Giáo viên nghỉ hưu trước tuổi và vấn đề chất lượng

Ở những thời điểm được coi là 'bước ngoặt', trong bộ máy công quyền thường xuất hiện những người, thậm chí một lớp người không chuyển kịp, bắt nhịp kịp yêu cầu của cuộc sống,...

Nghị định đã qui định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nguyên tắc tinh giản biên chế; trình tự thực hiện tinh giản biên chế. Mục đích, phương pháp, trình tự được Trung ương qui định thì rất chặt chẽ, hợp lý, nhưng trong thực tế triển khai ở cơ sở thì việc thực hiện chủ trương trên còn nhiều điều cần phải được trao đổi, bàn luận.

Lĩnh lương hưu (ảnh minh họa)

Ở những thời điểm được coi là “bước ngoặt”, trong bộ máy công quyền thường xuất hiện những người, thậm chí một lớp người không chuyển kịp, bắt nhịp kịp yêu cầu của cuộc sống, thiếu khả năng thích nghi với tình hình mới. Đây là nguyên nhân chính mà Đảng và Chính phủ có chính sách đãi ngộ khi tinh giản biên chế đối với lớp người này. Trong khuôn khổ bài viết, xin chỉ đề cập đến thực trạng giáo viên nghỉ hưu trước tuổi quy định.

Theo quy định của ngành giáo dục thì đối tượng tinh giản biên chế là những giáo viên kém năng lực thực sự, những người không hoàn thành nhiệm vụ vì thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu học tập để vươn lên đáp ứng yêu cầu, sức khỏe yếu …Riêng việc giải quyết giáo viên về hưu trước tuổi theo chế độ Nghị định 132 hiện nay có những thực tế như sau: chủ yếu tập trung vào cấp tiểu học và trung học cơ sở; trong khi đó những kiến thức mới với những chương trình giáo dục linh hoạt đầy tính thực tiễn của khoa học hiện đại phần lớn nằm ở các cấp học cao như Trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, đại học, trên đại học. Lẽ ra ở các cấp học đó người lạc hậu, không bắt kịp nhịp độ phát triển của khoa học hiện đại, khó hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy theo yêu cầu của tình hình mới có tỷ lệ cao hơn cần phải được tinh giản, nhưng thực tế rất ít người được tinh giản.

Ở các tỉnh thành từ miền Trung trở vào, trong giai đoạn từ sau năm 1975 mãi đến 1980, 1981 thì giáo viên cấp I, II có hai nhóm chủ yếu: một là những người đang học đại học, cao đẳng, những người có trình độ tú tài trong chế độ cũ được đào tạo cấp tốc để ra giảng dạy phục vụ giáo dục sau thời chiến; hai là một nhóm người ít hơn, được đào tạo cao đẳng, trung học sư phạm. Theo qui luật chọn lọc, số cá thể được chọn với tỷ lệ càng nhỏ so với quần thể thì chất lượng trung bình của các cá thể càng cao. Thời ấy, trong xã hội rất ít người được học từ cấp III trở lên, vì vậy tuy số giáo viên đó ít người có bằng cấp chuyên môn chính thức nhưng so với mặt bằng văn hóa bình quân lúc đó có thể nói họ thuộc nhóm người tinh hoa. Như vậy số đông trong họ thường có chỉ số IQ khá cao so với bình quân xã hội. Mặt khác mấy chục năm nay họ vừa dạy vừa học, phần lớn đã có trình độ đại học và tương đương cộng với kinh nghiệm nghề nghiệp tích lũy, đây là vốn quí của ngành. Thực tế, rất nhiều người trong họ là giáo viên giỏi, giáo viên có năng lực đã tạo được thương hiệu của nhiều trường trong tỉnh. Thế thì không có lý do gì sau khi có một Nghị định của Chính Phủ bỗng dưng đa số người trong họ lại trở thành giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ ( trừ những trường hợp có sự cố về sức khỏe)

