Đường sắt đô thị: Cấp thiết cho giao thông Thủ đô

TP - Các chuyên gia khẳng định, đường sắt đô thị phải có ở mỗi thành phố trên 1 triệu dân. Mỗi tuyến tàu đô thị có năng lực vận tải gấp 100 lần xe buýt mà không gây ùn tắc... Do vậy, việc phát triển đường sắt đô thị là cực kỳ quan trọng và cấp thiết trong việc giảm tải áp lực giao thông Thủ đô.

Đường sắt đô thị sẽ có năng lực chuyên chở gấp 100 lần xe buýt. Ảnh: Như Ý

Giải pháp căn cơ giảm ùn tắc giao thông đô thị

Cùng với quá trình đô thị hóa, dân số của thành phố Hà Nội đã tăng lên nhanh chóng. Tính đến năm 2015, Hà Nội có hơn 8 triệu dân, với trên 50% dân số sống trong nội thành. Song song với tăng trưởng dân số, quá trình cơ giới hóa, sở hữu xe cá nhân cũng diễn ra nhanh chóng. Theo tính toán của UBND thành phố, hiện nay bình quân hàng tháng trên địa bàn thành phố Hà Nội có 18.000 - 20.000 xe máy đăng ký mới và từ 6.000-8.000 ôtô đăng ký mới. Với tốc độ này, thì đến năm 2020, Hà Nội có gần 1 triệu ôtô (chưa kể ô tô của các lực lượng vũ trang), 7 triệu xe máy.

Trong khi đó, mạng lưới hạ tầng giao thông của Hà Nội không đủ năng lực đáp ứng nhu cầu đi lại về mặt mật độ, khả năng kết nối và các tiêu chuẩn kỹ thuật. Đường bộ tại các vùng ngoại thành không chỉ thiếu về mặt số lượng mà còn cấu hình mạng lưới chưa thích hợp. Do cơ sở hạ tầng đường bộ nghèo nàn và thiếu các hệ thống trung chuyển nhanh khối lượng lớn, phần lớn các hoạt động xã hội trong trung tâm thành phố dựa trên giao thông bằng phương tiện cá nhân gây ra tình trạng ách tắc giao thông nghiêm trọng, đặc biệt vào giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều.

PGS.TS Phạm Văn Ký, Bộ môn Xây dựng Đường sắt, Đại học Giao thông Vận tải cho biết, với một thành phố có 8 triệu dân, cho xe buýt, ô tô, xe máy chạy cùng nhau khiến giao thông bị hỗn loạn. Xe buýt đang là phương tiện vận chuyển chủ lực, nhưng năng lực tối đa cũng chỉ đạt 10.000 lượt/ giờ. Trong khi đó theo số liệu quy hoạch, 5 năm tới, Hà Nội có khoảng 25.000 - 50.000 lượt người/giờ. Trên thế giới, chỉ có một phương pháp duy nhất để giải bài toán giao thông này, đó chính là metro - tàu điện ngầm hoặc đường sắt nhẹ.

Đường sắt đô thị (ĐSĐT) với ưu điểm là năng lực vận chuyển lớn, chiếm ít diện tích, chi phí thấp, không ảnh hưởng đến các làn đường giao thông khác. Cùng với đó, đường sắt có thế mạnh về vận chuyển lớn, vận hành an toàn và chạy theo đúng lịch trình. Mỗi tuyến tàu điện ngầm, tàu điện đô thị có năng suất gấp 100 lần xe buýt mà không gây ùn tắc, mỗi xe buýt năng lực vận chuyển gấp hàng chục lần với ôtô con và xe máy... Việc phát triển ĐSĐT là cực kỳ quan trọng trong việc giảm tải áp lực giao thông Thủ đô.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, phát triển mạng lưới giao thông công cộng dù còn nhiều khó khăn nhưng là đòi hỏi tất yếu của thành phố văn minh, hiện đại. Thực tế cho thấy, người dân tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới cho dù có thu nhập cao nhưng vẫn lựa chọn các phương tiện vận tải hành khách công cộng như tàu điện, xe buýt làm phương tiện di chuyển chính trong cuộc sống hàng ngày.

Phát triển phương tiện công cộng sẽ tự giúp hạn chế phương tiện cá nhân. Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết thêm, ĐSĐT đang trên “bệ phóng”, chuẩn bị tham gia vào quỹ đạo giao thông của thành phố. Những tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội, Cát Linh - Hà Đông… sắp cán đích trong sự kỳ vọng lớn lao của chính quyền, nhân dân toàn TP Hà Nội.

