Gặp gỡ những nhà tiên phong sản xuất theo chuỗi

Nông nghiệp đang nổi lên là ngành rất "hot" trong năm qua và cả những năm sắp tới. Ngành nông nghiệp không bi quan với những nhà tiên phong sản xuất theo chuỗi. Họ có tầm nhìn dài hạn, kế hoạch bài bản, hành động thực tiễn và họ tự tin hội nhập dù họ là tập đoàn lớn hay trang trại nhỏ.

Thực tiễn là kim chỉ nam

Tập đoàn Lộc Trời, gần đây nổi tiếng với việc xây dựng chuỗi giá trị hạt gạo và là doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam được kết nạp thành viên Sustainable Rice Platform (SRP). Ông Huỳnh Văn Thòn, chủ tịch tập đoàn Lộc Trời cho biết, cuộc đấu xảo gạo ngon nhất thế giới do The Rice Trader, tổ chức quốc tế chuyên nghiên cứu về lúa gạo, tổ chức ở Malaysia, từ ngày 28 – 30.10.2015, giống AGPPS 103 của Lộc Trời được xếp vào top 3 gạo ngon nhất thế giới năm 2015. Đây là thành quả quan trọng để Lộc Trời phát huy thương hiệu và hội nhập sâu, hiệu quả vào thị trường toàn cầu.

Gạo hữu cơ hoa sữa được cho là đang đi theo xu hướng mà Thái Lan đầu tư sản xuất gạo berry

Nhiều người nói Lộc Trời có tầm nhìn xa khi chuyển hướng từ bán thuốc bảo vệ thực vật sang khuyến khích canh tác không dùng thuốc và đầu tư cho chuỗi giá trị nông nghiệp. Nhưng ông Huỳnh Văn Thòn lại lý giải “tầm nhìn xa” đó chính là những thay đổi cho phù hợp với thực tiễn sản xuất kinh doanh.

Đầu tiên Lộc Trời làm thuốc bảo vệ thực vật và bán thuốc thì phải có bộ phận chuyển giao kỹ thuật hỗ trợ nông dân sử dụng thuốc sao cho hiệu quả. Việc gắn bó với nông dân nảy sinh việc phải có giống tốt để cung cấp cho nông dân. Lộc Trời nhảy vào nghiên cứu giống cung cấp cho nông dân. “Rồi nông dân đòi hỏi phải làm sao cho có lời thì chúng tôi nhảy vào tổ chức tiêu thụ. Như vậy, chuỗi liên kết Lộc Trời đã hình thành từ thực tế theo nhu cầu và lợi ích của người nông dân”.

“Nếu không có chuỗi, không truy xuất nguồn gốc được thì không làm thương hiệu được. Không có thương hiệu thì làm sao bán giá cao? Muốn bán giá cao cũng đòi hỏi phải có chất lượng, mà chất lượng thì gắn với công nghệ nên phải đầu tư cho công nghệ. Khi lợi ích bị giới hạn bởi năng suất, thì phải chế biến nâng cao giá trị”, ông Thòn nói. Từ thực tiễn, cứ thế chuỗi giá trị Lộc Trời hình thành.

“Nói thì dễ, làm không dễ”, ông Thòn bộc bạch: “Trong quá trình làm đã có xung đột trong tầm nhìn giữa lợi ích lâu dài và lợi ích trước mắt trong các cổ đông. Nhiều cổ đông muốn thu lời nhanh, chúng tôi đã phải khéo léo thay chỗ bằng các nhà đầu tư chiến lược có tầm nhìn xa, có trách nhiệm xã hội”. Một ví dụ về tầm nhìn xa, ông Thòn cho biết: “Nhà máy dầu cám chúng tôi làm hai năm vẫn chưa ra. Tại sao chậm? Nếu ăn xổi thì chỉ cho ra dầu cám là xong, nhưng đằng sau dầu cám là mỹ phẩm… cần quá trình dài”.

Không chờ đợi

Môi trường kinh doanh đang không ủng hộ các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Bà Trần Thị Diệu Hoàng, đại diện công ty Koyun & Unitek cho biết, Koyun & Unitek đang làm hồ sơ xuất khẩu đi Nhật. Nếu thành công, thì đây là công ty đầu tiên trong ngành chăn nuôi gà Việt Nam làm được việc này.

