Giải mã những hình xăm rồng rắn từ song sắt trại giam

(Phunutoday) - Vào trại giam, chúng tôi bắt gặp rất nhiều phạm nhân sở hữu trên người những hình xăm vằn vện, nào là đầu lâu, súng đạn, trái tim rỉ máu, ác quỷ, hồm ma, thần chết…. Nhưng ấn tượng nhất vẫn là hình ảnh những con rồng trong thế phùng mang trợn má, vờn mây khạc lửa… quấn toàn thân một số phạm nhân mà chỉ cần nhìn thoáng qua là đủ biết thứ hạng giang hồ lúc còn ngoài đời.

Ẩn sau những con mãnh long trên cơ thể người tù là nhiều câu chuyện ly kỳ liên quan đến đẳng cấp, chiến tích, số phận của những kẻ từng là phường côn đồ hoặc những kẻ chuyên sống bằng nghề đâm thuê chém mướn. “Phải mãnh long mới xứng tầm thứ dữ” Câu chuyện “rồng sau song sắt” bắt nguồn khi chúng tôi trò chuyện với Thượng tá Nguyễn Đắc Minh - Trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự xã hội (phòng PC45) công an tỉnh Bình Thuận. Hơn 30 năm gắn bó với ngành công an, trực tiếp tham gia và chỉ đạo hàng trăm trận đánh với đủ loại tội phạm, Thượng tá Minh có cả “kho” chuyện về những vụ trọng án với tình tiết ly kỳ liên quan tới những tên tội phạm, sát nhân nguy hiểm ranh manh, rành rẽ đủ chiêu đối phó với cơ quan điều tra. Một trong những kẻ như thế là sát nhân Trương Viết Bay (sinh năm 1989, trú quán tại xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế). Theo hồ sơ vụ án, tội ác của Trương Viết Bay bắt nguồn vào khoảng 1 giờ 30 phút sáng 22/2/2010. Khi ấy, chỉ vì 1 đàn em là Lê Vũ Vinh (19 tuổi) bực mình vì cho rằng mình bị người lạ nhìn đểu mà Bay hung hãn cầm đầu băng nhóm truy tìm và bổ búa vào đầu 1 thanh niên khiến người này chết thảm… “Tôi nhớ rõ những tình tiết liên quan đến sát nhân Trương Viết Bay vì nhiều lẽ” – Thượng tá Nguyễn Đắc Minh nhớ lại: “Bay tuy tuổi đời con rất trẻ nhưng rất ma mãnh, sỏi đời, nhiều kinh nghiệm đối phó với lực lượng công an như không bao giờ nán lại ở nơi nào quá 10 giờ đồng hồ. Sát thủ Trương Viết Bay – kẻ sở hữu nhiều hình xăm quái dị Để bắt được Bay, chúng tôi ròng rã theo chân hắn đến 25 ngày, rong ruổi hàng ngàn kilômet, nay ngược Bắc, mai xuôi Nam, lúc cất vó phải huy động đến 16 trinh sát thiện chiến”. Vừa nói, Thượng tá Nguyễn Đắc Minh vừa lần giở hồ sơ về sát thủ Trương Viết Bay. Trước tấm hình Bay với chi chít hình xăm trên người, Thượng tá Minh, tiếp tục mạch chuyện: “Bay khiến không chỉ tôi mà các anh em tham gia vụ án bất ngờ ở chỗ khi bị bắt, qua khám xét người hắn, chúng tôi phát hiện cơ thể Bay chi chít hình xăm quái dị. Đó là hình các trận đồ bát quái, hình đôi song lân (2 con kỳ lân) trong thế đối đầu, rồi hình đao kiếm, hình đàn dơi sải cách nhe nanh vuốt gớm giếc…, đặc biệt là hình con rồng xanh uốn trên lưng, trên bắp tay, bả vai…”. Các trinh sát hỏi chuyện, Bay giải thích mỗi hình xăm trên cơ thể hắn đều gắn liền với những chiến tích tù tội. Còn các đàn em khác của Bay thì bật mí rằng vì Bay là đại ca, là trùm băng đãng nên mới dám và đủ tư cách xăm rồng trong thế giương nanh, khạc lửa. Từ hôm trò chuyện với Thượng tá Nguyễn Đắc Minh về gã sát nhân có những hình