Gia đình triệu phú người Mã Liềng

Những ngày đầu xuân, chúng tôi tới bản Cà Xen, (xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa), địa bàn vùng sâu, vùng xa, nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Quảng Bình. Giữa màu xanh bao la của núi rừng, hỏi thăm đường đến gia đình ông Hồ Viên, người dân từ đầu đường đến cuối bản không ai là không biết đến “Gia đình triệu phú người Mã Liềng” làm kinh tế giỏi ở nơi vùng núi cao này.

Gia đình ông Hồ Viên nổi tiếng vì làm kinh tế giỏi.

Trong nếp nhà mới, Hồ Viên nở nụ cười tươi rói đón khách đường xa. Ông hồ hởi nói, “sáng nay, vợ chồng miềng lên ruộng lúa nước để dặm tỉa lại những khoảng trống thì nhận được điện thoại của cán bộ hội Cựu chiến binh xã thông báo nhà có khách nên miềng chạy về”.

Nói chuyện trồng lúa nước trên rẫy, Hồ Viên cho biết, vụ lúa vừa rồi gia đình ông thu hoạch được gần 5 tấn thóc. “Có được kết quả này là nhờ Đảng và Nhà nước đã quan tâm, chăm lo cho đồng bào” Hồ Viên khẳng định.

Hồ Viên kể, năm 2004 khi Nhà nước có chính sách định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, cấp ủy, chính quyền địa phương huyện Tuyên Hóa đã kiên trì vận động bà con người Mã Liềng sống rải rác ở phía tây của huyện về định cư tại bản Cà Xen. Lúc đầu bà con chưa yên tâm cái bụng lắm, nhưng sau đó được Nhà nước cấp nhà ở kiên cố; đầu tư xây dựng đường giao thông, điện, nước, trường học; đặc biệt, bà con được giao đất rừng, cấp ruộng trồng lúa nước và hướng dẫn quy trình canh tác, gieo giống, phân bón, phun thuốc bảo vệ thực vật... nên bà con mừng lắm vì có cái nhà để ở, cái nương để sản xuất.

Ngày đó, gia đình Hồ Viên được Nhà nước cấp cho 4 sào ruộng để trồng lúa, hoa màu. Nhưng mãi đến khi nhận ruộng thì Hồ Viên mới sực nhớ những kiến thức trồng lúa nước được các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn đã trôi truột đi đâu mất. Hồ Viên mạnh dạn tìm đến các chiến sĩ Đồn Biên phòng để được hướng dẫn lại kĩ thuật trồng lúa nước. Mặc dù, kết quả thu hoạch được từ vụ lúa đầu tiên không được như ý muốn nhưng đã tạo động lực để ông kiên trì học hỏi thêm kỹ thuật. Rồi ông cùng với vợ con đắp đập be bờ để dẫn nước từ khe suối về cho ruộng lúa... dần dần những ruộng lúa vàng đã sáng giữa nền xanh của núi rừng.

Không cam chịu trước đói nghèo, không trông chờ trợ cấp, lại sớm nhận thấy trên quê mình nhiều diện tích đất đang bị hoang hóa, Hồ Viên đã động viên vợ con khai hoang thêm 1,8ha đất để trồng hoa màu; phát thêm rừng cây trọc để làm nương rẫy cho đủ cái ăn. Cùng với thời gian, nhiều diện tích cây hoa màu mà gia đình Hồ Viên chăm nom đã đến ngày ra hoa kết trái, những thuở ruộng không phụ công người chăm bón cho lúa vàng trĩu hạt.

Quyết tâm làm chủ núi rừng, vừa góp phần giúp bản làng đỡ khổ, Hồ Viên tâm niệm: “Muốn no thì trồng màu, muốn giàu làm thủy lợi”. Ông bàn bạc với vợ con, người dân tộc mình phải biết lấy ngắn nuôi dài, nuôi con gì, trồng cây gì mà sau này có vốn còn lo việc lớn. Nói là làm, không lâu sau, những diện tích keo, tràm đã được trồng trên mảnh đất đồi mà gia đình khó nhọc khai hoang để được nuôi thêm đàn gia súc, gia cầm. Trong những năm qua, 10 ha keo, tràm của gia đình Hồ Viên đã cho thu hoạch với lợi ích kinh tế khoảng 20 triệu/ha/năm.

Hồ Viên cho biết, mỗi năm từ mô hình kinh tế tổng hợp, gia đình ông thu về gần 200 triệu đồng. Một khi đã đảm bảo về kinh tế, no đủ về cái ăn cái mặc, vợ chồng Hồ Viên đã hướng dẫn, động viên các con học chữ. Đến nay, 7 người con của ông bà có 3 đứa đã học hết lớp 12.

Ngoài làm kinh tế giỏi, bản thân Hồ Viên được dân bản tin tưởng bầu làm Công an viên. Từ năm 1999 - 2009, Hồ Viên thường xuyên gần gũi, theo sát dân bản để tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Vừa kết hợp tuyên truyền, vận động mục đích, ý nghĩa các phong trào, Hồ Viên đến từng nhà để chỉ cho đồng bào những việc cần làm, cần tránh để không bị các lực lượng phản động lợi dụng, chống phá... vừa hướng dẫn cách nuôi trồng để mỗi gia đình có thêm thu nhập. Nghe theo Hồ Viên, bà con ở bản Cà Xen ai ai cũng phấn khởi, trong bản ít khi có tệ nạn, cuộc sống miền sơn cước luôn ấm áp, thuận hòa.

Hồ Viên chia sẻ: Để vận động được nhân dân học tập và làm theo thì trước hết, người cán bộ phải là người “tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Có như vậy, dân mới nghe và làm theo cán bộ. Những tập tục sinh hoạt như ngủ không mắc mùng, chăn nuôi ngay dưới nhà sàn, ăn không được nấu chín... của nhân dân trong bản đã được ông và các cán bộ xã vận động, xóa bỏ. Từ hướng dẫn tận tâm của Hồ Viên và nhìn thấy ông làm kinh tế ngày càng giỏi, đồng bào người Mã Liềng ở bản Cà Xen, không ai bảo ai tự giác học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, trồng rừng để phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Hữu Kỳ, Chủ tịch hội Cựu chiến binh xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa) cho biết: Bản Cà Xen hiện có 47 hộ với 165 nhân khẩu, 100% dân số là người Mã Liềng, thuộc dân tộc Chứt. Riêng gia đình ông Hồ Viên xứng đáng là tấm gương cho bà con dân bản học tập và làm theo.

Về bản Cà Xen hôm nay thấy cuộc sống bình an, tươi mới, trong đó, có phần đóng góp không nhỏ của gia đình Hồ Viên- gia đình triệu phú đầu tiên của người Mã Liềng.

Xuân Thi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cong-tac-mat-tran/gia-dinh-trieu-phu-nguoi-ma-lieng/86578