Giải pháp xử lý ô nhiễm nước mặt ở Hà Nội

Hà Nội hiện đang phải đối mặt với thực trạng nguồn nước mặt bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong năm nay, thành phố tập trung triển khai thử nghiệm một số phương án xử lý giảm thiểu một bước ô nhiễm 7 hồ trên địa bàn và sang năm 2010 sẽ áp dụng cho 26 hồ đã được kè bờ.

Ảnh: Một góc hồ Tây Sở TN&MT Hà Nội cho biết: lượng nước thải của TP. Hà Nội đang ngày càng tăng cả về lưu lượng và nồng độ các chất ô nhiễm. Hầu hết lượng nước thải chưa được xử lý đều đổ thẳng ra sông, hồ và dự báo đến năm 2010 là 510.000m3/ngày. Môi trường nước các sông, hồ ở Hà Nội đã bị ô nhiễm tới mức báo động. Vào mùa khô, nước sông Tô Lịch có hàm lượng oxi hòa tan (DO) thấp hơn 2,31 lần so với tiêu chuẩn, nhu cầu oxi sinh học (BOD5) vượt tiêu chuẩn cho phép 7,13 lần, nhu cầu oxi hóa học (COD) vượt 9,86 lần, tổng chất rắn lơ lửng (TSS) vượt 2,11 lần, hàm lượng nitơrat (NO3) vượt 1,64 lần. Các sông: Nhuệ, Đáy, Bùi, Tích, Cà Lồ, Cầu,… đều đã bị ô nhiễm, nặng nhất là sông Nhuệ. Tất cả các chỉ tiêu phân tích trên đoạn sông Nhuệ nơi tiếp nhận nước thải từ sông Tô Lịch có BOD5 vượt 1,28 lần. Hàm lượng amoni trong nước các hồ dao động thấp nhất là 0,58mg/l và cao nhất là 51,5mg/l, trong khi tiêu chuẩn cho phép là 1mg/l; hàm lượng BOD5 dao động trong khoảng 13mg/l- 68mg/l, trong khi tiêu chuẩn cho phép là 25mg/l. Trong năm nay, thành phố tập trung triển khai thử nghiệm một số phương án xử lý giảm thiểu một bước ô nhiễm 7 hồ trên địa bàn và sang năm 2010 sẽ áp dụng cho 26 hồ đã được kè bờ. Đây là một trong những nhiệm vụ và giải pháp cấp bách xử lý những vấn đề bức xúc về ô nhiễm môi trường nước mặt trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2010. Ngoài ra, thành phố xử lý khoảng 40% lượng nước thải công nghiệp và xử lý một bước ô nhiễm nước toàn bộ các hồ đã được nạo vét và kè bờ tại các quận nội thành. Hà Nội tập trung ưu tiên xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch đảm bảo các tiêu chí về thoát nước, môi trường và cảnh quan. Dự kiến đến quý III/2010, thành phố khởi công xây dựng hệ thống thu gom nước thải trên một đoạn sông Tô Lịch (dài khoảng 1km tại khu vực đầu nguồn sông Tô Lịch) theo nguyên tắc tách và thu gom nước thải hai bên sông và xây dựng trạm xử lý quy mô nhỏ, nước sau xử lý được bổ cập lại. Trên cơ sở thí điểm, rút kinh nghiệm và sẽ triển khai ở các đoạn sông tiếp theo. Các cơ quan chức năng của thành phố sẽ tiến hành khảo sát, quan trắc, xác định mức độ ô nhiễm các địa điểm xả thải. Trước mắt, sẽ lựa chọn một cửa xả thí điểm xây dựng trạm xử lý nước thải cục bộ; triển khai dự án cải tạo, nạo vét trục chính sông Nhuệ đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt; kiểm tra, xử lý các cơ sở công nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường. Đối với các khu, cụm, điểm công nghiệp tập trung, các cơ sở sản xuất nằm xen kẽ và ngoài các khu công nghiệp, thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý và yêu cầu các cơ sở thực hiện đúng Luật BVMT. Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho 12 bệnh viện và trung tâm y tế chưa có trạm xử lý là vấn đề được thành phố đưa lên hàng đầu. Đối với các bệnh viện do Trung ương quản lý, kiến nghị Bộ Y tế đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho các bệnh viện chưa có trạm xử lý. Trường hợp cần thiết có thể đề xuất di dời một số bệnh viện gây ô nhiễm nghiêm trọng ra khỏi nội thành. Thành phố dự kiến xây dựng dự án thí điểm xử lý nước thải tại 1 làng nghề chế biến tinh bột sắn thuộc xã Tân Hòa (huyện Quốc Oai)./..

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=350905&co_id=30085