Giải mã giấc mơ thèm khát THỦY NGÂN ĐỎ của IS

Trong hàng thập kỷ, những kẻ chế tạo bom tham vọng, gồm cả lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đã nỗ lực đặt tay lên một vật liệu được cho là sở hữu khả năng hủy diệt khủng khiếp, mang tên thủy ngân đỏ. Tuy nhiên có những lý do để chúng vẫn mãi chưa đạt được mục tiêu của mình.

Do sức hút của thủy ngân đỏ, nhiều kẻ đã làm giả thứ vật chất này, bằng cách trộn thủy ngân thông thường với màu đỏ, và tiến hành lừa đảo. Trong ảnh là 3 kẻ bán thủy ngân đỏ giả bị bắt ở Banglades

Món hàng với sức hủy diệt khủng khiếp

Cuộc săn lùng thủy ngân đỏ của IS bắt đầu từ tháng 1.2014, tại Tal Abyad, thị trấn Syria nằm gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Thời điểm ấy, IS đã phất cờ đen tại thị trấn và vị chỉ huy này, có biệt danh “Cá sấu”, là phụ trách an ninh mới trong khu vực.

Các chỉ huy của Cá Sấu ở Mosul Iraq (thành phố sau này rơi vào tay IS) muốn sở hữu thủy ngân đỏ. Vậy là gã tìm tới gặp Abu Omar - một tay buôn lậu nổi tiếng trong thị trấn. Khi nghe thông tin đặt hàng, Abu Omar biết rõ Cá Sấu đang muốn gì. Thứ gã tìm kiếm không phải các món hàng “tầm thường”, như những chiếc áo chống đạn, máy bộ đàm, điện thoại di động, thiết bị y tế, ăng ten vệ tinh hay thẻ SIM điện thoại..., mà Omar từng buôn bán trước đây.

Thủy ngân đỏ - rất hiếm và giá trị, đặc biệt đắt đỏ và cực kỳ nguy hiểm, với đặc tính mà không vật chất nào khác có được - là thứ mà những kẻ mơ mộng về vũ khí hủy diệt rất thèm khát. Theo những lời đồn đại về năng lực của thủy ngân đỏ, khi được kích nổ cùng thuốc nổ mạnh thông thường, vật chất này có thể tạo ra sức tàn phá mạnh như một quả bom hạt nhân, đủ để san bằng cả một thành phố.

Samuel T.Cohen - cha đẻ bom neutron - cũng tin là thủy ngân đỏ có tồn tại.

Abu Omar cũng hiểu mục đích của IS. Tổ chức này đang tìm kiếm thứ vũ khí có khả năng làm nhiều hơn việc gieo rắc nỗi sợ hãi trong lòng kẻ thù. Thứ vũ khí ấy phải giết nhanh và nhiều kẻ thù, lập tức thay đổi cục diện chiến tranh. Hãy tưởng tượng về một đám khói khổng lồ hình nấm đang bốc lên trên các mặt trận ở Syria, Iraq. Hãy tưởng tượng các kẻ thù của IS bị băm nhỏ, gục ngã, trong khi vương quốc Hồi giáo ngày càng lớn mạnh. Và hãy tưởng tượng IS có thể trả bao nhiêu tiền. Thương vụ tiềm năng béo bở này khiến Omar mạnh dạn gật đầu với Cá Sấu.

Sức hút quanh thứ vật chất bí ẩn

Có thể nói rằng thủy ngân đỏ là chủ đề giống như được lôi ra từ một thế giới truyện tranh, nơi chứng cứ khoa học phải nhường chỗ cho những tuyên bố chưa được xác thực và sự tưởng tượng hoang đường. Đó là nơi mà những kẻ xấu vẫn dấn thân vào, nhằm theo đuổi lời hứa về một loại vũ khí bí ẩn, có thể giúp nhanh chóng dẫn tới ngày tận thế.

Huyền thoại về sức mạnh của thủy ngân đỏ đã bắt đầu hình thành từ thời Chiến tranh Lạnh. Nhưng nó chỉ thực sự bùng nổ sau khi Liên Xô sụp đổ. Khi ấy, công tác an ninh trong ngành quốc phòng của Nga đã suy giảm, khiến người ta lo ngại về việc xảy ra các hoạt động buôn bán vũ khí khó kiểm soát.

Trong thế giới đó, tin đồn về thủy ngân đỏ mặc sức lan rộng và lớn mạnh, trở thành lọ nước thần diệu của giới buôn vũ khí. Chúng quảng bá rằng thủy ngân đỏ có thể đáp ứng mọi nhu cầu của các khách hàng mờ ám, có thể lắp vào mọi loại vũ khí, với sức hủy diệt khủng khiếp.

