“EVN đang lỗ thì không thể giảm giá điện”

SGTT.VN - Điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường, theo lãnh đạo các bộ Tài chính, Công thương thì có thể cả tăng lẫn giảm giá điện chứ không chỉ điều chỉnh một chiều tăng. Song, chiều 20.7, trao đổi với báo chí, phó tổng giám đốc tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Đinh Quang Tri nói rằng: EVN đang lỗ thì không thể giảm giá điện được.

EVN lỗ do đầu tư ngoài ngành nên không thể giảm giá điện? Nghĩa là người tiêu dùng phải gánh những khoản lỗ đó cho EVN?

Vừa qua Kiểm toán Nhà nước (KTNN) có nói nếu EVN hạch toán hơn 3.300 tỉ từ các khoản thu cho thuê cột điện, sản xuất kinh doanh khác vào giá điện thì đã có thể giảm giá điện, EVN lí giải sao?

Tôi có gọi điện cho anh Khái (ông Lê Minh Khái, phó tổng Kiểm toán Nhà nước- PV), anh Khái nói báo chí diễn giải chưa đúng thôi. Một số báo nói chúng tôi hạch toán sai, KTNN không nói chúng tôi sai mà KTNN kiến nghị xem để sau này có thể điều chỉnh hạch toán được không, để cho minh bạch hơn.

Còn chúng tôi hạch toán hoàn toàn đúng theo chế độ kế toán của Việt Nam. Doanh thu cột điện thì phải hạch toán vào hoạt động sản xuất kinh doanh khác, chứ chúng tôi không trốn thuế, không bỏ ngoài sổ sách.

Hơn 2.900 tỉ lãi hoạt động kinh doanh khác cũng vậy, phải hạch toán vào doanh thu hoạt động tài chính, cuối cùng cũng vào doanh thu của doanh nghiệp hết. Thực tế năm 2010 EVN lỗ khoảng 11.000 tỉ nhưng nhờ các khoản này mà chúng tôi chỉ lỗ hơn 8.000 tỉ. Thay vì hạch toán giảm giá thành thì hạch toán vào doanh thu để giảm lỗ. Bộ tài chính hướng dẫn thế nào chúng tôi làm thế.

KTNN không nói sẽ giảm giá điện, doanh thu đang lỗ sao giảm giá điện được, nhưng nếu giảm giá thành (sản xuất) thì giảm được.

Đến nay dư luận vẫn bức xúc vì căn cứ tăng giá điện 5% từ 1.7 vừa qua, vì các chuyên gia nói thủy điện dồi dào, giá than không đang kể so với tổng thu tăng từ tăng giá điện, tỉ giá thì ổn định, dầu thậm chí giảm giá?

Nhìn bề ngoài thì đúng là trời mát, nguồn thủy điện dồi dào… nên đáng ra phải giảm giá. Nhưng nếu chỉ nhìn đơn lẻ như thế thì không xử lí được (vấn đề giá điện). Hiện còn 26.000 tỉ do lỗ tỉ giá vẫn còn treo, nếu không xử lí thì đến một lúc nào đó không xử lí được.

Với khoản lỗ tỉ giá tính đến 31.12.2011 là 26.000 tỉ này, Thủ tướng đã cho phép EVN phân bổ dần đến 2015 vào giá điện, trung bình mỗi năm gần 6.600 tỉ.

Vấn đề giá than, chúng tôi đề nghị tăng giá. Phần tăng giá điện ngoài bù đắp do tăng giá than là 400 tỉ, còn hơn 3.000 tỉ chính là để trừ vào lỗ do chênh tỉ giá nhằm giảm trừ dần khoản bù tỉ giá này xuống. Hiện EVN vay đến 7,4 tỉ USD, nếu chênh lệch tỉ giá mà không có nguồn bù thì Chính phủ lấy đâu ra? Toàn bộ chi phí đó phải phân bổ vào giá, người tiêu dùng phải chịu.

Nhiều DNNN khác cũng bị lỗ do chênh tỉ giá nhưng không được bù, vậy chỉ riêng EVN được bù có phải bất công, là vì do EVN độc quyền nên bù vào giá và ép dân phải chịu?

Nếu nhìn ở góc độ doanh nghiệp thì đúng là không công bằng, nhưng góc của nó là từ giá điện, lỗ của ngành điện do giá điện là “lỗ chính sách” nên Chính phủ phải xử lí, còn các ngành khác được bán theo giá thị trường, rủi ro thì họ phải chịu hết.

Dư luận cũng bức xúc về chuyện EVN mua điện của các doanh nghiệp trong nước rẻ, nhưng mua của Trung Quốc lại gần gấp đôi, lên đến 1.300đồng/kWh?

Mua điện của Trung Quốc phục vụ lúc thiếu điện có giá rẻ hơn nếu đem so với chúng ta tự phát bằng dầu FO và khí ở Cà Mau. Hơn nữa giá điện họ bán cho ta chỉ bằng một nửa giá họ bán cho dân họ.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/thoi-su/166309/%e2%80%9cevn-dang-lo-thi-khong-the-giam-gia-dien%e2%80%9d.html