Giảm nhanh tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em ở Đác Nông

ND- Mặc dù các cấp chính quyền và các ngành chức năng tỉnh Đác Nông đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống suy dinh dưỡng (SDD) ở trẻ em.

Nhưng do đặc điểm của một tỉnh miền núi, kinh tế - xã hội còn chậm phát triển, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đông, nhân dân tập trung sinh sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp và đời sống còn gặp nhiều khó khăn... cho nên tỷ lệ trẻ em bị SDD ở Đác Nông còn khá cao, chiếm 29,4%. Thực trạng đó đòi hỏi tỉnh Đác Nông phải nỗ lực nhiều hơn nữa và có những giải pháp, cách làm phù hợp với điều kiện, đặc thù của địa phương nhằm giảm nhanh tỷ lệ trẻ em bị SDD. Thực trạng Theo số liệu thống kê của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (TTCSSKSS) tỉnh Đác Nông, trong ba năm (2004 - 2006), bình quân mỗi năm trên địa bàn tỉnh có gần 11 nghìn trẻ em được sinh ra, trong đó số lượng trẻ em bị SDD chiếm tỷ lệ khá cao. Chỉ tính riêng trong năm 2006 toàn tỉnh có 10.926 trẻ được sinh ra thì có đến 464 trẻ bị nhẹ cân dưới 2,5 kg, chiếm 39%; tỷ lệ trẻ em SDD nhẹ cân toàn tỉnh chiếm đến 33,6%, trong đó SDD độ 1 là 28,4%, độ 2 là 4,8% và độ 3 là 0,4%. Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ em SDD tính theo chiều cao chiếm đến 43,6%, thuộc vào diện các tỉnh, thành phố có tỷ lệ trẻ em bị SDD cao trong cả nước. Mặc dù từ năm 2004, Đác Nông đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống SDD trẻ em từ cấp tỉnh đến cơ sở do một đồng chí phó chủ tịch UBND làm trưởng ban, trưởng các ban, ngành, đoàn thể liên quan làm thành viên. Những năm qua, Ban chỉ đạo phòng chống SDD trẻ em các cấp trong tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ các ngành, đoàn thể liên quan triển khai nhiều hoạt động thiết thực trong công tác phòng, chống SDD trẻ em. Cụ thể, TTCSSKSS tỉnh phối hợp Trung tâm Y tế dự phòng, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe (Sở Y tế)... đẩy mạnh công tác truyền thông đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe sinh sản, nhất là các bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ; cách chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em; đồng thời tiến hành nhiều hoạt động chuyên môn như tăng cường tập huấn nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ chuyên trách tuyến dưới và đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở; tư vấn dinh dưỡng trực tiếp, cấp phát sản phẩm dinh dưỡng hỗ trợ bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ; lồng ghép hoạt động với các đơn vị như Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh... về tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên đưa con em đi tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng, chống bệnh tật theo chương trình tiêm chủng quốc gia; thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, hạn chế sinh đông con; trình diễn các bữa ăn dinh dưỡng; tuyên truyền nâng cao nhận thức của bà mẹ khi mang thai và nuôi con nhỏ... Tuy vậy, tỷ lệ trẻ em bị SDD trên địa bàn tỉnh có giảm nhưng không đáng kể. Theo số liệu thống kê của TTCSSKSS tỉnh, tính đến tháng 6-2009, toàn tỉnh có 15.770 trẻ dưới năm tuổi bị SDD chiếm 28,8%, trong đó, số trẻ sinh nhẹ cân là 484 trẻ, số trẻ dưới hai tuổi không tăng cân ba tháng liền là 1.136 trẻ. Đến thời điểm hiện nay, Đác Nông có 55.727 trẻ em dưới năm tuổi thì số trẻ em bị SDD chiếm đến 29,4%. Địa phương có tỷ lệ trẻ em bị SDD cao nhất là huyện Tuy Đức với 1.177 trẻ dưới 5 tuổi bị SDD nhẹ cân, chiếm tỷ lệ 30,4% và 1.178 trẻ bị SDD thấp còi, chiếm tỷ lệ 30,7%. Kế đến là huyện Đác Glong, có 4.108 trẻ dưới năm tuổi thì có đến 1.179 trẻ bị SDD nhẹ cân, chiếm tỷ lệ 30% và 461 trẻ dưới hai tuổi bị SDD, chiếm tỷ lệ 28,3%... Từ các con số nêu trên cho thấy, thực trạng SDD trẻ em ở Đác Nông đang là vấn đề đáng lo ngại, cần sự quan tâm hỗ trợ từ phía các bộ, ngành Trung ương và sự vào cuộc quyết liệt, có trách nhiệm của các cấp, các ngành ở địa phương. Nguyên nhân và giải pháp Bác sĩ Nguyễn Thị Lan, Giám đốc TTCSSKSS Đác Nông, người đã nhiều năm gắn bó với công tác phòng, chống SDD trẻ em cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến số lượng trẻ em bị SDD cao. Trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất là do Đác Nông thuộc tỉnh miền núi, kinh tế - xã hội chậm phát triển, đồng bào DTTS đông chiếm đến 34,5% và số hộ nghèo còn nhiều chiếm 19,4% dân số toàn tỉnh, cho nên nhiều gia đình không có điều kiện cải thiện bữa ăn, chăm lo cho con cái, nhất là các gia đình đang trong độ tuổi sinh đẻ và nuôi con nhỏ. Cùng với điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, tình trạng sinh đông con cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ trẻ em SDD ở Đác Nông còn cao. Thực tế những năm qua cho thấy, mặc dù các cấp, các ngành