xăm kỳ dị Trương Viết Bay, chúng tôi chú tâm vào việc giải mã những bí ẩn liên quan đến hình xăm của các tay giang hồ nói chung, tội phạm đã và từng thụ án tù nói riêng, đặc biệt là hình xăm những con mãnh long mà hầu như trùm du đãng, trùm băng nhóm nào cũng tương trên thân thể. Còn nhớ trong lần trò chuyện với ông Nguyễn Văn Hai, phu trường bắn ở pháp trường Long Bình (phường Long Bình, quận 9) sau khi đại bàng trại giam Ngô Văn Ba bị tử hình vì tội ác sát hại bạn tù, nói về những hình xăm mà mình từng gặp trong quá trình an táng xác tử tội, ông Hai bật mí không chỉ xác Ngô Văn Ba, xác của sát thủ Nguyễn Việt Hưng (nổ súng bắn chết nữ quái Dung Hà trong vụ án Năm Cam), xác của “hung thần” cướp-giếp-giết Nguyễn Hữu Thành (Phước 8 ngón)… cũng có hình xăm nào là thần ưng, chim đại bàng, mãnh hổ và tất nhiên không thể thiếu mãnh long. “Những con rồng trong thế vờn mây, giương móng vuốt, đấu đầu với nhau, khạc lửa thiêu chết con rồng khác… nhìn ớn lạnh lắm!” – ông Hai, nói. Cựu giang hồ Hải bánh với đôi cánh tay xăm rồng vằn vện Vào trong các trại giam, chúng tôi cũng bắt gặp đủ kiểu hình xăm đầu lâu xương sọ, cọp beo, rắn rồng chi chít trên “thân ngà” của các phạm nhân ở khu vực giam tù mang trọng tội như phường đâm thuê chém mướn, phường cướp của giết người… Và những lúc như thế, cái ý định giải mã phần nào ngôn ngữ của thế giới ngầm ẩn sau những hình xăm lại thôi thúc chúng tôi. Nhưng vì ở nơi người ta phải trả giá cho hành vi tội ác mà mình lại khơi gợi trong họ những chuyện đâm chém lúc ngoài đời e sẽ khiến tâm tưởng phạm nhân xáo động nên chúng tôi lại thôi. Chỉ duy nhất một lần, khi trò chuyện với trùm giang hồ Hải Bánh, tay anh chị khét tiếng một thời liên quan đến vụ án Năm Cam nay đang lặng lẽ tu dưỡng tình chí, mong một ngày ra trại để đoàn tụ với con gái và người mẹ già trên 80 tuổi vẫn nuôi hy vọng được một ngày ôm chặt đứa con trai tội lỗi vào lòng, chúng tôi dược Hải giải thích ngắn gọn rằng từ thời chế độ cũ, hình xăm gắn chặt với cuộc đời những tên tội phạm, nhất là tội phạm chuyên sống bằng các nghề bảo kê, đâm thuê chém mướn, cướp của giết người… như hình với bóng. Hải nói chỉ cần nhìn vào hình xăm là có thể biết được đẳng cấp, chiến tích vào tù ra tội, thành tích đâm chém… của tay anh chị nào đó. Không như suy nghĩ lâu nay của chúng tôi rằng oách nhất vẫn là hình xăm đầu cọp, đại bàng, Hải khẳng định ở chốn giang hồ hoặc trong chốn tù, kẻ xăm rồng mới là thứ dữ! Kỹ nghệ “thích” rồng lên thân tù Từ cuộc gặp với phạm nhân trong các trại giam và những tay anh chị, những ẩn số sau hình xăm mãnh long mà chúng tôi chú tâm tìm hiểu ngày càng rộng mở. Sau nhiều cuộc hẹn, chúng tôi gặp Hải sẹo, tay anh chị khét tiếng ở khu Tôn Đản (quận 4) nay gác kiếm không phải vì ngán chuyện đâm chém hay bóc lịch trại giam, mà chỉ đơn giản là vì không đủ sức cạnh tranh với bọn trẻ ngày càng manh động, thích là ra tay chém giết mà không chút đắn đo, suy tính như thế hệ cha anh. Lầm lũi đưa chúng tôi đi vào một con hẻm sâu nơi Hải dừng bước giang hồ trên đường Tôn Đản, vừa đi Hải