Gạo ngoại “đè” gạo nội

Mặc dù là một nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới nhưng gạo Việt lại đang bị gắn cho những cái tên rất ngoại và thị trường đang tràn ngập gạo ngoại nhập. Điều này cho thấy gạo ngoại đang "đè” gạo nội.

Khách hàng dễ bị hiểu lầm bởi những tên gạo "rất ngoại”
Ảnh: Sông Xanh

Đánh tráo khái niệm

Cái tên gạo nàng thơm chợ đào, gạo tám xoan, gạo Thái Nguyên… không còn được người tiêu dùng nhớ như trước kia. Vài năm trở lại đây khi chọn về sản phẩm gạo người ta nhớ và được nhắc đến gạo thơm Hàn, thơm Thái, thơm Mỹ, thơm Đài Loan… Vì vậy, ở bất kỳ cửa hàng gạo tại TP. Hồ Chí Minh ngoài nhưng bảng gạo thuần Việt thì vẫn còn khoảng 50% đất dành cho gạo thơm mang tên "rất ngoại”. Cụ thể, thơm Thái, thơm Mỹ, thơm Hàn, thơm Đài Loan…

Nói về gạo ngoại nhập, tiểu thương các chợ nhận định, ngoài những loại gạo thuần Việt thì một vài năm trở lại đây người tiêu dùng lựa chọn gạo ngon ngày càng nhiều và có xu hướng dùng gạo ngoại nhập. Bà Nguyễn Thanh Hiền, tiểu thương chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh) cho biết: "Gạo Thái có giá cao nhưng vẫn có nhiều người lựa chọn, chủ yếu những người có thu nhập cao. Trung bình một ngày tôi bán được hơn 1 tạ gạo Thái”. Nắm bắt được nhu cầu sử dụng gạo ngoại của người dân ngày càng tăng nên nhiều cửa hàng gạo, hay tiểu thương các chợ thường ghi bảng với các tên gạo thơm Mỹ, thơm Thái, thơm Đài… Nhưng khi được hỏi về nguồn gốc của các loại gạo có tên nước ngoài thì đa số tiểu thương khẳng định: "Tên gạo thơm Mỹ, Thái, Đài… chỉ là sản phẩm giống nước ngoài nhưng trồng ở Việt Nam. Nếu là gạo nhập khẩu thì hoàn toàn không có giá mười mấy ngàn đồng/kg”. Bà Trần Thị Thái Thanh, Phó Ban quản lý chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) cho rằng, tất cả gạo có bảng thơm Thái, thơm Mỹ… bán tại chợ đều là gạo Việt. Gạo ngoại nhập chiếm tỷ lệ rất thấp. Không có hiện tượng gạo Việt nằm trong bao bì in nhãn mác gạo ngoại.

Ảnh: Minh Hạnh

Tràn lan gạo ngoại nhập

Tại thị trường TP. Hồ Chí Minh rất nhiều loại "gạo sạch” nhập khẩu từ Mỹ, Pháp, Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản…được bày bán. Chiếm phần lớn của các loại gạo ngoại nhập phải kể đến gạo Thái Lan. Đơn cử, gạo Tám Thái Lan, Thái Lan hảo hạng, Thái Lan – Chùa vàng, Thái Lan – Con chim đỏ, Thái Lan – Con kiến xanh… Sau đó phải kể đến gạo Tám thơm Đài Loan, Tám thơm Campuchia – Phượng hoàng… Tại hệ thống siêu thị Co.opMart mặc dù băng rôn "Người Việt dùng hàng Việt” được giăng kín song sản phẩm gạo ngoại nhập từ Nhật Bản, Thái Lan và Đài Loan được bày bán không ít. Không chỉ trong siêu thị, nhiều vựa gạo, cửa hàng gạo trên địa bàn thành phố cũng sẵn sàng báo giá và cung cấp số lượng gạo ngoại khi khách hàng có nhu cầu.

Mặc dù là nước đứng đầu về sản xuất và xuất khẩu gạo nhưng hiện nay thị trường tiêu thụ gạo vẫn tràn lan các loại gạo nước ngoài và tâm lý sính gạo ngoại gần như phổ biến. Theo Cục Công nghệ Thông tin và Thống kê (Tổng cục Hải quan), hiện Việt Nam nhập khẩu gạo chủ yếu tại Thái Lan và Lào, Nhật Bản, hoàn toàn không có số lượng nhập khẩu gạo chính ngạch từ Campuchia. Cụ thể, năm 2011 tổng lượng gạo nhập khẩu vào Việt Nam là 5,8 nghìn tấn, năm 2012 là 27,6 nghìn tấn, 6 tháng đầu năm 2013 gần 13.000 tấn.

GS.TS Võ Tòng Xuân nhận định: "Ở đồng bằng sông Cửu Long gạo lậu đang hoành hành thông qua đường tiểu ngạch ở vùng biên giới. Thậm chí, bản thân người dân ở một vựa lúa lớn nhất cả nước nhưng cũng ăn gạo ngoại”. Đồng quan điểm trên, ông Võ Thiện Ngộ, Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An cũng cho rằng, tại địa phương lượng gạo Thái được tiêu thụ rất mạnh. Trên thực tế, người dân thích ăn gạo Thái, gạo Campuchia có mùi thơm hơn gạo cùng loại trồng trong nước.

Vẫn theo GS. TS Võ Tòng Xuân, gạo Việt Nam đang bị gạo ngoại "lấn át” là lỗi của chúng ta không sản xuất được gạo chất lượng, năng suất cao. Một khi thương hiệu gạo chưa được xây dựng, cộng thêm xu hướng tiêu dùng hàng ngoại như hiện nay thì gạo ngoại "đè” gạo nội là đều dễ hiểu.

Nguồn NDH: http://ndhmoney.vn/web/guest/s17/-/journal_content/gao-ngoai-de-gao-noi