'Giám sát chung chung như đấm vào không khí'

"Giám sát thì phải chỉ ra địa chỉ cụ thể chứ nói chung chung chẳng khác gì đấm vào không khí", Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền phát biểu tại hội nghị triển khai nghị quyết của Quốc hội.

Sáng 4/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai các nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Theo đó, Quốc hội đã ban hành 7 nghị quyết liên quan tới các lĩnh vực lập hiến, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng khác.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nghị quyết có đi vào cuộc sống hay không, có được thực hiện tốt hay không, các đại biểu Quốc hội phải giám sát. "Luật đã tốt rồi, nghi quyết đã tốt rồi nhưng không thực hiện tổ chức tốt thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Tất cả đại biểu phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực thi. Chỗ nào cản trở, nghị quyết nào làm chưa tốt thì đại biểu phải hỏi", ông Hùng nhấn mạnh.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền. Ảnh: Tiến Dũng.

Chia sẻ với ý kiến này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, với trách nhiệm giám sát, các đại biểu, các đoàn giám sát phải chỉ ra địa chỉ cụ thể. "Ủy ban Tư pháp sẽ giám sát theo hướng này chứ nói chung chung chẳng khác gì đấm vào không khí", ông Quyền nói.

Tuy nhiên, ông Quyền cũng nhấn mạnh, để làm được điều này, các đại biểu, các ủy ban lúc thực hiện giám sát ngoài phương pháp phải có quyết tâm và bản lĩnh.

Năm 2013, các Ủy ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có trách nhiệm giám sát việc thực thi hàng loạt bộ, ngành sau chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp cuối năm trước. Trong đó, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường giám sát Bộ Công thương thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như biện pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, giải quyết hàng tồn kho; báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-11/2013) về quy hoạch tổng thể về thủy điện, trong đó, xác định rõ các dự án phải dừng, dự án phải điểu chỉnh, dự án tiếp tục được triển khai.

Ủy ban Kinh tế giám sát Bộ Xây dựng về nhiệm vụ giải quyết tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản, xử lý đất bỏ hoang, điều chỉnh cơ cấu thị trường, cân đối cung cầu và xử lý nợ xấu; giải quyết nhà ở xã hội, nhà ở cho sinh viên, người lao động có thu nhập thấp...

Liên quan tới nghị quyết tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp 1992, chậm nhất tới ngày 15/3, các báo cáo tổng hợp của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc... phải hoàn thành. Ngày 5/4, báo cáo tổng hợp ý kiến cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc... phải được gửi về Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Một nghị quyết khác cũng nhận được nhiều quan tâm và thực thi trong năm 2013 là lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Quốc hội, HĐND tổ chức lấy phiếu tại kỳ họp đầu tiên diễn ra vào giữa năm 2013.

Nguyễn Hưng

Nguồn VnExpress: http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2013/02/giam-sat-chung-chung-nhu-dam-vao-khong-khi/