vừa nói oang oang rằng hơn mươi năm trước, chẳng cần biết chiến tích vào tù ra tội ra sao, chỉ cần tay anh chị nào đó vỗ ngực nói mình là “dân Tôn Đản” thì giang hồ các nơi đều có phần e dè, kính trọng. “Dân Tôn Đản là dân giang hồ có máu mặt có từ thời ngụy. Đặc điểm của giang hồ Tôn Đản là ít nói, khi không cần thiết lâm trận thì nhún nhường hết mình nhưng lúc đã quyết chiến rồi thì chiến tới nơi, chiến theo kiểu sinh tử, theo kiểu thắng bại phân minh, kiểu một mất một còn…. nên ai cũng ngán”. Dừng chân trước ngôi nhà cấp 4 nằm ở cuối hẻm, Hải phanh ngực áo khoe đủ thứ hình xăm, trong đó có hình con rồng xanh đang cuộn mình, mắt trợn ngược, toàn thân bung vẩy, giương móng vuốt chừng như muốn xé nát con mồi là đám rắn độc và đại bàng đang quần đảo, rồi nói: “Luật giang hồ có lớp có lang, có bài có sách, không phải thằng nào muốn xăm rồng thì cứ thế mà tương đâu. Một khi đã xăm rồng mà không có cốt cách của mãnh long thì sẽ bị tụi nó dần cho tan xương nát thịt”. Hôm đó, câu chuyện về hình xăm mãnh long của các tay giang hồ trở nên xôm tụ khi có sự tham gia của một số cựu giang hồ cũng hết thời-quá lứa như Hải sẹo. “Nếu hình xăm là đầu gấu hoặc đại bàng, tay đó chỉ là phường đại ca quản dưới trướng dăm ba thằng đàn em, có thành tích đâm chém để lại sẹo cho đối phương chứ chưa từng lấy mạng ai bao giờ. Thứ dữ phải là rồng như tụi tao vậy nè” – cựu giang hồ Chín bẻo vừa dứt lời vừa chìa tấm lưng trần có cặp rồng xanh quấn từ đùi lên tận ót. Chín cho biết với cặp rồng này, hồi thụ án tại khắp các trại giam trước năm 1975, đến trại nào chỉ cần gã cởi áo phơi lưng là đám đại bàng trại giam ở đó đều nhường mâm nhường chiếu. “Giang hồ thời đó có tôn ti trật tự lắm chứ hổng có kiểu loạn xà ngầu như giờ đâu” – Chín, bật mí: “Dân xăm rồng xanh như tao hồi đó hễ đụng chuyện là vác hàng (mã tấu) ra đấu tay đôi. Đánh nhiều trận như thế, anh em nó nể nó mới đè mình xuống xăm rồng”. Chúng tôi hỏi xăm cặp rồng ở đâu, Chín nói: “Xăm lúc náu thân trong các động, lúc bị giam ở trại này đến trại khác. Nói chung là khi nào rãnh thì xăm. Với cặp song long này tui xăm gần 4 năm mới thành đấy”. Những con rồng ghê sợ trên lưng trần của một tay anh chị Như bao kẻ giang hồ xăm mình khác, các cựu giang hồ như Hải sẹo, Chín bẻo… cho biết không chỉ mãnh long, các hình xăm còn lại trên cơ thể họ đều được xăm trong tù. “Trong tù bị kiểm soát gắt gao, các vật nhọn, bén, cứng đều bị cấm mang vào sam (phòng giam) nhằm tránh tình trạng phạm nhân ẩu đả, thanh toán lẫn nhau. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là mình bó phép. Chỉ cần kiếm cọng dây đờn cắt ngắn, mài nhọn thì nó trở thành kim xăm thôi. Còn mực thì đơn giản lắm, chỉ cần lấy dép lào – dép nhựa đốt chảy rồi hòa với mực tàu là xong” – Chín, kể: “Thời gian xăm mình trong tù thường vào giữa đêm. Khi đó mấy đứa se sẻ làm nhiệm vụ canh gác, tui thì nằm dài cho tụi nó đè ra xăm. Khi giám thị đi tuần thì se sẻ giả vờ ho mấy tiếng để báo động”. Dương Đình Chí (56 tuổi, là tay giang hồ hết thời sống lang bạt nay đây mai đó bị Sở lao động