Giáo sư Trần Hữu Tước một trí thức Việt kiều tài đức vẹn toàn

Lần đầu, tôi hân hạnh được tiếp xúc với giáo sư là năm 1963. Hồi đó, tôi là cán bộ giảng dạy của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Thấy tôi bị viêm xoang nặng, giáo sư Tạ Quang Bửu – Hiệu trưởng của trường viết thư tay cho giáo sư Trần Hữu Tước nhờ khám và chữa giùm. Thế là tôi trở thành bệnh nhân được ông trực tiếp chữa trị. Đúng như dân gian tổng kết: “Lai rai như tai mũi họng”. Cái bệnh viêm xoang cộng với vẹo vách ngăn bẩm sinh ở mũi của tôi đã khiến giáo sư và các cộng sự của ông vất vả cả nửa năm trời.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với các trí thức
tại Hội nghị chính trị hiệp thương năm 1964.(GS.Trần Hữu Tước ngồi bên trái, cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Cũng vì là con bệnh được ông điều trị dài ngày, nên tôi có điều kiện quan sát, tìm hiểu và khâm phục tài năng của ông – vị giáo sư đầu ngành tai – mũi - họng Việt Nam. Song, trong bài viết này tôi muốn đề cập nhiều hơn đến đức độ của ông – đức độ của một thầy thuốc. Ông thực sự là tấm gương tiêu biểu cho y đức đúng với câu mà Bác Hồ đã tặng cho ngành y tế “Lương y như từ mẫu”.

Từ năm 1970, tôi được Trung ương điều về giúp việc đồng chí Hoàng Quốc Việt – một trong bảy Ủy viên Trung ương lâm thời đầu tiên của Đảng ta, Chủ tịch Tổng công đoàn, rồi Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, nhất là khi được tham gia vào công tác Mặt trận, tôi có điều kiện làm việc nhiều hơn với giáo sư vì giáo sư lúc đó là Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam. Cũng qua những buổi làm việc đó, tôi càng hiểu thêm cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Theo bản lý lịch tự khai khi tham gia UBTƯ MTTQ Việt Nam, giáo sư Trần Hữu Tước sinh ngày 13-10-1913 trong một gia đình trung lưu tại làng Bạch Mai, huyện Hoàng Long, tỉnh Hà Đông, nay thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Là một học sinh thông minh, học giỏi luôn đứng đầu lớp của trường Albert Sarraut, ông được cử sang Pháp và thi đậu vào trường Đại học y khoa Pari. Năm 1937 ông bảo vệ luận án và được Hội đồng chấm điểm “xuất sắc”, được nhà trường giữ lại làm trợ lý cho giáo sư Sơ-mi-e, chuyên gia tai – mũi – họng nổi tiếng nước Pháp thời đó. Năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, ông tham gia vào hàng ngũ những người kháng chiến yêu nước Pháp chống phát – xít Đức.

Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã cùng nhiều trí thức Việt kiều tìm mọi cách trở về để cùng toàn dân xây dựng đất nước nhưng đều không thành.

Tháng 9-1946 nhân dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Pháp dự Hội nghị Phông-ten-bleau, ông cùng các trí thức yêu nước khác như: Trần Đại Nghĩa, Vũ Đình Huỳnh, Võ Quý Huân v.v… từ bỏ cuộc sống giàu sang ở thủ đô Pari hoa lệ của nước Pháp, xin Bác Hồ cho phép được về nước để cùng toàn dân chiến đấu chống thực dân Pháp cướp nước và bọn tay sai bán nước.

Trong những ngày ở trên thông – tấn – hạm Duy – mông Duếc – vunlow (Dumont d’ Urville) mà Chính phủ Pháp dùng để đưa Bác từ Pháp về Việt Nam, ông trở thành bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho Hồ Chủ tịch và cho cả Đoàn. Đồng thời, các trí thức trẻ được dự một lớp học chính trị đặc biệt do Bác trực tiếp truyền đạt. Và từ đó cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn bó với Tổ quốc, với dân tộc. Ngày 19-12-1946, Hồ Chủ tịch ra Lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”. Bác sĩ Trần Hữu Tước được phân công phụ trách cứu thương cho Trung đoàn Thủ đô và đã cùng Trung đoàn chiến đấu suốt 60 ngày đêm trong nội thành với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

