Gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bản di chúc

TP - Ngó chồng thư chắc ngày mỗi ngày sẽ lại vun dày, cuốn sổ ghi điện thoại của bạn đọc khắp nơi gọi tới sẽ thêm nhiều trang nữa, xin mừng cho bà từ nay có thêm những niềm vui bất ngờ vào những giờ không định trước. Niềm vui trong những dằng dặc buồn tủi oan khiên.

>> Kỳ V: Ấm áp tình người Với nhà thơ thành Nam - Đoàn Văn Cừ Nhưng cũng chợt thẫn thờ một ý nghĩ khác... Từng được và phải dự biết bao những cuộc hội thảo của hội nhà văn cấp tỉnh, thành phố đến trung ương, của các hội đồng lý luận quanh những câu hỏi quay cuồng hết năm này sang năm khác: Có phải hiện thực nghèo nàn? Phải chăng nhà văn Việt còn bị câu thúc còn vướng bận những vấn đề về tư tưởng, về nhãn quan chính trị? Có phải nhà văn ta kém tài? Nặng hơn là có phải dân trí ta còn thấp vv... và vv... Những câu hỏi đại loại như thế để lý giải rằng tại sao vẫn chưa có những tác phẩm xứng đáng với tầm vóc của dân tộc, của thời đại? Để cắt nghĩa tại sao sách in hàng hà sa số ở 54 nhà xuất bản của cả nước mà số đọng lại trong bạn đọc không được bao nhiêu? Độc giả phần đông vẫn quay lưng lại với sách, thậm chí rất nhiều cuốn người ta không thèm đọc nhà văn đã xả rác kha khá ở các nhà xuất bản (chữ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm). Chúng tôi không vống lên hay dám coi Dòng xoáy của Trần Thị Nhật Tân là sự kiện hay hiện tượng gì nhưng có lẽ là bất thường trong cái thường thường của mặt bằng văn chương và mặt bằng sáng tác hôm nay? Nhưng có thể với hiện tượng Dòng xoáy và tác giả của nó, ai đó quan tâm có thể tham khảo và cũng phần nào góp vào việc giải tỏa được những bức xúc, những câu hỏi vừa nêu trên? Nghĩ đơn giản hơn, cứ làm một phép thử (tất nhiên không phải dạng vác máy ghi hình, máy ghi âm đi mà phỏng vấn) trong số những nhà văn ăn khách hiện nay, số lượng những cuộc điện thoại, những lá thư bạn đọc tự nguyện gửi đến, dám chắc khó mà bằng những gì của bà Trần Thị Nhật Tân hiện giờ đang sở hữu! Trộm nghĩ vui vui, nếu bà Nhật Tân mà hiện đang sở hữu một blog một website nào đó thì con số blogger truy cập mỗi ngày hẳn là không phải nhỏ. Nhân trong số chúng tôi có người cầm lên cuốn Chân trời trên giá sách, bà nói ngay đó là kỷ niệm lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp! Số là năm 1991, Đại tướng có về thăm Nam Định. Trong buổi nói chuyện ở một cơ quan tỉnh, cả hội trường lặng phắc khi nghe Đại tướng nhân đề cập về vấn đề đấu tranh chống tiêu cực đã dẫn ra trường hợp nhà văn Trần Thị Nhật Tân ở Nam Định viết tác phẩm Dòng xoáy được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh rất khen ngợi... Đại tướng hỏi ngay: Ai có cuốn Dòng xoáy ở đây thì cho tôi mượn... Nhiều người đành cười lảng bởi nhắc đến cuốn sách ấy ở Nam Định thời điểm đó như một cái gì kỵ húy?! Nhiều người kể lại với Nhật Tân câu chuyện ấy. Nhật Tân đã sắp sẵn cho mình một ý định là sẽ mang sách đến tặng Đại tướng. Một lần lên Hà Nội mang theo sách, rủi lần ấy Đại tướng không ở Hà Nội. Lần sau Nhật Tân lên, vệ binh sau khi hỏi han đã vào báo cáo và bà được mời ngay vào. Câu chuyện tại nhà riêng Đại tướng diễn ra thân tình và Nhật Tân xiết bao ngạc nhiên khi biết Đại tướng đã kiếm được cuốn Dòng xoáy. Khi biết Nhật Tân mang sách lên tặng, Đại tướng cười: Sách có chữ ký tác giả vẫn hơn. Trong câu chuyện thân tình, Đại tướng động viên Nhật Tân nên vượt qua những gian nan để sống và làm việc tốt hơn và dành nhiều thời gian để tìm hiểu về đời sống lực lượng vũ trang... Vâng lời Đại tướng, Nhật Tân đã dành thời giờ đi thực tế và hoàn thành cuốn tiểu thuyết Chân trời mà chúng tôi đang có trên tay! Lại trĩu trên tay một bản thảo viết tay 234 trang khổ A4 chữ đều tăm tắp có tên Tuổi thơ tôi (tiểu thuyết tự truyện) mà bà cho biết không có tiền để in! Trước khi đến thăm bà, chúng tôi có nghe phong thanh rằng nhà văn Trần Thị Nhật Tân có để lại bản di chúc nào đó. Trong câu chuyện bà đã không giấu... Được bà cho phép, xin trích ra một đoạn như sau. Tên tôi là Trần Thị Nhật Tân, nhà