Giáo dục phổ thông - nền tảng cơ bản của hệ thống giáo dục quốc dân

(ĐCSVN) - Trong chiến lược phát triển giáo dục, phát triển nguồn nhân lực của mỗi quốc gia, câu hỏi đầu tiên, và đột phá chú trọng đầu tiên bao giờ cũng nói tới giáo dục phổ thông, vì giáo dục phổ thông là nền tảng cơ bản của hệ thống giáo dục quốc dân và chính nó sẽ là cơ sở đem đến chất lượng cho cả hệ thống giáo dục…

Tùy theo đặc điểm và hoàn cảnh, mỗi nước trên thế giới có những quan điểm và mô hình giáo dục khác nhau, tuy nhiên về hệ thống giáo dục của từng nước, chúng ta thấy có những điểm tương tự nhau là: giáo dục mầm non( hay còn gọi là giáo dục tiền học đường), giáo dục phổ thông, giáo dục dậy nghề và đại học…Giáo dục mầm non là giáo dục giành cho trẻ từ lọt lòng đến 5 tuổi, đây là cấp học mở đầu cho quá trình phát triển của mỗi con người với nhiệm vụ chủ yếu mang tính dẫn dắt giúp trẻ có được những kiến thức ban đầu để có thể làm quen, thích nghi dần với cuộc sống và phát triển tiếp theo. Giáo dục phổ thông giành cho lứa tuổi từ 6 đến 18 tuổi, cấp học này cung cấp những kiến thức phổ thông, cơ bản ban đầu giúp tuổi trẻ có thể tiếp tục học nghề hoặc học lên và cũng có thể đi vào cuộc sống tự nuôi sống mình và cống hiến cho xã hội. Giáo dục dậy nghề và giáo dục đại học là giáo dục chuyên sâu và nâng cao, tiếp tục vũ trang cho người học những kiến thức và kỹ năng chuyên biệt giúp người học trưởng thành một cách toàn diện, có thể chủ động đi vào cuộc sống theo nhiều hướng phát triển phong phú, đa dạng để cống hiến cho xã hội… Như vậy có thể nói, các cấp học trong hệ thống giáo dục là một chỉnh thể thống nhất, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tạo nên một dòng chảy liên tục có chủ đích cho quá trình phát triển của mỗi con người. Trong hệ thống này công bằng mà nói chúng ta có thể khẳng định, giáo dục phổ thông có một vị trí hết sức quan trọng, nó là chiếc cầu nối cơ bản, nó là cấp học mang tính nền tảng của cả hệ thống giáo dục của mỗi quốc gia. Chất lượng của giáo dục phổ thông do vậy trước tiên ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng giáo dục dậy nghề và đại học, sâu xa hơn, mở rộng hơn, chính nó là nguồn gốc góp phần quan trọng quyết định chất lượng của nguồn lực lao động từng nước. Bởi vậy trong chiến lược phát triển giáo dục, phát triển nguồn nhân lực của mỗi quốc gia, câu hỏi đầu tiên, trọng tâm đột phá đầu tiên là chú trọng chăm lo cho cấp học phổ thông. Nhận thức rõ vị trí quan trọng này của giáo dục phổ thông, ngày từ khi mới giành được chính quyền, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta đã hình thành một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh và toàn diện. Hệ thống giáo dục do Nhà nước ta quản lý, bên cạnh giáo dục mầm non, giáo dục bổ túc văn hóa cho người lớn tuổi không có điều kiện học hết phổ thông, giáo dục dậy nghề và giáo dục đại học là giáo dục phổ thông. Giáo dục phổ thông nước ta, đã qua nhiều thời kỳ cải cách và tổ chức dậy học theo các mô hình chủ yếu như hệ giáo dục 9 năm trong kháng chiến chống Pháp, hệ giáo dục 10 năm trong kháng chiến chống Mỹ và xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và hệ giáo dục 12 năm từ khi nước nhà thống nhất đến nay. Quán triệt các quan điểm cơ bản của Đảng ta về phát triển giáo dục nói chung và phát triển giáo dục phổ thông nói riêng, nhà nước ta, nhân dân ta nói chung và ngành giáo dục nói riêng đã chăm lo không ngừng cho giáo dục phổ thông. Giáo dục phổ thông đã tạo nên những