Giải quyết chế độ với thương bệnh binh

(Chinhphu.vn) - Bố đẻ ông Lộc Văn Đàn (bedan98@...) đi bộ đội từ năm 1968, hoạt động trong quân đội khoảng 20 năm, hiện đang hưởng chế độ bệnh binh 61%, giám định thương tật tỷ lệ 35%. Ông Đàn hỏi, bố ông có được hưởng 2 chế độ là bệnh binh và thương binh không? Nếu được thì phải làm thủ tục thế nào?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời câu hỏi của ông Đàn như sau:

Việc giải quyết chế độ đối với bệnh binh đồng thời là thương binh được quy định tại Mục 8, Thông tư số 25/2007/TT-BLĐTBXH ngày 15/11/2007 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn bổ sung việc thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng như sau:

- Đối với những trường hợp đã giám định tách riêng tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do bệnh tật và tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật thì chế độ ưu đãi thực hiện theo Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 của Chính phủ.

Theo đó, tại khoản 1, Điều 13 và Điều 18 Nghị định này quy định:

Thương binh được hưởng trợ cấp thương tật hàng tháng từ ngày Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải (gọi chung là Hội đồng Giám định y khoa) kết luận suy giảm khả năng lao động do thương tật từ 21% trở lên.

Bệnh binh được hưởng trợ cấp từ ngày Hội đồng Giám định y khoa kết luận suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên. Bệnh binh được hưởng trợ cấp hàng tháng tính theo mức độ suy giảm khả năng lao động của từng người.

Như vậy nếu đã giám định tách riêng, mà có đủ cả hai điều kiện tại khoản 1 Điều 13 và Điều 18 Nghị định 54/2006/NĐ-CP thì được hưởng cả hai chế độ trợ cấp thương tật (thương binh) và chế độ bệnh binh.

- Đối với những trường hợp đã giám định gộp tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do bệnh tật và tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật:

Bệnh binh có thời gian công tác liên tục trong quân đội, công an từ 15 năm trở lên hoặc chưa đủ 15 năm công tác liên tục trong quân đội, công an nhưng cộng thời gian công tác thực tế trước đó có đủ 20 năm trở lên đồng thời là thương binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật từ 21% trở lên thì được hưởng hai chế độ trợ cấp bệnh binh và thương tật.

Bệnh binh có thời gian công tác trong quân đội, công an dưới 15 năm được hưởng đồng thời cả hai chế độ trợ cấp nếu sau khi đã trừ tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật mà tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do bệnh tật còn từ 41% trở lên. Nếu sau khi trừ tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật mà tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do bệnh tật còn dưới 41% thì được chọn hưởng một trong hai chế độ trợ cấp bệnh binh hoặc thương binh.

Việc giải quyết chế độ ưu đãi được áp dụng đối với các hồ sơ được lập trước và kể từ ngày 1/1/1995 trở về sau.

Thời điểm hưởng thêm một chế độ trợ cấp được tính từ ngày Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội ra quyết định trợ cấp.

Thủ tục hồ sơ, lập hồ sơ

Theo Mục 1, Phần V, Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH ngày 26/7/2006 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn về hồ sơ, lập hồ sơ thực hiện chế độ trợ cấp thương tật đối với thương binh như sau:

- Giấy chứng nhận bị thương: Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị thương đối với người bị thương là quân nhân, công nhân viên quốc phòng do Thủ trưởng Trung đoàn hoặc cấp tương đương trở lên cấp.

- Biên bản giám định thương tật do Hội đồng Giám định Y khoa quân đội cấp.

Tại Mục 2, Thông tư số 25/2007/TT-BLĐTBXH ngày 15/11/2007 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn cấp giấy chứng nhận bị thương đối với người bị thương trước ngày 1/10/2005 chưa được hưởng chế độ thương tật trong trường hợp người bị thương có vết thương được ghi nhận trong các giấy tờ gốc như: lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên, lý lịch quân nhân được lập trước ngày 1/1/1995; phiếu chuyển thương, chuyển viện lúc bị thương; bệnh án điều trị khi bị thương; giấy ra viện khi bị thương. Hồ sơ gửi Sở Lao động -Thương binh và Xã hội xem xét giải quyết.

Vậy đề nghị ông Lộc Văn Đàn đối chiếu quy định với trường hợp của bố ông và liên hệ trực tiếp với Sở Lao động- Thương binh và xã hội để được hướng dẫn cụ thể.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Các tin liên quan

>> Điều kiện hưởng chế độ mất sức lao động và thương tật

>> Có thể được hưởng 2 chế độ thương binh và bệnh binh?

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/giai-quyet-che-do-voi-thuong-benh-binh/20128/147191.vgp