Giáo sư Nguyễn Lân Hùng và duyên nợ với nghề cầm bút

(CL)- Giáo sư Nguyễn Lân Hùng được biết đến với tư cách là một nhà khoa học trong lĩnh vực sinh học và nông nghiệp. Thế nhưng, cũng không ít độc giả biết đến ông với tư cách là một người viết báo kỳ cựu.

Giáo sư Nguyễn Lân Hùng Là nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực sinh học và nông nghiệp, công việc chính của Giáo sư Nguyễn Lân Hùng là giảng dạy. Ông đã có trên 40 năm gắn bó với mái trường Sư phạm Hà Nội 1 và hiện tại, dù đã nghỉ hưu nhưng công việc của ông vẫn cứ đều đều, thậm chí lịch làm việc dày đặc khiến ông ít có thời gian nghỉ ngơi. Ông tâm sự: kể từ ngày ra trường (năm 1967) tới nay, dù bận rộn với công việc giảng dạy song ông vẫn đều đặn viết cộng tác với các báo đài. Mặc dù, nghề làm báo được coi là “nghề tay trái” nhưng với giáo sư Nguyễn Lân Hùng nó lại là công cụ đắc lực được ông sử dụng một cách tài tình trên con đường nghiên cứu khoa học và phổ biến kiến thức tới mỗi người dân. Ông đã viết, đôi khi còn nhiều hơn cả những nhà báo chuyên nghiệp. Ông có cả hàng trăm bài báo, hàng chục đầu sách và rất nhiều công trình khoa học trong lĩnh vực sinh học, trồng trọt và chăn nuôi. Giáo sư Nguyễn Lân Hùng chia sẻ: “Làm báo với tôi là trách nhiệm với khoa học. Mình nghiên cứu khoa học và phải chuyển giao tiến bộ khoa học đó để phục vụ cho dân”. Theo Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, báo chí phải truyền tải thông tin khoa học của các nhà khoa học khác mà họ làm tốt đến với nông dân. Cho nên báo chí có vị trí rất quan trọng, nó là cầu nối nhanh nhất, rộng rãi nhất để đưa thông tin kiến thức đến với mọi người dân. Bản thân Giáo sư đã tham gia đủ các thể loại báo chí, cộng tác với nhiều báo đài trong đó có nhiều dạng bài viết theo cảm xúc, có dạng bài viết theo trách nhiệm. Có lần, Giáo sư Nguyễn Lân Hùng lên Hà Giang, ở nơi miền đã hùng vĩ và đầy bản sắc ấy, ông đã viết bài “Trở lại Hà Giang” với khát vọng sẻ chia tình cảm đầy yêu mến của bản thân với 22 dân tộc nơi đây. Bài báo đã đoạt giải báo chí quốc gia nhưng cái quan trọng là nó được lồng vào đó tư tưởng và trăn trở để đưa vùng đất với những cổng trời đi lên tầm cao mới. Những loạt bài viết theo trách nhiệm như: “Cách thức làm ăn” chuyên mục mỗi tuần một số trên Báo Nhân dân do một mình ông phụ trách mấy năm liền. Nhớ lại ngày đó, Giáo sư chia sẻ: Khi ấy, tôi “đòi” mãi Báo Nhân dân mới “cho” tôi một góc cho nông dân ngày thứ năm hàng tuần. Thế là ông viết liền trong 5 năm. Sau đó, ông viết trên báo Nông thôn ngày nay chuyên mục: “Mỗi tuần một nghề” rồi cũng chuyên mục ấy trên báo Nông nghiệp Việt Nam. Sau này, ông chuyển sang làm với Đài Truyền hình Việt Nam, chuyên mục: “Cùng nông dân làm giàu”. Mấy năm nay, cứ đến ngày chủ nhật ông lại chuẩn bị nội dung lên sóng một cách đều đặn. Nó thành một nhiệm vụ. Dưới góc độ vừa là nhà khoa học, vừa là nhà báo, ông không chỉ tìm khoa học kỹ thuật mà còn tìm ngôn từ, tìm cách nói để người xem dễ hiểu nhất. Có lần một cậu thanh niên trong Hậu Giang điện thoại cho Giáo sư Nguyễn Lân Hùng: “chú Lân Hùng ạ, cháu thích mục của chú lắm!” Ông phấn khởi hỏi lại: Thế cháu nghe có hiểu được không? Anh thanh niên đáp: Dạ không hiểu gì ạ (?!). Hóa ra Giáo sư nói tiếng Bắc, giọng lại khàn khàn khiến họ không hiểu lắm. Có lần hai bố con từ tận Tân Kỳ (Nghệ An) bắt xe ra tận Hà Nội tìm đến nhà ông chỉ để nói lời cảm ơn. Hai bố con ông nói rằng nhờ học và làm theo lời khuyên của Giáo sư trên truyền hình mà cậu thanh niên đã nuôi được con nhím thành công, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng. Tất cả những điều ấy khiến Giáo sư luôn trăn trở về trách nhiệm của người cầm bút khi xuất hiện trước công chúng độc giả. Làm sao bài báo, lời dẫn dắt của mình đi vào được lòng người, được công chúng độc giả tiếp thu nhanh nhất, dễ hiểu nhất, có thể ứng dụng trong cuộc sống thì việc làm của mình mới có ý nghĩa. Trước đây, khi Giáo sư viết báo, lúc nào cũng chau chuốt câu từ, làm sao tránh sự rườm rà, khó hiểu. Còn bây giờ, mỗi khi lên sóng truyền hình, bản thân ông cũng phải soạn ra văn bản, đọc đi đọc lại rất ký rồi mới lên sóng. Ông tâm sự: “Tôi chủ trương đã là khuyến thì phải nói cho dễ hiểu, vui vẻ. Nói người ta phải nghe, phải thích. Anh phải chọn ngôn từ, chọn cách nói, chọn hình tượng sao cho hấp dẫn, mà cái đó không phải tự nhiên mình bật ra được. Hải Bình

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/Item/VN/NgheBao/Giao-su-Nguyen-Lan-Hung-va-duyen-no-voi-nghe-cam-but/86E9164AA2C055F4/