giáo, nhà văn. Tôi viết di chúc trong lúc tỉnh táo khỏe mạnh. Ngôi nhà hai tầng tôi xây trên diện tích 180 m2 theo trước bạ. Cả cuộc đời tôi lao động cực nhọc mới có cơ ngơi này. Là người cầm bút, tôi thấu hiểu nỗi cơ cực của những nhà văn chân chính. Bởi vậy tôi có nguyện vọng là, sau khi tôi qua đời, tôi để ngôi nhà này làm nhà từ thiện cho các nhà văn nghèo khổ. Tôi giao quyền quản lý nhà đất cho Hội VHNT Nam Định. Khi nào trong nước có nhà văn viết đấu tranh cho công bằng xã hội vì Nước vì Dân mà bị vùi dập khốn khổ thì về nhà tôi mà ở cho qua cơn hoạn nạn. Đề nghị Hội VHNT Nam Định hóa thân hoàn vũ cho tôi. Lấy hai lọ tro, một đặt tại bàn thờ ngôi nhà này, một đặt cạnh cha mẹ tôi. Số tro còn lại rắc xuống sông Đào... vv... Nam Định ngày 22 tháng 2 năm 1998. Trần Thị Nhật Tân (Đã ký) Coi xong bản di chúc, chúng tôi chợt nhận ra thời điểm bà để lại di chúc này là đương khi bạo bệnh tai biến. Mười một năm đã qua. May thay... Cũng cần nói thêm về chiếc điện thoại di động bà Nhật Tân đang sở hữu. Cách đây chỉ mới ít tháng, căn nhà bà Nhật Tân vốn đã lọt thỏm ở ngoại ô thành Nam như càng kín cổng cao tường và xa cách hơn với đời sống. Căn nhà ấy không có tivi, không điện thoại, không radio. Cũng cần nói thêm sự kiện Dòng xoáy 20 năm trước dẫu xôn xao dư luận nhưng cùng với thời gian dường như đã chìm lỉm nhạt phai? Đời sống vật chất tinh thần dẫu đã hơn trước nhưng hình như vẫn bức xúc, vẫn hôi hổi vấn đề làm sao tăng cường dân chủ hơn trong dân, đẩy lùi được những vấn nạn, những tiêu cực như bệnh chạy theo thành tích trong giáo dục mà 20 năm trước Nhật Tân từng riết róng đặt ra trong Dòng xoáy? Chữ Tâm của cố BTV Chu Thành (Tú Sót) tặng Cũng tình cờ, nhà văn Lê Hoài Nam nguyên là chủ tịch Hội Văn nghệ Nam Định (cùng khóa II Trường viết văn Nguyễn Du còn có nhà văn Lê Hoài Nam, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Pờ Sảo Phìn dân tộc Pa Dí và Trần Thị Nhật Tân) vốn thi thoảng đến chơi nhà bà. Cám cảnh ái ngại trước hoàn cảnh đơn chiếc nghèo khó của bạn mà áy náy bởi không giúp được gì. Một bận, nhà văn Lê Hoài Nam ngồi ở nhà bạn buồn tay lật giở coi lại Tập I và II của Dòng xoáy cùng những phần tác giả bổ sung chỉnh trang nhưng chưa có điều kiện (hay đã nản không biết?), ông động viên bạn nên tái bản Dòng xoáy theo hướng hoàn chỉnh bổ sung thêm bởi Dòng xoáy vẫn nguyên tính thời sự... Lê Hoài Nam bàn thêm với bạn mình là nhà thơ Đặng Vương Hưng ở Hà Nội tìm cách tái bản cuốn Dòng xoáy cho Trần Thị Nhật Tân. Hai ông đã tìm đến NXB Thanh Niên vốn là cái nôi đầu tiên của Dòng xoáy . Không ngờ mọi việc lại gọn ghẽ đơn giản nhanh chóng kể từ khi bà Nhật Tân hoàn chỉnh bản thảo để tái bản. Đang dày thêm chồng thư và dài mãi ra những dòng sẻ chia của những người đồng cảm với nhà văn Trần Thị Nhật Tân. Cùng với sự xuất hiện trở lại của Dòng xoáy như một liều thuốc bổ thần hiệu đối với người đàn bà từng bị văng ra khỏi cuộc sống! Cuốn Dòng xoáy từng mang lại cho cuộc đời bà bao nhục nhã cay đắng và vinh quang (lời giới thiệu của Đặng Vương Hưng) được nhà XB Thanh Niên tái bản (có sửa chữa bổ sung) tháng 9 năm 2009 này và được bạn đọc khắp nơi đón nhận nhiệt tình dẫu cho số lượng in còn thua năm 1989 những 3.000 cuốn! Tiếp cận với cuốn sách với bài báo trên Tiền Phong Cuối tuần nhiều bạn đọc đã sẻ chia với tác giả bằng những cuộc điện thoại và bằng những lá thư... Một việc gay go là những sẻ chia của bạn đọc đến được với bà khi nhà văn không có điện thoại? (trước nay có việc cần kíp bà mới nhờ vả hàng xóm). Rất nhanh, không biết là quà tặng của Lê Hoài Nam hay Đặng thi nhân mà bà Nhật Tân đang sở hữu một chiếc di động (chúng tôi xin ghi lại số điện thoại này là 0121.3511.609). Hiềm nỗi bà Nhật Tân bị nặng một bên tai, di chứng của những trận bom Mỹ ở Hàm Rồng nên những lần nghe điện thoại gọi đến cũng khá vất vả. Đôi khi bà phải nhờ người đến chơi nghe và ghi hộ lại là vì thế. Mùa heo may năm Sửu

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/tianyon/index.aspx?articleid=175248&channelid=13