TP.HCM thu gom trong một lần thành phố phát động chiến dịch chấn chỉnh tình trạng người lang thang xin ăn và đưa đến “nghỉ dưỡng” tại Trung tâm bảo trợ Chánh Phú Hòa (đóng tại tỉnh Bình Dương, nơi nuôi dưỡng, dạy nghề cho người lang thang, xin ăn - PV). Tháng trước, khi chúng tôi cùng đoàn y bác sỹ của một hội từ thiện đến khám bệnh, tặng quà cho học viên trung tâm, lúc trò chuyện về những hình xăm vằn vện trên người, Chí kể bản thân anh ta từng là “đường kim điêu luyện”, chuyên xăm đại bàng, lân, rồng cho các đại ca trại tù thời chế độ cũ. “Kim thì tui lấy dây đờn. Còn máy xăm thì chẻ cái rađio, lấy mô-tơ làm động cơ” – Chí kể: “Hổng phải ông muốn xăm rồng là được đâu. Phải thường xuyên vào tù ra trại, lần vào sau tội nặng hơn lần trước thì anh em mới phục mà xăm rồng. Rồng được phân thành nhiều loại, như độc long, song long, lưỡng long (2 con rồng đang đấu nhau), rồi rồng xanh, rồng đỏ, rồng đen nữa… Trong các mẫu hình xăm về rồng như thế, như các tay giang hồ một thời, Chí khẳng định: “Rồng đen là ác liệt nhất. Kẻ xăm rồng đen đều là sát thủ chém giết không gớm tay, hễ vung đao là có mạng người bị tước đoạt. Đại ca xăm rồng đen cũng là người có bản lĩnh dàn xếp các cuộc đụng độ giữa các băng nhóm… Nói chung là quyền uy trong giới giang hồ lớn lắm. Tứ đại giang hồ của Sài Gòn trước năm 1975 là Đại-Tỳ-Cái-Thế đều có hình xăm rồng đen trên bả vai đó”. Những trận đánh ngầm Chẳng rõ cái đoạn tứ đại giang hồ xăm rồng đen mà Chí kể chuẩn xác bao nhiêu phần trăm, nhưng điều mà các cựu giang hồ thời trước và cả giang hồ sau này đều có chung câu trả lời là sở dĩ giới giang hồ chọn rồng làm biểu tượng đỉnh cao của số má trong giới chém giết vì nhiều lẽ. “Hổ là chúa tể rừng xanh, là giống khỏe nhất trong muôn loài nhưng suy cho cùng cũng chỉ là con thú hoang không hơn không kém. Còn rồng thì khác, nó trước tiên là loài có sức mạnh, dáng thế uy dũng, theo truyền thuyết rồng có khể khạc lửa, móng vuốt của rồng vững chắc, nguy hiểm gấp trăm lần vuốt cọp… Đó là chưa kể rồng là linh vật có thể sống ở dưới nước lẫn trên trời cao, có thể vờn mây, bay nhanh như gió…”. Khẽ rít thuốc lá một hơi dài đến hóp cả má, Chín bẻo phân tích thêm, “Vì những điều đó mà rồng được xem là biểu tượng vương quyền ngày xưa chỉ vua chúa mới được sử dụng hình ảnh. Trên long bào, vương miệng, quyền trượng,, sắc phong, chiếu chỉ vua ban đều có hình tượng con rồng…”. Được các gã giang hồ hết thời làm cầu nối, chúng tôi tiếp cận với Tấn điên, 38 tuổi, sống ở khu Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân vừa mãn án tù 8 năm về tội Cố ý gây thương tích, đang nuôi chí hoàn lương. Tuấn điên bật mí con rồng trong thế giương vuốt nằm ở bắp đùi phải của gã do một bạn tù xăm trong một lần 2 đứa trốn lệnh truy nã, “nằm vùng” tại tỉnh Lâm Đồng. Rồng theo ngôn ngữ của Tuấn là “mãnh long”, là loài không chỉ có sức mạnh kinh hồn, quyền uy cực đỉnh mà còn là loài linh thú có trí khôn, trí tuệ. “Tui biết được điều này qua lời kể của một đại ca” – Tuấn điên thì thào: “Đại ca ấy tên Sảnh, lão từng thổ lộ với tui rằng