Du lịch ĐBSCL: Liên kết để thu hút

(Toquoc)- Cùng với việc đưa ra nhiều sản phẩm du lịch, nhiều tuyến hàng không được mở mới khiến cho việc đi lại thuận tiện hơn, sự chặt chẽ trong liên kết du lịch vùng hứa hẹn sẽ đưa du lịch Đồng bằng sông Cửu Long trở thành một trong những vùng du lịch trọng điểm.

Phát triển chưa xứng tiềm năng

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đa dạng về tự nhiên và các kiểu sinh vật cảnh ngập nước (bao gồm cả nước mặn và nước ngọt), hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, thích hợp cho việc trồng cây ăn quả và lúa nước. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng là vùng đất đẹp với hệ thống vườn quốc gia có nhiều loài động thực vật phong phú và đa dạng. Bên cạnh đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc, đặc biệt là Nghệ thuật Đờn ca tài tử đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nhiều lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của nhân dân vùng sông nước. Do đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long rất hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái, sông nước.

Nói đến du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long là nói đến những tour du lịch bằng thuyền, xuồng trên sông, khám phá những miệt vườn cây trái quanh năm tốt tươi, trải nghiệm cuộc sống thú vị của miền sông nước, thưởng thức loại hình Đờn ca tài tử độc đáo và những món ăn ngon, đặc sản của vùng. Tuy nhiên, do có sự tương đồng về văn hóa, lối sống, cảnh quan thiên nhiên nên sản phẩm du lịch giữa các địa phương trong vùng đều giống nhau. Và thực tế cho thấy, khách du lịch chỉ cần đến một tỉnh là có thể trải nghiệm được tất cả sản phẩm của vùng, tạo cảm giác nhàm chán cho du khách.

Trong khi đó, theo Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết: Cho tới nay, các doanh nghiệp lữ hành của vùng này chủ yếu đóng vai trò nối tour cho các doanh nghiệp lữ hành của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh khác. Trên 95% lượng khách quốc tế đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long là do các doanh nghiệp ngoài vùng đưa đến.

Tính đến nay, cả 13 tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long mới có 33 doanh nghiệp lữ hành quốc tế trong tổng số 1559 doanh nghiệp lữ hành quốc tế của cả nước, chiếm khoảng 2,1%. Có hai tỉnh là Long An và Sóc Trăng không có doanh nghiệp lữ hành quốc tế.

Điều đó khẳng định: Lực lượng kinh doanh lữ hành của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long còn ít, thiếu chuyên nghiệp. Hầu hết doanh nghiệp lữ hành quốc tế chưa trực tiếp khai thác, thu hút được khách du lịch quốc tế, ít nghiên cứu, tiếp cận và thâm nhập thị trường nước ngoài.

Bên cạnh đó, những vấn đề như: hệ thống cơ sở lưu trú, nhà hàng, khu vui chơi giải trí… tại khu vực chưa đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Thêm nữa, vùng cũng chưa xây dựng được sản phẩm du lịch đặc thù, chưa có sự đầu tư xây dựng sản phẩm mới mà vẫn khai thác chủ yếu trên những tiềm năng sẵn có. Các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương chưa có hướng xây dựng sản phẩm đặc trưng mà đầu tư theo phong trào, do đó, sản phẩm giữa các địa phương chưa có sự khác biệt tạo cảm giác nhàm chán cho khách du lịch. Sản phẩm du lịch có điều kiện hội nhập còn nghèo nàn, đơn điệu, trùng lắp như du lịch miệt vườn thì ở địa phương nào cũng chỉ có các loại hình như: bơi xuồng, hái trái cây, trồng lúa, hái rau, tát mương bắt cá, nướng cá, đờn ca tài tử…

Chính vì vậy, để thu hút khách du lịch, đặc biệt là trong Năm du lịch quốc gia 2016 Phú Quốc- Đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương phải có sự liên kết, có sản phẩm du lịch đặc thù.

Nhà thờ Cái Bè, địa điểm thu hút nhiều khách du lịch khi đến vùng Tây Nam bộ (ảnh: Nam Anh)

Thực hiện hiệu quả Chương trình liên kết

Nguyên nhân khiến du lịch Đồng bằng sông Cửu Long phát triển “khiêm tốn”, đã từ lâu và cũng nhiều ý kiến cho rằng do “mạnh ai nấy làm” hay nói khác đi là tự phát, sự liên kết, phối hợp trong phát triển du lịch không chặt chẽ, không khoa học. Ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có những nét văn hóa, thiên nhiên khá tương đồng vì vậy, khi khai thác theo một kiểu thì dễ tạo ra những tour tương tự nhau, dễ gây nhàm chán cho du khách. Hơn nữa trong khâu quảng bá, xúc tiến cũng không có sự phối hợp nên còn nhỏ lẻ, chưa thật sự tạo được ấn tượng mạnh đối với du khách.

