Đứng vững trong thế giới nghiêng

Cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Phòng Bầu dục trong Nhà Trắng tháng 7.2015 không chỉ là hình ảnh biểu tượng cho bước trưởng thành mới trong quan hệ Việt - Mỹ, mà còn một lần nữa ghi nhận sự đúng đắn trong chính sách đối ngoại của Việt Nam - sự chủ động, linh hoạt dựa trên những nguyên tắc bất biến với sự tồn vong của dân tộc.

Từ cơ hội bị bỏ lỡ

Quan hệ Việt - Mỹ đã trải qua một thời gian dài với bao nỗ lực để có chuyến đi đầy tính lịch sử như vậy. “Về thời điểm, phải nói không thể có lúc nào phù hợp hơn để thực hiện chuyến đi” - Đại sứ Bùi Thế Giang - Vụ trưởng Vụ Tây Âu - Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại Trung ương - nhận xét. Ông Giang điểm lại những cơ hội hai bên đã từng nỗ lực để thắt chặt quan hệ: Chỉ 11 năm sau khi Mỹ tuyên bố độc lập, vào năm 1787, Công sứ Mỹ tại Pháp Thomas Jefferson - người sau này trở thành Tổng thống thứ 3 của Mỹ - đã đề nghị gặp Hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh lúc đó đang ở Paris để tìm hiểu về giống lúa có thể mang về Mỹ. Đó có thể gọi là cuộc tiếp xúc chính thức đầu tiên giữa người Mỹ với người Việt Nam. Những năm sau đó, nhiều thương thuyền Mỹ đến Việt Nam nhưng quan hệ không thành do chính sách bế quan tỏa cảng của triều đình nhà Nguyễn. Rồi việc Bác Hồ chỉ thị cho Việt Minh hợp tác với Đồng minh chống phát-xít, cứu phi công Mỹ những năm 1940, thành lập Việt - Mỹ Thân hữu Hội ngay từ tháng 10.1945, đến việc trong hàng chục năm, từ thập niên 1940 đến thập niên 1950, Bác Hồ đã viết hơn chục thư, điện gửi lãnh đạo nước Mỹ, đề xuất nhiều ý kiến về quan hệ Việt - Mỹ, nhưng không được hồi âm tích cực, do những tính toán chiến lược của Mỹ và tình hình chính trị quốc tế thời kỳ đó.

Những cơ hội bị bỏ lỡ khiến hai nước phải trải qua một cuộc chiến tranh mà người Mỹ gọi là một chương đau buồn trong quan hệ hai bên. Với nỗ lực “gác lại quá khứ, vượt lên khác biệt, hướng tới tương lai”, Việt Nam và Mỹ đã đi tới mốc bình thường hóa quan hệ. 20 năm qua, hai nước đã đi được những bước tiến dài cả chiều rộng và chiều sâu, để từ cựu thù trở thành đối tác toàn diện. Chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư diễn ra vào đúng dịp kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, khẳng định sự trưởng thành trong quan hệ giữa một nước Việt Nam đang đổi mới với một siêu cường thế giới. “Bản thân việc Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam có mặt ở Mỹ đã là điều đầy biểu tượng ý nghĩa” - một nhà phân tích chính trị quốc tế nước ngoài nói với Báo
Lao Động.

“Hình thức lễ tân đón tiếp mà Chính phủ Mỹ dành cho Tổng Bí thư rất cao, nhất là nếu tính tới những khác biệt giữa hệ thống chính trị của hai nước” - ông Bùi Thế Giang - nguyên Đại sứ, Phó Trưởng phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, người đã nhiều tháng, nếu không nói là hằng năm, trực tiếp tham gia chuẩn bị và trực tiếp phục vụ chuyến thăm của Tổng Bí thư - nói. “Để có được kết quả đó, hai bên đã phải làm rất nhiều việc, trao đổi, thương lượng để có những thỏa thuận phản ánh ý chí chính trị của cả hai bên”.

