Dư vị bánh chưng ký ức ngọt ngào

Tròn 60 năm, kể từ ngày đầu tiên đón một Tết Việt Nam xa nhà. Có lẽ chúng tôi là trong số những đứa trẻ sớm được học tập ở nước ngoài. Đoàn Tàu xuất phát từ ga Bằng Tường, vượt qua Trung Quốc, Mông Cổ, Liên xô. Vào chừng nửa đêm, chúng tôi rời khỏi đoàn xe Liên vận để đến tàu Tiệp Khắc tại ga biên giới Chov. Từ đó chúng tôi theo tàu về ngôi trường của chúng tôi. Đó là một tòa nhà cổ, dưới con mắt của chúng tôi ngày đó là một lâu đài.

Mùa hè, xung quanh là bát ngát cánh đồng hoa. Tôi kinh ngạc vì màu hoa rực sáng, lung linh dưới ánh nắng hè dịu mát xứ Đông Âu. Mãi sau này tôi mới được biết, đó là hoa dại trên đồng cỏ ngút ngàt, trải dài tít tắp. Rồi mùa hè cũng trôi qua. Mới hồi nào một rừng cây xanh, bỗng vàng rực. Sự thay đổi màu sắc trên từng hàng cây. Nhưng nỗi ngạc nhiên lớn nhất của tôi là tuyết khi mùa đông đột ngột ập đến. Một đêm ngủ dậy, nhìn qua lớp kính mờ cửa sổ, một làn trắng tinh trải dài hết cánh đồng, hết hàng cây sồi, rặng táo, lê và phúc bồn tử, trên những mái nhà dân quanh vùng. Bây giờ tôi mới thật sự hiểu vì sao có từ “bông hoa tuyết”. Tuyết kết tinh giống như cánh hoa đào, hoa mơ, hoa mận, chỉ khác là màu của hoa tuyết trắng tinh, lấp lánh.

Tác giả gặp lại bà y tá Tupa sau hơn 50 năm.

Vào những ngày mùa đông rét mướt và kỳ diệu đó, Tết Việt Nam đã đến với lũ tôi. Tết chỉ diễn ra trong một ngày, nhưng đón tết thì lục rục trước đó cả tuần lễ. Trước hết là anh chị sinh viên học ở các thành phố đến thăm và ở lại đón tết với chúng tôi. Các chị cùng mấy bạn nữ cắt giấy màu làm hoa, cắm mỗi bàn ăn một “bát” hoa nhiều màu sắc pha trộn.Trong số sinh viên, có một người đang theo học trường Nghệ thuật Quốc gia giúp chúng tôi làm 2 việc hết sức ấn tượng, đến giờ nhớ lại tôi vẫn cảm thấy thất tuyệt vời.. Một là vẽ cho chúng tôi một cành đào bằng màu nước trên một tờ giấy khổ chừng 1,5m x 2m với dòng chữ “Chúc mừng năm mới” và một nữa, là cành đào. Bức tranh thì chỉ một người, nhưng cây đào, là một “dây chuyền” công nghệ. Một nhóm cắt xén giấy màu. Những chiếc kéo kêu tanh tách, vui tai. Một nhóm khác tỉa tót cánh hoa, phớt màu. Một nhóm dùng keo dính kết lên cành xum xuê nhánh nhỏ mà anh sinh viên họa sĩ đã tìm chọn cho chúng tôi cả mấy ngày trước đó. Khâu cuối cùng mới cần đến đôi mắt nghệ thuật. Anh ngắm nghía hồi lâu, bớt đi, thêm vào từng bông hoa trên từng nhánh nhỏ. Cuối cùng tôi thấy anh gật gù, tỏ ra hài lòng. Mãi sau này về nước, nhắc lại chuyện tết ngày đó với bạn bè đã cùng học tập ở Czech, tôi mới biết người sinh viên, tác giá cây đào kỳ diệu ngày dó là Thái Bá Vân, Nhà lý luận phê bình Hội họa nổi tiếng bậc nhất của Việt Nam.

Trong cảm giác lâng lâng chờ đợi nơi căn phòng sáng choang ánh điện, bỗng nghe tiếng còi ô tô. Mấy phút sau tiếng ông Giám đốc Jan Tupy cùng mấy giáo viên chào hỏi vọng vào từ cầu thang, chúng tôi mới hay có người của Sứ quán Việt Nam từ Praha đến chung vui. Món quà ấn tượng nhất đối với chúng tôi là 4 chai nước mắm và dăm chiếc bánh chưng.

