Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành: Tăng sức hút cho khu vực phía Nam

Trong số 16 tuyến cao tốc thuộc trục cao tốc Bắc – Nam phía Đông, tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành dài 57,8 km với tổng mức đầu tư lên tới 1,61 tỷ USD được đánh giá có hiệu quả kinh tế rất lớn.

Đây là khẳng định của lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), chủ đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành theo hình thức xây dựng - sở hữu – kinh doanh (BOO). Theo tính toán của Liên danh Takahira – OC (Nhật Bản), đơn vị tư vấn chuẩn bị Dự án, nếu áp dụng mức thu phí dự kiến là 1.000 đồng/PCU/km, chỉ số nội hoàn kinh tế (EIRR) của Dự án lên tới 30,13%. Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành có điểm đầu tại nút giao giữa đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương và Dự án đường Vành đai 3 (tại Km12+100 - lý trình đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) và kết thúc tại nút giao với Dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Với tổng chiều dài 57,8 km, tuyến đường cao tốc Bến Lức – Long Thành sẽ đi qua Long An (các huyện Bến Lức, Cần Giuộc); TP.HCM (các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ) và tỉnh Đồng Nai (các huyện Nhơn Trạch, Long Thành). Được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, với tốc độ thiết kế 120 km/h, tuyến đường cao tốc Bến Lức – Long Thành sẽ gồm 8 làn xe (trước mắt, trong giai đoạn 1, VEC sẽ huy động vốn để triển khai 4 làn xe). Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn I khoảng 1,61 tỷ USD (tính ra chi phí đầu tư bình quân cho xây dựng 1 km đường cao tốc của Dự án vào khoảng 28 triệu USD). “Suất đầu tư tại Dự án này tương đối cao, bởi đây là tuyến đường cao tốc được xây dựng theo tiêu chuẩn hiện đại nhất Việt Nam, với 26 km cầu cạn và cầu vượt sông”, ông Mai Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc VEC cho biết. Theo nội dung của buổi làm việc với Đoàn tìm hiểu dự án của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chuẩn bị cho việc thu xếp khoản vay giai đoạn xây dựng tháng 9/2010, tuyến đường cao tốc Bến Lức – Long Thành gồm 3 phần: phần phía Tây (từ Km0 đến Km21+400), phần giữa (từ Km21+400 đến Km32+300) và phần phía Đông (từ Km32+300 đến Km 58). Trong đó, ADB sẽ tài trợ khoảng 635 triệu USD cho công tác xây lắp phần phía Tây và phía Đông; Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ tài trợ 634,8 triệu USD cho phần giữa tuyến; công tác giải phóng mặt bằng tái định cư, rà phá bom mìn, phần còn lại của thuế trong nước trị giá 336,9 triệu USD được thực hiện bằng vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Ông Ngô Thịnh Đức, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, khi hoàn thành, Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành sẽ cung cấp thêm một tuyến cao tốc đa mục tiêu cho khu vực đầu tàu kinh tế phía Nam. Cho dù chỉ là một đoạn của đường cao tốc Bắc Nam qua khu vực TP.HCM, nhưng trong mạng giao thông TP.HCM, đoạn tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành là cạnh đáy phía Nam của đường vành đai 3. Trong thời kỳ đầu, đường cao tốc này có chức năng chủ yếu là giao thông liên vùng giữa phía Tây và phía Đông không phải quá cảnh qua TP.HCM, nối trực tiếp với mạng đường cao tốc – quốc lộ, với hệ thống cảng biển Hiệp Phước, Thị Vải-Cái Mép và với Sân bay quốc tế Long Thành. Khi các khu đô thị TP.HCM phát triển trên hầu hết phạm vi lãnh thổ của Thành phố, thì cùng với đường vành đai 3, tuyến cao tốc này sẽ đảm nhiệm thêm chức năng giao thông vành đai đô thị do bao quanh khu vực nội thành trên phạm vi rộng, đi gần một số đô thị vệ tinh và giao cắt với hầu hết các đường hướng tâm, xuyên tâm của thành phố – tương tự như đường vành đai 2 hiện nay. Nhờ đó có thể giúp phân luồng giao thông từ xa, giảm bớt mật độ xe tập trung ở vùng nội thành. Bên cạnh đó, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ kết nối với đường cao tốc TP.HCM - Vũng Tàu (dự kiến) tạo thành một phần của tuyến Hành lang Kinh tế phía Nam thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) từ Bangkok qua Phnom Penh, TP.HCM đến Vũng Tàu. “VEC đã hoàn thành xong Báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) và chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành để có thể khởi công công trình vào quý III/2011 và hoàn thành sau đó 4 năm”, ông Anh cho biết.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietkinhtedautu/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/kinhtedautu/cohoidautu/aa0aa5ae7f00000100f7253175a994d6