“Giếng sữa” Chuông Sa

Đường Lâm nổi tiếng là vùng đất hai Vua. Đường Lâm bây giờ còn hấp dẫn du khách với danh xưng “làng Việt cổ”. Bên cạnh những di tích nổi tiếng như đình Mông Phụ, chùa Mía, lăng Ngô Quyền, đền Và, mảnh đất này còn chứa đựng những câu chuyện bí ẩn của làng quê Việt. Đặc biệt, ở thôn Cam Lâm, ngày ngày vẫn thấp thoáng những bóng người đi về dưới lùm cây xanh mát. Họ tìm đến vì nơi đây có một “giếng thiêng” có thể giúp những phụ nữ đang nuôi con bị mất sữa hay không có sữa. Người nọ truyền tai người kia, và thường gọi đó là “giếng sữa” ở làng cổ Đường Lâm.

Miếu và giếng Chuông Sa.

1. “Giếng sữa” là cách gọi dân gian, còn người dân ở đất hai Vua thì bảo, giếng ấy có tên là giếng Chuông Sa. Giếng thuộc thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, TX Sơn Tây, Hà Nội.

Chúng tôi hỏi đường đến thôn Cam Lâm vào một buổi sáng, mấy hôm nay trời mưa sụt sùi trên vùng đất này. Con đường đất nhỏ rẽ vào nơi có “giếng sữa” vẫn còn đôi chỗ úng nước, đi không khéo là ngã như chơi. Khác hẳn với không khi tấp nập trong làng cổ Đường Lâm, nơi mà mỗi ngõ nhỏ đều thấy thấp thoáng bước chân, tiếng nói, tiếng cười của du khách; trên đường vào giếng Chuông Sa tĩnh lặng lạ thường. Xung quanh đường đi cỏ dại cao lêu ngêu.

Chúng tôi nghĩ thầm, hay mình đi lạc? Dừng lại một lúc lâu mới gặp một phụ nữ đi làm đồng đạp xe đi ngang. Hỏi thăm thì biết, mình không đi lạc. Giếng nằm bên sườn đồi Nghẽn, cạnh núi Cấm. Chỉ cần đi thêm vài chục mét vào sâu con đường đất đỏ sình lầy này sẽ gặp “giếng sữa” Chuông Sa. Người phụ nữ đó giải thích quanh đây vắng vẻ, không có nhà dân là bởi tương truyền đất đai nơi đây xưa kia là của vua Ngô Quyền. Không ai dám làm nhà trên đất của Vua nên nơi này vẫn còn nguyên vẹn sự cổ kính, rậm rạp.

Trước đó, mặc dù đã được bà Thanh - người làng cổ Đường Lâm tôi gặp ở cổng làng bảo, giếng Chuông Sa “nhỏ thôi, luôn đầy nước” nhưng khi tận mắt nhìn thấy “giếng sữa” tôi vẫn không khỏi bất ngờ. Giếng nhỏ, thành thấp lộ ra những viên đá ong cổ, nước đầy ắp có thể lấy gáo múc nước lên. Vì thành giếng thấp, nên người dân coi sóc giếng cổ cùng cái miếu nhỏ cạnh đó đã đặt lên trên miệng giếng tấm gỗ ghép để trẻ con đỡ nghịch ngợm, nhỡ đâu lại sa chân xuống. Cách đó cũng là để che cho lá cây không rụng ruống làm bẩn “giếng sữa”.

“Giếng sữa” thành thấp, được xây bằng đá ong, nước luôn đầy và trong vắt.

Đứng trước giếng cổ Chuông Sa, cảm giác khác hẳn khi đứng trước những cái giếng khác ở làng cổ Đường Lâm hay ở những ngôi làng Việt vùng Bắc Bộ. Vẻ âm u khi những tán cây phủ rợp khiến ai nấy đều rón rén không dám tự múc nước lên uống. Càng không dám múc nước để rửa mặt, rửa chân rửa tay như khi trên đường xa ta gặp nguồn nước mát trong.

Khi chúng tôi đang băn khoăn chưa biết bắt đầu từ đâu thì nghe tiếng loạt xoạt. Rồi rõ ra là tiếng bước chân từ con đường mòn nhỏ trùm phủ cỏ lác đang đi tới. Một người phụ nữ đen đúa, bế đứa con nhỏ xuất hiện. Theo sau còn có bé gái chừng 5 tuổi đi theo. “Các cô đến xin nước à?” - người phụ nữ lên tiếng. Tôi nói mình sinh con được hơn 1 tháng nhưng ít sữa quá, nghe nói ở đây có giếng cổ mà phụ nữ đang nuôi con uống nước giếng này sẽ có nhiều sữa nên tìm về đây.