thành tựu hết sức quan trọng và to lớn, cung cấp cho xã hội nhiều lớp thế hệ trẻ, thông minh, sáng tạo, trung thành, dũng cảm, giầu lòng nhân ái, sẵn sàng hy sinh vì tổ quốc, vì dân tộc, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần chiến đấu và xây dựng tổ quốc phát triển như hôm nay…Tuy nhiên cùng với sự đổi mới và phát triển đất nước nói chung, trước nhất là sự vận hành nền kinh tế thị trường, cùng với sự mở rộng hội nhập, gắn liền với sự phát triển của khoa học công nghệ, sự phát triển của một xã hội thực thi nền dân chủ mở rộng, hệ thống giáo dục của ta nói chung và cấp học phổ thông nói riêng đang hết sức lúng túng trong sự chuyển đổi để thích nghi với hoàn cảnh lịch sử mới của dân tộc và thời đại. Nói riêng về giáo dục phổ thông, biểu hiện rõ nét nhất của sự lúng túng là xác định mục tiêu đào tạo chưa rõ, từ đó kéo theo sự lúng túng về xác định nội dung dậy học, sách giáo khoa, tổ chức quản lý dậy và học… Sự lúng túng này đã gây ra nhiều tác hại , làm cho giáo dục phổ thông luôn luôn trong tình trạng phát triển thiếu ổn định, cộng với những tác động do đặc điểm kinh tế xã hội trong quá trình chuyển đổi tạo ra, khiến cho hệ thống giáo dục phổ thông một thời gian dài phát triển trong sự chật vật…Trường lớp thiếu, giáo viên thiếu và có một bộ phận không đáp ứng, sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội thiếu gắn bó, dẫn đến giảm sút chất lượng giáo dục ở một số mặt, trong đó nổi lên là bệnh hình thức, thành tích , thiếu trung thực trong học tập, thi cử. Đạo đức của một bộ phận học sinh chưa thật tốt… Hơn 20 năm đổi mới và đặc biệt những năm gần đây, giáo dục nói chung, trong đó có giáo dục phổ thông đã có nhiều cố gắng khắc phục những nhược điểm và lúng túng, vươn lên không ngừng, với mong muốn làm tốt vị trí, vai trò của cấp học nền tảng trong hệ thống, góp phần đào tạo cho xã hội lớp người mới, có phẩm chất đạo đức cao đẹp, kiến thức và năng lực thích hợp với tiến trình phát triển mới của đất nước…Không ai có thể phủ nhận những cố gắng kiên trì, và những thành tựu quan trọng đầy tính thuyết phục… Tuy nhiên, khách quan, và thật sự cầu thị mà nói, những cố gắng đó vẫn chưa thể đem lại những khát vọng mà cả dân tộc mong muốn và lẽ ra nó có thể còn đạt những thành tựu cao hơn, nếu như chúng ta có được một chiến lược rõ ràng, cụ thể về phát triển giáo dục phổ thông nằm trong chiến lược phát triển toàn bộ hệ thống giáo dục nước nhà…Phải khẳng định các cấp quản lý giáo dục những năm qua đã liên tục đưa ra các giải pháp đổi mới về phát triển giáo dục phổ thông nhưng rất tiếc vẫn chưa có được những giải pháp đem lại những hiệu quả cơ bản. Bởi vậy giờ đây, chúng ta cần xem xét, chủ động, tích cực đổi mới một cách toàn diện trong tổ chức và quản lý phát triển giáo dục phổ thông. Hơn bao giờ hết,chỉ có nâng cao chất lượng giáo phổ thông, chúng ta mới tạo ra được tiền đề cho nâng cao chất lượng giáo dục dậy nghề và đại học và quan trọng hơn là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước…Để làm được việc này, chúng ta phải tiến hành nhiều công việc, nhưng theo tôi trước mắt chúng ta cần tập trung làm tốt các công việc sau đây. I. Chúng ta cần nhận thức đầy đủ hơn về đặc điểm của giáo dục phổ thông, nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về các quan điểm cơ bản của Đảng ta về phát triển giáo dục nói chung, trước nhất là giáo dục phổ thông nói riêng. Như ta đã biết giáo dục là hoạt động có chủ đích của con người, nó là một quá trình tác động có