Dự án 600 Phó chủ tịch xã - không phải để “làm chính sách”

NDĐT - Dự án đưa 600 trí thức trẻ về làm Phó chủ tịch xã tại các huyện nghèo là dự án đang nhận được sự quan tâm của nhiều trí thức, lãnh đạo các tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Vấn đề đang được đặt ra là việc tuyển chọn, bố trí nhân lực thế nào cho phù hợp, phát huy được hết sức trẻ, tri thức của đội ngũ này, tạo sức bật cho các địa phương tiếp nhận?

Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn cho biết, 600 trí thức trẻ được lựa chọn để đưa về làm Phó Chủ tịch xã thuộc 62 huyện nghèo nhưng không có nghĩa là họ có thể trở thành công chức ngay vì sau này, nếu không đạt yêu cầu, không phát huy được thì sẽ rất khó. Theo dự án, các trí thức trẻ này sẽ được hưởng chế độ như công chức, khi được sắp xếp vào xã hay lên huyện thì mới bố trí vào công chức. Lãnh đạo Sở Nội vụ của các tỉnh thuộc dự án thẳng thắn nêu rõ, người được chọn để tạo nguồn cán bộ bổ sung phải có trình độ chuyên ngành cơ bản phù hợp với cơ sở và đặc điểm phát triển kinh tế xã hội địa phương. Xã nào có điều kiện phát triển mạnh về lĩnh vực nào thì bố trí cán bộ có trình độ liên quan về lĩnh vực đó, gắn với tình hình thực tế địa phương để tuyển chọn, bổ nhiệm sau này được phù hợp. Nhiều người bày tỏ lo ngại rằng hiện này theo dự án, vấn đề “đầu ra” cho các em chưa vững chắc, đưa các em về khi yếu tố pháp lý chưa đầy đủ, các em sẽ hoạt động hết sức khó khăn vì muốn lên Phó Chủ tịch xã phải trải nghiệm rất lâu thì mới có thể đứng ở cương vị đó. Đứng trước đồng bào mà chưa hiểu hết phong tục tập quán, chưa có trải nghiệm trong công tác quản lý nhà nước, chưa gắn chặt với vùng đó sẽ gặp không ít trở ngại. Phải tính đến việc lo đầu ra, lo biên chế cho 600 người. Nếu các đội viên dự án không tiếp tục ở xã nữa phải được giao cho huyện, tỉnh bố trí xét tuyển theo quy định, khi dự án hoàn thành, các em có công việc đâu vào đó, phấn đấu tốt sẽ tiếp tục được đào tạo lên cao hơn. Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn khẳng định: Trong quá trình tuyển chọn, ưu tiên những người có khả năng quản lý, thanh niên là người dân tộc thiểu số, người thuộc tỉnh có huyện nghèo, người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Đặc biệt, hết sức tránh những trường hợp chính sách, vì đây không phải là để hưởng thụ, mà phải lao tâm khổ tứ cùng lãnh đạo địa phương đưa vùng khó đi lên. Do đó việc tuyển chọn phải được làm chặt chẽ, bài bản. Còn các tỉnh có trí thức trẻ về công tác cần tạo điều kiện cho họ phấn đấu hoàn thành trách nhiệm của mình. Đồng tình với quan điểm này, song Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hồ Đức Phớc cho rằng, tỉnh sẽ tạo điều kiện cho các em vì các huyện nghèo rất cần cán bộ trẻ nhiệt huyết, có kiến thức chuyên môn, đặc biệt là ở các lĩnh vực như nông, lâm, ngư, quản lý đất đai. Nhưng điều quan trọng là họ phải là người có tâm mới có thể gắn bó với những vùng đất nghèo, phải có khả năng hướng dẫn bà con phát triển cơ sở hạ tầng miền núi, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo gắn với bảo vệ rừng, bảo vệ an ninh biên giới. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Văn Du, việc đưa trí thức trẻ về hai huyện nghèo là Ba Bể và Pắc Nặm chính là cơ hội để các huyện nghèo trên địa bàn có cán bộ giúp địa phương thoát nghèo bền vững. Do vậy phải chọn được những người có tinh thần xung kích, tình nguyện thật sự, tình nguyện đồng cam cộng khổ, giúp bà con vùng khó khăn thoát nghèo.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/chinh-tri/tin-chung/d-an-600-pho-ch-t-ch-x-khong-ph-i-lam-chinh-sach-1.295158