Góp phần nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng phát triển đảng viên

Bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, góp phần phát triển, nâng cao chất lượng, sức chiến đấu tổ chức cơ sở đảng và của đội ngũ cán bộ, đảng viên, bảo đảm sự kế thừa, phát triển của Đảng.

Với ý nghĩa đó, Văn kiện Đại hội X của Đảng nêu rõ: "Chú trọng và tăng cường công tác phát triển Đảng, sớm khắc phục tình trạng một số cơ sở, địa bàn chưa có đảng viên, tổ chức đảng. Việc kết nạp đảng viên phải coi trọng chất lượng, tiêu chuẩn, đặc biệt tiêu chuẩn giác ngộ lý tưởng của Đảng, đạo đức, lối sống, năng lực hoàn thành nhiệm vụ..”1. Những năm qua, công tác phát triển đảng viên mới đã được các tổ chức cơ sở đảng quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện. Số lượng đảng viên mới được kết nạp đều tăng, năm sau cao hơn năm trước. Năm năm qua, toàn Đảng đã kết nạp 801.945 đảng viên mới. Năm 2008, toàn Đảng kết nạp được 184.720 đảng viên, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng lên gần 3,5 triệu đảng viên. Trong số đảng viên mới được kết nạp, tỷ lệ đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là 66,64%, nữ chiếm 37,04%; nông dân 20,04%; lực lượng vũ trang 19,09%; người dân tộc thiểu số 12,46%; công nhân lao động trong các thành phần kinh tế 7,28%… Đảng viên có trình độ THPT chiếm 90,29%; được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ 67,73%, tăng 2,25%. Tuổi bình quân của đảng viên mới được kết nạp là 29,05, trẻ hơn 0,17 tuổi so với năm 2007. Kết quả phát triển đảng viên năm 2008 cho thấy: Chất lượng đảng viên mới được nâng lên, nhất là về trình độ học vấn; Số đảng viên được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là số có trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học tăng, tuổi đời giảm. Có được kết quả trên là do các cấp ủy đã quan tâm, chú trọng lựa chọn, bồi dưỡng quần chúng, đủ tiêu chuẩn để phát triển đảng. Đồng thời, có sự đóng góp không nhỏ của công tác giáo dục lý luận chính trị trong việc mở lớp bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về đảng cho quần chúng ưu tú. Theo báo cáo thống kê của 63 tỉnh, thành phố và 03 đảng bộ khối cơ quan Trung ương, trong năm 2008 đã mở được 2.976 lớp bồi dưỡng kết nạp đảng với 246.769 học viên, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức tạo nguồn phát triển Đảng. Mặc dù đã có nhiều cố gắng và thu được nhiều kết quả trong những năm qua, song công tác bồi dưỡng kết nạp Đảng cũng còn những thiếu sót, hạn chế cần khắc phục. Đó là: - Kế hoạch mở lớp chưa được tổ chức chặt chẽ, lớp quá đông, có lúc, có nơi tổ chức lớp lên tới 300 – 400 người cùng học, trong khi điều kiện và các phương tiện phục vụ, quản lý lớp học thiếu chặt chẽ, học theo kiểu mít tinh, ngồi nghe là chủ yếu. - Khi thực hiện nội dung chương trình, đa số các địa phương, cơ sở đều thực hiện sự phân bổ thời gian giảng dạy, học tập như hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương nhưng có một số nơi đã rút ngắn tối đa (thường chỉ học các bài chính, thậm chí còn gộp bài lại để rút ngắn thời gian. Nhiều khâu khác của quy trình mở lớp học như: Trao đổi, thảo luận, giải đáp, viết bài kiểm tra, thu hoạch… còn coi nhẹ). Ngược lại, cũng có nơi đã kéo dài thời gian học mỗi bài với lý do nội dung các bài dài, lễ khai giảng, bế giảng tổ chức rất rườm rà, mất nhiều thời giờ… Việc kéo dài thời gian học tập quá mức cần thiết trên gây ra một tâm lý nặng nề cho người học, nhất là ở trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các khu công nghiệp. Những hạn chế trên cần phải