Giảm lãi suất, đề phòng thanh khoản - tỷ giá

Theo nhiều chuyên gia kinh tế cũng như các tổ chức có uy tín, việc hạ lãi suất chưa chắc đã khiến tín dụng tăng, trong khi việc hạ lãi suất quá nhanh và mạnh có thể gây ra những hệ lụy không nhỏ cho hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế.

TIN LIÊN QUAN

10:06

CTCK mạnh tay hạ phí và giảm lãi suất

07:30

Lãi suất sẽ giảm xuống bao nhiêu nữa?

04-08

“Hạ lãi suất cần thận trọng vì áp lực tỷ giá”

Trước việc tín dụng những tháng đầu năm hầu như không tăng, cộng với việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tiếp tục giảm 0,29% so với tháng trước, nhiều ý kiến tỏ ra “sốt ruột”, đề nghị NHNN giảm tiếp lãi suất để đẩy tín dụng ra hỗ trợ nền kinh tế. Thế nhưng theo nhiều chuyên gia kinh tế cũng như các tổ chức có uy tín, việc hạ lãi suất chưa chắc đã khiến tín dụng tăng, trong khi việc hạ lãi suất quá nhanh và mạnh có thể gây ra những hệ lụy không nhỏ cho hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế.

Giải mã nguyên nhân

Theo một báo cáo gần đây của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong thời gian qua, NHNN đã tích cực đưa ra các biện pháp nhằm giảm mặt bằng lãi suất cho vay cũng như tìm cách khơi thông tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp. Quả vậy, kể từ tháng 3 đến nay, NHNN có 5 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành và 4 lần điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động VND từ mức 14%/năm xuống còn 9%/năm như hiện nay để tạo điều kiện cho các TCTD giảm dần lãi suất cho vay. Nhờ vậy, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 3-6%/năm so với thời điểm đầu năm.

Không những vậy, NHNN còn yêu cầu các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ; chủ động phối hợp với khách hàng để tháo gỡ khó khăn trong việc trả nợ và tiếp cận vốn vay nhằm tạo điều kiện cho khách hàng vay từng bước phục hồi duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục cho vay mới với những nhu cầu vốn vay có hiệu quả...

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực như vậy, song tín dụng những tháng đầu năm vẫn tăng rất chậm. Theo bà Nguyễn Thị Nhung - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN Việt Nam), tính đến ngày 25/7, tín dụng đối với nền kinh tế chỉ tăng 0,57% so với cuối năm 2011 - một mức tăng rất thấp so với cùng kỳ nhiều năm qua.

Vậy nguyên nhân thực sự do đâu? Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, việc tín dụng khó tăng là do tổng cầu của nền kinh tế yếu và nợ xấu tăng cao. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, tín dụng tăng thấp do: Một mặt do sức cầu cả trong và ngoài nước suy giảm mạnh khiến hàng tồn kho tăng cao, sản xuấtbị đình trệ nên nhiều doanh nghiệp cũng không muốn vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Mặt khác, do sức khỏe của doanh nghiệp suy giảm nên không đáp ứng được các điều kiện để vay vốn. Bên cạnh đó, nợ xấu tăng cao đang làm nghẽn dòng tín dụng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng phân tích, trong lúc nền kinh tế đang suy yếu, nhiều doanh nghiệp đang lao đao, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì rủi ro tín dụng tăng cao. Trong tình thế này các ngân hàng rất cẩn thận khi cho vay và chọn lựa các doanh nghiệp có sức khỏe tài chính ổn định và khả năng hoàn trả nợ. Tuy nhiên, số doanh nghiệp đáp ứng được những điều kiện cho vay như trên thì lại quá ít, chính vì thế mà ngân hàng thừa vốn nhưng khó tìm đầu ra. Thứ hai, do nợ xấu tăng cao nên các ngân hàng đang áp dụng các chuẩn cho vay rất chặt chẽ để tránh nợ xấu và vì thế cũng cùng với lý do trên không mạnh tay cho vay.

Rõ ràng, để khơi thông dòng tín dụng cần nỗ lực đẩy tổng cầu và xử lý nợ xấu của các DN hiện nằm trong hệ thống NHTM chứ không thể chỉ kêu gọi giảm lãi suất.

Cẩn trọng tỷ giá, lạm phát

Thời gian qua, nhờ chênh lệch lãi suất giữa VND và USD được duy trì ở mức khá lớn nên vị thế VND được nâng cao, kéo theo đó là làn sóng chuyển đổi từ USD sang VND của người dân và doanh nghiệp. Điều này một mặt giúp cho tỷ giá ổn định trong một thời gian khá dài cũng như gia tăng đáng kể nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia. Tuy nhiên, những đợt cắt giảm lãi suất trong thời gian qua đã phần nào làm giảm bớt sức hấp dẫn của VND. Theo tính toán của TS. Lê Xuân Nghĩa – Chuyên gia tài chính - ngân hàng, với mức lãi suất huy động VND là 9%/năm và USD là 2%/năm như hiện nay, giả sử lạm phát được khống chế ở mức 5% thì chênh lệch lãi suất giữa VND và USD thực tế cũng chỉ là 3%. Điều đó có nghĩa, dư địa cho việc hạ lãi suất là rất nhỏ nhất là khi diễn biến lạm phát còn nhiều bất thường.

Mặc dù những tháng đầu năm, CPI tăng rất thấp, thậm chí liên tục hai tháng gần đây, CPI còn giảm. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản (loại trừ yếu tố lương thực, thực phẩm và xăng dầu) tháng 7 vẫn tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Có nghĩa, việc CPI giảm thấp trong thời gian qua chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm và xăng dầu giảm. Chính vì vậy, lạm phát giảm chưa bền vững do giá những mặt hàng này biến động rất khó lường. Chỉ cần một cú sốc về nguồn cung, hay một đợt thiên tai, dịch bệnh sẽ khiến giá những mặt hàng này tăng vọt.

Trên thực tế, giá xăng dầu trong nước cũng vừa có hai đợt điều chỉnh tăng do giá dầu thế giới tăng; giá gas cũng vậy. Trước đó, giá điện cũng đã tăng 5%. Tất cả những yếu tố này sẽ tác động vào giá cả thời gian tới. Đó là chưa kể, kỳ vọng lạm phát của người dân Việt Nam vốn dĩ luôn ở mức khá cao cũng sẽ phần nào tác động đến lạm phát thực tế.

Cũng bởi vậy, dư địa hạ lãi suất càng trở nên mong manh. Nếu không tính toán cẩn trọng, việc hạ lãi suất quá nhanh có thể khiến người dân chuyển sang nắm giữ các tài sản khác như vàng, USD hay bất động sản. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia khuyến cáo: “Để duy trì trạng thái cân bằng giữa tiền gửi nội tệ và ngoại tệ, tránh xảy ra tình trạng các NHTM ồ ạt chuyển đổi danh mục tài sản nội tệ và ngoại tệ gây khó khăn đột biến cho thanh khoản, chính sách tiền tệ cần được điều hành nhất quán, cân nhắc thận trọng trong việc hạ lãi suất điều hành khi dư địa giảm lãi suất đang được thu hẹp”.

Quang Cảnh(TBNH)

Nguồn Vinacorp: http://vinacorp.vn/news/giam-lai-suat-de-phong-thanh-khoan-ty-gia/ct-529960