“Giáo sư Cù Trọng Xoay” Đinh Tiến Dũng: “Tôi nghiệp dư một cách chuyên nghiệp”

PNCN - Tốt nghiệp đại học Nông nghiệp, ra trường làm công tác Đoàn tại Trung ương Đoàn, sau đó đầu quân cho tập đoàn FPT; viết báo, viết kịch bản hài cho các chương trình Gặp nhau cuối năm, Thư giãn cuối tuần… của VTV; được khán giả yêu mến với vai diễn giáo sư Cù Trọng Xoay trong chuyên mục Hỏi xoáy - đáp xoay của chương trình Thư giãn cuối tuần; sáng tác những ca khúc trữ tình và chế nhạc theo kiểu ngẫu hứng; ôm đàn tự hát những sáng tác, chế tác của mình; gần đây lại tham gia cuộc thi Cặp đôi hoàn hảo (CĐHH)…, trên đường đi của mình, Đinh Tiến Dũng không ngại dấn bước vào những ngã rẽ.

Tự nhận mình “lạc đề” rồi “lạc đường”, nhưng chàng trai 30 tuổi biết rõ mình muốn đi đâu và có thể đi đến đâu…

“Tôi là người 4 trong 1”

PV: Dạo này báo chí phỏng vấn anh khá nhiều. Anh thích nhận được những câu hỏi “xoáy” hay những câu hỏi “êm dịu” và anh thường trả lời theo kiểu “thẳng” hay “xoay”?

“Giáo sư Cù Trọng Xoay” Đinh Tiến Dũng: Phóng viên các báo không ai hỏi tôi theo kiểu Trần Xoáy hỏi Cù Trọng Xoay. Tất nhiên, tôi cũng không trả lời báo chí theo cách của giáo sư Cù Trọng Xoay mà trả lời với tư cách Đinh Tiến Dũng. Tôi thích những câu hỏi dung dị và tôi thường trả lời một cách thành thật, giản dị, chính xác, cung cấp đầy đủ thông tin. Với sự trải nghiệm của nhiều năm tham gia viết báo, tôi dễ dàng nhận ra những câu hỏi mang tính gài bẫy, gây thị phi và biết cách từ chối những câu hỏi đó một cách lịch sự.

* Có gì giống nhau và khác nhau giữa giáo sư Cù Trọng Xoay và Đinh Tiến Dũng?

- Giáo sư Cù Trọng Xoay và Đinh Tiến Dũng giống nhau ở vẻ bên ngoài ngơ ngác, ngờ nghệch, nét hài hước, cách suy luận sáng tạo và thường chuyển sang kiểu tư duy của trẻ con… Có thể nói, giáo sư Cù Trọng Xoay là một góc cuộc sống thực - một góc hiền lành của Đinh Tiến Dũng. Một số điểm khác biệt giữa giáo sư và Dũng là: Đinh Tiến Dũng chẳng bao giờ khoác lên người những bộ trang phục đạo mạo giống như giáo sư, ngoại trừ các dịp đại lễ; cuộc sống của Dũng phong phú hơn với đủ mọi cung bậc hỷ - nộ - ái - ố; ở Dũng có những tật xấu và sự nghịch ngợm của tuổi 30 chứ không “khả kính” như tuổi 50 của giáo sư…

* Anh có hài lòng với hình tượng giáo sư Cù Trọng Xoay và chất lượng của mục Hỏi xoáy - đáp xoay? Có những ý kiến khen chê trái chiều về chất lượng của mục này, anh nghĩ sao? Trong tương lai, anh có định sẽ thay đổi hình tượng của giáo sư Cù Trọng Xoay?

- Hỏi xoáy-đáp xoay đã phát sóng được hai năm. Bất cứ một chương trình dài hơi nào cũng đòi hỏi sự trường vốn và sức sáng tạo. Đi vào cụ thể từng chương trình, có một số khiến tôi hài lòng và cũng có một số tôi chưa hài lòng mấy. Xét tổng thể, tôi hài lòng về chất lượng của chương trình cũng như cách xây dựng hình tượng giáo sư Cù Trọng Xoay. Thống kê ở cộng đồng mạng cho thấy, có khoảng 70 - 80% khán giả ủng hộ Hỏi xoáy - đáp xoay. Con số này khiến chúng tôi yên tâm. Tôi luôn bình tĩnh lắng nghe và tiếp thu sự góp ý của khán giả đối với chương trình. Hình tượng giáo sư Cù Trọng Xoay cũng có thể thay đổi do yêu cầu sáng tạo, nhưng sự thay đổi này không thể phá vỡ tính cách giáo sư đến mức cho giáo sư trèo cây hay nhảy hip hop…

* Theo anh, kịch bản hài dễ viết hay khó viết hơn so với kịch bản bi kịch, chính kịch?

