Giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở làng nghề Tề Lỗ

Xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc có khoảng hơn 1.000 hộ dân tham gia làm nghề kinh doanh, thu mua, tái chế phế liệu, chiếm tới 70% số hộ trong xã. Mỗi năm tổng giá trị sản xuất từ làng nghề đạt khoảng 8,5 tỷ đồng, làng nghề phát triển đã giúp cho tốc độ kinh tế của địa phương tăng cao nhất toàn tỉnh. Tuy nhiên, cùng với tốc độ phát triển của làng nghề môi trường cũng đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, làm sao để khắc phục tình trạng ô nhiễm ở đây luôn được các cấp quan tâm.

Mỗi mỗi ngày làng nghề thải ra từ 2 đến 3 tấn rỉ sắt. Dọc các tuyến đường làng tập trung hàng trăm bãi phế thải kim loại, vỏ nhựa, ắc quy hỏng, giẻ lau dầu mỡ làm cản trở giao thông, mỗi khi trời mưa cuốn theo các chất thải và dầu mỡ xả thẳng ra khu dân cư và ao hồ, sông suối. Toàn bộ rác thải, chất thải của các cơ sở sản xuất, các hộ dân cư thu gom về các bãi rác của thôn, trong đó có tới 70% là chất thải nguy hại gồm dầu mỡ, cặn sơn, bùn thải từ quá trình tháo gỡ các xe hỏng, động cơ cũ không qua bất kỳ một biện pháp xử lý nào đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí. Đặc biệt, tại khu vực làng nghề, mỗi ngày có hàng ngàn lượt xe chạy qua lại bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa đã phá hỏng phần lớn hệ thống giao thông liên thôn, các cống rãnh, làm nước thải chảy lênh láng ra đường và khu dân cư. Theo kết quả phân tích, các mẫu nước tại khu vực làng nghề đều bị ô nhiễm nặng, các hàm lượng BOD5, COD có trong nước vượt tiêu chuẩn cho phép 6,86 lần, nhất là ở các thôn Đầm Bí, Làng Giã, Giã Bàng chất lượng nước đã bị suy giảm nghiêm trọng. Nguy hiểm nhất là nước tại các hồ, đầm và khu vực sông Phan đều có mầu xám, nâu đen, sậm đen mùi hôi, tanh làm cho các loại cá, cua, rong tảo... khó phát triển, nhiều nơi không sống được. Bên cạnh đó nồng độ bụi trong không khí cũng quá cao từ 0,35 đến 2,20mg/mét khối, vượt quá mức cho phép từ 1,16 đến 7,33 lần. Trước thực trạng này, tỉnh Vĩnh Phúc đã quy hoạch cụm làng nghề Tề Lỗ phát triển nghề chế biến sắt, nhựa, sản suất giống gia cầm với tổng diện tích trên 7 ha, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2010. Hiện nay, tỉnh đã có phương án đầu tư vốn xây dựng cơ sở hạ tầng gồm điện, đường, hệ thống cấp nước, thông tin liên lạc tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất đầu tư vào cụm CN - TTCN Tề Lỗ. Đặc biệt để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tỉnh bố trí xây dựng bãi tập kết, chôn lấp xử lý rác thải, thành lập tổ quản lý môi trường nhằm quản lý chặt các nguồn rác thải, buộc các hộ sản xuất, kinh doanh phải đăng ký nguồn rác thải, danh mục máy móc thiết bị, phương tiện; các loại nước thải phải được tách rác, tạp chất bằng hệ thống các song chắn, sau đó đưa vào hệ thống xử lý hóa chất tách dầu mỡ; đối với các chất thải rắn nguy hại được phân loại ngay trong quá trình sản xuất, các loại sắt thép, kim loại mầu, nhựa, cao su, dây diện được bán cho các cơ sở tái chế, bình ắc quy, giẻ, gỗ được xử lý theo quy định hợp vệ sinh. Bên cạnh đó nguồn khí thải từ các lò nấu, luyện sắt, thép, nhôm phải được lắp đặt thiết bị tách bụi kiểu xyclon và xử lý bằng tháp hấp thụ sử dụng dung dịch nước vôi trong. Hiện nay, cụm công nghiệp đang được đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bãi tập kết rác thải, nhiều cơ sở đã áp dụng biện pháp xử lý nước thải, rác thải, khí thải có hiệu quả. Cụm CN-TTCN đi vào hoạt động, dự kiến mỗi năm tái chế từ 800.000 đến 1.000.000 sản phẩm nhựa; tái chế phế thải kim loại từ 2.500 đến 3.000 tấn, đạt giá trị sản xuất từ 10 đến 11 tỷ đồng, thu hút từ 800 đến 900 lao động.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=350318&co_id=30361