trong tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện các chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, nhưng trong một bộ phận đồng bào DTTS vẫn bị các phong tục tập quán lạc hậu ràng buộc dẫn đến tình trạng sinh con thứ ba còn phổ biến, thậm chí nhiều gia đình còn sinh từ năm đến sáu con, khoảng cách giữa hai lần sinh lại ngắn cho nên người mẹ không có thời gian, điều kiện chăm sóc cho bản thân cũng như con cái. Bên cạnh đó, công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho nhân dân về công tác chăm lo, nâng cao sức khỏe nói chung, công tác phòng, chống SDD nói riêng còn nhiều bất cập, chưa đến được với nhân dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào DTTS. Do đó, ý thức của người dân về phòng, chống SDD ở trẻ em còn kém, nhiều ông bố, bà mẹ thiếu hiểu biết trong việc chế biến các món ăn bảo đảm sự đa dạng, nhiều chất dinh dưỡng cho trẻ. Đặc biệt, nhiều bà mẹ trước và trong thời kỳ mang thai ăn uống không đầy đủ chất dinh dưỡng cho nên khi sinh con ra bị nhẹ cân, còi cọc dẫn đến SDD. Mặt khác, hiện nay nhiều bà mẹ sau khi sinh không cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu, mà đã cho con uống các loại sữa có sẵn, cho ăn dặm sớm, thức ăn lại giống của người lớn cho nên trẻ khó hấp thụ, dẫn đến thiếu chất. Theo thống kê của TTCSSKSS Đác Nông, trên địa bàn tỉnh cứ 10 trẻ sinh ra đã có tới chín trẻ không được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu. Đồng thời việc cho trẻ bú sớm trong vòng một giờ đầu sau khi sinh cũng quá ít. Ngoài ra, do điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được bảo đảm cũng là tác nhân làm trẻ bị SDD. Một nguyên nhân quan trọng nữa là sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống SDD ở trẻ em còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, chủ yếu các đơn vị thuộc ngành y tế thực hiện là chính. Mặc dù hiện nay, lĩnh vực trẻ em đã được giao về cho ngành Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý, nhưng hầu như ngành này không nắm được số lượng trẻ em bị SDD. Đồng thời, các chế độ phụ cấp dành cho công tác phòng, chống SDD trẻ em vẫn còn hạn chế và bất cập. Cụ thể ở Đác Nông chỉ có 24 xã trọng điểm về SDD thì các cộng tác viên dinh dưỡng ở các thôn, buôn mới được hưởng phụ cấp 50 nghìn đồng/người/tháng, các xã còn lại các cộng tác viên không có phụ cấp cho nên nhiều người chưa gắn bó với công tác phòng, chống SDD... Theo bác sĩ Nguyễn Thị Lan, để công tác phòng, chống SDD trẻ em có hiệu quả thì trước hết tỉnh cần tập trung đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, đồng bào DTTS nhằm giảm nhanh hộ nghèo, nâng cao đời sống về mọi mặt cho nhân dân. Chú trọng phát triển mạng lưới giáo dục, y tế và đẩy mạnh công tác truyền thông về tận các xã vùng sâu, vùng xa, đồng bào DTTS góp phần nâng cao dân trí, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, thực hiện tốt chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, hạn chế tình trạng sinh đông con để có điều kiện chăm sóc tốt hơn. Tỉnh cần củng cố và phát triển mạnh mạng lưới y tế cơ sở, có chế độ, chính sách nhằm động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ y tế thôn, buôn, các cộng tác viên dân số tích cực tham gia tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn nâng cao kiến thức dinh dưỡng cho các bà mẹ nuôi con nhỏ. Đồng thời thông qua mạng lưới cán bộ y tế cơ sở này tư vấn cho các phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ và theo dõi cân nặng các cháu hàng tháng... nếu phát hiện cháu nào bị SDD hoặc có biểu hiện SDD thì kịp thời tư vấn và có biện pháp hỗ trợ nhằm ngăn chặn tình trạng SDD ngay từ đầu. Ngoài ra, hằng năm Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) cần hỗ trợ Đác Nông tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức dinh dưỡng cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở và kinh phí, các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng để cấp phát cho nhân dân. Vấn đề quan trọng là ngoài sự nỗ lực của các cấp, các ngành thì mỗi người dân, nhất là các bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ phải tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về nuôi dạy trẻ. Các gia đình ở nông thôn nên tăng cường các nguồn thực phẩm đa dạng, phong phú trong bữa ăn hằng ngày để bảo đảm dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em. Tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm thường xuyên để trẻ phát triển khỏe mạnh. Đặc biệt trẻ dưới một tuổi phải được đưa đi tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng, chống bệnh tật theo chương trình mục tiêu quốc gia về tiêm chủng mở rộng ở trẻ em... Nếu các giải pháp trên được triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả tỷ lệ trẻ em bị SDD ở Đác Nông sẽ sớm giảm.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=175787&sub=127&top=39