Gìn giữ nghề dát vàng quỳ Kiêu Kỵ - Khó tìm lớp kế cận

Làng nghề Kiêu Kỵ đang gặp thách thức trong việc thiếu nhân lực làm nghề khi hiếm người trẻ muốn theo học cũng như có nhiều người không bám trụ được với nghề.

 Dát sơn son thếp vàng lên các sản phẩm gốm sứ. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)

Dát sơn son thếp vàng lên các sản phẩm gốm sứ. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)

Theo các nghệ nhân làng nghề Kiêu Kỵ, từ xa xưa, để dát được một lá vàng mỏng lên các bức tượng, câu đối cần phải qua 40 công đoạn nhưng giờ đây, nhờ cải tiến kỹ thuật đã giảm xuống còn 20 công đoạn.

Bằng đôi bàn tay khéo léo, sự tỉ mỉ công phu, những người thợ Kiêu Kỵ đã làm ra rất nhiều sản phẩm dát vàng phong phú và đa dạng, thể hiện bản sắc riêng của làng nghề Kiêu Kỵ. Đây là một nét văn hóa riêng, nghề độc nhất vô nhị trên cả nước chỉ có ở Kiêu Kỵ.

Khi tìm hiểu các công đoạn để làm ra một sản phẩm dát vàng quỳ mới hiểu tại sao đây là nghề chỉ có ở Kiêu Kỵ, bởi đây là một nghề đòi hỏi sự công phu và tỉ mỉ rất cao. Bắt đầu từ khi những thỏi vàng, bạc thật được cán và đập cho dài và mỏng thành các lá diệp, sau đó đem cắt thành những hình vuông nhỏ 1cm2 rồi đặt vào lá quỳ.

Lá quỳ cũng được chế tạo riêng, được kén từ loại giấy dó, mỏng dai, đem lướt nhiều lần bằng mực chế bằng bồ hóng, nhựa thông và keo da trâu, tạo cho giấy quỳ có màu đen, bền và chắc. Để phơi cho khô, rồi lại đem cắt thành những lá quỳ nhỏ hình vuông, rộng khoảng 5cm.

Trong quá trình làm ra một lá vàng mỏng phải trải qua ít nhất 40 công đoạn khác nhau. Ông Lê Bá Chung, một nghệ nhân tại làng Kiêu Kỵ cho biết, tuy hiện nay đã giản lược bớt những công đoạn rườm rà, nhưng không vì thế mà độ tỉ mẩn, cẩn thận cũng ít đi.

Nghệ nhân Lê Văn Vòng, một trong những nghệ nhân có kinh nghiệm lâu năm của làng nghề Kiêu Kỵ, cho biết: “Đánh quỳ là giai đoạn khó nhất cần phải hết sức tỉ mẩn mới làm được. Giai đoạn này sẽ quyết định chất lượng của vàng dát có màu sáng hay xỉn. Muốn có một sản phẩm hoàn chỉnh, nhiều người phải kết hợp với nhau, riêng khâu đánh quỳ cũng mất vài tiếng đồng hồ.”

Sau khi đặt vàng vào các lá quỳ, người thợ sẽ dùng vải bọc chặt thành bọc có 500 lá. Sau đó đem ra đánh quỳ. Ở công đoạn này, người thợ sẽ dùng búa chuyên dụng đập lên tập lá này, sao cho lá vàng bên trong được dàn, mỏng, đều ra lá quỳ. Khi lá diệp vàng đạt độ mỏng đều như ý muốn, lại tiếp tục cắt thành các hình vuông nhỏ như ban đầu, xếp lên từng lá quỳ, bít lại và đập một lần nữa.

Công đoạn nào cũng mất nhiều thời gian, cần sự tỉ mỉ, nhưng đánh quỳ là công đoạn khó nhất. Muốn được một lát quỳ, người thợ phải đập liên tục trong khoảng một giờ, ước chừng trên 400 nhát búa.

Đe để đánh quỳ cũng làm bằng tảng đá nhẵn mịn, rắn chắc. Búa chuyên dụng phải là búa cán dài, có sức nặng. Miếng quỳ được cho là đạt chất lượng khi đạt độ mỏng đều, mịn, gỡ ra không bị rách... Vì sự tỉ mẩn và yêu cầu cao như vậy nên một ngày công của thợ đánh quỳ được trả 100.000 đồng/người/ngày, trong khi thợ ở các công đoạn khác được trả 70.000 đồng/người/ngày. Có những gia đình làm năng suất, với khoảng 20 lao động trong 1 ngày có thể làm được một cây vàng.

Một sản phẩm được đánh giá cao đòi hỏi người thợ phải khéo tay, tán làm sao để khi sờ tay vào sản phẩm miết và mịn như bột, khi dát vào tượng lau đi phải bóng đều, đẹp mắt.

Nhìn những bức hoành phi, tượng Phật... được khoác một lớp áo vàng, bạc quý giá, tinh xảo, không một ai nghĩ rằng, đằng sau đó là công sức của biết bao nhiêu con người.

Ông Lê Bá Chung chia sẻ sản phẩm dát vàng quỳ cũng là niềm tự hào của người dân Kiêu Kỵ. Một sản phẩm không sử dụng bất kì một máy móc, thiết bị nào, hoàn toàn thủ công, mang dấu ấn của người nghệ nhân trong từng sản phẩm. Vậy nên nghề làm vàng, bạc quỳ của Kiêu Kỵ vẫn giữ được chất lượng và vị thế xứng đáng của nó, là độc đáo, là duy nhất trên khắp đất nước, nhận được sự đánh giá cao không chỉ của các bạn hàng trong nước mà còn của thế giới như Nhật Bản, châu Âu.

Hiện nay, làng nghề Kiêu Kỵ cũng đang gặp thách thức trong việc thiếu nhân lực làm nghề. Nhắc tới cái nghề của tổ tiên, ông Lê Văn Vòng, một nghệ nhân cao niên của làng nghề cho biết, do tính chất của nghề đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ nên hiếm người trẻ muốn theo học. Những người thợ trong làng cũng phần nhiều là người tỉnh khác tới đây xin học và làm nghề.

Tuy được sự giúp đỡ của các cơ quan như Sở Công Thương, Hiệp hội Các làng nghề thành phố hỗ trợ mở các lớp đào tạo tay nghề thợ trẻ nhưng vẫn có nhiều người không bám trụ được với nghề. Bản thân người dân trong làng cũng đang chuyển sang làm may đồ da, dát vàng quỳ chỉ còn lại khoảng 50 hộ trên tổng số 700 hộ trong làng.

Bên cạnh đó, vấn đề đầu ra của sản phẩm cũng là một nỗi niềm không chỉ của ông Vòng, mà còn của nhiều người dân và chính quyền làng Kiêu Kỵ. Hầu hết đối tác nhập vàng quỳ từ Kiêu Kỵ là các làng chuyên tạc tượng, làm dát hoành phi như Sơn Động, Ý Yên (Nam Định)... chứ các đơn hàng xuất khẩu cũng không còn nhiều.

Các gia đình trong làng đều có mối làm ăn cá nhân là chủ yếu, chưa biết cách tạo dựng thương hiệu. Ngoài ra, để tăng số lượng đơn đặt hàng, có gia đình đã trà trộn những sản phẩm vàng kém chất lượng để làm sản phẩm gây mất uy tín. Chính những điều này đang làm cản trở lộ trình bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của quê hương./.

Tuyết Mai-Cẩm Anh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/gin-giu-nghe-dat-vang-quy-kieu-ky-kho-tim-lop-ke-can/363629.vnp