tác dụng của Tòa án hành chính để dân có thể "kiện quan” khi dân có đủ chứng cứ để cho rằng viên chức đã lạm quyền, vượt quyền. Đó là một trong những biện pháp cụ thể để động viên nhân dân tham gia giám sát hoạt động quản lý của Nhà nước. Phải buộc các viên chức có mặt tại tòa với tư cách là "bị đơn” để tự bảo vệ mình khi bị kiện về hành chính. Cần đoạn tuyệt với quan điểm của thời phong kiến rằng: "Quan theo lễ. Hình là để cho thứ dân”.

Về tổ chức, để thực thi được nguyên tắc độc lập trong xét xử và chỉ tuân theo pháp luật, trong Hiến pháp mới cần có những đổi mới về hệ thống tổ chức các cơ quan tư pháp như: Không giao cho cơ quan điều tra tội phạm là cơ quan thuộc hệ thống tư pháp, quản lý trại giam và tách nó khỏi cơ quan hành pháp. Đặt hệ thống các cơ quan tư pháp chỉ trực thuộc theo hệ thống dọc. Không tổ chức các cơ quan điều tra, công tố, tòa án theo cấp hành chính tỉnh, huyện mà tổ chức theo khu vực tư pháp, theo cấp xét xử và đặt tên theo số như: Tòa sơ thẩm khu vực 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9…; Tòa sơ thẩm, phúc thẩm đệ nhị cấp khu vực 1, 2, 3, 4… Tòa sơ thẩm, phúc thẩm Tòa án tối cao khu vực 1, 2, 3… Tùy theo khối lượng vụ việc và số lượng dân cư, mà các tòa án có phạm vi địa bàn phụ trách rộng hẹp khác nhau. Các cơ quan điều tra, kiểm sát cũng sẽ được tổ chức theo tòa án khu vực. Các cơ quan tư pháp có ngân sách độc lập. Việc tổ chức các cơ quan tư pháp theo mô hình trên đây sẽ có tác dụng hạn chế tối đa sự can thiệp để làm lệch cán cân công lý, đồng thời phát huy được tinh thần, trách nhiệm của cán bộ ngành bảo vệ pháp luật.

Về mặt thực hành: 1) Cần loại bỏ cơ chế xét hỏi và thay thế nó bằng cơ chế tranh tụng. Mọi chứng cứ thu thập được bằng cách bức cung, mớm cung, dụ cung đều không có giá trị chứng minh. Mọi phán quyết của tòa đều phải căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai tại tòa. 2) Để làm cho hình thức tranh tụng được thực thi thì cần phải củng cố, hoàn thiện các tổ chức bổ trợ tư pháp bao gồm: giám định, công chứng, luật sư tranh tụng. Các luật: tố tụng hình sự, tố tụng dân sự đều phải được nhanh chóng sửa đổi, bổ sung theo hai yêu cầu này.

Kết luận: Thiết kế, thiết lập được một nền công lý phổ cập và dễ tiếp cận đối với người dân là yếu tố hàng đầu trong việc quy tụ lòng dân trăm họ vào một mối, là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự ổn định, phát triển bền vững của xã hội.

Luật sư Lê Đức Tiết

[ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 ]

[1, Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992]

[2, Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992]

[Mời bạn đọc tham gia đóng góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992]

[Hiến pháp với sự nghiệp xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân]

[Đưa Hoàng Sa và Trường Sa vào Hiến pháp]

[Người yếu thế tham gia góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp:

Đảm bảo quyền dân chủ, quyền công dân]

[Phải dành một chương riêng về Đảng]

[TS. Đặng Duy Báu - nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh:

" Nhà nước của dân cần tạo điều kiện cho công dân có việc làm " ]

[Hiến pháp mới với sự đổi mới hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước]

[Hiến pháp cần thể hiện hồn văn hóa dân tộc]

[Phải có chế định bảo hiến]

[5 kiến nghị về bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992]

[Vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam]

[Quyền con người, quyền công dân được đảm bảo bằng luật]

[Thiết lập định chế bảo vệ Hiến pháp ở nước ta]

[MTTQ Hà Nội góp ý dự thảo Hiến pháp năm 1992:

Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng]

[Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)]

[Sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ cân nhắc vấn đề về thu hồi đất]

[Làm rõ hơn về quyền con người ]

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=61131&menu=1390&style=1