Giảm nguy cơ sa mạc hóa ở Bình Thuận

Bình Thuận được xem là tỉnh có tổng diện tích đất cát ven biển chiếm khoảng 16% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, trong đó hai huyện Tuy Phong và Bắc Bình đất cát hoang hóa ven biển, đồi cát di động đã chiếm hơn 35 nghìn ha, riêng đồi cát di động vào khoảng 5.000 ha. Do đó nguy cơ sa mạc hóa là rất lớn, nếu không có các biện pháp tác động hiệu quả của con người.

Xoan chịu hạn trồng trên đồi cát thuộc xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) đã phát triển thành rừng.

Xoan chịu hạn trồng trên đồi cát thuộc xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) đã phát triển thành rừng.

Chinh phục cát di động

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Bình Thuận, ước tính mỗi năm trên địa bàn tỉnh có khoảng 20 ha đất canh tác nông nghiệp bị lấn bởi các đụn cát di động. Hiện, Bình Thuận có gần 90 nghìn ha hoang mạc hóa, trong đó, có gần 57 nghìn ha là hoang mạc cát, chiếm tỷ lệ 7,26% diện tích tự nhiên của tỉnh, tập trung chủ yếu ở các xã Chí Công, Bình Thạnh, huyện Tuy Phong và khu Lê Hồng Phong huyện Bắc Bình.

Để giảm mức khắc nghiệt của tiểu khí hậu miền cát hoang mạc, tạo thiên nhiên xanh. Từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương, UBND tỉnh đã chủ động đề ra các giải pháp kỹ thuật chinh phục cát di động. Ưu tiên đầu tư các dự án lâm nghiệp, làm tăng diện tích rừng phòng hộ nhằm giữ nguồn nước ổn định, chặn đứng nạn cát bay, cố định cồn cát di động và chống xói mòn đất, phục hồi độ phì của đất, tạo ra những thảm xanh cải tạo tiểu khí hậu trong vùng, góp phần ổn định đời sống cho nhân dân.

Từ năm 1981, Giáo sư Lâm Công Định đã nghiên cứu thành công việc nhập nội loài cây xoan chịu hạn (Neem) từ Xê-nê-gan về và đã gây dựng trồng được 12 ha trên đất cát nghèo, khô hạn của xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong. Trong các năm 1986 - 1987, Giáo sư đã cho trồng thử nghiệm thành công mô hình rừng phi lao trên đồi cát di động nóng hạn nhất nước ở Tuy Phong. Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Tuy Phong Võ Văn Hùng khẳng định: Mô hình trồng rừng phi lao chắn cát di động của GS Lâm Công Định đánh dấu một bước ngoặt lớn và là tiền đề trong việc trồng rừng chống sa mạc hóa trên địa bàn huyện Tuy Phong. Cùng với mô hình này, Ban QLRPH Tuy Phong cũng đã triển khai thực hiện nhiều mô hình trồng rừng khác như: Nông lâm kết hợp; trồng phi lao rễ trần trên đồi cát di động; trồng xoan nuôi cấy mô; trồng trôm; trồng khảo nghiệm cây Cóc Hành (cây bản địa) ở vùng đất khô hạn… Đồng thời tập trung đầu tư, trồng thử nghiệm nhiều loài cây như keo chịu hạn, keo lưỡi liềm, keo lá tràm, keo lai, phi lao, xoan chịu hạn, bạch đàn… Đặc biệt, mô hình sử dụng chất Polyme (AMS-1) để trồng cây phi lao trên đồi cát di động do tập thể cán bộ, công nhân viên tìm hiểu, nghiên cứu, với sự hỗ trợ của các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Khoa học - Công nghệ đã mang lại hiệu quả rất tích cực. Ông Võ Văn Hùng cho biết, mô hình sử dụng chất AMS-1 làm tăng tỷ lệ sống của cây trồng qua nhiều năm đạt hơn 90% so với 60% ở mô hình trồng rừng không sử dụng AMS-1; tăng hiệu quả kinh tế rừng trồng. Hiện, việc sử dụng chất AMS-1 được ứng dụng phổ biến ở nhiều địa phương trong nước, nhất là ở các tỉnh ven biển miền trung.