Sau những ngày chiến đấu quyết liệt đó, theo Chỉ thị của Trung ương, ông rời Thủ đô về các địa phương xây dựng cơ sở y tế phục vụ cho kháng chiến, kiến quốc. Ông có mặt ở hầu khắp các địa phương: hết Liên khu III đến Liên khu IV rồi lên chiến khu Việt Bắc. Trong khi đó cái chung của ngành, ông vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng nền móng cho bộ môn tai – mũi - họng. Là một trí thức Việt kiều vốn có cuộc sống đầy đủ và phương tiện, điều kiện làm việc “tuyệt vời”, trở về quê hương cùng nhân dân chiến đấu chống kẻ thù xâm lược với biết bao khó khăn và thiếu thốn đủ điều, kể cả có thể bị hy sinh, song như ông đã bộc bạch trong Hồi ký: “Chưa bao giờ tôi làm việc hăng say quên ăn, quên ngủ và sống thanh thản như lúc này”.

Do lao động quá sức, ăn uống kham khổ, điều kiện vệ sinh không được đảm bảo, năm 1951 ông bị bệnh đường ruột rất nặng. Lúc về nước, ông là người cao, to, khỏe nhất trong số anh em cùng về: cao 1m75, nặng 75kg nay chỉ còn 42kg. Bác Hồ và Trung ương rất lo cho sức khỏe của ông. Theo Chỉ thị của Bác, đồng chí Hoàng Quốc Việt lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách khối Dân vận – Mặt trận gặp ông và gợi ý sẽ bố trí để đưa ông vào nội thành chữa bệnh. Ông thẳng thừng từ chối với câu nói nổi tiếng: “Tôi đã giơ tay quyết đi theo Bác Hồ, theo cách mạng thì không bao giờ giơ hai tay để đầu hàng giặc”.

Theo lời kể của đồng chí Hoàng Quốc Việt, lo cho tính mệnh của chú Tước, Bác đã đề nghị các đồng chí Trung Quốc chữa giúp và được phía bạn nhận lời, song phải thuyết phục mãi bác sĩ Tước mới chịu”. Sang được Trung Quốc chữa bệnh cả là một chuyến đi cực kỳ gian khổ. Theo bác sĩ Tước kể, lúc này ông đang công tác ở Nông Cống (Thanh Hóa), bệnh nặng nhưng mỗi ngày vẫn phải cuốc bộ vượt 5, 6 cây số núi đèo và phải mất một tháng rưỡi mới đến được Tuyên Quang và từ đây được xe Jeep đưa lên biên giới, rồi bằng tàu hỏa lên Bắc Kinh để mổ cắt khối u ở ruột và chữa bệnh đại tràng.

Cũng trong thời gian chữa bệnh và điều dưỡng ở Trung Quốc, ông được Chính phủ và Bác Hồ cử tham gia Đoàn đại biểu các tầng lớp nhân dân Việt Nam sang Triều Tiên úy lạo, ủng hộ nhân dân Triều Tiên chiến đấu chống Mỹ do đồng chí Hoàng Quốc Việt dẫn đầu.
Tháng 7-1954 Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, hòa bình được lập lại. Chính phủ Hồ Chí Minh từ Việt Bắc trở về thurd dô. Bác sĩ Trần Hữu Tước được phân công tiếp quản và trực tiếp làm Giám đốc bệnh viện Bạch Mai. Ông đảm đương trọng trách Giám đốc bệnh viện lớn nhất miền Bắc lúc đó suốt 15 năm, từ 1955 đến 1969. Ông cũng là một trong chín trí thức đầu tiên được Nhà nước phong chức danh Giáo sư vào năm 1955. Là giám đốc bệnh viện, ông đồng thời kiêm Trưởng bộ môn tai-mũi-họng của trường Đại học Y dược Hà Nội.

Từ sau tháng 9-1954, đặc điểm lớn nhất của cách mạng nước ta là đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược khác nhau, nhưng đều nhằm thực hiện một mục tiêu chung là hoàn thành giải phóng dân tộc.