những năm sau này giang hồ loạn thứ bậc chứ ngày trước, đại bàng ra đại bàng, se sẻ ra se sẻ, không có chuyện nhập nhằng, thích gì xăm nấy như bây giờ đâu. Nhiều đứa chỉ là phường tép riu nhưng muốn ra vẻ ta đây đã xăm rồng để rồi bị các đại ca dần cho chết đi sống lại cũng bởi cái tội nhỏ mà thích làm lớn”. Dứt lời, Tuấn điên vỗ vỗ lên con rồng ở đùi rồi nói: “Tui từng chứng kiến có đứa vì mê rồng mà bị đầu gấu cho nếm đủ mùi tra tấn”. Tra tấn như thế nào, ở đâu – chúng tôi thắc mắc hỏi nhưng Tuấn lặng lời. Mãi một lúc sau gã mới hắng giọng: “Chuyện này xảy ra lâu lắm rồi, nạn nhân không ai khác là ông anh kết nghĩa của tôi tên Sảnh, ảnh vừa mất năm ngoái. Năm 1973, trong giây phút ngẫu hứng, ảnh kể được đám anh em đè xuống xăm 2 con rồng trong thế tranh châu mà dân gian quen gọi “lưỡng long tranh châu”. Trong một phi vụ đâm chém, Sảnh bị chính quyền chế độ cũ đưa đi bóc lịch tại trại giam Chí Hòa. Hồi đó nạn đại bàng trại giam dữ lắm, phạm mới vào bao giờ cũng bị đám đại bàng dần cho một trận thừa chết thiếu sống gọi là “chào sam” đặng dằn mặt. Nên khi lão này vào, tụi nó bâu lại tính dạy cho bài học phép tắc. Nhưng khi vừa túm cổ áo ông anh tui định tung đòn, thấy con rồng ẩn sau vạt áo tù, gã đại bàng liền buông tay thăm dò. Chỉ vài câu thăm hỏi, nắn gân, biết ông anh tui chỉ là phương tắc ké, gã đại bàng mới dần cho ổng một trận lê lết vì cái tội “se sẻ mà thích làm đại bàng”. Bị dần liên tục cả tuần lễ, ông anh tui phải quỳ lạy như tế sao thì thằng đại bàng mới tha nhưng với điều kiện phải xóa hình xăm bởi để nó thấy chướng mắt. Thủ thuật xóa hình xăm rất ác, gã đại bàng lệnh cho đám tay chân dùng chiếc muỗng nhôm cào mạnh vào hình xăm cho tóe máu rồi xát muối vào…”. Giới giang hồ lưu truyền rằng không ít phạm nhân thứ hạng “se sẻ” nhưng vì lỡ xăm rồng đã phải lãnh những trận đòn chí mạng Hải sẹo thì có câu chuyện xóa hình xăm khác cũng rùng mình không kém. Hải kể không chỉ dân se sẻ xăm đại bàng, xăm rồng bị trừng trị đích đáng, có những phạm nhân trước năm 1975 cũng bị đám đầu gấu trại giam xử ra trò cũng vì ngứa mắt cái hình xăm khó ưa. “Khoảng năm 1970, hồi tôi bóc lịch 8 năm tại trại Chí Hòa, sam có một thằng thụ án cướp giật cùng vào nằm chung. Thằng này cũng là dân từng vào tù ra trại nên biết luật, mới vào sam là hạ mình quỳ lạy để không bị trận đòn chào sam. Tưởng vậy đã thoát nạn nhưng khi thấy trên ngực nó xăm hình con cá chép đang bơi ngược dòng, tôi còn nhớ tay đầu gấu được gọi bằng biệt danh Khánh sầu đang cười nói bỗng nổi điên lao vào đấm đá thằng nọ đến bất tỉnh. Sau đó Khánh sầu chơi chiêu độc, lệnh cho bọn đàn em đốt bọc nilong nhỏ chất nhựa lên hình con cá chép với khẩu lệnh “xóa sạch”. Khoảng 1 tuần sau, thằng nọ và đám anh em trong phòng mới biết sở dĩ Khánh sầu ghét cái hình xăm cá chép vì cho rằng thằng kia láo, nhóc con mà nuôi tham vọng “cá chép hóa rồng”. Sau vinh quang là…tủi nhục Sau năm 1975, lớp giang hồ chế độ cũ bị chính quyền cách mạng thắt chặt. Nạn đại bàng trại giam từng bước bị lực lượng công an trấn áp bằng những hình phạt nghiêm