Giải bóng bàn quốc tế Cây vợt vàng lần 27 - 2013

Sự trở lại ngọt ngào

Sau đúng 10 năm gián đoạn vì nhiều lý do, báo Thể Thao TPHCM không đăng cai tổ chức Giải bóng bàn quốc tế Cây Vợt Vàng, Giải bóng bàn quốc tế Cây Vợt Vàng mở rộng lần thứ 26 - Cúp EXIMBANK năm 2012 báo Thể Thao TPHCM đã mang đến cho người hâm mộ bóng bàn nhiều cung bậc của cảm xúc với những trận đấu đẹp mắt.

Như ông Nguyễn Mạnh Hiệp - Chủ tịch Liên đoàn Bóng bàn TPHCM, Trưởng ban tổ chức giải cho biết: “Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, các môn thể thao đang cũng đang gặp không ít khó khăn. Song Giải vẫn được tổ chức trong sự tham gia nhiệt tình của các nước đó là tín hiệu vui cho những người làm công tác tổ chức”.

Tại giải năm 2012, việc mời những tay vợt có thứ hạng vừa phải sẽ tạo sự đồng đều về chất lượng thi đấu, qua đó các trận đấu sẽ diễn ra hấp dẫn. Các tay vợt sẽ có nhiều đất diễn để thể hiện khả năng của mình. Từ đó giúp người hâm mộ thêm hào hứng và các tay vợt Việt sẽ được cọ xát nhiều hơn để tích lũy bản lĩnh cũng như kinh nghiệm thi đấu. Chứng kiến những pha bóng đỉnh cao của các tay vợt Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore có thể thấy rằng tuy thứ hạng của họ không thực sự cao tại bảng xếp hạng thế giới nhưng đẳng cấp của họ rất cao.

Với những trận tranh tài sôi nổi hấp dẫn và quyết liệt ở một giải đấu mà chất lượng tương đối đồng đều đã thu hút đông đảo khán giả đến dự khán và cổ vũ. Với những màn trình diễn đẹp mắt của các VĐV và lượng khán giả đến Nhà thi đấu khá đông cho thấy người dân TPHCM rất quan tâm đến môn bóng bàn. Đó là tín hiệu vui cho ngày trở lại của báo Thể Thao TPHCM với Giải bóng bàn quốc tế Cây Vợt Vàng.

Bóng bàn nữ TPHCM đi vào lịch sử

Được bổ xung 2 tay vợt của đội tuyển quốc gia Mai Hoàng Phương Linh và Nguyễn Thị Việt Linh, đội nữ bóng bàn TPHCM tham dự Giải Cây vợt vàng 2012 với lực lượng khá mạnh. Ở vòng bảng họ đánh bại Malaysia khá thuyết phục và chỉ chịu thua trước đối thủ Nhật Bản để vào bán kết với vị trí nhì bảng.

Ở bán kết phải gặp đối các tay vợt Hàn Quốc được xem là ứng cử viên cho chức vô địch đồng đội nữ, các cô gái TPHCM được đánh giá là không có hy vọng vào tấm vé chung kết. Nhưng bất ngờ lớn đã xảy ra khi các cô gái của tuyển bóng bàn TPHCM đã có một trận đấu tuyệt vời khi hạ các tay vợt Hàn Quốc 3 - 1 để giành vé vào chung kết.

Mặc dù thất bại trong trận chung kết, nhưng Mỹ Trang, Việt Linh, Yến Nhi, Thanh Trúc đã ghi tên mình vào lịch sử Giải bóng bàn quốc tế Cây vợt vàng khi là đội nữ TPHCM đầu tiên đạt vị trí á quân khi sau 26 lần tổ chức.