Đường sắt đô thị: Phương tiện thân thiện của mọi người

Ông Nguyễn Quang Mạnh, Giám đốc BQL Đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, đến nay dự án ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội (giai đoạn 1) đang được triển khai thi công khu vực Depot và tuyến trên cao , khu vực tuyến ngầm dự kiến bắt đầu thi công từ quý I/2016. Theo kế hoạch, tuyến ĐSĐT số 3 được đưa vào khai thác vận hành vào năm 2019.

Sau khi hoàn thành, đây là 1 trong 2 trục giao thông có lưu lượng hành khách lớn nhất thành phố: Dự báo tuyến đường này đến năm 2020 sẽ thu hút được 488.000 hành khách/ngày (16.500 hành khách/giờ/hướng). Theo tính toán, với lợi thế vượt trội về khả năng chuyên chở, đến năm 2020 hệ thống ĐSĐT sẽ góp phần đưa tỷ lệ đảm nhận của hệ thống vận tải hành khách công cộng lên 20% - 30%.

Quy hoạch phát triển Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội năm 2020 xác định, tầm nhìn xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành “Thành phố Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Mục tiêu đặt ra là nâng cao hệ thống giao thông vận tải công cộng bao gồm xe buýt nhanh (BRT), ĐSĐT… Trong quy hoạch chung, 8 tuyến đường sắt đô thị đã được phê duyệt. Hệ thống ĐSĐT được kỳ vọng sẽ là “xương sống” của giao thông vận tải thành phố, gắn kết với xe buýt và các phương thức vận tải công cộng khác, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của các khu vực xung quanh nhà ga.

Depot Minh Khai (Bắc Từ Liêm) đang dần hình thành. Ảnh: Như Ý

Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), trong tổng diện tích cần GPMB là 19,59 ha, hiện đã hoàn thành thu hồi Depot, tuyến, ga trên cao với diện tích 18,01 ha (chiếm 90% diện tích). Còn lại 1,58 ha diện tích GPMB các ga ngầm cũng được Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội phối hợp với UBND các phường công khai tài liệu Kế hoạch hành động tái định cư. UBND thành phố chấp thuận bố trí quỹ nhà tái định cư cho các ga ngầm tại khu N07 Dịch Vọng, quận Cầu Giấy và khu ao Hoàng Cầu.

Khi hình thành các nhà ga, hành khách có thể tiếp cận nhà ga thông qua phương tiện như xe buýt có bến đỗ gần nhà ga hoặc đi bộ. Đối với nhà ga trên cao, hành khách có thể đi thang bộ, thang máy và thang cuốn để di chuyển tới tầng trung chuyển để lên tàu. Trong tương lai, dự kiến khu vực lân cận nhà ga sẽ được phát triển và quảng bá cùng các trung tâm thương mại, kinh doanh và khu dân cư để hành khách có thể tận hưởng các hoạt động từ mua sắm tới ẩm thực... Toàn bộ các nhà ga sẽ được thiết kế phù hợp và an toàn cho mọi hành khách, bao gồm cả hành khách khuyết tật, phụ nữ mang thai, người cao tuổi và trẻ em. Cơ sở thiết bị nhà ga sẽ được thiết kế dựa trên khái niệm “Thiết kế cho tất cả mọi người”.

Khi xây dựng xong, hệ thống ĐSĐT sẽ đóng vai trò chính trong hệ thống vận tải công cộng tốc độ cao, khối lượng lớn. Vừa có chức năng gắn kết với các khu đô thị, khu công nghiệp, các trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch, trường học. Thiết lập một phương thức vận tải giao thông mới cho thành phố hiện đại trong tương lai tại Việt Nam; thúc đẩy sự chuyển đổi từ hình thức và thói quen sử dụng phương tiện cá nhân sang việc sử dụng loại hình vận tải công cộng.

Tuyến ĐSĐT số 3 giai đoạn 1 kéo dài 12,5 km, chạy từ ga Nhổn đến ga Hà Nội trong vòng 20 phút. Tàu sẽ chạy với tần suất 3 phút một lần nhằm cung cấp dịch vụ tiện lợi và đúng giờ cho hành khách. Đây là tuyến kết nối khu đô thị phía Tây với khu vực đô thị trung tâm thành phố sang khu vực phía Nam thành phố. Trong tương lai, Tuyến số 3 sẽ kéo dài tới Hoàng Mai ở phía Nam thành phố.

Depot Minh Khai (Bắc Từ Liêm) đang dần hình thành. Ảnh: Như Ý

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/%c3%b0uong-sat-do-thi-cap-thiet-cho-giao-thong-thu-do-967186.tpo