- Kịch bản thuộc dạng nào cũng khó. Tôi có cảm giác kịch bản thời nay dường như lẫn lộn: hài kịch mà cứ như bi kịch, chính kịch lại giống hài kịch… Tôi nghĩ, có lẽ chúng ta không nên định dạng kịch bản rạch ròi theo khuôn khổ hài kịch, bi kịch, chính kịch. Một kịch bản nên hội tụ đủ các yếu tố bi, hài, chính kịch, thí dụ những kịch bản Táo quân tôi đã viết. Điều này cũng như một bữa cơm cần đủ chất dinh dưỡng: rau, đạm, tinh bột…

* Anh có thấy hiện nay chúng ta đang thiếu trầm trọng những kịch bản hài sâu sắc, trong khi lại quá thừa những tiểu phẩm, những vở diễn hài nhạt nhẽo, vô bổ, thậm chí nhảm nhí, chọc cười rẻ tiền…

- Tôi không nhìn nhận vấn đề theo cách “trầm trọng” như thế. Mỗi khi đi xem kịch, tôi thường chọn chỗ ngồi xa xa để có thể lắng nghe tiếng cười của khán giả. Có những tình huống hài làm cho cả khán phòng cười, nhưng cũng có những tình huống chỉ có thể làm cho một nhóm khán giả nào đó cười. Cái cười của lớp trẻ khác với cái cười của người già. Người nông thôn cười khác người thành thị. Cái cười của các bà nội trợ không giống với cái cười của giới công chức… Tôi nghĩ, không có cái cười nào “rẻ tiền” cả, làm cho người ta cười được là đáng quý rồi.

* Viết kịch bản theo đơn đặt hàng - điều này có hạn chế cảm hứng sáng tạo của anh?

- Không hề, tôi là người xây nhà và đơn đặt hàng như mảnh đất được quy định vậy. Tôi sẽ dễ dàng khoanh vùng để quy hoạch và sáng tạo nên ngôi nhà mình muốn. Nếu không có đơn đặt hàng thì tôi biết bám vào đâu để viết đây?

* Điều gì thúc đẩy anh sáng tác những bản nhạc… chế theo kiểu “ngẫu hứng thời sự” như: Lời ru buồn cho giá, Xăng tăng giá, Lương mềm cuối năm, Bài ca phong bì, Suýt chết…? Anh buồn hay vui khi những ca khúc chế tác này lại được người ta nhớ đến và yêu thích nhiều hơn so với những ca khúc nghiêm chỉnh, trữ tình của anh?

- Mỗi một bài hát là một sản phẩm nằm trong một chương trình nào đó. Chẳng qua mọi người không biết đến chương trình mà chỉ nhớ tới bài hát, thành ra tưởng tôi sáng tác những bài đó một cách riêng biệt. Tôi không phải người vật vã đau khổ với đời, khi làm các sản phẩm sáng tạo này, tôi rất tập trung để làm thật tốt.

* Những ca khúc chế tác của anh là những cảm thán sâu sắc và hài hước về nhiều vấn đề xã hội, thời sự từ chuyện bão giá, tiền lương, tiền thưởng cho đến thực trạng giao thông… Với những trải nghiệm và sự quan sát nào để một người trẻ như anh có thể có được các chế tác đậm tính trào phúng như vậy?

- Tôi chỉ muốn nhìn mọi chuyện theo hướng vui vẻ mà thôi. Còn việc quan sát hay trải nghiệm thì tôi nghĩ đâu có gì khó khi mà những vấn đề đó vẫn xảy ra hằng ngày quanh chúng ta. Chẳng qua là tôi hài hước và cường điệu hóa lên một chút cho vui, để khi gặp những vấn đề này, biết đâu ta lại bật cười thay vì cau có khổ sở.

* Khán giả của cuộc thi CĐHH nhiều người khen giọng hát của anh, nhưng cũng nhiều người chê, anh nghĩ gì về những nhận xét trái ngược đó? Tự đánh giá, anh thấy giọng hát của mình như thế nào, đạt được bao nhiêu điểm?

