Gặp vị tiến sĩ chuyên chữa bệnh “hiếm muộn”

Từng chữa trị thành công cho nhiều đôi vợ chồng hiếm muộn sớm có con, Tiến sĩ, bác sỹ Lê Vương Văn Vệ - Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội được nhiều người gọi là "Người xây tổ ấm". Tiến sĩ đã cung cấp nhiều câu chuyện để hiểu thêm những nỗi khổ của các cặp vợ chồng sau nhiều năm chung sống, niềm mong muốn có đứa con bế bồng chưa đến.

Những lý do khiến nam giới giật mình Một nam giới ở khu đô thị Mỹ Đình đến khám tại Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội (431 - đường Tam Trinh, quận Hoàng Mai), cho TS.BS Lê Vương Văn Vệ biết, anh lấy vợ năm 27 tuổi, đến nay sau hai năm cưới nhau vợ chồng vẫn chưa có tin vui. Sau ngày cưới, vợ chồng anh không hề kế hoạch, do muốn có con ngay, vậy nhưng mọi cố gắng đều chưa có kết quả. Lúc đầu anh lo ngại sức khỏe của mình không tốt, đã nói với vợ tìm mua rất nhiều món ăn bổ dưỡng. Anh cho biết, mình bị nghiện rượu và thuốc lá rất nặng. Kết quả khám và xét nghiệm cho thấy số lượng "con giống" trong tinh dịch của bệnh nhân này rất ít và yếu. Khám, làm các xét nghiệm cho người vợ, thấy chị không mắc một loại bệnh liên quan đến sinh sản. Các bác sĩ kết luận, nguyên nhân hiếm muộn do số lượng và chất lượng "con giống" của người chồng quá kém. "Nam giới bị nghiện rượu, nghiện thuốc lá, nếu cai được hai thứ này thì "con giống" tăng lên (chất lượng và số lượng) rõ rệt - lời Tiến sĩ Vệ - Ăn uống và nghề nghiệp không phải là yếu tố quyết định tỷ lệ hiếm muộn. Nhưng nếu nam giới dùng nhiều chất có ảnh hưởng đến "con giống" (như rượu, thuốc lá… đều có thể tiêu diệt tinh trùng), hay làm việc ở môi trường có thể gây ảnh hưởng đến việc sản xuất "tinh binh", thì đều có nguy cơ gây hiếm muộn". Tiến sĩ Vệ cho biết, nguyên nhân thường gặp nhất đối với nam giới hiếm muộn là do những bất thường về số lượng và chất lượng "con giống" (chiếm đến 90% trường hợp hiếm muộn do nam giới). Nam giới làm những nghề thường xuyên, tiếp xúc lâu dài với các kim loại chì, sắt, tiếng ồn, từ trường, sóng điện từ có thể làm "tinh binh" suy yếu, mất khả năng hoạt động và di chuyển. Làm việc trong môi trường có nhiệt độ cao, như thợ lò, hàn xì; môi trường độc hại (đặc biệt có chất: hydrocarbons; cadmiume; bromopropane; chlofluorocarbon); nghề kim hoàn (trực tiếp phân kim, luyện vàng - asenic) đều khiến cho khả năng sinh tinh giảm. Điều này lý giải, với một số trường hợp, việc đeo nhẫn cưới (bằng vàng) thời gian dài có ảnh hưởng đến chất lượng sản sinh tinh trùng. TS.BS Lê Vương Văn Vệ (người ngồi) cùng các y, bác sỹ Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và hiếm muộn Hà Nội. Một số cặp vợ chồng cưới nhau nhiều năm chưa có con mà nguyên nhân là do người chồng bị bất lực, trước khi tiến hành các xét nghiệm, Tiến sĩ Vệ vẫn thường khuyên cánh mày râu tạm ngừng việc đeo nhẫn cưới. Nhẫn cưới do đeo