mục đích, có kế hoạch của môi trường xã hội nhằm phát triển toàn diện con người, vũ trang cho con người những kiến thức và kỹ năng cơ bản để họ sẵn sàng bước vào cuộc sống. Do vậy có thể nói giáo dục là một phạm trù luôn luôn có tính phổ biến, phát triển liên tục, mãi mãi. Bởi lẽ đây là hoạt động riêng biệt của xã hội loài người, ở đâu có con người tất ở đó có giáo dục, giáo dục tồn tại cùng với xã hội loài người, nó là một trong những động lực để thúc đẩy sản xuất và phát triển xã hội con người. Bên cạnh đó giáo dục lại mang tính lịch sử, bởi lẽ giáo dục luôn luôn vận động và phát triển theo các giai đoạn lịch sử của xã hội loài người. Cũng vì thế giáo dục luôn luôn mang tính giai cấp, các giai cấp trong xã hội luôn lấy giáo dục làm nơi đào tạo con người theo hệ tư tưởng của mình, phục vụ cho lợi ích phát triển của giai cấp mình…Có thể nói mỗi dân tộc, mỗi nhà nước có một nền giáo dục riêng, mang bản chất giai cấp của nhà nước cầm quyền. Bài học rút ra ở đây là một khi tình hình và nhiệm vụ thay đổi tất nhiên nền giáo dục phải có những thay đổi, tuy nhiên thay đổi theo quan điểm nào, học tập và phát triển theo mô hình nào, tất yếu chúng ta không thể tùy tiện…Giấo dục phổ thông bên cạnh những đặc điểm chung ấy nó còn có những đặc điểm riêng cần lưu ý là: Hoạt động giáo dục phổ thông trước nhất là một hoạt động liên quan đến tâm sinh lý lứa tuổi, nó đòi hỏi toàn bộ hoạt động dậy và học của nhà trường, bên cạnh phải đề cao mục đích giáo dục lại phải lưu ý tới tính vừa sức, ở đây mọi hoạt động giáo dục không được phép hời hợt, không được phép sai lầm, tất cả đều phải được chú ý chăm sóc tốt, đều phải được nêu gương tốt bởi vì tâm hồn của các em đang là tờ giấy trắng mà ở đó nhà trường và thầy giáo bắt đầu đặt những nét vẽ đầu tiên… Xuất phát từ nhận thức rõ các đặc điểm của giáo dục, căn cứ vào lịch sử đấu tranh và phát triển của đất nước, qua từng thời kỳ cách mạng Đảng ta luôn luôn có quan điểm và đường lối phát triển giáo dục một cách đúng đắn và sáng tạo nhằm tạo ra những thế hệ công dân mới theo sự phát triển của đất nước. Đảng ta khẳng định, giáo dục là một bộ phận không thể tách rời trong toàn bộ mục tiêu, đường lối cũng như nhiệm vụ trong suốt tiến trình cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Giáo dục phải phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, của đất nước. Giáo dục là sự nghiệp tự giác chung của quần chúng nhân dân, giáo dục do vậy là một hoạt động mang tính xã hội hóa cao. Giáo dục phải được tiến hành trong sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, xã hội và gia đình, giáo dục kết hợp chặt chẽ với thực tiễn lao động sản xuất và đấu tranh phát triển của xã hội… Trên nền tảng các quan điểm của Đảng về phát triển giáo dục, giáo dục phổ thông cần được nhận thức và tổ chức phát triển theo các quan điểm cụ thể sau. Trước nhất cần phải nắm vững mục tiêu đào tạo cụ thể của cấp học phổ thông. Đề cập tới mục tiêu, thực chất chúng ta đề cập tới một vấn đề có ý nghĩa chiến lược. Mục tiêu cấp học là một khái niệm, một phạm trù khoa học giáo dục quy định toàn bộ quá trình giáo dục phải hướng tới. Để xác định rõ mục tiêu của giáo dục phổ thông trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, chúng ta phải phân tích cụ thể đặc điểm lịch sử phát triển của đất nước hiện nay, cần phải căn cứ vào đường lối phát triển kinh tế - xã hội, đường lối phát triển giáo dục của Đảng, cần phải thừa kế tốt những thành tích, kinh nghiệm giáo dục đã có, kết