- Khen chê cũng tùy người cảm nhận vì đó còn là vấn đề của cảm xúc. Có thể họ yêu quý thì hát dở mấy cũng hay, mà họ đã ghét thì hát hay mấy họ vẫn chê dở. Tôi không sở hữu một giọng ca hay, thậm chí còn khê nồng và nói nặng âm địa phương. Cái mà có lẽ tôi có ưu thế, đó là cảm xúc khi thể hiện. Tuy nhiên trong CĐHH thì thời gian biểu diễn quá ngắn và phải tập trung cao độ để phối hợp cùng ban nhạc và Phương Linh nên thú thực là tôi không sao cảm xúc được, coi như cái ưu thế duy nhất cũng mất. Nếu tự chấm điểm cho mình, tôi cho là lúc bình thường tôi được 5 điểm còn trên CĐHH chắc được 3 điểm là may.

* Anh dự đoán anh và Phương Linh sẽ đi đến vòng thứ mấy của cuộc thi CĐHH và cặp đôi nào sẽ là cặp đôi đoạt giải nhất?

- Chúng tôi cũng không biết nữa, cứ cố gắng hết mình, còn đến đâu thì tùy vào Ban giám khảo và khán giả bình chọn. Tôi vẫn nghĩ đôi Đoan Trang - Trấn Thành có ưu thế để tiến tới ngôi vị cao nhất trong cuộc thi này. Tôi rất thích phần biểu diễn của cặp đôi này, nó luôn mới lạ, bất ngờ, trên một nền tảng khá cao về chuyên môn của cả hai.

* Anh có dự định sẽ trở thành một nhà biên kịch chuyên nghiệp, một nhạc sĩ chuyên nghiệp, một diễn viên chuyên nghiệp hay một ca sĩ chuyên nghiệp?

- Tôi là người nghiệp dư một cách chuyên nghiệp. Tôi không muốn (hoặc không thể) trở thành một người chuyên nghiệp trong những lĩnh vực kia, vì có thành cũng khó mà chen chân khi lĩnh vực nào cũng đã rất đông các cao thủ. Tôi sẽ là người làm 4 trong 1, tôi sẽ viết kịch, sáng tác bài hát trong đó, sau đó tự diễn và hát luôn. Cái này thì rõ ràng là ít người làm được rồi.

Ưu điểm: lạc quan, nhược điểm: “lạc đề”

* Đến nay, anh có cảm thấy mình đã là người nổi tiếng?

- Tôi không rõ nên định nghĩa thế nào về sự “nổi tiếng”. Tôi cũng không biết mình có “nổi tiếng” hay không. “Nổi tiếng” hay không - điều đó không quan trọng đối với tôi. Tôi vẫn sống, sinh hoạt và làm việc bình thường, vẫn vui chơi, tụ tập bạn bè… Nếu có một chút gì khác trước thì là gần đây người ta biết đến tôi nhiều hơn.

* Ưu điểm lớn nhất và nhược điểm lớn nhất của Đinh Tiến Dũng là gì?

- Ưu điểm lớn nhất : sự lạc quan. Nhược điểm lớn nhất: hay “lạc đề”. Tôi “lạc đề” vì lạc quan quá, chủ quan quá và tâm huyết quá. Tôi “lạc đề” không chỉ khi viết kịch bản mà còn “lạc đề” cả trong nghề nghiệp, trong cuộc sống. Sự “lạc đề” này đã được khai thác trong mục Hỏi xoáy - đáp xoay. Sự “lạc đề” trong nghề nghiệp cũng thú vị, vì nhờ đi lạc mà mình bỗng tìm thấy một con đường mới.

* Ngoài cái danh giáo sư Cù Trọng Xoay, anh còn có nhiều biệt danh khác: Dũng Vạc, Dũng đê tiện, Dũng điên tệ… Trong những cái tên ấy, anh thích tên nào nhất và tên nào thể hiện đúng nhất Đinh Tiến Dũng?

- Mỗi cái tên gắn với một giai đoạn của cuộc đời tôi. Tôi yêu tất cả những cái tên đó, nhưng có lẽ Dũng đê tiện là cái tên tôi yêu thích nhất, vì nó mang lại cho tôi một tư thế giao tiếp thoải mái. Cái tên này tuy gây sốc, nhưng lại khiến người ta cảm thấy ngạc nhiên thú vị khi tôi làm điều tốt, điều hay và nó cũng giúp người khác bao dung hơn khi thấy tôi làm điều gì đó chưa hay, chưa tốt…

Cùng Phương Linh trong Cặp đôi hoàn hảo

* Anh có phải là người theo chủ nghĩa hồn nhiên: hồn nhiên sống, hồn nhiên làm việc, hồn nhiên hát, hồn nhiên yêu…?