Cây Vợt Vàng năm 2013 sẽ quy mô hơn

Theo chia sẻ của những khán giả nhiều năm gắn bó với giải đấu, Giải Cây vợt vàng không những không bao giờ “chết” trong lòng người hâm mộ mà trái lại, họ càng muốn có nhiều “giải Cây vợt vàng” hơn nữa, bởi đây là cơ hội hiếm hoi để các VĐV nước nhà cọ xát với các tay vợt nước ngoài cũng như giới CĐV có dịp chứng kiến những trận đấu đỉnh cao.

Năm nay được sự ủng hộ của Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch TPHCM, báo Thể thao TPHCM sẽ cùng Liên đoàn Bóng bàn TPHCM tiếp tục đưa “Cây vợt vàng” đến với người hâm mộ bằng những trận đấu hấp dẫn cùng sự quy mô và chuyên nghiệp trong công tác tổ chức. Dự kiến giải diễn ra từ 11/9 đến 15/9/2013 với sự tham dự của 18 đoàn: Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Hongkong, Quảng Tây (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Séc, Mỹ, Nga, Thụy Điển, Việt Nam, Petro Vietnam, TPHCM. Theo dự kiến sẽ có khoảng hơn 190 VĐV, HLV tham dự giải.

Với quy mô rất lớn cùng nhiều đoàn rất mạnh, Cây Vợt Vàng lần thứ 27 hứa hứa hẹn nhiều hấp dẫn.

Lịch sử hình thành giải Cây Vợt Vàng

Những năm 1980, bóng bàn là môn thể thao thu hút đông đảo người tham gia luyện tập, mà TPHCM là một trung tâm mạnh. Do đó một giải đấu có quy mô toàn quốc là điều hết sức cần thiết, nó khiến những người có tâm huyết phải trăn trở rất nhiều. Khi đó nguyên Tổng biên tập báo Thể thao TPHCM - Mai Xuân Cẩm đã đề nghị HLV Nguyễn Trọng Trúc nên tổ chức một giải bóng bàn mang tên TPHCM mở rộng và báo sẵn sàng đứng ra đăng cai tổ chức.

Đến tháng 1/1987, Giải bóng bàn TPHCM mở rộng tiền thân của Giải Cây vợt vàng ngày nay ra đời. Ngay lần đầu tiên ấy BTC giải đã nghĩ đến việc tìm nhà tài trợ - việc còn quá mới mẻ ở Việt Nam lúc đó. Phải nói rằng với việc là tổ chức một giải đấu thể thao bằng kinh phí từ các nguồn tài trợ, báo Thể thao TPHCM chính là “người lính tiên phong” trong việc thực hiện xã hội hóa thể thao. Ngày đầu tổ chức, giải thưởng cho các tay vợt giành chiến thắng là các máy cassette do hang điện tử Phillip tài trợ. Còn giải thưởng danh giá nhất ở cho 2 VĐV vô địch cá nhân nam, cá nhân nữ là 2 chiếc xe đạp do hãng tin APN - Novosti (Liên Xô cũ) hỗ trợ.

Qua 3 kỳ tổ chức thành công, giải đã khẳng định được uy tín, báo Thể thao quyết định mở rộng phạm vi giải ra quốc tế bằng việc mời nhiều đoàn nước ngoài đến để các tay vợt trong nước có cơ hội cọ xát học tập nâng cao trình độ. Với nỗ lực của mình, báo Thể thao đã mời được đoàn bóng bàn Samsung (Hàn Quốc) qua tham dự. Mặc dù phải tự túc về kinh phí và giải thưởng chỉ là vật phẩm lưu niệm bằng sơn mài, nhưng phía Hàn Quốc vẫn vui vẻ đưa VĐV sang thi đấu. Ở lần thứ 4 tổ chức này, giải chính thức mang tên Cây vợt vàng.

Theo Lê Giang (thethaohcm.com.vn)

Nguồn Thể Thao VN: http://thethaovietnam.vn/the-thao-viet-nam/cac-mon-khac/201306/giai-bong-ban-quoc-te-cay-vot-vang-lan-27-2013-308187/