Dự thảo đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học: Khả quan

Bộ GDĐT vừa ban hành dự thảo quy định đánh giá xếp loại học sinh tiểu học. Liệu sự đổi mới này có đem lại kết quả khả quan nào, trong khi chương trình và sách giáo khoa vẫn nằm trong vòng "kiểm tra, đánh giá"?

Học sinh tiểu học sẽ được giảm áp lực thi cử. (LĐ) - Theo dự thảo, một số môn học chính thì đánh giá bằng điểm kết hợp với nhận xét, một số môn phụ đánh giá bằng nhận xét, quy định xếp loại hạnh kiểm, học lực... Một số đổi mới cũng được bộ ban hành như không tổ chức thi tuyển lớp 1, bắt đầu từ năm 2009-2010 chấm dứt việc dạy học theo kiểu "đọc- chép". Liệu sự đổi mới này có đem lại kết quả khả quan nào, trong khi điều kiện tiên quyết nhất để đổi mới, nâng cao chất lượng, đó là chương trình và sách giáo khoa vẫn nằm trong vòng "kiểm tra, đánh giá"? Thời khóa biểu - thước đo gáng nặng chương trình Giáo sư Hoàng Tụy đã từng day dứt: "Từ ngày đất nước mở cửa, GDĐT cũng có khá nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. Gần hai thập kỷ qua cũng đã bắt đầu một số cải cách. Tuy nhiên, những thay đổi hay cải cách đó cũng giống như những sự sửa chữa, cơi nới ở các khu nhà tập thể xây dựng từ thời bao cấp. Giáo dục của chúng ta cũng giống như cái nhà ấy, nó rất khác mọi nền giáo dục bình thường. Được xây dựng và quản lý theo những quan niệm cũ kỹ, "nó không giống ai", không theo quy củ thông thường, cho nên rốt cục rất tốn kém...". Cựu nhà giáo Phan Hoàng Mai, có thâm niên gần 30 năm đứng lớp cấp tiểu học nhận xét: Dự thảo của Bộ GDĐT giảm bớt gánh nặng "nhồi nhét" những môn mà không thể và không cần thiết bắt các em HS cấp tiểu học phải thuộc làu để được điểm. Những môn học đạo đức, tự nhiên và xã hội, âm nhạc, mỹ thuật, thủ công, thể dục thì HS bậc tiểu học chỉ dừng ở mức "làm quen". Hơn chục năm qua, Bộ GDĐT cũng đã có chủ trương không đánh giá bằng điểm một số môn, nhưng chỉ dừng ở lớp 1. Một HS lớp 1 mà phải học tới 13 môn học là quá sức tưởng tượng. Nói cho đúng thì cả thầy và trò đều phải "bò" ra để học, để tính điểm, để lên lớp. Nếu lãnh đạo Bộ GDĐT thấy được thời khóa biểu của HS các cấp bậc phổ thông, mới thấy được chương trình và SGK là gánh nặng trên vai học trò. Với 13 môn học được bộ đưa vào chương trình giảng dạy từ lớp 1 cho thấy quan điểm của bộ là phải đào tạo HS phổ thông một cách toàn diện, thế nhưng, bộ lại cải cách ở bậc THPT- chủ trương phân ban và chủ trương tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia lấy điểm xét vào ĐH- CĐ lại cho thấy chủ trương trong giáo dục của bộ không nhất quán giữa các bậc học trong hệ phổ thông. Mâu thuẫn này đẩy người dạy, người học vào thế đối phó, học để thi". GS Nguyễn Đức Chính - nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia - đưa ra quan điểm: "Mục tiêu của giáo dục phổ thông là cung cấp nguồn tuyển sinh cho các trường ĐH-CĐ hay chủ yếu là cung cấp nguồn nhân lực có trình độ, kiến thức phổ thông toàn diện có thể tham gia vào hoạt động, sản xuất, kinh doanh góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, đồng thời vẫn có khả năng học tập suốt đời để nâng cao chất lượng công việc, chất lượng cuộc sống?". Cần phải làm rõ mục tiêu này để có một chương trình, SGK phù hợp với mục tiêu đào tạo. Thực tế cho thấy như nhận xét của GS Văn Như Cương: "Chúng ta chưa thoát khỏi mô hình truyền thống của một nền "giáo dục ứng thí", trong đó mục đích chủ yếu của người học là để