GS Nguyễn Tài Thu: Chỉ mong trò nghe mình một phần....

- Chúng tôi gặp GS Nguyễn Tài Thu vào một buổi sáng mưa tầm tã, con đường Thái Thịnh nơi Bệnh viện Châm cứu TƯ “đóng quân” ngập trắng xóa, thế nhưng trong chiếc phòng nhỏ ở gác hai của Hội Châm cứu TƯ, bệnh nhân vẫn chen chúc nhau chờ GS khám và châm cứu.

Có lẽ nhắc đến GS.TS Nguyễn Tài Thu không ai không biết, bởi ông là người đã cứu rất nhiều người bệnh bằng chiếc kim châm cứu cũng như đưa ngành châm cứu Việt Nam khẳng định với thế giới. Nhưng khi đến đây, nghe ông nói chuyện, lòng chúng tôi lại nhen lên những cảm giác khó tả cả về niềm vui và những nỗi buồn. Khám không bị… trói Lúc tôi đến, GS bắt đầu châm cứu lên đầu và gáy cho một bé trai khoảng 2 tuổi. Vừa thấy kim, bé trai thét lên, chân tay vùng vẫy. Nước mắt rơi lã chã trên gương mặt người mẹ trẻ có vẻ mặt cam chịu và dáng vẻ kham khổ. Người mẹ trẻ ôm ghì lấy con, nhìn sang GS Thu cầu cứu: - Ông ơi, Có phải buộc cháu lại không ạ? GS Thu ngạc nhiên: - Sao lại phải buộc? - Vì dưới khoa nhi các bác sĩ cũng đều buộc trước khi châm cứu!. Câu trả lời thật thà khiến GS già phải bật cười: Tôi châm cứu cho người chứ phải cho vật đâu mà cần buộc. Cô nói thế tôi mà bảo phóng viên chụp cho bức ảnh có phải khổ bác sĩ không! Nói rồi bàn tay già ấy nhẹ nhàng đưa kim châm lên gáy đứa trẻ, mắt nhìn âu yếm. Đứa trẻ không giẫm đạp, gào thét nữa. Khoảng 2 phút sau, hàng chục chiếc kim đã nằm trên gáy, trên đầu và tay chân đứa trẻ. Tiếng nấc nhẹ dần, một lát sau đã thấy em bé ngủ yên trên tay mẹ. Phía sau lưng ông, bà mẹ đưa con bị bệnh co giật nửa người từ trong huyện nghèo của Nghệ An ra đang loay hoay chờ GS Thu khám. Ông hỏi khẽ và âu yếm như cha hỏi con: Tả bệnh con cho ông xem nào? Nhưng người mẹ cứ lí nhí nói, lẫn đầu, lẫn đuôi, vừa nói vừa khóc. Nghe xong không ai có thể hiểu là đứa bé đang bị gì. GS Thu gọi học trò sang cùng khám lại và xem bệnh án, rồi bắt đầu châm cứu... Cứ lần lượt như thế, GS Tài Thu đưa mũi kim vào mặt người này, đầu người kia hay toàn thân. Trong lúc khám, ông lại phải liền miệng dạy học trò về cách châm cứu, các huyệt rồi lại quay sang nói với cậu học trò là người Tây Ban Nha bằng Tiếng Anh. Cứ thế, công việc của ông không ngớt tay, ngớt miệng. Thấy chúng tôi phải chờ lâu, ông phân bua rằng, vì phòng khám không lấy tiền trẻ em và người già nên các phòng khi nào cũng rất đông. Bên bệnh viện cũng có khoa nhi nhưng bệnh nhân sang đây nhiều vì vừa không mất tiền vừa không bị… trói. Còn ngoài kia người dân mất 100.000đ – 200.000đ/ lần châm cứu. Mà thử hỏi có bệnh nào châm cứu một lần đã đỡ chưa? Để chữa khỏi phải đến 1 tháng, thì dân lấy tiền đâu. Châm cứu chỉ mất công chứ không mất của mà phải lấy tiền. Tôi hỏi, GS phải làm việc trong không gian hẹp thế này có thấy bất tiện không? - Bất tiện cũng đành chịu vì bệnh viện giờ đã thay đổi một số hạng mục. Không phải phòng chật mà các cây cảnh, vườn dừa và hồ sen xung quanh viện cũng không còn nữa. Tôi xót lắm nhưng đành bất lực. Bệnh nhân ở đây nhiều thế này, thế có khi nào họ đến nhà gõ cửa hay gọi điện thoại năn nỉ khám không ạ? Gọi nhiều lắm. Nhưng tôi hẹn đến phòng khám chứ ở nhà chật không thể châm cứu được. Từ sáng đến chiều phòng có khoảng 100 bệnh nhân, ngoài ra tôi còn làm việc khác nữa. Như cháu bé này, thấy thầy đến là đưa ngay sang đây luôn. Chứ ở Nghệ An ra, nghèo thế lấy tiền đâu... Đau đớn khi họ nói là học trò GS Thu Hỏi được hai câu thì câu chuyện bị ngắt quãng khi ông ra phòng ngoài, khoảng 5 – 6 bệnh nhân vẫn ngồi chờ ông