Dự án bauxite: Càng làm càng lỗ

Nếu như trước đây, Tập đoàn than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cố gắng thuyết phục dư luận rằng hiệu quả kinh tế 2 dự án (DA) khai thác bauxite Tân Rai và Nhơn Cơ rất cao, thì nay lại đối mặt nguy cơ lỗ nặng vì giá xuất khẩu alumin thấp hơn giá thành. Cùng với đó, việc tính sai DA cảng Kê Gà phải tạm dừng, bế tắc tìm đường vận chuyển alumin xuất khẩu… cũng đang đặt ra nhiều thách thức cho TKV. Còn sớm để nói 2 từ phá sản, thế nhưng con đường tiềm ẩn rủi ro khó lường của TKV phía trước.

Theo các số liệu công bố, tổng vốn đầu tư Nhà máy alumin Tân Rai là 700 triệu USD, Nhà máy alumin Nhơn Cơ là 655 triệu USD. Sản phẩm alumin bán trong nước chiếm tỷ lệ nhỏ, chủ yếu xuất khẩu. Về hiệu quả kinh tế, nhìn vào giá bán alumin đàm phán giữa TKV và đối tác hiện nay, TKV chưa thể nghĩ tới chuyện có lãi.

Bất lợi trước hết vì đầu ra alumin phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc. Chúng ta chưa chủ động mở rộng thị trường tiêu thụ để có thể đàm phán tốt nhất theo giá thị trường. Đáng lo ngại hơn, Việt Nam không phải đối tác quan trọng cung cấp alumin phục vụ cho ngành luyện nhôm Trung Quốc, nên sức cạnh tranh về giá giữa ta với các đối tác của họ (Trung Quốc) sẽ gay go hơn nhiều.

Trong năm 2013, Nhà máy alumin Tân Rai dự kiến sản xuất 300.000 tấn, tức mới đạt 50% công suất thiết kế. Nếu công suất vận hành Nhà máy alumin Tân Rai đạt 100%, giá thành alumin xuất xưởng tại chỗ phải xấp xỉ 375USD/tấn.

Trên thực tế, giá xuất khẩu alumin tại cảng dao động 340-345USD/tấn, cộng thêm chi phí vận chuyển, thuế xuất khẩu 20%/tấn, TKV sẽ lỗ trên 100USD/tấn. Điều này cho thấy rằng càng sản xuất nhiều càng lỗ lớn.

Về hiệu quả phương án vận chuyển, khi chưa có hệ thống đường sắt, TKV sử dụng ô tô vận chuyển alumin với quãng đường hàng trăm cây số là kém hiệu quả, chưa kể xe tải TKV bị khống chế tải trọng. Trước mắt, giai đoạn 1 TKV sử dụng cảng Gò Dầu (Đồng Nai) xuất khẩu alumin.

Giai đoạn 2, alumin sẽ chuyển hẳn sang cảng Vĩnh Tân (Bình Thuận), nhưng lộ trình này cũng chỉ mới dừng lại ở khâu lập phương án, nên phải tính toán thật kỹ bởi trước đó TKV đã tính sai DA cảng Kê Gà, làm thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng của các dự án du lịch tại địa phương.

Cái khó là 2 lộ trình vận chuyển alumin về Đồng Nai và Bình Thuận hiện nay xuống cấp nghiêm trọng. Nếu sử dụng xe trọng tải lớn, TKV phải đầu tư nâng cấp, cải tạo cầu đường. Đơn cử, vốn nâng cấp các tuyến đường Quốc lộ 20, tỉnh lộ 725, tỉnh lộ 769, phục vụ vận chuyển alumin từ nhà máy về cảng Gò Dầu (Đồng Nai) mất khoảng 2.000 tỷ đồng.

Vốn đầu tư nâng cấp các con đường vận chuyển alumin về cảng Vĩnh Tân theo tỉnh lộ 714, Quốc lộ 1, Quốc lộ 28 là 2.800 tỷ đồng. Lẽ ra, trong quá trình khảo sát, lập DA, TKV phải tính chi phí làm hạ tầng vào DA, triển khai ngay từ đầu (Bộ Giao thông - Vận tải lúc đó đã yêu cầu dự án phải đầu tư các tuyến đường bộ đưa vào tính toán) để có cơ sở đánh giá hiệu quả kinh tế.