thi. Người học đáng ra phải thấm nhuần mục tiêu: Học để biết, học để làm, học để hòa nhập cộng đồng và để tự khẳng định mình..., còn thi cử chỉ là một khâu nhỏ trong học tập để đánh giá sự thu hoạch của người học, chứ không phải là mục đích cuối cùng. Thế nhưng nhìn vào không khí học tập ở ta hiện nay, hầu như toàn bộ nỗ lực của thầy và trò đều tập trung chủ yếu vào thi cử...". Phải chăng sự đổi mới của Bộ GDĐT thông qua Dự thảo "Đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học" chính là "khâu đột phá" từ bậc học đầu tiên của chương trình với chủ trương giảm tải đối với HS và GV? Các phụ huynh cần lựa chọn khi mua sách cho con em, tránh quá tải. Dư luận nói gì? Phấn khởi. Đó là câu trả lời của các bậc PHHS khi chúng tôi hỏi về dự thảo quy định không đánh giá bằng điểm với một số môn học ở bậc tiểu học. Anh Nguyễn Đức Bằng cho biết: "Quan điểm của tôi là ở lớp 1, Bộ GDĐT chỉ nên dừng ở các môn học như tiếng Việt, toán, mỹ thuật, âm nhạc, thể dục, đạo đức, thủ công, còn các môn như địa lý, lịch sử, khoa học, tự nhiên và xã hội thì nên để đến lớp 3 mới đưa vào chương trình. Nhồi nhét con trẻ quá sớm thì lợi bất cập hại, kết quả các kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH đã cho thấy điều đó. Đừng để HS có tâm lý sợ học, học để thi học kỳ. Mỗi kỳ thi học kỳ, đề cương các môn dài đến 4 - 5 trang giấy. HS được làm ở nhà, đến lớp cô giáo sửa những điểm sai rồi về học thuộc. Với cách học đó thì mỗi năm học kết thúc "chữ thầy lại trả cho thầy". Cô giáo Phạm Bích Ngọc thì băn khoăn: "Mặc dù bộ quy định không chấm điểm một số môn học bậc tiểu học, nhưng giáo viên vẫn phải hoàn thành toàn bộ chương trình đã được bộ phân phối, không được phép cắt xén; vì vậy, giáo viên vẫn phải dạy, HS vẫn phải học. Những môn học cần truyền đạt kỹ kiến thức cho HS thì lại thiếu thời gian, bởi chương trình đã phân bổ theo tiết học, giáo viên vẫn phải soạn bài, học sinh vẫn phải lên lớp học. Đây chính là sự bất cập lớn mà Bộ GDĐT cần phải có sự thay đổi với những môn nào học để biết, học để có kiến thức ứng dụng trong cuộc sống, để học nâng cao. Học nghề là một ví dụ. Tôi không hiểu các em HS bậc THPT phải học nghề thêu, móc, rồi cũng tổ chức thi cử, tính điểm cộng vào điểm thi tốt nghiệp". Một PHHS có email: hunganmy@yahoo.comn viết: Điều tôi muốn nói đến đó là chương trình- chương trình có vẻ hình như quá tải với HS, số môn học quá nhiều, có phải đây là ý tưởng của một nền giáo dục muốn đào tạo một con người hoàn thiện theo kiểu ngày xưa là "cầm, kỳ, thi, họa" hay không? Ông Dương Công Đá - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn - trăn trở: Bàn về giáo dục, chúng ta như lạc giữa rừng già, càng đi lại càng lạc. Cần phải dừng lại để xem bắt đầu lạc từ chỗ nào thì mới xác định được hướng đi đúng. Ông Nguyễn Đức ( Hà Nội) đề nghị Bộ GDĐT và các sở công bố đường dây nóng để người dân phản ánh việc giám sát chỉ đạo của bộ. Năm nay, bộ lại cấm tuyển sinh lớp 1, liệu bộ có cấm được không? Hay báo chí nói dữ quá thì bộ ra văn bản để làm yên lòng dư luận, hoặc cũng như bộ thay đổi phương pháp dạy học "đọc- chép" trong vòng 2 năm, liệu có tính khả thi hay cũng thêm một lần làm yên lòng dư luận? Ý kiến, quan điểm của bạn đọc về những vấn đề được đề cập trong bài báo xin gửi về email: diendanlaodong@gmail.com Nhóm P.V

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/du-thao-danh-gia-xep-loai-hoc-sinh-tieu-hoc-kha-quan/20098/152540.laodong