khám. Ông châm cứu luôn cho cả những bệnh nhân đang ở tư thế… ngồi. Họ ngồi lên chiếc ghế con, mặt nghểnh lên để châm cứu. Ra đến cửa, bệnh nhân lại vây lấy ông để hỏi. Bên hành lang trước cửa phòng hàng chục người từ em nhỏ cho đến người già ngồi xếp hàng để đợi GS khám và châm cứu. Chỉ đến khoảng nửa tiếng sau chúng tôi mới có dịp tiếp chuyện ông trong căn phòng vắng người vốn là phòng Viện trưởng 30 năm nay. Sau khi ông bảo cậu học trò người Tây Ban Nha (người luôn đi sát dù ông đi đâu) ra ngoài thì chỉ có tiếng rít ò ò của chiếc điều hòa đời cũ kỹ đang chạy dưới góc phòng. Hiện tại GS có bao nhiêu học trò? Khoảng 7 -8 người và vài người nước ngoài. Tiền học phí của người nước ngoài mỗi tuần là 100 USD. GS thu học phí rẻ thế có ảnh hưởng đến thương hiệu châm cứu của Việt Nam? Không ảnh hưởng gì. Từ xưa đến nay vẫn thu thế. Số tiền này chia ra 50% cho Bệnh viện, 50% còn lại chia đều cho các anh em cùng làm. Trong những lứa học trò từ trước đến nay, ai có thể kế tục GS về cả tài lẫn đức dù họ ở gần đây hoặc ở xa? Có khoảng 20 người tôi cho là tốt, sẵn sàng kế cận. Các em dù không bằng thầy nhưng cũng là PGS, TS, ThS. Sắp tới tôi được Thành Ủy Hà Nội cho thành lập trường đào tạo châm cứu Nguyễn Tài Thu, các em sẽ về đảm đương công việc. Tại một số cơ sở châm cứu, massge nhân viên ở đó toàn nói học ở GS Nguyễn Thài Thu. Nghe những điều đó cảm giác của ông thế nào? Tôi đau đớn lắm. Vì thực chất học rất nhiều nhưng khi đến học chỉ nghe được 5 – 10 buổi rồi về. Tất nhiên học cũng có giấy chứng nhận nhưng đi làm massage mà chỗ nào cũng nói là học thầy Thu thì tôi thấy xấu hổ. Nhân dân họ đều biết GS Thu không dạy làm chuyện đó. GS Thu không khéo đâu mặc dù là con trai Hà Nội thật đấy! Tiếc nuối… Đặc biệt, trong câu chuyện ông luôn tiếc nuối khuôn viên Viện châm cứu trước đây với vườn cây cảnh đẹp và mát cùng hồ sen tỏa hương vào mùa hạ. Đây cũng là nơi mà ông dành tâm huyết xây dựng nhằm làm nơi cho bệnh nhân nghỉ ngơi và luyện tập sau khi châm cứu . Tất cả nay đã không còn. Ông nhìn xa xăm ra ngoài cửa sổ, mưa vẫn nặng hạt và đôi mắt ông đỏ cũng rươm rướm nước mắt. Sao khi đang còn đương chức, chẳng lẽ GS không tìm thấy người học trò xuất sắc để thay mình, để khuôn viên được giữ nguyên? Lúc đó không thể biết ai xuất sắc hay không xuất sắc đâu. Với lại, tôi có phải là người được quyền chọn ai thay thế mình đâu. Dù nay thầy vẫn ngồi đây nhưng cũng ít trò làm theo cách của thầy vì làm thế “thì đói, không có tiền”. Tôi năm nay 80 tuổi rồi, vẫn cứ cố phải nói với học trò có quyền, có chức: Các anh muốn làm gì trái với điều tôi đã dạy thì cũng nên chờ tôi chết đi đã chứ... Với sự nổi tiếng, thương hiệu của GS mà không “làm ra tiền” có ai trách móc không, vợ con chẳng hạn? Vợ mà không trách thì ai trách. Vợ tôi là con gái Hà Nội, lấy nhau từ ngày còn đi bộ đội làm quyết tử quân nên quen khổ và cũng không nghĩ đến tiền. Đấy các cô xem, toàn huy chương đấy! Con rể thường trêu, bố theo Bác Hồ, mấy thứ này làm thế nào? Tôi bảo, đừng đốt mà hãy gom lại cùng tập lý lịch đảng cho vào hộp gối đầu cho bố. Vậy mong muốn nhất của GS vào những năm tháng còn lại của cuộc đời là gì? Châm cứu của GS Thu thì ai cũng biết rồi, nổi tiếng cả thế giới, thế nhưng nếu cứ để thế này thì mai một mất. Không thể cái gì cũng là tiền dù đó là thời buổi kinh tế thị trường mà. Tôi cũng không đồng ý để đập Viện đi mà xây lại... Vinh Sơn

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1988/201108/GS-Nguyen-Tai-Thu-Chi-mong-tro-nghe-minh-mot-phan-1809144/