Ngoài truyền thuyết, sự tồn tại của thủy ngân đỏ còn nhận được sự hỗ trợ từ cả các nhân vật uy tín. Nổi tiếng nhất là Samuel T.Cohen - nhà vật lý người Mỹ vẫn được xem là cha đẻ của bom neutron. Trong một cuốn hồi ký, ông tuyên bố thủy ngân đỏ được tạo thành nhờ việc “pha trộn vật liệu hạt nhân với số lượng rất nhỏ vào các vật chất thông thường, rồi đưa hỗn hợp vào trong một lò phản ứng”, hoặc “dùng các dòng hạt nguyên tử đã được tăng tốc để bắn phá hỗn hợp”. Ông nói rằng kết quả thu được là “một vật liệu nổ cực mạnh không tự phát nổ”.

Khi được kích nổ cùng chất khác, như thuốc nổ, thủy ngân đỏ trở nên “đặc biệt nóng, khiến nhiệt độ và áp suất tăng lên mức đủ để kích hoạt hydro nặng, gây ra một vụ nổ nhiệt hạch, giống như một quả bom neutron mini tạo ra”. Nhiều người đã đọc và ghi nhớ những gì Cohen nêu ra, dù giới nghiên cứu bác bỏ thông tin này. Bên cạnh đó, còn phải kể tới tác động do nhiều hãng tin Nga tung ra trong những năm 1990, nói về sức tàn phá của thủy ngân đỏ. Các hãng tin phương Tây đã không buồn kiểm chứng và thường xuyên phát đi phát lại các thông tin này, qua đó làm tăng sức nặng quanh thủy ngân đỏ.

Đã có lúc các máy khâu Singer ở Saudi Arabia được mua với giá rất cao vì người ta tin rằng chúng có chứa thủy ngân đỏ.

Kênh truyền hình 4 của Anh thậm chí còn nói về vật chất này trong 2 phim tài liệu dài hơi là “Trail of Red Mercury” (Dấu vết thủy ngân đỏ) và ‘‘Pocket Neutron’’(Bom neutron bỏ túi). Các nhà sản xuất chương trình tuyên bố xanh rờn rằng “có những chứng cứ đáng kinh ngạc cho thấy giới khoa học Nga đang sản xuất bom neutron thu nhỏ dựa vào một hợp chất bí ẩn gọi là thủy ngân đỏ”.

Hành trình tìm thủy ngân đỏ

Dĩ nhiên không phải ai cũng tin vào sự tồn tại và sức mạnh của thủy ngân đỏ. Nhưng danh sách những người nói về nó ngày một dài thêm.

Và Abu Omar đã gia nhập danh sách ấy. Khi Cá Sấu đặt hàng, Omar đã hỏi rằng IS có thể trả được bao nhiêu. Câu trả lời là 4 triệu USD, kèm theo khoản tiền thưởng 100.000 USD, cho mỗi gói thủy ngân đỏ giống như các hình ảnh mà Cá Sấu gửi tới cho Omar qua ứng dụng chat WhatsApp. Các bức ảnh cho thấy một vật thể trông như bánh kẹp xúc xích và chẳng phải là chất lỏng màu ánh đỏ kim loại như các tay buôn vẫn kháo nhau. Tuy nhiên nó rất giống một bức ảnh khác từng xuất hiện hồi năm 2013, trong một tin hình của Hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Cihan. Tin này có đề cập tới hoạt động buôn lậu thủy ngân đỏ.

Theo bản tin, có 3 người bị bắt gần thành phố Kayseri ở miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ do buôn thủy ngân đỏ. Bản tin cũng có hình ảnh các quan chức mặc đồ bảo hộ và đeo mặt nạ phòng độc tiến gần một chiếc xe tải. Người dẫn chương trình nói rằng chiếc xe có chứa một đầu đạn tên lửa, trong đổ đầy chất liệu được xác định là thủy ngân đỏ.

Việc xác định do 6 cơ quan khác nhau ở Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện, gồm Cơ quan Năng lượng nguyên tử Thổ Nhĩ Kỳ. Thủy ngân lỏng được cho là có thể gây nổ lớn, trị giá 1 triệu USD mỗi lít. Người dẫn chương trình nói rằng thủy ngân lỏng có thể “được dùng trong hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa và bom khinh khí!”.

Không rõ bản tin của Cihan là thực hay đùa. Nhưng rõ ràng nó đã tới với giới lãnh đạo IS, thể hiện qua bức ảnh Cá Sấu gửi cho Omar. Tay buôn lậu này có một người em họ đang hoạt động cùng nhóm chiến binh Jabhat al-Nusra có liên quan tới Al-Qaeda và là đối thủ của IS.

Người em họ này từng kể với anh ta rằng các tay súng Nusra đã thu được thủy ngân đỏ từ nhóm phiến quân khác là Ghuraba al-Sham, nay đã ngừng hoạt động. Omar nói rằng đầu đạn mà các chiến binh Nusra thu được giống với ảnh của Cá Sấu.