ở ngón áp út có nguy cơ gây ra nhiều sự rối loạn về khả năng tình dục. Đây là kết luận quan trọng dựa trên những phân tích trong một đề tài khoa học của các nhà nghiên cứu Belarus từng khiến giới mày râu giật mình. Nam giới làm việc trong môi trường có hóa chất (thuốc tẩy rửa, thuốc trừ sâu…) đều ảnh hưởng đến việc sản xuất tinh trùng. Có rất nhiều nghiên cứu xác nhận hóa chất, đặc biệt hóa chất trị liệu tác động đến sản xuất tinh trùng. Những người làm trong môi trường tia xạ, hoặc xạ trị liệu do bị ung thư cũng ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất tinh trùng. Vì là tế bào biểu mô mầm, tốc độ phân chia cao, rất nhạy cảm với tia xạ. Giãn tĩnh mạch tinh là trường hợp rất hay gặp trong những bệnh nam khoa. Tiến sĩ Vệ đã trực tiếp mổ cho rất nhiều trường hợp nam giới bị giãn tĩnh mạch tinh gây vô sinh. N.V.T., 36 tuổi, lấy vợ đã 5 năm, nhưng hai vợ chồng vẫn chưa có con. Vợ anh sau nhiều lần đi khám, kết quả cho thấy khả năng sinh sản bình thường. Nguyên nhân họ hiếm muộn được bác sỹ kết luận là do phía người chồng. Xét nghiệm tinh trùng của anh T. cho thấy, chất lượng và số lượng rất kém. Sở dĩ số lượng và chất lượng tinh trùng kém là do giãn tĩnh mạch tinh. Đến khám, Tiến sĩ Vệ cho anh T. biết, nếu mổ vi phẫu giãn tĩnh mạch tinh, vợ chồng anh sẽ sớm có con. Căng thẳng, lo lắng, anh vẫn quyết định lên bàn mổ. Ca mổ thành công, đúng bốn tháng sau, anh gọi điện cho Tiến sỹ Vệ báo tin vui, vợ anh đã có thai. Giờ đây vợ anh T. đã sinh được cậu con trai kháu khỉnh. Thực tế, có rất nhiều nam giới đến các trung tâm nam khoa khám, họ thường nghĩ mình mắc một căn bệnh chung chung là "yếu sinh lý". Rất ít người biết, hoặc đã từng nghe tới bệnh giãn tĩnh mạch tinh, cũng như mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của nó gây vô sinh. Khi hỏi, điều trị vô sinh thời gian bao lâu và có tốn kém không, TS. BS Lê Vương Văn Vệ cho biết: "Điều trị vô sinh cũng giống như điều trị bệnh lý khác, bước đầu phải tìm nguyên nhân gây vô sinh. Để đơn giản hóa vấn đề này, hiện nay người ta dựa vào tinh trùng để phân loại: Vô sinh do không tinh trùng và vô sinh do ít về số lượng và giảm về chất lượng. Tôi luôn nhắc, điều trị theo nguyên nhân gây bệnh, cụ thể có bệnh nhân một vài tháng, có bệnh nhân 1- 2 quí, có khi cả năm. Chi phí thì nói thật tùy từng nguyên nhân và phương pháp điều trị, vấn đề tài chính sẽ tương ứng. Có khi chỉ vài trăm nghìn đã có con, nhưng có khi cả trăm triệu vẫn chưa thành công". "Trong các nguyên nhân vô sinh do người chồng, thì vô sinh do bất thường tinh trùng chiếm tỷ lệ khá cao. Vì lý do này, mà bệnh viện có ngân hàng tinh trùng, hiện đang cất giữ hàng ngàn mẫu "con giống" của những người hiến tặng (vô danh) và của những người gửi có lưu lại tên tuổi, để dành cho việc thụ thai sau này, như thụ tinh nhân tạo, thụ tinh ống nghiệm. - Tiến sĩ Vệ nói - Các