Gãy xương đòn có phải phẫu thuật?

Tôi không may bị gãy xương đòn, đã được điều trị khỏi 2 tháng nay. Nhưng gần đây, tôi thấy chỗ gãy có dấu hiệu hơi sưng và đau. Như thế có nguy hiểm không? Có cần phẫu thuật không?

Hoàng Trọng Hải (Ninh Bình) Trong giải phẫu cơ thể người, xương đòn còn được gọi là xương quai xanh, là một trong những xương của thành ngực trước. Nó là một xương dẹt cong hình chữ S, một đầu xương tiếp khớp với xương ức, đầu còn lại tiếp khớp với xương bả vai. Gãy xương đòn là chấn thương hay gặp nhất khi bạn bị ngã, đạp vai xuống đất. Đoạn gãy trồi lên cao và nhô lên dưới da do các cơ kéo lên. Vì xương đòn nằm ngay dưới da, nếu mổ thì khó lành hơn là để yên, về mặt thẩm mỹ thì sẽ để lại vết sẹo to, dài trên vai rất xấu. Xương đòn gãy có các chỉ định mổ tuyệt đối như khi xương đòn chọc ra da, mảnh xương gãy chọc vào đỉnh phổi gây biến chứng ở phổi, gãy hai xương đòn (vì sợ ảnh hưởng đến hô hấp do bệnh nhân thở sẽ bị đau), gãy xương đòn di lệch quá nhiều, gãy xương chọc vào hệ thống mạch máu thần kinh dưới xương đòn. Xương đòn khi gãy có di lệch sẽ nhô lên dưới da nhưng sau một thời gian sẽ tự lành. Nhưng nếu bạn đau thì phải tới bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để khám và chụp phim, lúc đó bác sĩ sẽ cho bạn lời khuyên hữu ích. BS. Hoàng Văn Tuấn

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20090904104521559p0c63/gay-xuong-don-co-phai-phau-thuat.htm