Rời Tal Abyad, Abu Omar tìm thấy người em họ gần khu vực biên giới, ở bên ngoài Latakia, và đã bắt đầu sắp xếp một vụ mua bán. Nhưng theo lời Omar, người em họ này đánh hơi thấy anh ta đang làm việc cho IS nên cuối cùng đã từ chối bán thủy ngân đỏ.

Vẫn tin vào bí ẩn hoang đường

Trong cuộc tiếp xúc với Omar, phóng viên New York Times hỏi rằng anh có tin vào sự tồn tại của thủy ngân đỏ hay không, bởi giới khoa học đều nói chất này không tồn tại. Omar lập tức trả lời “có”, bởi anh đã chứng kiến một cuộc thử nghiệm thủy ngân đỏ.

Đó là 2 năm trước ở Ras al-Ain, một thị trấn vùng biên khác tại Syria. Anh đã ở cùng một nhóm chiến binh Hồi giáo trong một căn phòng, để thử nghiệm 3,5 gram thủy ngân đỏ với một lọ chứa chlorine. Trong thử nghiệm, một kẻ trong nhóm chọc kim tiêm vào thủy ngân đỏ rồi lại nhúng nó vào chlorine. Một phản ứng dữ dội đã xảy ra và rồi một mùi khó ngửi bốc lên nồng nặc, khiến tất cả phải bỏ chạy ra ngoài căn phòng thử nghiệm.

Dựa vào đó, Omar tin rằng thủy ngân đỏ là có thực và sức mạnh của nó thật khủng khiếp, ngay cả khi chưa phát nổ!

Chẳng rõ Omar nói thật hay không, nhưng chắc chắn anh không phải là người duy nhất tin vào sự tồn tại của thủy ngân đỏ. Các tay buôn lậu mà phóng viên New York Times tiếp xúc tại Syria cũng cho rằng có vật chất này. Tay buôn lậu có tên Safi al-Safi còn cho rằng, ngoài thủy ngân đỏ còn có thủy ngân với màu máu đen, thủy ngân xanh để tăng cường khả năng tình dục và thủy ngân bạc dùng để chữa bệnh.

Một tay buôn lậu khác là Faysal thì nói rằng có 2 loại thủy ngân đỏ, với một nóng và một lạnh. Chỉ thủy ngân đỏ nóng mới có thể dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân. Những tin đồn kiểu này đã tồn tại suốt niềm năm ở Trung Đông và nhiều nơi khác trên thế giới. Thậm chí từng có thời gian người ta đồn rằng các máy khâu cũ hiệu Singer ở Saudi Arabia có chứa thủy ngân đỏ!

Đôi khi tin đồn về thủy ngân đỏ gây chết người. Tại Zimbabwe, người ta đồn rằng thủy ngân đỏ có giá cao và các quả mìn hoặc đạn pháo có chứa nó. Vậy là vào năm 2013, 6 người đã chết ở Harare vì quả mìn họ đang cưa, để lấy thủy ngân đỏ như lời đồn, bất ngờ phát nổ. Gần đây nhất, vào ngày 1.11 vừa qua, một thanh niên 22 tuổi ở Zimbabwe tiếp tục thiệt mạng khi tìm cách tháo gỡ một quả mìn chống bộ binh R2M2 của Nam Phi để lấy thủy ngân đỏ.

Các vụ nổ ấy buộc Michael P.Moore - người đang điều hành trang web Landmines in Africa (Mìn ở châu Phi) - phải mở trang thứ 2 là Campaign Against Red Mercury (Vận động chống thủy ngân đỏ) để ghi lại các tin đồn về vật chất này và hóa giải bí ẩn cũng như các hiểu sai quanh nó.

Có vẻ như IS không biết hoặc không quan tâm tới nỗ lực phá vỡ huyền thoại thủy ngân đỏ của những người như Moore. Cá Sấu đã liên tục đề nghị Omar mua vật chất này cho gã trong vòng một năm trời. Lần cuối cùng gã liên lạc qua WhatsApp là vào tháng 6 năm nay. Khi ấy, người Kurds đang tấn công IS ở Tal Abyad. Nhưng tới tận tháng 11 này, Omar vẫn chẳng kiếm được thứ khách hàng của anh muốn có. Về phần mình, Cá Sấu đã im lặng sau khi Tal Abyad rơi vào tay những người Kurd. Diễn biến mới khiến Omar phải tạm ngừng cuộc tìm kiếm và mua thủy ngân đỏ, cho tới khi gặp được người khác sẵn sàng chi một khoản đậm như Cá Sấu.

Khi được kích nổ cùng chất khác, như thuốc nổ, thủy ngân đỏ trở nên “đặc biệt nóng, khiến nhiệt độ và áp suất tăng lên mức đủ để kích hoạt hydro nặng, gây ra một vụ nổ nhiệt hạch, giống như một quả bom neutron mini tạo ra”.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/giai-ma-giac-mo-them-khat-thuy-ngan-do-cua-is-401404.bld