Người phụ nữ vẫn bế con trên tay, bảo: “Đúng rồi. Đây là giếng sữa Chuông Sa nổi tiếng. Không chỉ phụ nữ trong làng cổ Đường Lâm này uống để có sữa nhiều mà rất nhiều người ở Hải Dương, Hải Phòng, thậm chí Nghệ An, Hà Tĩnh cũng tìm về xin nước”.

Nói rồi chị giới thiệu tên là Tám, nhà ở cách đây mấy chục mét, phía sau lùm cây âm u kia. Trước đây, coi sóc giếng cổ và miếu thờ này là cụ Sót. Nhưng giờ tuổi cao chỉ khi nào cụ Sót khỏe mới ra được. Là người làng Cam Lâm sống gần giếng, nên chị Tám khi thấy khách xa tìm về giếng cổ thì lại ra để hướng dẫn, bất kể sớm muộn, mưa nắng để khách biết rõ tục lệ, “sở cầu như ý”, xin được nước, về uống có hiệu quả.

Người phụ nữ thường qua lại giếng Chuông Sa hướng dẫn cách lấy nước.

2. Chị Tám đặt đứa con nhỏ xuống và hướng dẫn chúng tôi đặt lễ trước đền Mẫu để xin nước. Chị bảo, ai muốn đến xin nước ở đây đều phải đặt lễ xin Mẫu. Từ người làng, hay khách phương xa đến xin nước về cho sản phụ uống để có sữa đều như vậy. Lễ không cần cầu kỳ “mâm cao cỗ đầy”, chỉ là gói bánh hay hoa quả vườn nhà đơn giản, nhưng phải thành tâm thì Mẫu mới đồng ý.

Chị Tám kể, sở dĩ xin nước ở giếng phải được phép của Mẫu cũng xuất phát bởi sự tích hình thành giếng sữa. Tương truyền từ nghìn năm trước, thời vua Ngô Quyền người ta đã truyền tai nhau câu chuyện về những năm loạn lạc, dân chúng đói khổ, có gia đình nghèo khó quá, vội chạy loạn phải bỏ con lại. Một bà lão hành khất đi ngang qua thấy đứa trẻ còn đỏ hỏn nên thương tình bế theo. Đến địa phận đất Chuông Sa thì đứa bé đói quá, khóc ngằn ngặt không làm sao dỗ được. Đất hoang vu vắng vẻ, không có người ở nên bà không tìm được nhà nào để xin chút gì ăn cho đứa bé. Bỗng từ nơi chiếc gậy của bà cắm xuống đất mềm, một dòng nước mát lành trào lên. Bà lão vội vàng cho đứa bé uống thì lạ thay nó nín khóc và ngủ ngon lành. Bà dừng lại nơi đây, lập nghiệp, nuôi nấng đứa nhỏ. Khi bà mất, dân làng lập miếu thờ bà.

Sau này, dân làng lấy đá ong kè xung quanh, tạo thành một chiếc giếng nơi bà lão cắm gậy ngày trước. Giếng thiêng nên ai muốn xin nước đều phải lễ, dù là lễ mọn nhưng cứ thành tâm là sẽ được như ý. Trải qua thời gian mưa nắng, có những năm các giếng trong vùng cạn trơ đáy song giếng sữa vẫn luôn đầy ăm ắp, chưa bao giờ vơi cạn. Dân làng quanh đây rủ nhau đến dâng lễ xin Mẫu ban cho nước dùng rồi thi nhau gồng gánh hết lượt này đến lượt khác nhưng giếng cứ vơi lại đầy, thế là dân làng thoát mùa hạn hán.

Khi tôi hỏi thực hư chuyện xin nước uống ra sữa, chị Tám kể: Chuyện xin nước uống rồi có sữa là hoàn toàn đúng. Ngày nào chị cũng chứng kiến người dân từ các nơi tỉnh về xin nước. Có hôm lên đến chục người. Có nhà đi hai vợ chồng, cũng có nhà chồng đến xin nước về hộ vợ. Lại có nhà bố mẹ thuê taxi đến xin nước cho con. Người đi xin nước thay, nếu là đàn ông thì để lại 7 đồng tiền, đàn bà thì để lại 9 đồng, tương đương với vía của người đó. Sau khi đặt lễ, để tiền, xin âm dương được thì mới lấy gáo múc nước mang về. Có những người lấy đến 4, 5 can nước to, cho lên ô tô chở về để nấu cháo, đun nước cho sản phụ uống.