Bất cập ở chỗ, không hiểu vì lý do gì, TKV gạt bỏ nhiều hạng mục hạ tầng ra khỏi DA, “đá” gánh nặng này cho Nhà nước. Thiếu sót này không chỉ lỗi của người lập dự án, mà còn trách nhiệm của cơ quan phê duyệt là Bộ Công Thương. Khi các địa phương phản ứng dữ dội, tuyên bố sẽ “thẳng tay” phạt nặng xe tải TKV, tập đoàn này mới chịu “rót” một ít tiền tu sửa vài con đường.

Tuy nhiên, tiến độ cải tạo đường sá theo các tỉnh báo cáo diễn ra chậm vì TKV chậm cấp vốn. Xem ra kế hoạch sản xuất, vận chuyển alumin ra cảng Gò Dầu xuất khẩu trong năm nay có nguy cơ phải dừng lại.

Vừa qua, DA cảng Kê Gà (Bình Thuận) phá sản do không nghiên cứu một cách thấu đáo, một lần nữa gióng lên tiếng chuông cảnh báo khả năng thành công ở DA khai thác bauxite ở Tây nguyên. Năm 2007, Chính phủ chấp thuận chủ trương xây dựng DA cảng Kê Gà, 12 DA du lịch buộc ngưng lại để TKV xây dựng cảng xuất khẩu alumin, với tổng vốn đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng.

Khởi động từ năm 2009, đến nay TKV chi ra vỏn vẹn 4-5 tỷ đồng bồi thường cho số doanh nghiệp bị ảnh hưởng, riêng các hạng mục cảng hầu như không nhúc nhích. Sự án binh bất động dẫn đến phá sản của TKV tại DA này có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính xuất phát từ khâu tính toán, dự báo chệch choạc.

Chẳng hạn, theo tiến độ giai đoạn 1 DA cảng Kê Gà, TKV sẽ đầu tư vào cảng này 3.800 tỷ đồng, công suất thiết kế 3,5 triệu tấn/năm. Trong khi đó, thực tế hiện 2 tổ hợp chế biến bauxite Tân Rai và Nhơn Cơ mới đạt công suất 1,3 triệu tấn/năm, như vậy làm sao đáp ứng sản lượng hàng qua cảng như dự báo đầy “lạc quan” là 3,5 triệu tấn/năm của TKV trước đó?

DA cảng Kê Gà nay đã dừng (được thay thế bằng DA cảng Vĩnh Tân, dự kiến hoàn thành trong năm 2014), dù muộn nhưng cần thiết đối với TKV, bởi nó đã gây tổn nhất nặng nề cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung.

Alumin hiện đã bán ra thị trường trong nước và sẵn sàng xuất khẩu. Nhưng những ngày qua, nhiều chuyên gia kinh tế, chuyên gia ngành khai khoáng đồng loạt lên tiếng cho rằng nên dừng DA khai thác bauxite ở Tây nguyên càng sớm càng tốt. Ít người tin vào khả năng thành công của DA, đồng thời đưa ra cảnh báo nó sẽ gây thiệt hại lớn ở nhiều phương diện nếu còn tiếp tục.

Dân gian có câu: “mất bò mới lo làm chuồng”. Còn với DA bauxite này, xem ra “bò chưa mất nhưng khó làm chuồng”.

Để tìm lối ra cho DA khai thác bauxite ở Tây nguyên, thiết nghĩ ngoài nỗ lực của TKV, rất cần các cơ quan cao nhất như Quốc hội, Chính phủ và các sở, ngành liên quan, các chuyên gia hàng đầu cùng ngồi lại tính toán kỹ hiệu quả DA, đưa ra giải pháp tháo gỡ kịp thời hoặc kiên quyết dừng DA.

Nguồn SGGP: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20130223/du-an-bauxite-cang-lam-cang-lo.aspx