Gian nan quản lý lao động giúp việc gia đình

(PLO) - Lao động giúp việc gia đình (LĐGVGĐ) là một lĩnh vực nhạy cảm và còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm. Với mong muốn quản lý thị trường lao động tiềm năng ngày càng phát triển này, Bộ Lao động Thương bình và Xã hội đã xây dựng Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động (BLLĐ) về lao động là người GVGĐ. Mong muốn là như thế, nhưng để làm được điều này là vô cùng khó khăn.

Giúp việc gia đình - thị trường lao động tiềm năng bị “bỏ ngỏ”

Theo bà Ngô Thị Ngọc Anh, Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng, hiện nay nhu cầu LĐGVGĐ đang ngày càng gia tăng và là loại hình lao động mang tính đặc trưng giới rất rõ ràng. Tuy nhiên, LĐGVGĐ vẫn bị coi là phi chính thức, chưa được ghi vào danh mục nghề quốc gia, họ chưa được hưởng bất kỳ chế độ, chính sách nào (bảo hiểm y tế - BHYT, bảo hiểm xã hội - BHXH…); tiền công mà họ được trả cũng không tương xứng với khả năng và sức lao động của họ…

Với mục đích bảo vệ quyền của người LĐGVGĐ, thông qua đó để tham vấn xây dựng chính sách cho người LĐGVGĐ, Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng đã tiến hành một cuộc nghiên cứu tổng quan về tình hình LĐGVGĐ. Để tiếp cận với những đối tượng này, bà Ngọc Anh cho hay, nhóm nghiên cứu đã phải nhờ đến sự can thiệp và giúp đỡ của chính quyền địa phương, bởi không ít gia đình có thuê LĐGVGĐ (nhất là trẻ em và người già) nhưng vẫn giấu giếm nói rằng đó chỉ là người bà con đến làm giúp...

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Thực tế, qua tìm hiểu, nhóm nghiên cứu rất quan ngại và lo lắng khi được biết, nhiều người LĐGVGĐ phải làm việc vô cùng vất vả, trong nhiều giờ liền nhưng thu nhập không được trả một cách thỏa đáng; trình độ văn hóa, nhận thức của LĐGVGĐ rất thấp, thậm chí có tới 98,4% LĐGVGĐ thuộc đối tượng nghiên cứu chưa được đào tạo nghề (trong khi đó nhu cầu được đào tạo nghề rất cao – trên 71%); họ không được thoải mái trong sinh hoạt cá nhân, bị hạn chế hoạt động giải trí và giao tiếp với bên ngoài; thiếu hiểu biết về các quy định của pháp luật liên quan đến LĐGVGĐ (72,1%); đặc biệt, tỷ lệ hộ gia đình được giới thiệu qua cơ sở giới thiệu việc làm là rất thấp (15,3%), các cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa quản lý và giám sát chặt chẽ hoạt động của các cơ sở, trung tâm này; có tới 91,5% hợp đồng lao động (HĐLĐ) giữa người LĐGVGĐ và gia chủ là thỏa thuận miệng và nguy cơ bị bạo lực của người LĐGVGĐ là rất lớn…

Từ thực tế trên, Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng đã triển khai rất nhiều mô hình hỗ trợ người LĐGVGĐ, nhất là việc vận động chính sách để giúp đỡ và quản lý họ với mong muốn: Nhà nước xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển nghề LĐGVGĐ; tăng cường công tác quản lý LĐGVGĐ, đặc biệt coi đó là một nghề và tạo cơ hội cho LĐGVGĐ được tham gia vào các tổ chức đại diện...

Quá khó thực hiện

Đã từng tham gia xét xử rất nhiều vụ vi phạm trong lĩnh vực LĐGVGĐ, bà Nguyễn Thị Thanh - Giám đốc Trung tâm Tư vấn cho người chưa thành niên phản ánh, vấn đề người LĐGVGĐ là người chưa thành niên thực tế bị vi phạm rất nhiều. Do đó, pháp luật phải quy định rất chặt chẽ thì mới tránh được sai phạm và các rắc rối nảy sinh. Bởi thực tế, không ít người đại diện cho trẻ chưa thành niên cũng chính là người lạm dụng, ép buộc trẻ phải đi làm thuê, trở thành công cụ kiếm tiền cho họ.

Ngoài ra, đối với trường hợp người LĐGVGĐ có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thời gian điều tra, xác minh vụ việc diễn ra rất lâu và phức tạp. Nhưng trong trường hợp chỉ nghi ngờ họ vi phạm thôi thì có quyền chấm dứt HĐLĐ với họ không?. Theo bà Thanh, thường thì các vụ việc vi phạm trong lĩnh vực LĐGVGĐ được đưa ra tòa xét xử rất nhiều và rất phức tạp trong quá trình giải quyết. Vì thế, ngay từ khi thỏa thuận ký kết HĐLĐ phải rất chặt chẽ, quy định rõ ràng trách nhiệm và nghĩa vụ cả hai bên phải thực hiện, tránh những phức tạp nảy sinh sau này.

Luật sư Lê Thùy Anh, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội thể hiện sự e ngại về tính khả thi của Dự thảo Nghị định. Theo phân tích của chị Anh, chúng ta có hàng triệu triệu gia đình có nhu cầu và đang thuê LĐGVGĐ. Nhưng họ có muốn ký kết HĐLĐ không và có chấp nhận mua thẻ BHYT, BHXH cho người LĐGVGĐ hay không là cả một vấn đề.

Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định quy định xã, phường phải có trách nhiệm trong việc giám sát quá trình thực hiện trách nhiệm y tế của chủ lao động đối với người LĐGVGĐ khi họ bị tai nạn thương tích. Liệu có thống kê, giám sát việc thực thi này không?. Khi họ bị ốm đau, mắc những bệnh thông thường sẽ được chủ nhà chăm sóc, chi trả tiền thuốc, khám chữa bệnh. Vậy thế nào là bệnh thông thường cũng phải quy định rất cụ thể. Có vậy chính sách mới đi được vào cuộc sống.

Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật - Giám đốc Công ty Luật Đông Nam Á:
“Nhiều quy định trong Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người GVGĐ còn mập mờ, chưa rõ ràng...!”
LĐGVGĐ là một nghề “đặc biệt”, do đó mọi quy định về thời gian làm việc, tiền lương, tiền thưởng cũng phải có đặc thù riêng. Theo tôi, Dự thảo Nghị định nên bổ sung cụ thể những công việc mà người LĐGVGĐ phải làm (trông trẻ, chăm sóc người già, quản gia…), từ đó quy định mức tiền lương, thưởng cho tương xứng. Tại Điều 13 của Dự thảo Nghị định, một số khái niệm còn mập mờ, chưa rõ ràng khi thực hiện sẽ rất khó. Đối với trường hợp “bị thành viên trong hộ gia đình xúc phạm danh dự, nhân phẩm” nhưng người gây ra lỗi đó là một đứa trẻ con thôi thì xác định lỗi thế nào?… Điều 14, Điểm a, Mục 03 cũng vậy, “hành vi, thái độ không trung thực” của người LĐGVGĐ là rất khó chứng minh. Rồi quy định “môi trường làm việc có nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe” của người lao động cũng vậy. Có nên đưa vào không, khi môi trường làm việc của người LĐGVGĐ chỉ hoàn toàn trong gia đình chủ?.

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/xa-hoi/gian-nan-quan-ly-lao-dong-giup-viec-gia-dinh-174972.html