Giáo sư Ngô Đức Thịnh: 'Mùng 3 tết thầy' ai còn nhớ?

Trước khi có ngày nhà giáo 20/11, người Việt đã coi mùng 3 tháng Giêng là một dịp quan trọng nhất để học trò đến thăm hỏi những người thầy từng dạy dỗ mình.

Trong cuộc trò chuyện cuối năm với giáo sư Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, người viết được ông phân tích cặn kẽ từng lớp nghĩa trong câu thành ngữ "Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy"

Chữ "tết" trong câu thành ngữ trên là sự rút gọn của động từ "chúc tết". Việc chúc tết cha mẹ, thầy giáo đã trở thành đạo lý mà mỗi người phải hoàn thành trước khi bước vào những cuộc ăn chơi đầu năm mới.

Lớp học của thầy đồ xưa.

Theo mô tả của vị giáo sư chuyên nghiên cứu văn hóa dân gian, trước đây, nhà thầy đồ luôn đông vui nhộn nhịp vào ngày mùng 3 tháng Giêng bởi các thế học trò đến chúc tết. Món quà mang đến cho thầy thường là bánh trái, hoa quả. những sản vật địa phương. Có khi nhà thầy đang tổ chức ăn uống cũng mời học trò ở lại dùng bữa.

Khi đến thăm thầy, người học trò được các bạn đồng môn tín nhiệm nhất sẽ đứng lên thưa với thầy về sự có mặt của bạn bè đồng môn và chúc thầy những điều tốt lành. Ngày xưa, dù ai làm đến quan nhất phẩm trong triều đình thì vẫn một lòng kính trọng với người thầy từng dạy mình.

Trong văn hóa dân gian Việt Nam, chữ thầy dùng để chỉ người có hiểu biết uyên thâm trong 4 lĩnh vực gồm Nho, Y, Lý, Số. Tương đương với 4 nghề được trọng vọng trong làng xã xưa là thầy đồ, thầy lang, thầy địa lý (phong thủy) và thầy tướng số.

Không chỉ các thầy đồ - người trực tiếp dạy dỗ, truyền đạt đạo lý thánh hiền cho học trò, đôi khi những người thầy thuốc, thợ cả, người dạy nghề cũng được môn đệ đến chúc tết trong ngày mùng 3 tháng Giêng.

Nếu việc thực hành lễ nghĩa với cha mẹ, họ hàng trong 2 ngày đầu năm mới thể hiện sự gắn bó bền chặt với những người cùng huyết thống, thì việc đến chúc tết người dạy mình lại mang một giá trị đặc biệt, thể hiện một xã hội coi trọng việc giáo dục con người.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh.

Người Việt ngày nay vẫn giữ việc tết cha, tết mẹ, nhưng phong tục tết thầy dường như đã rẽ sang một hướng khác. Giáo sư Ngô Đức Thịnh cũng thừa nhận câu "Mùng 3 tết thầy" đã dần phai nhạt trong tâm thức người Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ. Ngày nay chuyện giáo viên mở cửa đón học sinh đến chơi nhà trong ngày mùng 3 tết cũng không phổ biến.

Theo lý giải của nhà nghiên cứu văn hóa hàng đầu Việt Nam, "mùng 3 tết thầy" là quan niệm cũ gắn với nền giáo dục Nho học vốn đã lùi vào dĩ vãng. Thay vào đó là mô hình giáo dục phương Tây gắn với khoa học kỹ thuật.

Vì sự biến đổi tất yếu nói trên, không nên coi sự phai nhạt của ngày "mùng 3 tết thầy" trong tâm thức người Việt là quá trình suy thoái hay đánh mất giá trị văn hóa. Ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo 20/11 xuất hiện cũng đã gánh vác toàn bộ vai trò tri ân thầy cô thay cho mùng 3 tháng Giêng.

"Tôi vẫn biết có một số ít người chọn dịp đầu năm để đi thăm hỏi thầy, cô giáo. Tuy nhiên, con số mùng 3 chỉ mang tính tượng trưng. Người ta có thể đến thăm thầy vào mùng 4, mùng 5 vẫn mang ý nghĩ là nhớ đến người dạy mình trong dịp đầu năm mới", ông Thịnh cho biết.

Mặt khác, lại có những học sinh, sinh viên tính chuyện tết thầy, nhưng thực tế là mua quà cáp đắt tiền mang đến biếu những người thầy đang quyết định việc đỗ đạt, thăng tiến của họ. Theo giáo sư Ngô Đức Thịnh, đây là sự lệch lạc, méo mó trong văn hóa và hoàn toàn không đúng với ý nghĩa tết thầy trước đây.

Những ngày đầu năm mới, khi nhiều người tất tả chọn quà đi tết sếp, tết thủ trưởng, nhằm gây dựng những mối quan hệ mang lại lợi ích trước mắt, thì đâu đó vẫn có những cựu học sinh nhớ đến việc "tết thầy". Câu nói "mùng 3 tết thầy" tuy không còn mang nặng tính trách nhiệm, nhưng vẫn là một lý do đẹp đẽ để thầy - trò tìm đến với nhau.

Ngọc Tân

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/giao-su-ngo-duc-thinh-mung-3-tet-thay-ai-con-nho-post625601.html