Cũng theo chị Tám, đã đến đây xin nước thì phải quay trở lại đây lễ tạ. Nếu đường sá xa xôi không quay lại được thì phải ghi lại tên tuổi cùng gửi lại chút lễ tạ. Đặc biệt, lễ sau khi cúng không ai được mang về. Không phải là người làng tham lam mà bởi lễ phải được “tán” cho lũ trẻ quanh vùng. Chị Tám kể, có những đoàn người đến đây xin nước, khi ấy trời mưa, không có bọn trẻ đến để chia lộc nên về uống nước mà sữa vẫn không về. Phải mấy hôm sau, bọn trẻ đến thụ lộc thì sữa mới về.

Giếng xóm Sui.

Ảnh: Lãng Anh

3. Với những người phụ nữ mất sữa, hoặc đang thiếu sữa cho con bú thì quả thực, ai mách gì đều làm theo, miễn sao có được dòng sữa tốt lành, nuôi con cho đỡ vật vả. Vì vậy, khi đến giếng cổ Chuông Sa, ai lấy đều lòng thành với niềm hi vọng đầy vơi trong lòng. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định một điều, đây chỉ là lời dân gian truyền miệng từ đời này qua đời khác, người này sang người khác. Không phải ai mất sữa uống vào cũng có ngay, có nhiều, bởi còn phụ thuộc vào cơ đại của từng người. Đó là chưa kể chuyện ăn uống của mỗi người khác nhau, mỗi địa phương lại có sự “tẩm bổ” cho sản phụ khác nhau.

Một số cụ cao niên ở làng Cam Lâm còn nhớ, quãng năm 1965 đã từng có đoàn khoa học về lấy mẫu nước giếng mang đi xét nghiệm, kết quả ra sao thì không ai được biết. Cũng có những người đến đây giải thích rằng nước luôn đầy là do phong thủy, vị trí giếng ở đúng mạch, giống như mạch máu con người, cứ múc đi thì chỗ khác lại dồn về nên không bao giờ cạn.

Ông lang Quy ở làng cổ Đường Lâm đặt vấn đề: Có thể trong nước giếng có những thành phần vi lượng nào đó giúp người uống khỏe mạnh, tạo được sữa chăng? Thực hư ra sao, rất cần có ý kiến của những nhà khoa học, để những chiếc giếng cổ nói chung và “giếng sữa” Chuông Sa nói riêng càng được bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng làng quê Việt Nam.

Đường Lâm còn nhiều giếng cổ

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đều thừa nhận, làng Đường Lâm hiện vẫn còn giữ được hệ thống giếng nước đa dạng, với lịch sử lâu đời. Dường như đến các ngõ xóm trong làng Việt cổ này đều gặp những chiếc giếng khơi, xây bằng đá ong cổ. Có cái đã hoang phế, nhưng nhiều chiếc giếng vẫn đầy nước để dân làng sử dụng.

Ví dụ giếng nước của xóm Hè. Ngày nay dân xóm Hè vẫn truyền miệng nhau câu vè: “Nước giếng Hè, chè Cam Lâm”, tức là lấy nước giếng này đun sôi, pha chè ở làng Cam Lâm bên cạnh sẽ rất ngon.

Hay như bên ngôi đình nổi tiếng Mông Phụ vẫn còn 2 chiếc giếng cổ, được người làng ví là 2 mắt Rồng. Trong đó, giếng xóm Phủ được gọi là mắt phải của Rồng và chỉ dùng làm nước ăn, còn tắm giặt phải dùng nước ở giếng bên trái. Giếng được sửa chữa năm 1958. Nước giếng luôn trong và chưa bao giờ cạn kể cả năm hạn hán. Hằng năm, cứ đến mùng 5 Tết, mỗi gia đình trong xóm cử một đại diện mang lễ vật ra giếng để khấn cho nước giếng luôn đầy, gia đình sung túc, bình an vô sự.

Đoàn Quỳnh Mai

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/gieng-sua-chuong-sa/63372