Giáo dục ngoài giờ lên lớp – giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở bậc tiểu học

Để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở bậc tiểu học, ngành Giáo dục Đào tạo tỉnh Nghệ An thực hiện hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Đây là hoạt động quan trọng góp phần vào sự phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất và thẩm mỹ theo mục tiêu của giáo dục tiểu học.

Từ năm học 2011-2012, trường Tiểu học Nghi Kim, thành phố Vinh đã đưa chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh lồng ghép vào các bài giảng. Trường đã tiến hành chọn mỗi khối một giáo viên dạy thí điểm, soạn giáo án, bài nào có giáo dục thì lồng mục tiêu dạy kỹ năng sống vào cho học sinh. Tham dự giờ dạy học môn Đạo đức tại lớp 3A của cô giáo Đoàn Thị Duyên với tiết dạy “Tiết kiệm tiền của”, giáo viên không yêu cầu học sinh tập hợp và giới thiệu những tư liệu khó sưu tầm về một người tiết kiệm tiền của, thay vào đó giáo viên đã cho học sinh kể những việc làm của mình hoặc các bạn về tiết kiệm tiền. Sau đó, cô giáo giảng giải khi tiết kiệm được tiền, mình có thể dành số tiền ấy để giúp đỡ những bạn còn khó khăn hơn mình trong lớp, tiết kiệm để mua sách vở, đồ dùng học tập… Qua bài giảng này cô giáo đã giúp học sinh đức tính tiết kiệm và biết trân trọng những thứ quý giá xung quanh mình. “Em sẽ tiết kiệm tiền ăn sáng, tiền mừng tuổi để giúp đỡ các bạn còn khó khăn hơn mình”, em Vũ Hà Linh rút ra bài học.

Xác định mục tiêu trọng tâm "vừa dạy chữ, vừa dạy người”, trường Tiểu học Hưng Lộc vừa đảm bảo chuẩn kiến thức trong chương trình học, đồng thời vừa dạy kỹ năng, nhân cách sống cho học sinh. Ngoài chỉ đạo dạy học chính khóa nghiêm túc, nhà trường triển khai hoạt động ngoài giờ với sự tham gia tích cực từ Tổng phụ trách Đội, các giáo viên âm nhạc, mỹ thuật, tin học, ngoại ngữ. Để giáo dục kỹ năng sống, đối với các em tiểu học thì phần lý thuyết chưa thực sự cần thiết mà phải bằng hành động để các em nghe, thấy và làm theo. Bên cạnh thời khóa biểu, hoạt động Đội Sao, nhà trường đã xây dựng chương trình cụ thể theo từng tuần, thiết kế nội dung hoạt động vào từng thời điểm, từng chuyên đề như An toàn giao thông, phòng chống dịch chân tay miệng, rửa tay với xà phòng… Nhà trường cũng chú trọng rèn kỹ năng tự phục vụ cho học sinh mới vào lớp 1. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, các em đã tự phục vụ cho bản thân mình như mặc quần áo, tự vệ sinh cá nhân, soạn đồ dùng đi học, xúc cơm ăn, rửa tay, giữ vệ sinh chung, tự xếp chăn, gối đúng nơi đúng chỗ. Các hoạt động dần đi vào nề nếp, trở thành quy định hàng ngày. Nhà trường cũng giao khoán chăm sóc bồn hoa cây cảnh cho từng lớp nhằm giáo dục ý thức giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp.

Là học sinh vùng ven thành phố nên các em thường hay rụt rè, học sinh ít tham gia các trò chơi. Nhằm giữ gìn phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, nhà trường đã đưa các trò chơi dân gian như đi cà kheo, ô ăn quan, nhảy sạp, cờ thẻ… để các em tự lựa chọn trò chơi phù hợp với mình sau các giờ học.

Hoạt động ngoài giờ lên lớp đã được triển khai tại hơn 400 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Nội dung của hoạt động ngoài giờ lên lớp khá đa dạng và phong phú, phù hợp với điều kiện của nhà trường, địa phương và vùng miền. Nội dung bao gồm hoạt động ngoại khóa, hoạt động giáo dục thể chất, giáo dục sức khỏe, thẩm mỹ, tham quan du lịch, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, giao lưu văn hóa, bảo vệ môi trường, lao động công ích và các hoạt động xã hội khác phù hợp với tâm sinh lý độ tuổi các em. Các nhà trường sinh hoạt theo chủ điểm, tiết sinh hoạt cuối tuần và tiết sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, hoạt động Đội, Sao. Thời gian 15 phút đầu buổi học tổ chức các hoạt động tự kiểm tra vệ sinh cá nhân, vệ sinh trường lớp. Thời gian ra chơi, tăng từ 10-15 phút để học sinh được tham gia các hoạt động ca múa hát sân trường; chơi các trò chơi dân gian, đọc sách, báo phù hợp với tâm lý, nhu cầu, sở thích của học sinh. Các trường còn tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ theo sở thích và nhu cầu của học sinh như CLB “Em yêu khoa học”, CLB “Toán tuổi thơ”, CLB Tiếng Anh, Tiếng Pháp, CLB Âm nhạc Đôrêmí, CLB Võ thuật, CLB Giáo dục kỹ năng sống, CLB “Em yêu tiếng Việt” đối với học sinh dân tộc miền núi… được tổ chức vào cuối các buổi chiều sau giờ học hoặc ngày nghỉ cuối tuần.

Ông Trần Thế Sơn, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp giúp củng cố, khắc sâu những kiến thức các em đã được học qua các môn học; phát triển sự hiểu biết của học sinh trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, từ đó làm phong phú thêm vốn tri thức của các em. Các hoạt động này hình thành và phát triển ở học sinh các kỹ năng ban đầu, phù hợp với sự phát triển của trẻ như kỹ năng giao tiếp ứng xử có văn hóa, kỹ năng tham gia các hoạt động tập thể, kỹ năng nhận thức…, từ đó rèn luyện tính tự giác cho học sinh trong việc tham gia các hoạt động, có thái độ đúng đắn trước các hiện tượng tự nhiên và xã hội./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=489449&co_id=30085