hợp học tập có chọn lọc các kinh nghiệm quốc tế…Trên nền nhận thức đó phải chăng mục tiêu của giáo dục phổ thông trong giai đoạn mới là: góp phần trang bị cho thế hệ trẻ Việt Nam thời kỳ mới những cơ sở ban đầu hết sức quan trọng của con người mới, con người lao động thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển toàn diện…Nhận thức đúng cơ sở ban đầu là hết sức quan trọng, bởi ở cấp học này chúng ta chưa thể trang bị kiến thức, kỹ năng sống và lao động hoàn thiện cho người học, cũng do vậy đòi hỏi giáo dục phổ thông phải đáp ứng nhu cầu của thị trường, phải đào tạo theo đơn đặt hàng của thị trường là không hợp lý, và vì nhu cầu của thị trường mà chúng ta vội vàng nhồi nhét hàng núi kiên thức của loài người vào cấp học này thì tất yếu quá trình dậy và học sẽ quá tải, dẫn đến một sự đào tạo áp đặt không nên có. Cơ sở ban đầu chưa phải là tất cả, chưa phải là hoàn thiện, và cũng không thể đơn thuần liệt kê những phẩm chất và năng lực của con người mới mà đó là sự khái quát những phẩm chất và năng lực cơ bản nhất của con người mới, những tổ hợp phẩm chất và kỹ năng sống và lao động có văn hóa, với tinh thần chủ động, sáng tạo, bước đầu biết ứng dụng khoa học, kỹ thuật, có trách nhiệm và kỷ luật cao…,những tổ hợp phẩm chất và năng lực của lòng yêu thương cao cả con người, đất nước và xã hội chúng ta đang sống…,những tổ hợp phẩm chất và kỹ năng của tinh thần đấu tranh bảo vệ công bằng và lẽ phải... Nắm vững mục tiêu đào tạo của cấp học giúp chúng ta vững vàng trong tiến trình tổ chức, quản lý tốt quá trình phát triển cấp học đạt hiệu quả cao. Lịch sử phát triển giáo dục phổ thông ở nước ta cho hay toàn bộ hoạt động dạy và học ở nhà trường phổ thông phải được tiến hành đồng bộ, thống nhất trong sự kết hợp hữu cơ giữa các hoạt động cụ thể sau: Giáo dục phải gắn chặt với lao động sản xuất và đấu tranh phát triển xã hội; học phải đi đôi với hành và nhà trường phải gắn liền với xã hội, nhà trường luôn luôn là pháo đài tỏa sáng những giá trị văn hóa và trí tuệ ... Chất liệu để thực hiện được mục tiêu chính là nội dung đào tạo. Nội dung đào tạo của giáo dục phổ thông chính là hệ thống tri thức, kỹ năng mà nhà trường phổ thông có trách nhiệm truyền thụ cho thế hệ trẻ. Để xác định chuẩn xác hệ thống tri thức, kỹ năng này đúng với nục tiêu đào tạo, gữi được sự ổn định tương đối theo sự phát triển từng giai đoạn chung của đất nước, tránh được sự lạc hậu theo thời gian và tiến trình phát triển của nhân loại, tránh được sự quá tái… chúng ta cần nắm vững quan điểm giáo dục toàn diện. Tức là bảo đảm 5 nội dung giáo dục : Giáo dục đạo đức; giáo dục văn hóa ( tức các kiến thức khoa học, kỹ thuật phổ thông) lâu nay ta vẫn gọi là trí dục; giáo dục thể chất lâu nay thường gọi là thể dục, vệ sinh; giáo dục lao động kỹ thuật tổng hợp; giáo dục thẩm mỹ…Năm nội dung giáo dục này có mối quan hệ mật thiết hữu cơ với nhau, bổ trợ cho nhau cho nên cần phải được tiến hành thực hiện một cách hài hòa, hợp lý, tôn trọng như nhau, không coi nhẹ nội dung nào…Xung quanh nội dung giáo dục của cấp học phổ thông, lâu nay vẫn còn nhìeu tranh luận và trên thực tiễn có lúc, có nơi, thậm trí khi xây dựng chương trình đào tạo, khi biên soạn sách khoa chúng ta mắc phải những thiếu sót đáng tiếc ví dụ như việc giáo dục đạo đức, trước nhất là giáo dục chính trị, tư tưởng và phẩm chất cách mạng, lối sống văn minh lành mạnh còn bị coi nhẹ, việc giáo dục trí dục không cân đối, lúc nhấn mạnh khoa học tự nhiên, đưa tăng thêm kiến