Và cuối cùng, đã diễn ra chuyến thăm với nhiều cuộc gặp thẳng thắn, sâu sắc, thân mật như đã thấy. “23 hoạt động trong 3 ngày rưỡi ở thăm Mỹ! Trước khi đi, Tổng Bí thư chỉ thị làm sao tổ chức để mỗi hoạt động phải là một thông điệp. Chúng tôi đã cố gắng đáp ứng cao nhất yêu cầu đó của Tổng Bí thư” - ông Giang tiết lộ.

Khác biệt để hợp tác

Có một câu hỏi mà nhiều người đặt ra khi nói về quan hệ Việt - Mỹ: Khi nào thì hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược? Nhưng như chính Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius và cựu Đại sứ Mỹ Pete Peterson nói: “Điều quan trọng không phải ở tên gọi, mà ở nội hàm của quan hệ”.

Điều này thật sự đúng khi nhắc tới Tuyên bố Tầm nhìn chung mà hai nước công bố trong chuyến thăm của Tổng Bí thư. Có một điều thú vị mà ông Bùi Thế Giang kể lại, trước chuyến thăm, phía Mỹ nói họ không có nhu cầu và cũng không có tập quán ra tuyên bố chung, nhưng với ý nghĩa đặc biệt và tầm quan trọng của chuyến đi, với nỗ lực đàm phán hiệu quả của ta, Mỹ đã đồng ý ra tuyên bố chung. Trong bản Tuyên bố Tầm nhìn chung này, hai bên đã đánh giá đầy đủ, toàn diện 20 năm quan hệ vừa qua, rút ra bài học để hướng tới tương lai. Hai bên cũng thể hiện đồng quan điểm về những vấn đề lớn mà hai nước đang xử lý: TPP, biến đổi khí hậu, sức khỏe, quyền con người, an ninh, giải quyết hậu quả chiến tranh… và một lần nữa nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng hệ thống chính trị của nhau, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau. “Cần lưu ý rằng về hình thức văn bản, đây là tuyên bố giữa hai quốc gia, chứ không chỉ là giữa hai nhà lãnh đạo, ngay dù là ở cấp cao nhất. Điều đó đồng nghĩa với việc nước Mỹ công nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản ở Việt Nam” - ông Giang nhận định - “Sự khác biệt thể chế chính trị đã không ngăn cản hai bên hợp tác”.

Ở khía cạnh này, chuyến thăm có ý nghĩa vượt ra ngoài khuôn khổ quan hệ Việt - Mỹ. “Chuyến thăm của Tổng Bí thư đã nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên thế giới và là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản” - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Mão nói với Báo Lao Động trong một lần trả lời phỏng vấn mới đây. Không thể phủ nhận rằng chuyến thăm là biểu hiện của một chính sách đối ngoại đúng đắn, linh hoạt theo phương châm tích cực, chủ động, độc lập, tự chủ, đa dạng mà Việt Nam theo đuổi lâu nay.

Nếu nói về hoạt động đối ngoại của Đảng thì đã có những chuyến thăm quan trọng của các lãnh đạo cao nhất của Đảng tới các đối tác “không truyền thống” từ nhiều năm nay - ông Bùi Thế Giang nhắc lại. Gần đây nhất, một năm rưỡi trước chuyến thăm Mỹ, đã có một bước “đột phá” trong hoạt động đối ngoại của Đảng: Đó là chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Bỉ, EU, Italia, tới Vatican gặp Giáo hoàng và tới Anh. “Năm 2013 là tròn 40 năm quan hệ ngoại giao Việt - Anh. Trong 40 năm đó, kể cả khi hai nước đã nâng quan hệ lên đối tác chiến lược tháng 9.2010, nhiều lãnh đạo Nhà nước ta đã đi thăm Anh, nhưng chưa có Tổng Bí thư nào đi thăm Anh. Thủ tướng Anh cũng chưa thăm Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Ban Đối ngoại Trung ương đã kiến nghị tạo bước đột phá trong quan hệ, vận động để lãnh đạo ở các đối tác trên mời Tổng Bí thư sang thăm, từ đó mở ra nhiều quan hệ khác” - ông Giang nói.