Mỗi cô bé cậu bé ôm trước ngực một gói quà trong giấy bóng kính màu đỏ, mắt mũi sáng bừng, sung sướng. Mở đầu chương trình vui chơi, chị sinh viên Viện âm nhạc người Việt, chị Y Lan, con gái một luật sư Hà Nội chơi mấy bản nhạc trên chiếc piano cổ, là những bài hát quen thuộc của Việt Nam. Chúng tôi cùng vỗ tay, hát theo. Khi chị chơi đến bài “Đón chào năm mới” và bài “Thanh niên Dân chủ thế giới”, những người khách của chúng tôi vỗ tay hát theo, đặc biệt là những bạn Tiệp Khắc gần gũi, khách mời của chúng tôi. Cuối cùng là trò chơi may mắn đầy háo hức: “Hái Hoa Dân chủ”, hay còn gọi là fonfula. Đêm hôm đó tôi gặp may: Bắt được một phong bì nhỏ có số 61, trong đó là một tờ giấy màu hồng nhạt. Tôi đọc, giọng run run, hồi hộp: “Em hãy chọn một món quà mà em thích nhất, tặng cho người mà em yêu mến nhất cùng lời chúc năm mới dành cho người đó”. Tôi vô cùng lúng túng, không biết đó là món quà nào. Và ai là người tôi chọn để tặng quà đây. Người Tiệp hay người Việt. Khi được hướng dẫn đến trước bàn lớn, tôi cầm ngay chiếc bánh chưng vuông vức, và trong khoảnh khắc đó tôi nghĩ đến cô Tupa, y tá của trường, người chăm sóc tôi cách đây vài tuần trong trạm xá. Tìm cô không khó, ngay hàng ghế đầu. Khi trao chiếc bánh độc đáo của Việt Nam, tôi phát run lên vì tiếng vỗ tay kéo dài. Cô choàng ôm tôi, áp sát má vào tôi nói lời cảm ơn “Dequy jem – mnoho…”(Cảm ơn em rất nhiều).

Sáng ngày hôm sau cô y tá tìm tôi, gọi vào nhà riêng và nói:

- Vợ chồng tôi và hai cô con gái bé nhỏ cảm ơn về món quà đầu năm mới của em bé Việt Nam dễ thương. Theo lời chúc của các bạn, Năm Mới là may mắn. Chúng tôi chào đón Năm Mới và hy vọng. Còn chiếc bánh này, chúng tôi chưa được ăn bao giờ. Chỉ mới đụng vào, lá gói đã dính tay…chúng tôi vụng về quá, phải không. Em có thể giúp.

Buổi trưa mồng 1 tết năm đó tôi được cùng ăn một cái tết với gia đình bà y tá. Quanh mâm cơm bà kể cho tôi nghe những cái tết của người Tiệp. trong một năm người Tiệp có tới bảy tám tết, nhưng Noel là tết lớn nhất...

Mùa hè vừa qua tôi có dịp trở lại Cộng hòa Czech,trước đây là CHXHCN Tiệp Khắc. Đi trên con đường lát đá thân thuộc, tìm về ngôi trường xưa, bỗng thấy bồi hồi như được về quê cũ. Người đầu tiên tôi đến thăm là bà y tá Jana Tupa. Mái tóc màu hạt dẻ óng ả xưa, nay đã bạc trắng. Gặp bà bỗng nhiên ký ức thời xa xưa như một cuốn phim màu trong trẻo hiện ra trước mắt. Bà choàng vai qua tôi và điều kỳ lạ, là sau bao nhiêu năm xa cách mà bà vẫn nhận ra, và đọc rõ ràng tên tôi - Zima, Mùa đông thân mến. (Tên tôi, tiếng Czech có nghĩa là mùa đông – Zima).

- Một trăm cậu bé, cô bé ngày đó, tôi không thể nào nhớ hết được. Riêng với anh thì tôi không quên, ngay cả bây giờ anh đã thực sự thành ông già. Tại sao tôi lại nhớ tên anh ư. Tại vì “Mùa Đông” và tại vì tôi nhớ đến cái Tết đầu tiên của Việt Nam, một đất nước xa xôi trước đây tôi chưa hề biết đến.

Bà hỏi, tôi có nhớ không. Chuyện của tôi, bà nhớ, sao tôi có thể quên. Không phải ngẫu nhiên trở về trường cũ sau mấy chục năm, tôi lại tìm bà, một ngôi nhà nhỏ trong thị trấn Chrastava xa xôi. Đó là cái tết đầu tiên trên đất nước bạn, và có lẽ cũng là một ký ức ấm áp nhất mà tôi có thể nhớ về cái tết Việt Nam những năm tháng tôi sống và học tập ở nước ngoài.

Sau phút bồi hồi chuyện cũ, nét mặt bà trở nên tươi tắn, hai gò má ửng hồng. Bà nói với tôi và người bạn cùng đi. Người Việt các anh tình nghĩa. Đã mấy chục năm rồi vẫn lần tìm tôi. Lúc chia tay, bà choàng vai tôi, nói rõ từng tiếng “Bánh Chưng Việt Nam”, và hào hứng hát mấy câu bằng tiếng Việt bài hát quen thuộc.

Đoàn Tử Diễn

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/giai-tri/du-vi-banh-chung-ky-uc-ngot-ngao-105856