khắc phục triệt để, nhất là việc rút gọn hay kéo dài chương trình bồi dưỡng. Muốn rút gọn hay kéo dài chương trình cần nắm vững mấy yếu tố sau: Trước hết, phải nắm vững mục đích, yêu cầu, nội dung của chương trình cần đạt được là gì?; Thứ hai, phải nắm vững đối tượng người học (trình độ học vấn, khả năng tiếp thu nhận thức), điều kiện vật chất phục vụ cho người học. Từ đó, lựa chọn phương thức tổ chức, giảng dạy phù hợp. Thí dụ: đối với sinh viên, giáo viên các trường đại học hoặc những nơi học viên có trình độ học vấn cao cơ cấu bài thời gian lên lớp giảng dạy có thể gọn lại, dành nhiều thời gian cho việc hướng dẫn để học viên đọc tài liệu, tăng cường đối thoại trao đổi, giải đáp... Như vậy, vừa phù hợp và kết quả sẽ tốt hơn. Đối với công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp hiện nay, nên tóm tắt gọn bài, tức là trình bày cô đọng theo dạng “Hỏi, Đáp”, sau đó đưa học viên tranh thủ đọc trước, giảng viên cần trao đổi giải đáp thắc mắc, khi lên lớp giảng viên cần tập trung giải thích, phân tích nội dung trọng tâm phần khó của bài và giải đáp thắc mắc của người học, cần liên hệ gắn với tình hình sản xuất kinh doanh ở cơ sở (nêu khó khăn, thuận lợi để người học nhận thức và chia sẻ), tránh dài dòng mất thời gian. Mặt khác, cần lựa chọn thời gian tổ chức phù hợp với thời gian lao động, nghỉ ngơi của người lao động (không nên gò ép, lạm dụng quá nhiều thời gian nghỉ ngơi của người lao động, gây sự căng thẳng mệt mỏi), nên có sự bàn bạc với người sử dụng lao động quan tâm tạo điều kiện bố trí thời gian thuận lợi trong khả năng có thể để người học đỡ căng thẳng, cách trình bày sinh động sát với cuộc sống công nghiệp, nơi họ đang sống và làm việc… tạo sự hứng thú và bổ ích đối với người học. Hiện nay, cần tránh hai khuynh hướng, hoặc là đơn giản hóa chương trình, bài giảng quá mức dẫn đến việc làm lướt, hoặc là làm cho vấn đề phức tạp, nặng nề hơn. Cả hai khuynh hướng này cần tránh việc khắc phục tình hình đó, hoàn toàn phụ thuộc vào giảng viên và đơn vị tổ chức lớp học. Ngoài ra, còn các vấn đề khác như: hình thức tổ chức khai giảng, bế giảng, quản lý lớp học, kiểm tra, viết thu hoạch, cấp giấy chứng nhận... cũng là những vấn đề cần thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ để góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác bồi dưỡng phát triển Đảng trong tình hình mới. Hiện nay, đất nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới. Bên cạnh những thuận lợi, cơ hội lớn, chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức rất gay gắt. Trước tình hình đó, công tác xây dựng Đảng với vai trò nhiệm vụ then chốt càng có ý nghĩa quan trọng, trong đó công tác bồi dưỡng quần chúng ưu tú, tạo nguồn kết nạp Đảng cần phải được quan tâm, thực hiện đúng yêu cầu: Việc kết nạp đảng viên phải coi trọng chất lượng tiêu chuẩn, đặc biệt tiêu chuẩn, giác ngộ lý tưởng của Đảng, đạo đức lối sống, năng lực hoàn thành nhiệm vụ. Việc nâng cao giác ngộ lý tưởng thông qua nhiều khâu với những hình thức và phương pháp khác nhau. Một trong những khâu quan trọng là phải thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kiến thức cơ bản về Đảng cho quần chúng ưu tú có nguyện vọng phấn đấu vào Đảng; giúp họ có những định hướng xác định động cơ phấn đấu đúng đắn. Những nội dung của chương trình bồi dưỡng sẽ góp phần định hướng cơ bản, tạo điều kiện tiền đề cho sự phấn đấu tiếp theo của quần chúng ưu tú để trở thành đảng viên. 1. Đảng Cộng sản Việt Nam: , Nxb. CTQG. Hà Nội, 2006, tr.301.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=362287&co_id=30080