“Cuộc gặp giữa Tổng Bí thư với Giáo hoàng cũng có thể coi là một đột phá trong kênh đối ngoại của Đảng. Thứ trưởng Ngoại giao Vatican chủ động có Công hàm gửi Đại sứ ta ở Italia nói rằng, họ biết tin Tổng Bí thư sắp đi thăm Italia, do vậy nếu Tổng Bí thư nhận lời đến thăm Vatican thì họ sẽ dành cho Tổng Bí thư sự đón tiếp theo cấp nguyên thủ quốc gia. Chuyến đi sau đó đã rất thành công. Trong lần đầu tiên tiếp xúc với người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, Giáo hoàng đã có thông điệp quan trọng gửi gắm đến giáo dân Việt Nam: Giáo dân tốt trước hết phải là công dân tốt”.

Dòng chữ trên lăng Bác

Kể lại những câu chuyện này, Đại sứ Bùi Thế Giang với nhiều trải nghiệm hoạt động ngoại giao song phương và đa phương, kết luận: “Chính sách đối ngoại của Việt Nam qua mỗi kỳ đại hội lại được điều chỉnh để có được như hôm nay và để ứng biến được với một thế giới thay đổi nhanh chóng, phức tạp và khó lường, như Đảng đã nhận định. Tuy nhiên, nhìn lại 30 năm đổi mới, có thể thấy rằng chính sách ấy luôn nhất quán trong việc giữ vững nguyên tắc độc lập, tự chủ, không dao động, ngả nghiêng và luôn phải lấy lợi ích đất nước là mục tiêu cao nhất. Chính điều đó đã giúp chúng ta đứng vững trong thế giới hiện nay”.

Ông Giang nhắc lại văn kiện Đại hội Đảng 1986, trong đó nêu “Tăng cường đoàn kết với Liên Xô luôn là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam”. “Trong đối ngoại, nếu chỉ coi quan hệ đối ngoại với một nước là hòn đá tảng, mọi thứ đều phải phát triển trên nền của hòn đá tảng đó, thì làm sao có một Việt Nam ‘đàng hoàng, to đẹp’ như ngày hôm nay. Điều đó cũng là trả lời cho câu hỏi khác mà nhiều người hay hỏi, là ‘Việt Nam đang dựa vào ai? Đang chông chênh, dựa bên này hay bên kia?’” - nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc quả quyết.

“Nghiêng bên nào” đã là câu hỏi trong một thế giới đầy biến động như ngày nay, nhưng linh hoạt và nguyên tắc là điều mà Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định, như ông Vụ trưởng lâu năm của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vừa nhắc tới. Ông cũng kể lại một câu chuyện nữa để minh họa cho điều mà ông lấy làm tâm đắc: “Ngày 16.6.2015, tôi đi đoàn tiền trạm chuẩn bị cho Tổng Bí thư thăm Mỹ về, vừa tới Hà Nội được 2 tiếng thì phải tới gặp, chuyện trò với một đoàn học viên Trường Võ bị Hoàng gia Anh. Trong cuộc gặp, có một vị hỏi tôi: ‘Chủ tịch Hồ Chí Minh hẳn còn để lại nhiều di sản cho Việt Nam hiện nay? Theo ông, di sản nào quan trọng nhất?’ Tôi nghĩ mấy giây rồi nói: ‘Có lẽ các bạn nên ra thăm lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để thấy trên đó có một dòng chữ lớn: Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Với tôi, đó là di sản lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là về đối ngoại’. Không độc lập, không tự chủ thì ta không còn là ta, đặc biệt trong thế giới toàn cầu hóa và hội nhập. Trước nay đã vậy, và sau này vẫn vậy”.

Mỹ Hằng

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/dung-vung-trong-the-gioi-nghieng-515047.bld