Đua nhau mua tích trữ rượu trước giờ khai tử "quốc lủi"

(Kienthuc.net.vn) - Lo lắng giá rượu sẽ tăng cao, người dân đổ xô đi mua "quốc lủi" để tích trữ. Tại nhiều làng nghề sản xuất rượu, số lượng rượu bán ra đã tăng cao gấp nhiều lần.

Tích trữ vì sợ giá rượu tăng cao

Kể từ ngày 1.1.2013, Nghị định (NĐ) số 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu (gọi tắt là Nghị định 94) sẽ có hiệu lực. Theo Nghị định 94 quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công bán ra thị trường phải có giấy phép sản xuất, trên sản phẩm có dán nhãn, bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại rượu phải đăng ký với UBND cấp xã nơi sản xuất; khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ, người nấu rượu cần xuất trình hợp đồng mua bán rượu với doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu cho các cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp bị kiểm tra.

Khi Nghị định này có hiệu lực, cũng là lúc rượu "quốc lủi" sẽ chính thức bị khai tử. Các hộ nếu muốn tiếp tục sản xuất thì phải đăng ký, và có giấy phép sản xuất. Với nhiều thủ tục, các hộ sản xuất rượu có quy mô nhỏ sẽ không đủ điều kiện để hoạt động. Đồng nghĩa, sản lượng rượu "quốc lủi" bán ra thị trường sẽ nhỏ hơn. Vì thế, lo lắng giá rượu sẽ tăng cao, nhiều người dân kinh doanh mặt hàng ăn uống, tổ chức tiệc cưới xin đã đổ xô đi các làng nghề mua rượu với số lượng lớn để...tích trữ.

Không chịu để mất nghề nhiều người vẫn tìm cách lách luật

Tại làng rượu nổi tiếng Văn Giang (huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương), ghi nhận của PV Kiến Thức tại một số hộ sản xuất rượu "quốc lủi", số lượng khách hàng đến lấy và mua rượu đông hơn ngày thường. Thậm chí, có khách hàng còn "đánh" cả ô tô về làng lấy rượu.

"Nhà tôi có một cửa hàng nhậu, lượng rượu tiêu thụ mỗi ngày tương đối lớn. Khi biết tin về Nghị định 94, tôi quyết định sẽ lấy số lượng hàng lớn hơn. Biết đâu, khi Nghị định có hiệu lực thi hành, rượu được đóng chai, có nhãn mác nhưng giá thành chắc chắn sẽ cao hơn. Làm ăn thì phải "tích tiểu thành đại", nên tiết kiệm tí gì hay tí đó. Mua về để đó cũng không hỏng được" ông Nguyễn Văn Thành, chủ cửa hàng ăn phường Tứ Minh ( TP Hải Dương) đã đánh cả ô tô về lấy rượu cho biết.

"Tháng 1.2013 gia đình tôi tổ chức đám cưới cho cháu trai, định đến gần ngày đó mới đi mua rượu. Nhưng sợ giá rượu sẽ tăng nên đi mua trước. Tôi lấy tạm 200 lít, thừa thì để uống dần", ông Nguyễn Văn Sinh (Hiệp Lực, Ninh Giang, Hải Dương) cho biết.

Giống như làng rượu Văn Giang, các cơ sở sản xuất rượu ở làng Vân (thôn Vân Xá, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang), cũng tấp nập hơn. "Từ khi biết đến Nghị định 94, khách hàng đổ xô về mua rượu khá đông. Cơ sở sản xuất rượu nhà tôi có 5 lao động làm việc cả ngày thậm chỉ đến nửa đêm để đủ số lượng khách đặt. Không biết, gần tết hay do tin Nghị định này sắp có hiệu lực, lo sợ giá tăng mà người ta mua nhiều với số lượng lớn như thế", ông Nguyễn Văn Hải, chủ cơ sở sản xuất rượu làng Vân cho biết.

"Lách luật" để hành nghề...

Mặc dù bán được nhiều hàng hơn so với thời gian trước, nhưng khi biết đến Nghị định 94 sắp có hiệu lực, nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ vẫn buồn thiu vì ngại đi đăng ký, xin cấp phép. Nhiều chủ cơ sở sản xuất rượu nhỏ lẻ đã tính chuyện "lách luật" để hành nghề.

"Tôi cũng chỉ thấy lượng khách hàng đến mua rượu đông hơn, chứ Nghị định 94 thì giờ anh nói tôi mới biết. Thấy khách đến mua nhiều thì vui. Trước bán cả tháng, giờ bán mấy ngày đã hết hàng, thu nhập cũng cao hơn. Nhưng giờ biết tin phải đi đăng ký, dán nhãn mác với nhiều thủ tục, không biết có nên sản xuất nữa không. Nhà tôi chỉ có một lò nấu rượu, mỗi ngày họ sản xuất chưa đến trăm lít rượu để bán cho địa phương lân cận thì đăng ký sao đây?". Bà Nguyễn Thị Mai, hộ gia đình sản xuất rượu ở làng Vân cho hay.

Nhiều người tích rượu vì sợ giá lên cao

"Cả nước có bao nhiêu cơ sở sản xuất rượu nhỏ lẻ, nên dù Nghị định 94 có hiệu lực thì lấy ai cho đủ người để kiểm tra, quản lý. Hơn nữa, nhà tôi sản xuất rượu quy mô nhỏ, nên chỉ bán cho người địa phương gần. Tôi vẫn sẽ nấu rượu, cùng lắm là chịu phạt, nếu không thì cũng có cách khác để tiếp tục làm nghề", Bà Trần Thị Thơm, chủ cơ sở sản xuất rượu ở xã Tam Đa cho hay.

"Những hộ nhỏ như gia đình tôi không đủ điều kiện để đi đăng ký. Hơn nữa đóng chai thì giá rượu sẽ cao, ít khách mua. Tôi vẫn sản xuất, cùng lắm là kết hợp với cơ sở ở đây đăng ký, rồi mang rượu cung cấp cho họ. Thương hiệu cũng không làm gì, miễn là sống được bằng nghề rượu", ông Nguyễn Quang Đại, xã Tam Đa (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) cho biết.đưa "sáng kiến".
TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/diem-nong/201212/dua-nhau-mua-tich-tru-ruou-truoc-gio-khai-tu-quoc-lui-888998/