EVN lại thắng lớn nhờ thủy điện

(baodautu.vn) Kinh tế khó khăn, doanh nghiệp suy giảm sản xuất, trong khi hệ thống điện được bổ sung lớn nguồn từ thủy điện đã giúp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại thắng lớn trong năm 2012.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư về ước tính cơ cấu nguồn phát thực tế của năm 2012 ở thời điểm chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, cả hệ thống năm 2012 sản xuất được 117 tỷ kWh điện. Trong đó, sự đóng góp của thủy điện là 53 tỷ kWh; nhiệt điện than 21,2 tỷ kWh; tua-bin khí là 40,2 tỷ kWh, nhiệt điện dầu là 0,159 tỷ kWh (trong đó chạy dầu FO là 0,079 tỷ kWh) và nhập khẩu là 2,7 tỷ kWh.

Trong khi đó, theo kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2012 tại Văn bản số 6785/QĐ-BCT ngày 23/12/2011 do Bộ Công thương ban hành, tổng sản lượng điện của các nhà máy điện và nhập khẩu của toàn quốc năm 2012 là 120,795 tỷ kWh, tăng 10,89% so với năm 2011. Cụ thể, sản lượng thủy điện là 45,029 tỷ kWh; sản lượng nhiệt điện than là 24,78 tỷ kWh; sản lượng nhiệt điện tua-bin khí là 45,744 tỷ kWh; sản lượng nhiệt điện dầu cả là 0,506 tỷ kWh, trong đó dầu FO là 0,271 tỷ kWh và sản lượng điện nhập khẩu là 4,65 tỷ kWh.

Rõ ràng, có sự chênh lệch rất lớn giữa thực tế với kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2012. Đáng chú ý là, nguồn phát từ thủy điện với giá thành thấp nhất trong các loại nguồn điện có sự tăng trưởng mạnh, tới gần 8 tỷ kWh. Sự tăng trưởng về nguồn phát thủy điện của năm 2012 chủ yếu đến từ Nhà máy Thủy điện Sơn La, công suất 2.400 MW, có sản lượng điện hàng năm khoảng 10 tỷ kWh, vừa khánh thành cuối tuần qua, về đích sớm 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội.

Thực tế, cơ cấu nguồn điện, giá nhiên liệu, tỷ giá là 3 thông số đầu vào tác động trực tiếp tới chi phí phát điện mà đơn vị phát điện không có khả năng kiểm soát theo Quyết định 24/2011/QĐ-TTg. Vấn đề là, trong khi biến động của giá nhiên liệu và tỷ giá có thể dễ dàng nhận thấy do phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới, giá than do Bộ Tài chính điều hành hay công bố của Ngân hàng Nhà nước, thì việc vận hành cơ cấu nguồn điện thực tế lại phụ thuộc không nhỏ vào “độ khéo của con người”, bởi hệ thống điện của Việt Nam có sự tham gia lớn của nguồn thủy điện phụ thuộc nhiều vào mưa lũ.

Song song với phát tăng thủy điện giá thành rẻ, còn là sự giảm đáng kể huy động của các nguồn điện khác là nhiệt điện khí, nhiệt điện than, nhiệt điện dầu và đặc biệt là các nhà máy điện chạy dầu FO.

Nếu theo cách lý giải của ông Tri về giá thành điện năm 2011 của các nhà máy thủy điện đa mục tiêu do EVN quản lý là thấp nhất, bình quân chỉ 507 đồng/kWh, trong khi các nhà máy nhiệt điện chạy khí có giá 1.037 đồng/kWh, nhiệt điện chạy dầu lên tới 4.692 đồng/kWh, thì việc ưu tiên tối đa phát điện từ các nhà máy thủy điện cũng là điều dễ hiểu với một doanh nghiệp như EVN.

Như vậy, cùng với thực tế kinh tế khó khăn, khiến nhu cầu tiêu dùng điện của cả nước không như dự báo từ đầu năm và việc vận hành hệ thống điện khéo léo, thì con số lãi năm 2012 của EVN chắc chắn không dừng lại ở mức 3.500-4.000 tỷ đồng như công bố.

Đáng nói là, không phải tới năm 2012, câu chuyện EVN ưu tiên thủy điện và thu được lãi lớn nhờ thủy điện mới diễn ra. Cũng với việc huy động thực tế nguồn thủy điện vượt xa kế hoạch, trong khi các nguồn nhiệt điện than, nhiệt điện khí, nhiệt điện dầu đều giảm mạnh, năm 2011, EVN đã thu được hiệu quả rất lớn. Cụ thể, số lỗ theo công bố của EVN chỉ còn 5.297 tỷ đồng, thay vì ước tính lên tới 11.000 tỷ đồng so với kế hoạch khi tính toán phương án nguồn điện của năm 2011.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietdoanhnghiep/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/doanhnghiep/thongtindoanhnghiep/e493c9297f0000010135d90ea88dc895