Hầu hết những người được nghỉ sớm theo nguyện vọng với tiêu chí duy nhất đúng yêu cầu: nữ từ đủ 50 đến đủ 54, nam từ đủ 55 đến đủ 59 tuổi, các tiêu chí khác đều phải hợp thức hóa theo qui định của Nghị định. Thêm nữa, để được giải quyết về hưu trước tuổi, họ không nhận bất cứ danh hiệu thi đua gì nhằm chứng tỏ hiện giờ bản thân không thể hoàn thành nhiệm vụ. Ở đây đẻ ra hai khuynh hướng đối nghịch nhau: Có một bộ phận cán bộ cố “đánh bóng” cho mình bằng những danh hiệu thi đua để làm cơ sở thăng tiến, trái lại có một nhóm giáo viên đầy kinh nghiệm và lương tâm đã được bục giảng minh chứng mấy chục năm qua phải tự ép mình để rút lui trong tư thế “không hoàn thành trách nhiệm”. Cái được đối với họ là mấy chục triệu đồng tiền chế độ và sự rũ bỏ áp lực nghề nghiệp không thể tránh khỏi để theo kịp đà vận hành phức tạp của xã hội trong giai đoạn mới. Một câu hỏi đặt ra, tại sao thời chiến tranh cũng như giai đoạn bao cấp, đồng lương giáo viên chật hẹp, cuộc sống còn nhiều thiếu thốn mà đa số giáo viên vẫn trụ vững trên bục giảng, bây giờ họ lại phải rút lui trước tuổi. Như vậy tiền chỉ là một trong những nguyên nhân chứ không phải là tất cả. Có nhiều giáo viên về trước tuổi nhưng vẫn nguyên vẹn tình yêu nghề nghiệp, học trò.

Người đến tuổi phải về hưu, đó là việc đương nhiên. Theo đúng trình tự thì mỗi năm có một số ít người ra về và sẽ có một số người trẻ thay thế theo qui luật “tre già măng mọc”. Nhưng ở đây, trong thực tế có nơi như ở tỉnh Quảng Nam, cả một nhóm người chênh lệch nhau đến 5 tuổi nghỉ cùng một lúc, dẫn tới số người nghỉ tăng lên đột ngột gấp khoảng 5 lần, cá biệt, có trường số người về hưu tăng lên hàng chục lần so với bình thường. Điều này tạo ra sự hẫng hụt, thiếu tính kế thừa mà hệ lụy là giảm chất lượng giáo dục, ảnh hưởng đến cả một thế hệ học sinh.

Xét về mặt kinh tế thì nhà nước cùng lúc chi ra một khoảng ngân sách khá lớn để giải quyết chế độ, sau đó lại cùng lúc chi lương cho người mới thế chỗ và 75% lương cho người về hưu sớm, dẫn đến tăng đột ngột người hưởng chế độ từ ngân sách nhà nước. Nếu nói người về hưu không hưởng chế độ từ ngân sách mà từ quĩ bảo hiểm xã hội là không đúng đối với nước ta hiện nay. Vì thực chất người lao động có đóng bảo hiểm từ tiền lương mới thực hiện khoảng mười mấy năm thôi, thời gian trước đó ngân sách nhà nước phải bù cho quĩ bảo hiểm xã hội. Mặt khác giải quyết lao động xã hội bằng con đường tăng số người hưởng lương và chế độ từ công quĩ là không đạt mục đích thật sự về tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính sự nghiệp.

Việc giải quyết chế độ đãi ngộ cho người về hưu sớm này đẻ ra bất hợp lý trong chính sách xã hội giữa người về sớm và người về đúng tuổi. Đặc biệt, so với người tham gia kháng chiến như “B trụ”, “B trọc”, trước cách mạng Tháng Tám thì càng bất hợp lý. Ví dụ “chế độ 290” người tham gia kháng chiến chống Mỹ được hưởng 500 ngàn đồng/mỗi năm kháng chiến thì người kháng chiến quá thiệt thòi.

Nghị định 132 của Chính phủ đã ban hành với mục đích làm cho tổ chức bộ máy các cơ quan đơn vị, trong đó có ngành giáo dục thêm vững mạnh, năng lực và hiệu quả hoạt động tăng lên. Nhưng trong quá trình thưc hiện, mục đích đó bị đẩy xuống hàng thứ yếu, thậm chí bị bóp méo nghiêm trọng. Đã đến lúc các cấp chức năng ở từng tỉnh thành, địa phương cần khảo sát lại thực trạng GV về hưu trước tuổi, có biện pháp chấn chỉnh trong thời gian tới để Nghị định 132 của chính phủ đảm bảo được thực hiện đúng đắn trong thực tế cuộc sống.

(Phạm Hoàng Lê- Uyên Phương)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/2773/200911/Giao-vien-nghi-huu-truoc-tuoi-va-van-de-chat-luong-1917040/