Để du lịch đồng bằng sông Cửu Long có những bước tiến vững chắc và mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, các địa phương trong vùng phải nghiên cứu và thực hiện nhiều giải pháp hợp lý và đồng bộ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Minh- Giám đốc Sở VHTTDL Tiền Giang: “Do điều kiện tự nhiên, sản phẩm du lịch hiện đang khai thác của các tỉnh trong vùng thường trùng lắp nhau, nên để phát triển, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, các tỉnh không thể tách rời sự phát triển chung của vùng. Phải dựa trên thế mạnh của từng khu vực, từng địa phương, tạo ra sản phẩm đặc thù với những chương trình phong phú, hấp dẫn du khách”.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên cũng từng cảnh báo sự liên kết vừa qua của một số tỉnh trong phát triển du lịch là theo “ý chí của lãnh đạo", phần lớn người làm du lịch chưa liên kết được với nhau mà thực chất là cạnh tranh.

Điều này cũng được Giám đốc Sở VHTTDL Tiền Giang, ông Nguyễn Ngọc Minh đồng quan điểm. Ông Minh cho biết, trong giai đoạn 2011- 2015, Tiền Giang đã ký kết Chương trình liên kết, hợp tác với các tỉnh trong Cụm duyên hải phía Đông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long và với TP Hồ Chí Minh. Nhưng theo ông Minh: “Chương trình liên kết, hợp tác vẫn còn những mặt hạn chế. Do công tác phối hợp, hợp tác còn bị xem nhẹ, lãnh đạo các đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến hiệu quả của Chương trình liên kết”.

Về việc liên kết, Sở Du lịch Hà Nội biết: Trong những năm qua, Hà Nội đã chủ động liên kết phát triển du lịch với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, việc hợp tác phát huy hiệu quả với hàng chục nghìn lượt du khách từ Hà Nội đến du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa thể hiện đúng tiềm năng vốn có. Tới đây, để liên kết đạt hiệu quả thì Hà Nội nhận định, phải liên kết xây dựng sản phẩm, trong xúc tiến, tuyên truyền quảng bá du lịch và trong hợp tác đào tạo nguồn nhân lực.

Theo Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch), các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần tăng cường liên kết doanh nghiệp và sản phẩm du lịch của vùng với khu vực phía Bắc.Khuyến khích thành lập và phát triển các công ty du lịch ngang tầm với quy mô và tiềm năng du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có thương hiệu mạnh và uy tín lớn, có mạng lưới phục vụ du lịch rộng khắp vùng và hiệu quả cao. Đồng thời, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp lữ hành trên cả nước, đặc biệt là từ phía Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng trong việc kết nối tour, tuyến du lịch và trao đổi khách.

Tổ chức đón các đoàn doanh nghiệp và báo chí miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội vào khảo sát các điểm đến và dịch vụ tại vùng, tổ chức các chương trình triển lãm, hội nghị, các chương trình xúc tiến du lịch tại miền Bắc nhằm quảng bá, giới thiệu về tiềm năng du lịch của vùng.

Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các tỉnh phía Bắc. Giữa các địa phương trong vùng thì liên kết phải hình thành được chuỗi các sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng cao, gồm sản phẩm gắn với du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái và các sản phẩm gắn với nghiên cứu, tìm hiểu các giá trị văn hóa dân tộc, nghiên cứu sinh thái, nghỉ dưỡng biển… với các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội, trên cơ sở hợp tác các bên cùng có lợi, trong đó có những nội dung như trao đổi khách giữa các bên, kết nối tour, tuyến du lịch liên kết trong công tác xúc tiến, quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực… và có chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch…

Với nhận thức như vậy, hy vọng trong năm 2016, Năm Du lịch quốc gia Phú Quốc, Đồng bằng sông Cửu Long, vùng sông nước phương Nam sẽ có những sản phẩm du lịch độc đáo, những liên kết chặt chẽ để thu hút du khách, phát triển du lịch bền vững.

Dạ Minh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.gov.vn/sites/vi-vn/details/21/kinh-te-du-lich/140046/du-lich-dbscl-lien-ket-de-thu-hut.aspx