Giải quyết tốt mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung và phát triển năm 2011), khi xác định những phương hướng cơ bản thực hiện mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã khẳng định: chúng ta phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt tám mối quan hệ lớn, trong đó, mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị là một trong những mối quan hệ cơ bản, căn cốt nhất.

Lễ khai mạc Đại hội lần thứ VI của Đảng Ảnh: TL Quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị là biểu hiện tập trung của mối quan hệ giữa hai lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội- lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực chính trị - liên quan mật thiết đến mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng; giữa cái khách quan và cái chủ quan; giữa cái tất yếu và cái có thể. Nhận thức đúng và giải quyết thành công mối quan hệ này là vấn đề có ý nghĩa quyết định chiều hướng, nội dung, nhịp độ, hiệu quả và mức độ bền vững của sự phát triển. Đảng Cộng sản Việt Nam, trải qua quá trình tìm tòi, thử nghiệm, tổng kết, trên cơ sở tư duy mới, tại Đại hội VI (1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, trong đó, đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị được đặt ở vị trí trung tâm. Cần khẳng định rằng, trong mối quan hệ giữa hành động đổi mới và tư duy đổi mới, thì hành động luôn đi trước, bởi nó xuất phát từ yêu cầu của cuộc sống, bắt đầu từ những hành động riêng lẻ, “khoán chui”, phá bỏ “ngăn sông cấm chợ”, thực hiện sự “xé rào” để tồn tại. Song, xét trên tổng thể, Đảng ta lãnh đạo công cuộc đổi mới bắt đầu từ đổi mới về tư duy chính trị trong việc hoạch định đường lối, chính sách đối nội, đối ngoại. Không có sự đổi mới đó thì không có mọi sự đổi mới khác. Thực tế đã chứng minh: Đảng ta đã đúng khi tập trung trước hết vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đổi mới kinh tế, khắc phục khủng hoảng kinh tế xã hội, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo tiền đề cần thiết để giữ vững ổn định chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân, tạo thuận lợi để đổi mới chính trị và đổi mới toàn diện mọi mặt của đời sống xã hội. Đổi mới toàn diện, đồng bộ và triệt để là mệnh lệnh của cuộc sống, nhưng phải có bước đi, hình thức và cách làm phù hợp. Tổng kết 5 năm đổi mới đầu tiên (1986-1991), Đại hội VII của Đảng đã rút ra những bài học kinh nghiệm: “Đổi mới toàn diện, đồng bộ và triệt để, nhưng phải có bước đi, hình thức và cách làm phù hợp... Về quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, phải tập trung sức làm tốt đổi mới kinh tế... Đồng thời với đổi mới kinh tế, phải từng bước đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị..., việc đổi mới hệ thống chính trị nhất thiết phải trên cơ sở nghiên cứu và chuẩn bị rất nghiêm túc, không cho phép gây mất ổn định chính trị, dẫn đến sự rối loạn. Nhưng không vì vậy mà tiến hành chậm trễ đổi mới hệ thống chính trị, nhất là về tổ chức bộ máy và cán bộ, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân”. Đại hội VIII, trên cơ sở tổng kết 10 năm đổi mới, Đảng ta đã khẳng định: “kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, đồng thời từng bước đổi mới chính trị”. Tổng kết 20 năm đổi mới, với bản lĩnh từng trải và sự trưởng thành trong nhận thức, tư duy và chỉ đạo thực tiễn, Đảng ta trong Đại hội X đã khẳng định: “đổi mới toàn diện, đồng bộ, có kế thừa, có bước đi, hình thức và cách làm phù hợp”. Đại hội XI tổng kết 25 năm đổi mới, một lần nữa khẳng định: “Đổi mới toàn diện, đồng bộ với những bước đi thích hợp. Tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế phải gắn với chú trọng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, giữ vững truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc”. Mặc dù còn có nhiều cách tiếp cận khác nhau và do đó còn nhiều ý kiến, nhiều định nghĩa và cách hiểu khác nhau về kinh tế và chính trị, song một cách khái quát có thể nhận diện kinh tế từ các phương diện: Tư tưởng, lý luận về kinh tế (phương diện khoa học); quan điểm, chủ trương, chính sách và thể chế kinh tế (phương diện chính trị- tổ chức); các hoạt động, các quan hệ kinh tế ( phương diện thực tiễn ); từ đó có thể xem đổi mới kinh tế ở nước ta hiện nay là đổi mới tư duy, nhận thức và lý luận về kinh tế; đổi mới quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật kinh tế và hoạt động chuyển đổi nền kinh tế từ mô hình kế hoạch hóa, tập trung sang mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát triển kinh tế thị trường gắn với việc giải quyết hài hòa những vấn đề xã hội, môi trường; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế. Tương tự như vậy, chính trị có thể nhận diện trên các phương diện: Tư tưởng, lý luận (phương diện khoa học); quan điểm, chủ trương,đường lối, chính sách và thể chế chính trị, hệ thống chính trị (phương diện chính trị- tổ chức); các hoạt động, các quan hệ chính trị ( phương diện hoạt động thực tiễn ). Từ đó cũng có thể xem đổi mới chính trị ở nước ta bao gồm: Đổi mới tư duy, nhận thức và lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH; đổi mới quan điểm, chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế- xã hội, về đối ngoại về quốc phòng, an ninh... Từ cách tiếp cận đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị như trên, có thể nhận thức về mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, về thực chất là quan hệ giưẫ̃ xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất, tăng năng xuất lao động với xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm toàn bộ quyền lực thuộc về nhân dân, trong đó, trọng tâm là xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng và hoàn thiện thể chế chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa. Ở nước ta hiện nay không khó để nhận ra một thực tế: kinh tế đổi mới có nhiều thành công và nhanh hơn đổi mới chính trị, các yếu tố của kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ và hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, trong khi đó, đổi mới chính trị còn tồn tại khá nhiều vấn đề chưa phù hợp, thậm chí còn bất cập so với đổi mới kinh tế, đặc biệt là hệ thống pháp luật. Đã đến lúc chúng ta cần nhận thức rõ, nếu không tích cực và kiên quyết đổi mới chính trị phù hợp, tương thích với đổi mới kinh tế thì ngay cả những thành quả do đổi mới kinh tế đem lại cũng có nguy cơ khó có thể bảo vệ được, chưa nói đến việc tạo động lực cho đổi mới kinh tế tiếp tục. Thực tế, sau 25 năm đổi mới, với những bài học kinh nghiệm được rút ra từ những thành công và cả trong thất bại, cho phép chúng ta nhận thức rõ hơn, thực chất hơn sự cần thiết và tất yếu phải tạo cho được sự nhịp nhàng, tương thích giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị. Tất nhiên, chính trị là lĩnh vực nhạy cảm và phức tạp, đổi mới cần thận trọng, cần tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc và phải có bước đi vững chắc, không cho phép gây mất ổn định chính trị, dẫn đến sự rối loạn, song không vì thế mà chần chừ, do dự, để cho “cỗ xe’ đổi mới phải vận hành trên hai hệ thống bánh xe khác nhau, tựa như một bên là hệ thống bánh hơi (đổi mới kinh tế) và bên kia là hệ thống bánh gỗ (đổi mới chính trị). Sự khập khiễng, không tương thích giữa đổi mới kinh tế và chính trị không những không tạo nên động lực cho phát triển, mà trái lại, còn tạo nên những cản trở, thậm chí gây bất an toàn cho ổn định, đổi mới và phát triển. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với đại biểu Đại hội Ảnh: TL Tất nhiên, nắm vững và giải quyết tốt mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị quả là đại vấn đề không thể diễn ra trong một sớm, một chiều. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận thức và giải quyết thông qua việc nhận thức và giải quyết các mối quan hệ “thứ cấp’, mối quan hệ phản ánh bản chất cấp hai của mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, đã được chúng ta nhận thức và giải quyết khá thành công trong thực tiễn, đó là, mối quan hệ giữa ổn định, đổi mới và phát triển; mối quan hệ giữa phát triển kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; mối quan hệ giữa phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN với xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ, trong đó quan trọng nhất là mối quan hệ giữa xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với xây dựng và hoàn thiện thể chế chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đổi mới kinh tế quan trọng và tập trung ở việc xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với những nội dung chủ yếu sau: 1) Hoàn thiện thể chế về sở hữu; 2) Hoàn thiện thể chế về phân phối; 3) Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các chủ thể trong nền kinh tế; 4) Hoàn thiện thể chế đảm bảo đồng bộ các yếu tố thị trường và phát triển đồng bộ các loại thị trường; 5) Hoàn thiện thể chế gắn kết tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển và bảo vệ môi trường; 6) Hoàn thiện thể chế nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế, tăng cường sự tham gia của các tổ chức chính trị- xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và của nhân dân vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội*. Phù hợp với việc xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế chính trị dân chủ XHCN phải được tiến hành đồng thời với những nội dung chủ yếu: xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, hệ thống các qui tắc, qui định pháp luật, luật lệ với tư cách là những chuẩn mực điều chỉnh hành vi của các chủ thể chính trị; đổi mới, kiện toàn hệ thống chính trị với tư cách là hệ thống và từng thành viên; tạo lập và hoàn thiện cơ chế vận hành, điều chỉnh các hoạt động của hệ thống chính trị, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện và phát huy vai trò của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân, trong sạch, vững mạnh, không tham nhũng, quản trị tốt nền kinh tế và đất nước, hướng tới thiết lập và phát triển nền chính trị dân chủ XHCN, bảo đảm toàn bộ quyền lực thuộc về nhân dân. Xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đồng thời với xây dựng và hoàn thiện thể chế chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa nhằm tạo nên một thể chế kinh tế - chính trị thống nhất, hài hòa vì phát triển, trước hết là phát triển kinh tế và dân chủ hóa xã hội.­­­ *Đảng cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. NXBCTQG, H; 2011, trang 140-156. GS. TS Dương Xuân Ngọc

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=30928&menu=1503&style=1