Đưa hàng vào siêu thị: Thuận lợi và vướng mắc

(VEN) - Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao vừa tổ chức buổi tọa đàm với các DN để nêu lên những thuận lợi, khó khăn khi đưa hàng vào hệ thống siêu thị. Nội dung tọa đàm cũng nhắc nhở hệ thống các siêu thị xem xét lại các điều kiện khi làm việc với DN.

Nhộn nhịp mua sắm trong một Co-opMart

Cả nước hiện có 590 siêu thị, tập trung nhiều ở các tỉnh thành lớn như TP. HCM (150 siêu thị), Hà Nội (80 siêu thị), Đà Nẵng (25 siêu thị)…, trong đó có các thương hiệu nội địa lớn như: Co-opMart, Maxi Mart, Citi Mart, Vinatex Mart, Fivi Mart, Hapro Mart, … và nhiều tập đoàn nhà bán lẻ nước ngoài như Metro, Casino, Parkson, Lotte Mart, Cricle K, Dairy Farm, Family Mart

Theo thống kê, kênh siêu thị đang phát triển nhanh với tốc độ 27%/năm, nhất là các thương hiệu nội địa nhờ hiểu biết thị trường. Co-opMart, BigC, Vinatex Mart đang dẫn đầu doanh số và điểm bán. Co-opMart&Co-opFood có doanh số năm 2011 là 16 ngàn tỷ đồng (tăng 35% so năm 2010) với 59 siêu thị Co-opMart, 44 cửa hàng Co-opFood, hiện diện ở 35 tỉnh thành. Hệ thống Vinatex Mart có tốc độ tăng trưởng những năm gần đây 28%/năm với 74 điểm bán ở 29 tỉnh thành ...

Ông Hoàng Trọng, Giám đốc Nghiên cứu The Pathfinder, Giảng viên Đại học Kinh tế TP. HCM cho rằng, yếu tố thành công của hệ thống siêu thị là hàng hóa có chất lượng, vệ sinh, an toàn, có môi trường mua sắm tiện lợi, có nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn… BigC với slogan “Giá rẻ cho mọi nhà” và thường có nhiều chương trình khuyến mãi lớn trong năm như Beauty Fair vào tháng 3, tháng 10, nhất là trong các dịp lễ Tết…Co-opMart với slogan “Bạn của mọi nhà” có nhiều chương trình kích cầu như mùa sinh nhật Co-opMart, tháng 9 hàng Việt Nam chất lượng cao, tháng 10 dành cho khách hàng thành viên…

Tuy nhiên để tăng cạnh tranh, các siêu thị luôn tìm sản phẩm mới, đặc trưng, nhằm tạo lợi thế, đặc biệt là luôn mở rộng quan hệ hợp tác với các nhà cung cấp. Vì thế siêu thị hiện là kênh phân phối khá quan trọng và tiện lợi cho các DN sản xuất hàng hóa.

Khi đưa hàng vào siêu thị, DN được cung cấp thông tin thị trường, có hợp đồng tiêu thụ dài hạn, có khối lượng mua lớn, có cơ hội quảng bá thương hiệu, nhận được sự hỗ trợ, huấn luyện, tăng được các mối liên kết, hợp tác liên doanh sản xuất. Ngoài ra, sản phẩm của DN còn có thể được chuyển đến nhiều địa phương khác trong mạng lưới hệ thống của siêu thị. Ông Bùi Đức Huệ, Giám đốc Công ty phân phối Sao Việt, nguyên Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Giấy Sài Gòn cho biết, hàng trong Co-opMart chiếm 10% doanh số của công ty, trong Metro chiếm 7%, trong Big C chiếm 6%.

Tuy vậy, bên cạnh những thuận lợi trên, khi đưa hàng vào siêu thị, DN cũng gặp không ít khó khăn, khó khăn từ chính nội lực của DN và từ phương thức tiếp nhận hàng của các siêu thị. Theo ông Trịnh Ngọc Tùng, chuyên viên kênh MT - Tập đoàn Đa quốc gia hàng FMGC tại Việt Nam, nhiều DN vẫn còn sản xuất tự phát, thiếu thông tin thị trường nên sản phẩm chưa đáp ứng thị hiếu, nhu cầu, xu hướng tiêu dùng; vẫn còn nhiều sản phẩm có chất lượng không cao, chưa chú trọng đến bao bì, sản lượng cung ứng thấp, không điều… Vì thế sản phẩm khó đáp ứng yêu cầu cao của siêu thị về tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh thực phẩm, sản lượng cung ứng...

Hơn nữa, đưa hàng vào siêu thị DN còn phải chịu hàng loạt các chi phí cho việc hỗ trợ quảng cáo, khuyến mãi, phí thuê quầy kệ, chiết khấu... Qua tìm hiểu, ông Tùng cho biết, vào BigC DN phải chiết khấu quý cho trung tâm thu mua, chiết khấu tham gia chương trình khuyến mãi, hỗ trợ sinh nhật cửa hàng, chiết khấu theo doanh số.... Vào Metro cũng có nhiều khoản DN phải chi như hỗ trợ quảng cáo năm, thưởng thêm khi doanh số đạt các mốc 1 tỷ đồng, 5 tỷ đồng, hỗ trợ sửa kho, hỗ trợ khai trương. Tại Co.opMart cũng có các khoản DN phải chi như hỗ trợ chiến lược marketing dành cho sản phẩm, các chính sách marketing dành riêng cho hệ thống, các chương trình khuyến mãi, quảng cáo, hỗ trợ trưng bày…. Cũng có không ít siêu thị lại nói quá tốc độ phát triển của hệ thống trong tương lai để đưa ra mức tăng trưởng cao nhằm tăng phí thuê quầy kệ. Theo các DN, những khoản phí hỗ trợ trên DN đã phải đưa tất cả vào giá thành nên đôi khi giá sản phẩm cao so với mặt bằng chung.

Ngoài ra, một số siêu thị thường cắt đơn hàng vào cuối tháng, cuối năm để giảm tồn kho, thường trục trặc về mã hàng khiến sản phẩm chậm đưa ra quầy kệ. Tuy nhiên điều mà các DN lo lắng nhất là thời hạn thanh toán và việc trả lại hàng không bán được. Một DN cho biết thời gian thanh toán đôi khi kéo dài đến hơn 2 tháng. Điều bất lợi nữa cho DN khi đưa hàng vào siêu thị là thiếu khả năng thương thảo, ký kết hợp đồng. Hầu hết các siêu thị đều đưa ra hợp đồng mẫu và DN chỉ trả lời “Yes” hoặc “No”, không được thay đổi nội dung các điều khoản trong hợp đồng.

Qua cuộc tọa đàm trên có thể thấy, không ít đại diện các siêu thị, DN đã nhận ra các điều chưa ‘khớp” và sau buổi tọa đàm hai phía sẽ tiếp tục ngồi lại với nhau để tháo gỡ. Việc tháo gỡ này đặc biệt quan trọng trong thời điểm vấn đề tiêu thụ hàng tồn kho đang trở thành cấp thiết với các DN, cơ quan quản lý khi mà hệ thống siêu thị là kênh tiêu thụ hàng hóa hữu hiệu. Tháo gỡ các khúc mắc trên cũng sẽ góp phần khai thông một kênh tiêu thụ hiệu quả cho hàng Việt đáp ứng tốt chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt của Chính phủ./.

Phùng Long

Nguồn VENO: http://www.ven.vn/dua-hang-vao-sieu-thi-thuan-loi-va-vuong-mac_t77c440n30150tn.aspx