Gãy mâm chày

TTO - Em trai tôi bị té, sau khi chụp hình bác sĩ kết luận bị rạn mâm chày và cho uống thuốc Coxlec 200mg, sẽ tái khám sau bốn ngày.

Ngọc Thúy Mâm chày là phần xương đầu trên xương chày khớp với lồi cầu của xương đùi để tạo nên khớp gối. Mâm chày là nơi chịu lực của cơ thể khi đi lại. Mâm chày là phần xương xốp và mặt trên có lớp sụn tạo nên sụn khớp của khớp gối. Mâm chày có hai chức năng quan trọng là chịu tải trọng cơ thể khi đi và tạo thành khớp gối giúp cử động khớp gối được nhẹ nhàng trong các sinh hoạt bình thường hằng ngày như gập gối khi ngồi, duỗi gối khi đi. Như vậy khi gãy mâm chày (rạn mâm chày là từ dùng để chỉ các loại gãy mâm chày không di lệch) thìkhông chỉ có phần xương mà cả phần sụn cũng bị tổn thương. Khi bị gãy, mâm chày là phần xương xốp nên rất dễ lành. Tuy nhiên là phần chịu tải trọng của cơ thể, nên khi bị gãy bệnh nhân vẫn đi chống chân gãy thì phần gãy dễ bị di lệch khiến từ chỗ gãy không di lệch sẽ thành gãy có di lệch (nghĩa là xương gãy bị lệch). Khi bị di lệch, mặt sụn khớp của mâm chày sẽ bị lệch và như vậy hai mặt sụn sẽ bị cấp kênh (mặt sụn bên cao bên thấp). Khi mặt sụn mâm chày bị cấp kênh sẽ làm mặt khớp chày - đùi không còn trơn láng và làm hư mặt sụn khớp của mâm chày lẫn lồi cầu đùi, lâu dài sẽ dẫn đến hư sụn khớp gối khiến gối bị thoái hóa sau chấn thương giống như ổ bi có hòn bi bị hư sẽ làm cả ổ bi bị hư. Ngoài ra, theo nhận xét của chúng tôi, khi mổ nội soi điều trị các gãy mâm chày, ngoài tổn thương chính là xương và sụn của mâm chày, còn có tổn thương sụn chêm và sụn lồi cầu đùi. Trường hợp em chị chỉ bị rạn mâm chày nghĩa là gãy không di lệch. Đây là loại gãy do lực chấn thương không lớn, do vậy các thương tổn đi kèm cũng ít hơn. Loại này chỉ cần hạn chế không đi chống chân gãy trong 6-8 tuần để chờ xương lành là được.Thuốc uống chỉ là giảm đau, giảm viêm lúc chấn thương, không có thuốc làm xương mau lành hơn bình thường. Phần sụn bị chấn thương sẽ không hồi phục, khe gãy giữa hai mặt sụn sẽ được lấp đầy bằng mô xơ. Thông thường sẽ không có di chứng gì nhiều sau khi bị rạn mâm chày. Tuy nhiên, bạn nên đưa em đi chụp phim kiểm tra theo lịch hẹn để xem có bị di lệch thứ phát hay không. Vì nếu có di lệch thì nên phẫu thuật nắn lại hoàn chỉnh, tránh bị cấp kênh mặt khớp làm hư khớp gối sau này. Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn. Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn. B.CHÂU thực hiện

Nguồn Tuổi Trẻ: http://tuoitre.com.vn/tianyon/index.aspx?articleid=337025&channelid=12