- Tôi chỉ muốn được hồn nhiên và hồn nhiên khi có điều kiện, chứ bình thường sống hồn nhiên quá dễ làm hại những người xung quanh lắm. Vì thế tôi vẫn cố sống và làm việc một cách có trách nhiệm.

* Có vẻ như anh chẳng hề vạch ra kế hoạch cho cuộc đời mình mà cứ để mọi chuyện đến một cách tự nhiên rồi tùy duyên mà đón nhận…?

- Kỳ thực tôi có xác định cho mình một mục tiêu từ khi bắt đầu lớn và rời nhà đi học (mục tiêu gì xin phép được giữ cho bản thân) và suốt thời gian qua, tôi vẫn theo đuổi mục tiêu đó. Tôi coi mỗi nghề nghiệp như một phương tiện di chuyển vậy, nên việc gặp xe bus đi xe bus, gặp xe ôm đi xe ôm, gặp taxi đi taxi… thì hoàn toàn linh hoạt để cốt sao đến được nơi mình cần là được với một điều kiện là cái xe đó sạch.

* Khẳng định mình là người lạc quan, “thích đi tìm những nụ cười để tặng nhau”…, anh có bao giờ biết buồn và có bao giờ làm cho người khác buồn?

- Tôi buồn nhiều chứ, và làm người khác buồn cũng nhiều. Không có nỗi buồn thì sao mà biết được mình là người lạc quan.

* Trong việc chơi nhạc, có khi anh cảm thấy “mình là một cái gì rất hay ho” và cũng có khi anh cảm thấy “mình chẳng là cái gì”… Vậy, nói cho cùng, giữa cuộc đời này, Đinh Tiến Dũng là “một cái gì rất hay ho” hay “chẳng là cái gì”?

- Tôi nghĩ ai cũng hay ho và ai cũng chẳng là gì cả, quan trọng là so với cái gì thôi. Tôi thì tôi nghĩ mình là người chẳng là cái gì một cách hay ho.

“Tôi cũng ngốc nghếch khi yêu...”

* Nếu anh không có máu hài hước thì sẽ ra sao nhỉ…?

- Thì máu tôi vẫn là nhóm B thôi, chứ không có máu thì sao mà sống nổi.

* Trong tình yêu, anh là người như thế nào?

- Tôi cũng ngốc nghếch như một nửa thế gian này khi yêu mà thôi.

* Anh chinh phục phụ nữ bằng những chiêu nào?

- Tôi không biết nữa, có lẽ vì viết kịch bản nhiều nên tôi cũng ngán viết kịch bản cho những chuyện này, tôi thường vào thẳng vấn đề luôn. Khỏi phải “dàn dựng”, ngại lắm.

* Điểm nào ở Đinh Tiến Dũng hấp dẫn phụ nữ?

- Chắc vì tôi là đàn ông.

* Anh mơ ước một người vợ và một mái ấm gia đình như thế nào?

- Cũng như bao người, tôi chỉ mong có một nơi bình yên để trở về. Còn ai làm vợ tôi thì chắc phải bao dung lắm, bởi tôi tài thì ít mà tật lại quá nhiều. Tính tình đôi khi khó tính như ông cụ, đôi khi lại ẩm ương như trẻ con. Nói chung là khó chiều lắm, không bao dung chắc sẽ không chịu nổi tôi mất.

* Nếu có một điều ước thì Đinh Tiến Dũng sẽ ước gì và giáo sư Cù Trọng Xoay sẽ ước gì?

- Điều ước của Đinh Tiến Dũng thì xin phép được giữ kín cho “thiêng”. Còn nếu là giáo sư Cù Trọng Xoay thì xin ước có thật nhiều câu hỏi hay. Câu hỏi hay là những câu hỏi đem lại những câu trả lời hay. Như vậy thì chương trình sẽ ngày một hay hơn, phục vụ khán giả tốt hơn.

* Cám ơn anh đã dành cho PNCN cuộc trò chuyện này.

Diễm Chi (thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/2011/Pages/giao-su-cu-trong-xoay-dinh-tien-dung-toi-nghiep-du-mot-cach-chuyen-nghiep.aspx