thức tự nhiên một cách vội vã, khi coi nhẹ khoa học xã hội, trong đó đặc biệt giáo dục chưa đầy đủ truyền thống văn hóa và đạo đức dân tộc...Nhận thức về giáo dục thẩm mỹ trong nhà trường phổ thông còn đơn giản, do đó chỉ được quan tâm giảng dậy đơn thuần qua bộ môn nhạc họa chứ chưa được lồng ghép. phối hợp chặt chẽ thông qua tất cả các hoạt động, các môn học trong nhà trường, để xây dựng cái đẹp trong tâm hồn tuổi trẻ, đó là cái đẹp trong học tập và lao động, cái đẹp trong quan hệ ứng sử, cái đẹp môi trường thiên nhiên, cái đẹp của nghệ thuật…Việc giáo dục kỹ thuật tổng hợp cũng chưa được quan tâm một cách khoa học và vừa sức…Kỹ thuật tổng hợp được dậy ở nhà trường phổ thông không phải là tất cả các kiến thức kỹ thuật vốn có của loài người, mà ở đây là những kiến thức khoa học cơ sở của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nó được biên soạn, dẫn giải để thúc đẩy học sinh vào đời, thành người lao động mới, nó cần cho tất cả mọi người sống văn minh và hạnh phúc. Do vậy có thể nói giáo dục kỹ thuật tổng hợp trong nhà trường phổ thông phải bảo đảm là kiến thứccơ bản, hiện đại và phù hợp với thực tiễn phát triển của Việt Nam. Giáo dục kỹ thuật tổng hợp trong nhà trường phổ thông là xu thế chung của tất cả các trường phổ thông trên thế giới, với nước ta trước tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, giáo dục kỹ thuật tổng hợp trong nhà trường phổ thông là hết sức cần thiết và quan trọng. Giáo dục kỹ thuật tổng hợp trong nhà trường phổ thông nếu được tổ chức tốt, tức là chúng ta đã chuẩn bị những tiền đề hướng nghiệp tốt nhất cho tuổi trẻ chuẩn bị bước vào đời… II. Cần có chiến lược giáo dục phổ thông trong chiến lược phát triển giáo dục . Vừa qua Bộ giáo dục đã dự thảo chiến lược phát triển giáo dục thời kỳ phát triển mới của đất nước. Dự thảo chiến lược này khá toàn diện, nhiều vấn đề mới có tính đột phá…Tuy nhiên riêng ở chiến lược này, giáo dục phổ thông vẫn chưa được quan tâm phát triển đúng với vị trí nền tảng của nó, cũng như đặc điểm phát triển của nó. Do vậy chúng ta có thể dự báo nếu như chiến lược này được chấp thuận thì giáo dục phổ thông vẫn chưa thể nhanh chóng thoát khỏi những khiếm khuyết mà một thời gian dài nó đang chịu đựng…Theo chúng tôi, trên nền tảng quán triệt sâu sắc kết luận của Bộ chính trị ngày 15-4-2009 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết TƯ2 khóa VIII, phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2022, chúng ta cần khẳng định và làm rõ hơn nữa mục tiêu đào tạo của giáo dục phổ thông trong giai đoạn công nghiệp hóa và hiện đại hóa, có vậy những giải pháp về nội dung dậy học, về thời gian đào tạo, về sách giáo khoa, về các hoạt động xã hội hóa, về cơ sở vật chất, về đội ngũ thầy giáo, về nguồn lực tài chính mới có thẻ có những lời giải hợp lý và hiệu quả… III. Trong khi chuẩn bị chiến lược phát triển, chúng ta cần chủ động, khẩn trương lựa chọn những việc làm ngay để khắc phục dần những khiếm khuyết của giáo dục phổ thông. Hoan nghênh 3 năm trở lại đây, ngành giáo dục đã mạnh dạn đưa ra nhiều nhiệm vụ mang tính đột phá như: nói không với tiêu cực trong học tập và thi cử, khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, ban hành chính sách tài chính trong giáo dục…Đó là những đột phá đã đem lại những kết quả tốt, lấy lại chất lượng đúng của giáo dục, lấy lại niềm tin của nhân dân với nhà trường. Tuy nhiên những đột phá đó vẫn là những đột phá chung của cả hệ thống giáo dục, chứ chưa tập trung vào