Em 20 tuổi rồi nhưng giọng nói vẫn “eo éo” làm em mặc cảm quá BS ạ

(AloBacsi) - Em là nam, năm nay em 20 tuổi nhưng giọng nói của em lại không được trầm như một người đàn ông trưởng thành.

Những lúc nói chuyện, giọng nói của em rất khó kiểm soát, em không thể nói với tone trầm được, nên nói chuyện nghe rất ngang; đặc biệt, những lúc mà em nói to, gọi to, hoặc là hồi hộp thì giọng nói của em chuyển hẳn sang tone cao, nghe eo éo, chói tai.
Những lúc như vậy, em thấy rất là mất tự tin và mặc cảm. Bác sĩ có thể tư vấn cho em cách nào để có thể khắc phục được tình trạng này không ạ?
Và em còn gặp một triệu chứng nữa. 2-3 năm gần đây, thì sáng nào ngủ dậy, em cũng cảm thấy mũi mình rất nhức khi bấm bên ngoài sống mũi.
Khi vệ sinh bên trong mũi lại có những dịch nhờn màu trắng chảy ra, mặc dù không hề bị sổ mũi và lúc ấy, trong mũi có một mùi rất tanh và khó chịu. Liệu có phải là em bị viêm xoang không ạ?
(Em Thái - Hải Phòng)

Trả lời

Em Thái thân mến! Qua thư cho thấy em đang mắc chứng: rối loạn giọng nói tuổi dậy thì và bệnh viêm mũi xoang mạn tính. BS sẽ trình bày để em hiểu thêm về những băn khoăn của mình nhé! 1.Rối loạn giọng nói tuổi dậy thì: Là sự duy trì giọng nói trẻ em sau khi đã dậy thì đầy đủ và thanh quản đã phát triển hoàn toàn. Ở trẻ nam tuổi dậy thì là 12-15 tuổi: có mọc râu và phát triển về mặt tính dục. Tác động của nội tiết làm cho giọng nói biến đổi đột ngột. Kích thước thanh quản lớn lên và dây thanh dày lên và dài thêm (tới khi trưởng thành dây thanh dài khoảng 5 cm) nên có giọng trầm. Trong khi đó dây thanh của nữ ngắn và nhỏ hơn nên có giọng cao. Ngoài ra, yếu tố tâm lý cũng gây rối loạn giọng tuổi dậy thì. Những bệnh lý về dây thanh như liệt nhẹ thanh quản, có rãnh bẩm sinh ở thanh quản... cũng làm cho giọng nói bé trai thiếu độ trầm khi trưởng thành. Như vậy em phải đi khám tại BV Tai Mũi Họng, BS sẽ nội soi xác định tình trạng phát triển của thanh quản, nếu phát triển đầy đủ, sẽ được khám nội khoa để xác định là không bị thiếu nội tiết tố và những bệnh liên quan đến việc phát âm hoặc gây tổn thương bộ phận thanh quản (bệnh collagen, thiếu máu, bệnh lý về tim, bệnh thận, thiếu dinh dưỡng hoặc béo phì có thể ngăn cản sự dậy thì cũng làm rối loạn giọng nói). Khi chẩn đoán xác định rối loạn giọng, rm sẽ chuyển qua phòng luyện tập giọng. Tại đây được thư giãn, tập thở bụng, đằng hắng, phát âm bằng giọng ngực, tập đọc với những âm vực khác nhau, tập kể chuyện, tập động tác môi miệng, tập hát và phát âm theo đàn. Mỗi tuần, được tập một buổi 45 phút, sau đó được hướng dẫn tự tập ở nhà mỗi ngày 2 lần. Hầu hết nam thanh niên có giọng nói eo éo tìm được giọng nam trầm sau 5 đợt tập. Nhưng những khi xúc động, giọng nói dễ bị rối loạn trở lại do chưa điều khiển được giọng trầm. Vì vậy, nếu tập chăm chỉ và đều đặn, giọng nói trầm sẽ cố định hơn. Bệnh nhân cũng cần rèn luyện phong cách để cải thiện những hành động ẻo lả, trở nên mạnh mẽ và tự tin hơn. Phương pháp này đơn giản nhưng tỉ lệ thành công lại cao (gần 88%). Cần tập luyện càng sớm càng tốt. Nếu để lâu, đã quen với phong cách yếu đuối và tâm lý mặc cảm in sâu sẽ làm giảm kết quả điều trị, khó hợp tác với thầy thuốc và thời gian luyện tập kéo dài hơn. 2. Viêm mũi xoang dị ứng: em xem câu trả lời sau đây nhé: >> Mỗi sáng ngủ dậy em thấy cổ họng khô rồi chảy nước mũi, em còn bị ho kéo dài nữa BS ạ Chúc em nhanh chóng thể hiện bản lĩnh và phong cách nam nhi!

BS-CK1 TMH Nguyễn Hồng Dũng

AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.

AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến email: kbol@alobacsi.vn .

Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết.
Để chính xác về nội dung cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode).

Chân thành cảm ơn.

Nguồn Alobacsi: http://alobacsi.vn/2011111304433293p0c161/em-20-tuoi-roi-nhung-giong-noi-van-eo-eo-lam-em-mac-cam-qua-bs-a.htm