Bà Hoàng nhận xét: “Do quy hoạch không đồng bộ giữa khu dân cư và khu chăn nuôi, nên vùng đệm có một số nhà dân đến ở xen kẽ. Việc này ảnh hưởng đến việc chấm điểm đánh giá môi trường nuôi. Chăn nuôi ở Việt Nam theo hình thức nhỏ lẻ còn nhiều, gây khó khăn cho việc kiểm soát cúm gia cầm quốc gia và ảnh hưởng đến an toàn vùng đệm chăn nuôi. Trong khi đó, việc đánh giá xuất khẩu là đánh giá chuỗi. Nếu một khâu không đạt, thì chuỗi sẽ không đạt”.

Thị trường nội địa còn có tình trạng vàng thau lẫn lộn, sản phẩm sạch và không sạch đều có giá bán như nhau trong khi chi phí cho sản xuất sạch cao hơn.

“Khó khăn thì vẫn phải làm, không thể chờ đợi”, nông dân Nguyễn Văn Ngọc, người có hơn 20 năm nuôi gà, từng vật lộn với con gà do giá cả thị trường bấp bênh, thiếu ổn định nói vậy. Không hoành tráng như Lộc Trời, nhưng trong khi nhiều chủ trang trại mất trắng, sạt nghiệp, ông Ngọc vẫn trụ vững và đến nay ông sở hữu 34 trại gà, mỗi trại có vốn đầu tư 2 tỉ đồng.

Nói như vậy để thấy, nếu biết cách làm, hoàn toàn có thể làm giàu với con gà. Nội lực Việt Nam đến từ chính những người như ông Ngọc. Để bảo vệ ngành chăn nuôi gà, ông Ngọc, trên cương vị là phó chủ tịch hiệp hội Gia cầm miền Đông, đã khởi xướng vụ kiện thịt gà Mỹ bán phá giá. Ông đích thân lặn lội sang các nước thu thập chứng cứ làm cơ sở cho vụ kiện.

Ông Ngọc hiện đang tham gia vào chuỗi sản xuất gà sạch của công ty Belga. Phương thức chăn nuôi là công ty Belga cung cấp con giống từ châu Âu qua, công ty sản xuất thức ăn cung cấp thức ăn, công ty giết mổ thu mua sản phẩm bán ra thị trường. Trong chuỗi này, người chăn nuôi đóng vai trò trung tâm, chi phí đầu vào sẽ được kiểm soát để có giá thành tốt, các bên đều có lợi nhuận.

Ông Phi Long, giám đốc công ty TNHH chăn nuôi Long Bình, áp dụng mô hình quản lý chuỗi như nước ngoài. Đàn gà của ông có 6.000 con, có lò giết mổ và bán gà đến tay người tiêu dùng theo thương hiệu riêng. Ông Long cho biết sản xuất sạch là khó khăn và tốn kém. Nước trong trang trại phải sạch, uống được, không nhiễm kim loại nặng.

Giết mổ xong phải đưa ngay vào môi trường lạnh. Lưu thông cũng phải bảo quản lạnh. Trong khi đó, hàng giao siêu thị lúc 5 giờ sáng thì 8 giờ nhân viên siêu thị mới đưa vào kho. Hàm lượng vi khuẩn trong sản phẩm sẽ tăng lên. Ông Long cho biết có lần kiểm tra vi sinh (thương hàn, E. coli) sản phẩm thịt tại siêu thị thì hàm lượng vi sinh tăng lên gấp 5.000 – 8.000 lần.

Trước thực trạng đó, ông Long quyết định không đưa hàng vào siêu thị mà tổ chức tiêu thụ riêng và chấp nhận giá bán “vàng thau lẫn lộn”…

Tham gia TPP, áp lực cải cách thể chế sẽ lớn hơn, và môi trường kinh doanh sắp tới có thể sẽ được cải thiện, có thể nhanh, có thể chậm, tùy theo nỗ lực của Chính phủ. Nhưng dù nhanh hay chậm, doanh nghiệp vẫn nỗ lực, không chờ đợi...

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/gap-go-nhung-nha-tien-phong-san-xuat-theo-chuoi-659415.html