mẫu tinh trùng hiến tặng vô danh đều là của các sinh viên, những người tốt nghiệp đại học trở lên, cao trên 1m65, cân nặng đủ tiêu chuẩn, chưa lập gia đình, và đặc biệt có "con giống" tốt, khỏe. Họ đã tuân thủ nghiêm ngặt qua các xét nghiệm kiểm tra bệnh lý. Sau 3 tháng kể từ ngày hiến, các mẫu tinh trùng được xét nghiệm lại một lần nữa để đảm bảo chất lượng". Nỗi buồn của những người vợ kém may mắn Chị D., nhà ở Đông Anh - Hà Nội đến khám, Tiến sĩ Vệ cho biết, vợ chồng chị lấy nhau đã hơn một năm nay vẫn chưa có con. Chị kể, sau khi cưới họ không dùng biện pháp tránh thai nào, vậy mà đến tháng thứ sáu vẫn chưa có hiện tượng mang thai. Họ vẫn sinh hoạt tình dục bình thường. Người vợ bắt đầu cảm thấy sốt ruột. Chồng chị là con trai một trong nhà, nên mỗi lần nghe mẹ chồng hỏi "đã có gì chưa con" càng khiến chị sốt ruột hơn. Chị nói chuyện với chồng mong muốn được đi khám sớm, nhưng chồng chị cho rằng sinh lý vợ chồng bình thường, có lẽ do "trời chưa cho", nên hãy khoan đi khám. Chồng chị còn nói: "Mình còn trẻ lo gì, bà già nóng vội em cứ mặc kệ". Có người chồng biết thông cảm, chị an tâm phần nào, song vợ chồng không kế hoạch mà không thấy đậu thai khiến chị suy nghĩ lung tung và lo lắng. Rồi một hôm chị nhờ chị gái đưa đi khám, các bác sỹ bệnh viện cho biết, chị bị viêm nhiễm sinh dục, do một loại nấm, mỗi lần quan hệ loại nấm ấy tiêu diệt hết các "con giống" mà chưa thể có con. Có thể do vợ chồng quan hệ tình dục thường xuyên, sự "cọ xát" qua mỗi lần quan hệ mà chị không phát hiện mình bị ngứa. Điều trị hết nấm, "con giống" sẽ xâm nhập được vào buồng trứng, chị sẽ có con. Tiến sĩ Vệ cũng khuyên chị, không nên quá lo lắng, bởi tâm lý liên quan nhiều đến khả năng thụ thai. Căng thẳng có thể tác động đến chức năng điều khiển của vùng não, nơi quy định sự ham muốn, cảm xúc và hormone liên quan đến việc rụng trứng. Nếu chị bị căng thẳng quá mức thì sẽ có thể rụng trứng muộn hơn bình thường, hoặc không rụng trứng. Vì thế, nếu chị càng lo lắng, hay đặt áp lực việc sinh con, thì càng khó có thai. H. quê ở Hà Tĩnh, ra Hà Nội làm ở một công ty tái chế nhựa. Công việc tuy đơn giản, nhưng H. kể với các bác sỹ thời gian đầu làm việc tại đây, chị luôn có cảm giác buồn nôn, không muốn ăn uống gì, do không chịu nổi mùi hôi khó chịu của nhựa. Thời gian ấy, theo chị kể, người cứ gầy khô, chị phải thường xuyên uống thuốc bổ mới "trụ" được. Chị tính bỏ nghề, nhưng chợt nghĩ về quê lại lam lũ ruộng vườn, quanh năm cơ cực, vả lại bạn bè chị phần lớn cùng làm tại công ty này nên đành gắng trụ lại. Cuộc sống công nhân vất vả, sống giữa Hà thành trong căn phòng trọ chật chội, H. bảo nhan sắc chị hồi ấy cũng chẳng "khá" hơn đám bạn ở quê làm ruộng. Bám trụ giữa Thủ đô, mãi đến năm hai mươi chín tuổi H. mới lập gia đình với người đàn ông cùng quê, hơn mình bảy tuổi, làm cùng công ty. Lấy chồng muộn, gần