giải quyết những khó khăn lúng túng của giáo dục phổ thông. Phân tích những ưu điểm và khó khăn của giáo dục phổ thông thời gian qua, đẻ tiếp tục tạo ra sự chuyển biến bền vững cho giáo dục phổ thông, ngành giáo dục nên tiếp tục đi vào các đột phá về quản lý và chỉ đạo sau. Trước nhất cần tổng kết đánh giá chính xác những thành tựu và tồn tại của giáo dục phổ thông trên 20 năm đổi mới, cần đỏi mới phương pháp nghiên cứu và tổng kết các hoạt động giáo dục sao cho việc nghiên cứu đảm bảo tính khoa học, tính thiết thực,thông qua việc phân tích định tính và định lượng các hiện tượng giáo dục để đánh giá sản phẩm giáo dục, để chỉ ra sự vận động của tiến trình giáo dục, rút ra những quy luật khách quan của quá trình dậy và học trong tình hình đất nước đang biến đổi…Đi liền với sự tổng kết ấy là điều chỉnh để có sự hợp lý của chưong trình, biên chế từng cấp học và từng năm học, cũng như sách giáo khoa. Sự điều chỉnh cần chú trọng bảo đảm kế thừa, bảo đảm tiết kiệm chi tiêu của ngân sách nhà nước cũng như đóng góp của nhân dân…Song song với việc làm trên là củng cố lại đội ngũ giáo viên, nghành giáo dục cấn lấy việc học tập tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh làm cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn, bền lâu của ngành. Lấy tấm gương nhân ái của Người để dẫn dắt toàn bộ đội ngũ thầy giáo phấn đấu noi theo. Tất nhiên việc xây dựng đội ngũ giáo viên cần có sự vận động, phối hợp với toàn xã hội, toàn hệ thống giáo dục, để từ đó có thêm những điều chỉnh mới về đào tạo trong các trường sư phạm, trong chế độ đãi ngộ vật chất và tinh thần cho đội ngũ giáo viên… IV. Cần đổi mới nhiều hơn về xã hội hóa giáo dục. Xã hội hóa giáo dục không đơn thuần là huy động đóng góp vật chất của toàn xã hội cho giáo dục mà cao hơn, rộng rãi hơn là huy động toàn xã hội tham gia vào toàn bộ quá trình giáo dục. Bên cạnh việc chỉnh sửa lại điều lệ hoạt động và quản lý trường học, nên xây dựng tốt hơn nữa quy trình, quy chế phối hợp giáo dục nhà trường và cha mẹ học sinh thông qua hội cha mẹ học sinh. Đổi mới hoạt đông của Đoàn thanh niên, đội thiếu niên, đội nhi đồng trong trường học, lựa chọn, động viên những giáo viên có kinh nghiệm tham gia các hoạt động này.Mở rộng các hoạt động, sinh hoạt ngoại khóa trong trường học và ngoài trường học, mở rộng viêc giao lưu, kết nghĩa giữa nhà trường và các đơn vị, tổ chức ngoài xã hội… V. Nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng đối với hệ thống giáo dục nói chung, trước nhất là giáo dục phổ thông nói riêng. Các cấp ủy Đảng cần quan tâm chỉ đạo cụ thể hơn các hoạt động sinh hoạt chính trị, tư tưởng, đạo đức trong trường học. Cần hướng dẫn, tạo điều kiện và động viên vai trò gương mẫu của đội ngũ giáo viên trong nhà trường. Cần lựa chọn và giao trách nhiệm cho đảng viên và đoàn viên thanh niên tham gia tích cực vào các hoạt động giáo dục cụ thể ở từng trường học. Lãnh đạo địa phương phối hợp cùng các trường học xây dựng phong trào toàn dân tham gia các hoạt động giáo dục, xây dựng môi trường sư phạm trong lành và nghiêm túc, hỗ trợ để nhà trường bên cạnh việc làm tốt hoạt động giáo dục của mình còn có thể chủ động, góp sức vào công cuộc phát triển bền vững của địa phương thông qua các hoạt động khác…Tất cả sự hỗ trợ ấy là nhằm tạo cho trường học luôn luôn tỏa sáng những giá trị của một nền giáo dục tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc…

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=359824&co_id=30087