Mặt trận Liên Việt đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình là đoàn kết toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đến nay nhiệm vụ chung cả nước và mỗi miền đã thay đổi. Vì vậy, cần phải có Mặt trận mới đoàn kết “tất cả những người thật thà yêu nước, không phân biệt tầng lớp nào, tín ngưỡng nào, chính kiến nào và trước đây đã đứng về phía nào, chúng ta hãy thật thà cộng tác, vì dân, vì nước mà phấn đấu để thực hiện hòa bình, thống nhất độc lập dân chủ trong nước. Việt Nam yêu quý của chúng ta” (1) Và MTTQ Việt Nam ra đời, bác sĩ Trần Hữu Tước vốn là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Liên Việt trong cuộc kháng chiến chống Pháp được Đại hội tín nhiệm tiếp tục cử vào Ủy ban Trung ương. Ông liên tục được tái cử cho đến khi qua đời.

Năm 1960, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng lao động Việt Nam lớp mồng sáu tháng Giêng (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).

Ngày 10-1-1967 giáo sư được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động.

Ông là Chủ tịch đầu tiên của Tổng hội Y học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Do những đóng góp to lớn của ông vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành y học Việt Nam, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất và giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học – kỹ thuật.

Là một giáo sư y học nổi tiếng, ông không chỉ thận trọng trong chuẩn đoán và điều trị bệnh nhân mà rất thận trọng cả trong quan hệ đối xử, trong giải quyết các việc công tư.

Như chúng ta đều biết: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng vào ngày 30-4-1975. Thắng lợi đó đã chấm dứt chiến tranh, giải phóng hoàn toàn miền Nam chấm dứt họa chia cắt, thu giang sơn về một mối. Để sớm ổn định tình hình miền Nam, hàng loạt cán bộ các ngành các cấp được Trung ương và địa phương điều động vào Nam công tác. Ngược lại, nhiều đồng chí, đồng bào ở miền Nam trở ra miền Bắc thăm lại quê hương, tìm kiếm họ hàng, bè bạn: Trong sự giao lưu đó đã xuất hiện dư luận không tốt: “Miền Nam ra tìm họ, miền Bắc vào tìm hàng” làm cho những người tự trọng nhất là nhân sĩ, trí thức rất khó chịu.

Một hôm, giáo sư điện mời tôi xuống Viện Tai mũi họng tâm sự về điều này. Ông nói: -Mình quen biết nhiều trí thức ở Sài Gòn, trong đó có những người là bạn bè cũ từ hồi mình còn ở Pháp.

Miền Nam vừa được giải phóng, không ít người trong số đó băn khoăn, lo lắng về tương lai và sự nghiệp. Giáo sư có điều kiệu vào gặp gỡ anh em với tư cách Ủy viên Trung ương Mặt trận thì hay biết mấy! Hơn nữa, Viện Tai – mũi – họng đang rất thiếu các trang thiết bị hiện tại.
Hiểu ý giáo sư, tôi báo cáo với Chủ tịch Hoàng Quốc Việt. Ông rất mừng và điện mời giáo sư cùng con gái vừa đỗ đại học ngay tuần sau đi chuyên cơ cùng ông vào gặp mặt các trí thức tiêu biểu Sài Gòn, trong đó có nhiều người là bạn “cố tri” của giáo sư.

Sau hơn một tuần hoạt động, lúc trở về hành lý ông mang theo là gần một tạ y cụ chuyên dùng cho tai mũi họng. Và như giáo sư báo cáo với Chủ tịch Hoàng Quốc Việt: Chuyến đi đã thành công tốt đẹp: Vừa góp phần làm cho trí thức, bạn bè yên tâm ở lại, vừa tăng thêm thiết bị hiện đại cho Viện.

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 32 của giáo sư, anh hùng lao động Trần Hữu Tước (23-10-1983 – 23-10-2015) bài viết này thay nén hương trước hương hồn của người quá cố.

Tôi đã giơ tay quyết đi theo Bác Hồ, theo cách mạng thì không bao giờ giơ hai tay để đầu hàng giặc”.
Giáo sư

Trần Hữu Tước

Nguyễn Túc (Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam)

(1) Văn kiện lịch sử Đảng Học viện cao cấp Nguyễn Ái Quốc, tập VIII, trang 181.

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/giao-su-tran-huu-tuoc-mot-tri-thuc-viet-kieu-tai-duc-ven-toan/79627