khắc nên nạn phạm nhân đầu gấu xưng hùng xưng bá trong trại giam dần được đẩy lùi. Song song đó, cái thú xăm mình để minh định đẳng cấp giang hồ của các tên trọng phạm cũng dần được chấn chỉnh. Khoảng những năm 1990 trở lại đây, nhiều tay anh chị dẫu cũng còn cái máu xăm mình nhưng không dám xăm trong trại giam vì sợ căn bệnh thế kỷ. “Bây giờ, những hình xăm như gấu, cọp, đại bàng, rồng rắn…. không còn là mốt độc quyền của những tay giang hồ cộm cán nữa. Thú xăm mình giờ được nâng tầm thành nghệ thuật với sự tham gia, hưởng ứng của đủ thành phần chẳng liên quan gì đến súng đạn, mã tấu và các hoạt động tệ nạn. Một nữ sinh cấp III, một nam sinh viên mặt non choẹt, búng ra sữa giừo đây cũng có thể tương nguyên con rồng đen trên người, nên ra đường chẳng biết đâu là đại bàng thứ thiệt” – Tay giang hồ một thời Chín bẻo, chép miệng vẻ ngán ngẩm! Sau những bộc bạch ấy, các gã giang hồ một thở cụng ly. Trong men say ngà ngà, như các chiến hữu khác, Bảy sẹo bất chợt thở dài: “Hồi trẻ suy nghĩ ngông cuồng, quyết định nông nổi nên tôi mới tương đủ thứ đầu lâu xương sọ, đao kiếm, rắn rồng trên người. Hồi đó tôi tự hào với chiến tích xăm mình bao nhiêu thì nay mặc cảm bấy nhiêu. Nhiều bận muốn làm lại cuộc đời, biết mình đang ấp ủ quyết định tu chí nhưng khi phát hiện những hình xăm ghê rợn trên cơ thể tôi, nhiều người muốn giúp đỡ, tạo điều kiện họ em ngại, họ né… Đó là chưa kể đám con cháu chúng nó mang tâm lý mặc cảm khi có cha chú là dân giang hồ xăm mình”. Tuấn điên trải lòng đã có lúc anh ta quyết tâm xóa sạch hình xăm nhưng do cơ thể nhìn đâu cũng rắn rồng không thể cứ nung lửa rồi gí vào hình xăm như đã từng làm với 2 cánh tay nên Tuấn tìm đến các thẩm mỹ viện nhờ người ta xóa bằng tia laze. “Họ nói muốn xóa hết hình xăm trên người, tôi phải tốn ít nhất trăm triệu đồng nên kham không nổi”. Cuộc đời giang hồ của nhiều tay anh chị thứ dữ rồi cũng có ngày dừng bước. Nhưng cũng chính những giai đoạn đó thi những hình xăm đôi khi làm cho hành trình về nẻo thiện của họ có vẻ xa hơn, trắc trở hơn. Tôi từng nhiều lần gặp Hải bánh tại trại giam Z30A Bộ công an, những lần trong cuộc trò chuyện như thế, tôi để ý thấy Hải nhiều lúc nhìn vào đôi cánh tay vằn vện mà ánh mắt e dè. Dường như Hải sợ nhìn những chứng tích một thời mà nhớ lại cái thời trai trẻ bốc đồng, nông nổi… như thế thì trong quá trình cải tạo sẽ phân tâm hơn. Hải bánh đang cố gắng sống nốt quãng đời còn lại như là một con người bình thường, dù là Hải đang thụ án ở trại giam. Tôi vẫn nhớ y câu nói đó của Hải sẹo trong bữa nhậu ở vùng đất quận 4 - từng một thời được mệnh danh là đất của giang hồ. Khi ấy Hải sẹo tâm sự trong men say “Hình xăm rắn rồng chỉ là cái hão danh của dân dao búa mà thôi. Những hình xăm đó nó đeo bám cuộc đời mình, nhấn chìm cuộc đời mình, giá trị, đẳng cấp đâu không thấy, chỉ thấy xã hội họ lánh xa, ghê sợ mà thôi. Người sống như thế thì còn gì ý nghĩa trên cuộc đời này!”. Thành Sỹ

Nguồn ĐS&PL: http://phunutoday.vn/xahoiol/doisong/201106/Giai-ma-nhung-hinh-xam-rong-ran-tu-song-sat-trai-giam-2032714/