Đối với khu Lê Hồng Phong bao gồm các xã Hồng Phong và Hòa Thắng, thuộc huyện Bắc Bình vào mùa khô, tình trạng hạn hán và hiện tượng cát bay, cát nhảy xảy ra tạo thành các đồi cát di động liên kết và chồng chất lên nhau, ngày đêm chuyển dịch từ biển đi vào đất liền làm lấp ruộng đồng, làng mạc, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, biến thành miền cát nghèo nàn, hoang mạc, phi sinh địa, thậm chí có nơi biến thiên nhiên hiền hòa thành đối nghịch cuộc sống. Ban QLRPH Lê Hồng Phong được giao quản lý gần 15 nghìn ha diện tích tự nhiên, trong đó đất rừng phòng hộ gần 8.000 ha và đất rừng sản xuất gần 7.000 ha. Việc thực hiện chống sa mạc hóa tại khu vực này được triển khai từ năm 1999. Tuy nhiên, hiệu quả trồng rừng giai đoạn này rất thấp cả về tính năng phòng hộ, chắn cát di động cũng như về kinh tế.

Xã hội hóa công tác bảo vệ rừng

Thực hiện xã hội hóa công tác quản lý bảo vệ rừng, giao khoán đất rừng theo các Nghị định 01, 135 của Chính phủ, Quyết định 147 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2004, Ban QLRPH Lê Hồng Phong đã cho các hộ dân trong vùng nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Bình quân một hộ được nhận khoán bảo vệ 80 ha rừng. Với kinh phí Nhà nước hỗ trợ 200 nghìn đồng/ha/năm thì bình quân một hộ có thêm thu nhập 16 triệu đồng/năm. Ngoài khoản kinh phí Nhà nước hỗ trợ theo quy định, các hộ dân còn được hưởng toàn bộ sản phẩm nuôi trồng trên diện tích được giao khoán, cũng như những sản phẩm phụ từ rừng.

Anh Mai Thanh Hà, ở khu phố Lương Bình, thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình trước đây làm thợ hồ, cuộc sống gia đình rất khó khăn, thu nhập không ổn định. Năm 2004 gia đình anh làm đơn xin nhận khoán bảo vệ rừng và được giao 80 ha đất rừng, trong đó có cả rừng tự nhiên và rừng trồng. Trên diện tích được giao bảo vệ, gia đình anh trồng hai ha mì và chăn nuôi dê, cừu với tổng đàn 140 con. Cùng với tiền nhận khoán bảo vệ rừng, thu nhập bình quân hằng năm của gia đình anh được gần 160 triệu đồng. Sau khi trừ tất cả các khoản chi phí còn tích lũy được hơn 60 triệu đồng. Anh Hà phấn khởi cho biết, từ khi nhận khoán đến nay, cuộc sống gia đình ổn định, có điều kiện cho hai con đi học đầy đủ.

Theo Sở NN và PTNT tỉnh, từ năm 1992 đến nay, Bình Thuận đã tham gia các chương trình như chương trình PAM; chương trình 327; chương trình trồng mới năm triệu ha rừng của Chính phủ trồng được hơn 4.000 ha xoan chịu hạn và phi lao trên vùng đất bán di động và di động. Ngoài ra, còn tham gia thực hiện các dự án phòng, chống sa mạc hóa do Liên hợp quốc hỗ trợ. Việc thực hiện thành công các chương trình và các dự án đã mở ra khả năng kiểm soát hàng nghìn ha cát di động ven biển. Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Bình Thuận Mai Kiều cho biết: Trong thời gian tới, Bình Thuận tiếp tục trồng hệ thống đai rừng chắn cát bằng hệ thống cây lâm nghiệp thích hợp như phi lao và xoan chịu hạn, phát triển mô hình nông lâm kết hợp lấy ngắn nuôi dài; khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất bền vững như tăng cường trồng rừng, trồng cây dài ngày phủ xanh thảm thực vật để nâng cao khả năng ngấm và trữ nước, giảm thiểu sự bốc, thoát hơi nước của đất, chắn gió và giảm quá trình sa mạc hóa.

Bài, ảnh: ĐÌNH CHÂU, HỒNG LÂM

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/kinhte/tin-tuc/item/27352302-giam-nguy-co-sa-mac-hoa-o-binh-thuan.html