hai năm bên nhau vẫn chưa có con, bạn bè chị đoán già đoán non cho rằng do chị tuổi đã cao nên khó đẻ! Chị cự lại, cho rằng mới ba mươi mốt tuổi có gì là già, nhiều phụ nữ tuổi ngoài bốn mươi vẫn sinh con bình thường. Đi khám, bác sỹ chẩn đoán vợ chồng chị hiếm muộn chưa rõ nguyên nhân. Có thể do cả hai vợ chồng làm việc trong môi trường độc hại dẫn đến hiếm muộn. Niềm hy vọng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn TS. BS Lê Vương Văn Vệ nói, theo WHO, hiếm muộn là tình trạng một cặp vợ chồng không thể có thai sau ít nhất một năm quan hệ tình dục bình thường, không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào. Người càng lớn tuổi, nhất là sau tuổi ba mươi lăm, khả năng có thai sẽ giảm. Trong trường hợp hiếm muộn, hiện nay nước ta đã có rất nhiều phương pháp điều trị như có thể điều trị bằng phương pháp nội khoa (dùng thuốc), ngoại khoa (can thiệp phẫu thuật hay thủ thuật), hoặc kết hợp giữa ngoại khoa và nội khoa. Có những trường hợp cần điều trị kết hợp giữa Tây y và Đông y. Bên cạnh đó là những phương pháp hỗ trợ sinh sản, như thụ tinh nhân tạo, hay bơm tinh trùng vào buồng tử cung; thụ tinh ống nghiệm (thụ tinh ống nghiệm cổ điển, hay chỉ sử dụng một tinh trùng bình thường bơm vào tương bào trứng). Hầu hết các kỹ thuật điều trị vô sinh nam hiện trên thế giới đều đã được áp dụng thành công ở Việt Nam. Vì vậy, các ông chồng đừng nên ngần ngại đến các phòng khám nam khoa khi phát hiện mình có "triệu chứng" bất ổn. Tiến sĩ khuyên, trong trường hợp nhiều năm không dùng bất cứ một biện pháp kế hoạch nào mà vẫn chưa có con, các cặp vợ chồng có thể đến khoa chữa vô sinh và hiếm muộn của các bệnh viện để thực hiện thụ tinh nhân tạo. Bác sỹ sẽ dùng thủ thuật bơm "con giống" của người chồng đã qua lọc rửa vào buồng tử cung của người vợ. Xác suất thành công của phương pháp này là 35-40%. Trong trường hợp thụ tinh nhân tạo không có kết quả, các cặp vợ chồng mới nên nghĩ đến việc thụ tinh trong ống nghiệm. Theo Tiến sĩ Vệ, những phụ nữ hoạt động trong môi trường độc hại, tia xạ mà không được bảo vệ đúng tiêu chuẩn an toàn lao động, chế độ dinh dưỡng kém, lao động quá sức, cũng là nguyên nhân dẫn đến họ bị hiếm muộn, hoặc vô sinh. Và khi hiếm muộn, thường rất nhiều gia đình đã đổ lỗi hết cho người phụ nữ. Thật ra tỉ lệ hiếm muộn và vô sinh do nam giới và do phụ nữ là xấp xỉ ngang nhau. Theo nghiên cứu, nguyên nhân của tình trạng không có con do bên nam chiếm 30%, do bên nữ chiếm 30-40%, do cả vợ và chồng chiếm 15-30%, và có 10% hiếm muộn là không rõ nguyên nhân. Vậy nhưng, "tội" không có con thường lúc nào cũng bị các ông chồng đổ lỗi do phía người vợ. Trong số những đàn ông mắc bệnh vô sinh, nghiên cứu cho thấy có 42% là vô sinh 1 (vô sinh chưa có con) và 75% là vô sinh 2 (vô sinh đã có con).

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2010/5/131554.cand